Thầy giáo làng, kỳ 44

by Tim Bui
Thầy giáo làng, kỳ 47

NGUYỄN TRỌNG HIỀN


Xã Long nắm chặt tay ghế như thể có thể nghiền chúng thành mùn cưa. Mặt hắn đỏ bừng và méo mó. Vợ hắn ngồi cạnh tỏ ra kín đáo hơn nhưng cũng sửng sốt trước tin chuyện cầu hôn của con trai gặp trở ngại. Với một động tác nhanh và mạnh, hắn giậm chân phải xuống sàn nhà.

“Ai đã nói ‘không,’ con nhãi con hay cha mẹ của nó?”

Bà Bí đã quen đối phó với những phản ứng như vậy, và bà rất hoan nghênh sự bộc phát của Xã Long vì nó đúng theo kế hoạch của mình. Bà ta càng làm cho chuyện mai mối có vẻ khó khăn bao nhiêu, thì bà sẽ thành công vẻ vang bấy nhiêu khi cuộc hôn nhân thành tựu. Bà Bí tin tưởng hoàn toàn bà sẽ làm cho cô gái nhà quê đó phải cúi đầu. 

“Cô ấy là người nói không, thưa ông Xã Trưởng. Cô ấy nói không muốn lấy chồng.”

“Có chuyện gì với nó vậy? Cha mẹ nó nói gì?”

“Thoạt đầu họ rất vui vẻ khi biết cô con gái họ là người mà quan Tuần Phủ muốn lấy làm vợ, nhưng bây giờ thì tôi không chắc nữa.”

“Con bé hư hỏng đó! Làm sao nó dám nói không với con trai tôi? Anh ấy là quan tuần phủ của tỉnh này! Chính nhà vua đã bổ nhiệm anh ta vào chức vụ đó!”

“Ông ơi, đừng hét lên như thế,” cuối cùng bà vợ Xã Long cũng phải lên tiếng. “Bà mối có thể nghe ông rất rõ, và ông không phải thuyết phục bà ta.”

Xã Long trút giận lên đầu vợ.

“Còn bà ngồi đó làm gì? Phải làm cái gì đó về chuyện từ chối này! Con trai của bà có thể về nhà bất cứ ngày nào bây giờ. Bà có muốn là người nói cho nó biết không thể kết hôn với con bé đó không?” 

Bà vợ không đếm xỉa đến ông chồng. Thay vào đó bà nhìn vào Bà Bí và hỏi:

“Họ có đưa ra lý do nào không? Có ai khác không?”

Bà vừa nói xong thì cô con gái bước vào phòng. Được báo động bởi tiếng la hét của cha mình, Kim Liên muốn tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Bà Bí làm như không thấy nàng và bình tĩnh trả lời Xã Long.

“Tôi nghĩ có thể có ai đó khác, nhưng tôi không chắc.”

“Bà có biết người ấy là ai không?”

“Một người thầy giáo làng, thầy Tâm.” 

Xã Long gầm gừ ngay lập tức.

“Cái gì, anh ấy nữa? Làm thế nào anh ta có thể? Cái gì…?”

Hắn không nói nốt và tự hỏi tại sao anh thầy giáo làng đột nhiên đóng vai trò quan trọng như vậy trong cuộc sống gia đình hắn, bắt đầu với sự giải cứu con gái của mình, và bây giờ trở thành một trở ngại trong kế hoạch hôn nhân của con trai.

Kim Liên chăm chú nghe, và quyết định đã đến lúc nàng phải lên tiếng. Kể từ khi bị bắt cóc, nàng không cần để ý đến thầy Tâm nữa, nhưng nàng muốn biết những gì đang xảy ra giữa chàng và cô gái nhà Cả Nguyên.

“Bà Bí, làm sao bà có thể chắc chắn như vậy? Cô ấy hay cha mẹ cô ấy nói thế với bà?”

“Không, họ không nói gì, nhưng những người như chúng tôi lẽ dĩ nhiên biết về những điều này.”

Kim Liên tiếp tục ép bà mối.

“Thầy Tâm chỉ quan tâm đến việc giảng dạy của mình và dân làng lâu nay vẫn nghĩ rằng thầy sẽ độc thân suốt đời hoặc ít nhất là rất lâu.”

