Trái bơ – Avocado trong nhãn quan y khoa

by Tim Bui
Trái bơ – Avocado trong nhãn quan y khoa

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, L.Ac., Ph.D

Nguồn gốc và phân loại

Bơ là một loại trái cây khá phổ biến từ ngàn xưa, không những vì hương vị nhẹ nhàng mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao. Theo nhiều tài liệu lịch sử, cây bơ đã được du nhập vào Việt Nam từ năm 1940, nhưng chỉ trở nên phổ biến với người Việt chúng ta cách đây khoảng 60 năm.

Ở Việt Nam, những nơi thích hợp cho bơ phát triển tốt nhất là các địa danh vùng Tây Nguyên như Lâm Đồng – Đà lạt, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum, và vài nơi khác có phong thổ thích hợp tương tự như Sơn La miền Tây Bắc.  
Tại Hoa Kỳ, dựa trên các di tích khảo cổ, người ta đã tìm thấy những mẫu vật hóa thạch tương tự như trái bơ từ hàng triệu năm trước ở miền Bắc California. Tuy nhiên, bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy sự có mặt của loại trái cây này từ 10 ngàn năm trước Thiên Chúa Giáng sinh lại được tìm thấy tại các hang động miền Puebla, Mexico. Bơ cũng đã được nuôi trồng nhiều tại các quốc gia miền Trung và Nam Mỹ từ 5.000 năm trước Thiên Chúa Giáng sinh, tức là cách đây hơn 7.000 năm. Người Âu Châu chỉ biết đến trái bơ, còn gọi là avocado vào đầu thế kỷ thứ 16. Trong một quyển sách được viết vào năm 1519, tác giả là một nhà hàng hải, cũng là nhà nghiên cứu về địa lý người Tây Ban Nha tên là Martin Fernandez Enciso, avocado cũng được nhắc đến.

Vào cuối thế kỷ thứ 17, mới có một quyển sách tiếng Anh do Hans Sloane liệt kê tên avocado vào thư mục các loại thực vật của Jamaica, một đảo quốc miền Nam Mỹ. Rồi cây bơ có mặt tại Indonesia vào cuối thế kỷ 18, ở Brazil vào đầu thế kỷ 19, ở Nam Phi và Úc Đại Lợi cuối thế kỷ 19 và sau cùng, đến các quốc gia miền Đông Địa Trung Hải vào đầu thế kỷ 20.

Người Việt gọi avocado là trái bơ, vì đó là một loại trái cây có nhiều chất béo thực vật, khi ăn, chúng ta có cảm giác béo ngậy không khác gì ăn một miếng bơ vậy. Nhưng không riêng người Việt, người Ấn Độ, Trung Hoa cũng gọi đó là trái bơ theo ngôn ngữ của họ. Riêng người Đ2ài Loan thì lại gọi đó là trái phô mai.

Về giống loại, chúng ta ghi nhận được hơn 22 loại bơ khác nhau, trong số đó, một loại tên là Hass chiếm 80% sản lượng trên thị trường hiện nay. Quốc gia trồng nhiều bơ nhất là Mexico, với sản lượng là hơn 1 triệu 200 ngàn tấn mỗi năm, Chile là hơn 350 ngàn tấn mỗi năm. Riêng Hoa Kỳ chỉ có gần 250 ngàn tấn mỗi năm, và 95% sản lượng thuộc về tiểu bang California, trong số đó, 65% thuộc về San Diego County, Fallbrook. Có thể nói, avocado được xem là một loại trái cây chính của California. Có hai nơi cùng được mệnh danh là thủ đô avocado của thế giới! Đó là San Diego County, và vùng Uruapan của Mễ Tây Cơ.

Trái bơ: Thu hái và chế biến

Trái bơ cũng giống như trái chuối, chín trên cây, nhưng nếu đợi chín mới thu hái thì đã quá trễ, trái sẽ hư rất nhanh. Vì thế, sau khi thu hái, người ta giữ bơ trong máy ướp lạnh, cho đến khi có mặt tại các ngôi chợ, rồi cũng phải chờ 1, 2 tuần lễ sau trái bơ mới chín được. Ngoài ra, trái rất dễ bị hư hại do vi trùng, siêu vi trùng, nấm và bệnh do quá thiếu hoặc quá dư các khoáng chất cần thiết trong đất trồng hoặc trong phân bón.

Làm sao để biết một trái bơ đã bị hư? Khi đã chín và còn tốt thì vỏ chuyển sang đỏ bầm, người ta thường gọi là mầu mã não. Bơ bị hư rất dễ nhận biết qua các dấu hiệu như sau: vỏ ngoài biến đổi màu sắc, có đốm thâm, trái bị mềm, bị lõm hoặc lở loét vài nơi.