“Nếu muốn, tôi có thể quay lại và hỏi thêm cha mẹ cô bé. Trước đó, tôi sẽ tham khảo ý kiến của thầy tử vi để đảm bảo rằng chúng ta không phí thời giờ nếu tuổi của cô nàng không hợp với tuổi của quan tuần phủ.”

“Bà có thể làm cả hai điều đó càng sớm càng tốt được không?” Xã Long nói một cách khó chịu. “Tôi muốn chuyện này được giải quyết xong trước khi con trai tôi trở lại.”

“Dạ, được chứ! Lẽ dĩ nhiên, ông xã trưởng.”

Trước khi rời đi, Bà Bí không quên lấy tiền chi phí cho thầy tử vi, được thổi phồng cho thật tương xứng với công lao của bà.

***

Sáng hôm đó, thầy Tâm ngồi trước lớp và bắt đầu đọc một đoạn từ sách Mạnh Tử.

Cáo Tử nói: “Tính cũng như nước chảy. Khơi về phương Đông thì chảy sang Đông; khơi về phương Tây thì chảy sang Tây. Tính con người không phân thiện hay bất thiện, cũng như nước không phân sang Đông hay sang Tây vậy.”

“Phản ứng của Mạnh Tử là gì?” Chàng hỏi cả lớp.

Hầu hết các đầu học trò cúi xuống, và có vài học trò liếc nhìn nhau để hỏi xem có ai biết trả lời không? Sau một phút dài, Tâm nhìn Thi ngồi ở vị trí bình thường của nàng ở phía sau lớp. Nàng không ngần ngại đọc lên lời bình của Mạnh Tử.

Mạnh Tử nói: “Nước đã hẳn không phân sang Đông hay sang Tây; lại không phân lên trên hay xuống dưới sao? Cái thiện của tính con người cũng như nước theo xuống dưới vậy. Con người không có bất thiện; nước không có không chảy xuống.”

“Nay đối với nước, đánh thì vọt lên có thể vượt qua trán; chặn đứng khi đang di chuyển có thể khiến nó lên tới núi. Há tính nước như thế chăng? Đó là theo tình thế của nó, phải như vậy. Có thể khiến con người làm điều bất thiện, tính người cũng như thế thôi.”

Như thường lệ, Thi là người có thể dễ dàng trích dẫn từ những quyển sách kinh điển. Tâm không thể tưởng tượng ngôi trường sẽ ra sao nếu không có nàng. Nếu đàn bà được phép tham dự các kỳ thi, nàng sẽ vượt qua nhiều học giả nam giới, kể cả quan tuần phủ Chí, và rất có thể nàng sẽ đứng trong số các sĩ tử đầu bảng.

Tâm đã nhìn thấy Thi khi nàng đến trường sáng hôm đó. Nàng cúi chào chàng và cố gắng nở một nụ cười can đảm trên khuôn mặt với đôi mắt hơi sưng phồng. Tâm muốn hỏi Thi rất nhiều điều, nhưng chàng quyết tâm không làm tăng thêm khủng hoảng cá nhân của nàng. Vì vậy chàng giữ im lặng.

Để có thời gian suy nghĩ, chàng yêu cầu mọi học trò chép xuống câu nói của Mạnh Tử, với sự giúp đỡ của Thi giúp nếu cần. Sau đó, chàng sẽ giải thích thêm về những đoạn trích phức tạp hơn, với hy vọng rằng có học trò sẽ hỏi chàng thêm. Nhiều lần trong quá khứ, Thi là một trong những người sẽ làm như vậy, nhưng Tâm không tin nàng sẽ lên tiếng vào ngày hôm đó.

Gần giữa buổi sáng, chàng thấy một người đàn bà dắt theo một đứa trẻ đến trường với bước chân do dự của người không quen thuộc đường làng. Khi đến gần hơn, Tâm nhận ra họ và bước ra cổng, mắt của cả lớp học theo sau lưng chàng. Tâm là người đầu tiên lên tiếng.

“Hồng, rốt cuộc mẹ cháu cho cháu đến học trường làng này phải không?”

Cô bé dán đôi mắt to tròn vào chàng, gật đầu, và nụ cười e dè của nàng là nụ cười ngọt ngào nhất mà Tâm lâu nay mới thấy. Chàng cúi xuống bế Hồng lên, cười vang trước sự ngạc nhiên và thích thú của cô bé, và hít ngửi hương thơm tươi mát của đứa trẻ sống trên dòng sông. Bà mẹ của Hồng đứng ngay đó, mỉm cười bẽn lẽn khi nhìn ngôi trường và những học trò đang theo dõi hai mẹ con. Mọi lo lắng, sợ hãi của nàng cho đến lúc đó đều tan biến khi nhìn thấy vẻ mặt của con gái mình, và sự ân cần rõ ràng của người thầy giáo làng.

Kể từ khi chở Tâm trên chiếc thuyền tam bản, hầu như ngày nào Hồng cũng hỏi về chàng và trường làng. Cuối cùng, bà mẹ đã theo ý muốn của con gái mình, mặc dù điều đó có nghĩa là bà sẽ phải sống một mình trên thuyền. Nhưng nàng cũng nghĩ rằng con gái mình sẽ an toàn hơn ở một ngôi làng cách xa nhà, ngoài tầm của các cuộc giao tranh giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy. Nếu chẳng may có gì xảy ra cho người mẹ, ít nhất Hồng ở xa sẽ không hề hấn gì.

“Chúng ta hãy đi vào trong kia,” Tâm nói. “Sắp đến giờ ra chơi của lớp học rồi, và tôi sẽ giới thiệu chị với mẹ tôi và tất cả học trò.”

Khi chàng đặt cô bé xuống đất, Thi tiến lên, mỉm cười trìu mến nắm lấy tay cô bé. Hồng nhìn mẹ, rồi nhìn ông thầy giáo làng. Cả hai gật đầu, thầm nói không có gì phải sợ cả. Nàng do dự trong một giây ngắn ngủi trước khi nắm lấy tay người bạn mới của mình và bước qua cửa lớp.

“Đây là Hồng, đến trường mình học kể từ hôm nay,” Tâm nói. “Bây giờ chúng ta sẽ tạm nghỉ, và trong thời gian đó những người ở hàng ghế đầu sẽ nhường chỗ cho cô học trò mới. Nếu cần, một trò nào đó có thể di chuyển xuống một hàng.”

Thi nhớ lại ngày đầu tiên đi học, nàng ngồi bên cạnh Tâm lúc đó còn là một học trò.

“Thưa Thầy, Hồng có thể ngồi cạnh em được không? Như vậy sẽ không ai phải di chuyển và em có thể trực tiếp giúp đỡ Hồng.”

“Đó là một ý kiến rất tốt!” Tâm đồng ý.

Chàng để ý thấy Thi đã trở lại trạng thái bình thường của nàng, thích hoạt động và giúp đỡ người khác như trước đây.

***

Người lái đò rời đi ngay khi tin chắc rằng con gái mình có thể ở lại trường với thầy Tâm và bà mẹ của thầy, Bà Lân. Nàng hứa sẽ trở lại thường xuyên để thăm con.

Tối hôm đó, sau khi ăn xong, Tâm ngồi vào bàn, mở quyển sách Giang đã cho chàng. Hồng vẫn đang làm quen với mọi thứ xung quanh, theo chân mẹ chàng đi khắp nơi trong khi bà chỉ cho những điều cần biết và ghi nhớ. Tuy nhiên, hôm đó là một ngày tương đối mệt mỏi đối với cô bé.

Bà Lân, lúc này đã được Hồng gọi là bà, nói: “Hồng, chắc cháu mệt lắm rồi, cháu nên đi ngủ bây giờ thì hơn. Cháu sẽ ngủ chung giường với bà. Vậy cháu hãy lên giường trước và đi ngủ. Một ít lâu nữa bà sẽ nằm xuống cạnh cháu.”

Trước khi trèo lên giường, Hồng chạy ra chỗ thầy Tâm.

“Thưa thầy, con cầu nguyện được không? Con thường cầu nguyện trước khi đi ngủ và mẹ nói rằng con có thể làm điều đó miễn là con nói nhỏ và không làm phiền thầy.”

“Tất nhiên rồi, Hồng có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào cũng được.”

Chàng dẫn cô bé về phía giường.

Bà Lân liếc nhìn con trai, mắt lộ vẻ ngạc nhiên. Hai mẹ con đã nghe nói về truyền thống cầu nguyện của người Công Giáo, nhưng đây là lần đầu tiên một đứa trẻ sẽ cầu nguyện một cách hồn nhiên như vậy trước mặt họ.

Tôn giáo với Tâm và mẹ là một sự kết hợp giữa việc thờ cúng tổ tiên và Phật Giáo, mỗi nghi lễ được thực hành vào những dịp đặc biệt hoặc các ngày lễ. Mẹ anh có một bàn thờ trong nhà để thắp hương tưởng nhớ chồng và các bậc tổ tiên vào đầu và giữa mỗi tháng Âm lịch. Trong những dịp đó, Thi hay mang trái cây hoặc bánh ngọt đến để làm lễ vật. Bà để những thứ đó ở trên bàn thờ, lẩm bẩm một câu khấn ngắn, rồi tất cả chờ cho nhưng nén hương cháy hết rồi mới ăn. Tâm chỉ thắp nén nhang khấn vái cha trong ngày giỗ, còn ngoài ra hoàn toàn trông cậy vào mẹ làm mọi nghi lễ truyền thống. Bản thân chàng hầu như không quan tâm nhiều đến tôn giáo, mặc dù người em trai của cha chàng, chú Khánh, là nhà sư trụ trì của ngôi chùa gần làng.

Hồng quỳ bên cạnh giường, cúi đầu về phía trước, rồi đọc một bài kinh với một giọng thấp đến nỗi cả mẹ con thầy Tâm đều không nghe rõ, trừ câu mở đầu:

Lạy Cha chúng con ở trên trời,

Nói xong, nàng làm dấu thánh giá, chèo lên giường nằm nghiêng một bên. Nàng không nhắm mắt ngay, mơ màng nhìn Bà Lân rồi lại nhìn thầy Tâm.

Tâm nhớ đã nhìn thấy và từng đọc bài kinh đó. Chàng đi ra giở quyển sách của mình và nhanh chóng tìm thấy Kinh Lạy Cha bằng cả chữ Quốc Ngữ lẫn tiếng Pháp. Chàng nghiên cứu những chữ tiếng Việt mà Hồng vừa đọc thuộc lòng. Tiếp theo, chàng thử đọc bài kinh bằng tiếng Pháp.

Notre Père, qui êtes aux cieux;
Que votre nom soit sanctifié;

Từ phía sau Tâm, cô bé Hồng tiếp tục bằng tiếng Pháp hoàn hảo, giọng cô trong trẻo, mỗi chữ được phát âm chính xác:

Que votre règne arrive;
Que votre volonté soit faite sur la terre comme au ciel.

Chàng chạy đến bên giường và ngồi xuống bên cạnh Hồng. Nàng lấy tay che mặt rồi từ từ thả ra để nhìn chàng tha thiết.

“Hồng! Con biết đọc kinh bằng tiếng Pháp phải không? Làm sao con biết được?”

“Cha Phan dạy con.”

“Cha Phan là ai?”

“Ông ấy là một linh mục người Pháp.”

Tâm quay sang mẹ.

“Mẹ có nghe thấy không? Hồng đã học tiếng Pháp từ một linh mục người Pháp, và chắc chắn là Hồng nói tiếng Pháp giỏi hơn con.”

Bà Lân không nói nên lời và chỉ biết lắc đầu. Bà cũng ra ngồi xuống giường. Bà đưa tay vuốt ve khuôn mặt cô bé, vén một sợi tóc sang một bên. Hồng rơm rớm nước mắt, hai giọt từ từ lăn xuống má.

“Sao cháu khóc vậy bé Hồng?”

“Cháu nhớ mẹ cháu.”

Trước khi hai người lớn có thể nói bất cứ điều gì, cô bé nói thêm.

“Nhưng mẹ cháu muốn cháu ở đây, và cháu thích được ở với bà và Thầy Tâm.”Bà Lân dịu dàng lau nước mắt cho cô bé. Hai mẹ con ngồi bên cạnh Hồng, Thầy Tâm chìm đắm trong suy nghĩ, mẹ chàng âu yếm xoa lưng cho cô bé cho đến khi nó chìm vào giấc ngủ.

(Còn tiếp)

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/nguyen-trong-hien/

You may also like

Verified by MonsterInsights