Người Việt thường ăn bơ đánh nhuyễn với đường và một chút sữa, làm thành một món tráng miệng rất thơm ngon và hấp dẫn. Người Tây Phương thì lại khác, họ thường thêm bơ vào rau trộn.

Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, chúng ta thấy bơ thường có mặt trong món bánh mì nướng, cùng với salad, cà chua, black olive… Người Mễ Tây Cơ thường món corn tortillas phết với bơ xay nhuyễn – họ gọi bơ là Guacamole, hoặc ăn với bánh mì nướng, trộn chung với một chút ớt.

Ở các nước khác như Phi Luật Tân, Indonesia, Brazil… trái bơ cũng được dùng làm milkshakes. Đó là chưa kể, trái bơ còn được dùng trong công nghệ mỹ phẩm cho làn da. Khi cắt ra, các lát bơ màu xanh thường bị chuyển qua màu nâu rất nhanh, do quá trình oxit hóa. Muốn ngăn chặn quá trình này trong một thời gian, người dùng thường tẩm vào lát bơ một chút nước cốt chanh tươi, hoặc nước muối loãng, vì chanh và muối có kiềm tính cao, chống oxy hóa rất mạnh. Người Ethiopia, ngoài đường và sữa, họ còn thêm vào bơ một loại soft drink tên là Vimto, và một lát chanh tươi. Vimto là một loại nước giải khát chế biến từ nho, raspberries và black currants (nho Hy lạp). Chính lát chanh tươi và nước Vimto khiến bơ trong thức uống này thêm phần tươi tắn, lành mạnh và hấp dẫn.

Trái bơ trong nhãn quan y học

Dù không được xem là một dược thảo, nhưng khoa dinh dưỡng Đông y đã nhận xét bơ là một loại trái cây có khả năng bồi bổ sức khỏe tổng quát, làm giảm cân, hỗ trợ hoạt động tim mạch, giúp nhuận trường, làm đẹp da và tăng cường thị lực. 

A-Thành phần dưỡng chất:

Trái bơ có tên khoa học là Persea Americana Mills, y học hiện đại đã phân tích và ghi nhận như sau, bơ hàm chứa rất nhiều sinh tố, khoáng chất và kim loại cần thiết như vitamin A, nhóm vitamin B như: B1, B2, B3, B5, B6, B9, vitamin C, E, K. Các khoáng chất và kim loại rất quan trọng như Calcium, Magnesium, Manganese, Phosphorus, Potassium, Sodium, Copper, Iron và Zinc. Và nhiều dưỡng chất quan trọng khác như Beta-carotene, Lutein, Zeaxanthin, có công năng chống lão hóa, tăng cường sức khỏe, tốt cho làn da và đôi mắt. Bơ lại có nhiều chất béo thiên nhiên, đến độ 75% năng lượng của trái đến từ chất béo, và gần 70% một chất béo có lợi cho cơ thể, đó là monounsaturated fat, một chất béo có thể hòa tan.

Trong khi đó, một loại chất béo không thể hòa tan, còn gọi là saturated fat chỉ chiếm có 14% trên tổng số chất béo trong trái bơ mà thôi. Đó là một ưu điểm rất đáng kể. Vào năm 2013, kết quả một công trình nghiên cứu dịch tễ học cho biết, những ai thường ăn bơ sẽ có một sức khỏe lành mạnh hơn, giảm thiểu được nguy cơ về Hội chứng biến dưỡng. Những ai ăn bơ trong bảy ngày liên tiếp có thể giảm được lượng cholesterol xấu (LDL) và mỡ trong máu (triglyceride) đến 22%, nhưng lại làm gia tăng lượng cholesterol tốt (HDL) đến 11%.

Một kết quả xét nghiệm trên những người bị bệnh béo phì cũng vậy, những ai ăn một trái Bơ/ngày trong vòng năm tuần lễ sẽ giảm được lượng cholesterol xấu rất nhiều.

Hội chứng Biến dưỡng (Metabolic syndrome) là gì? Đó là một hội chứng bao gồm năm yếu tố nguy cơ như sau có thể đưa đến các bệnh Tim mạch, Tiểu Đường, và Tai Biến Mạch Máu Não (Stroke): 1/ Huyết áp gia tăng, tức là cao hơn 130/80. 2/ Lượng đường trong máu gia tăng. 3/ Lượng mỡ dư thừa ở vòng eo. 4/ Lượng mỡ trong máu (Triglyceride) gia tăng. 5/ Và lượng cholesterol tốt (HDL) bị giảm đi.

Cần phải có ít nhất ba yếu tố nguy cơ trên, y học mới xác định một người đang mắc phải Hội chứng Biến dưỡng.

Tuy nhiên, theo một báo cáo của Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ (the American Heart Association, gọi tắt là AHA) cho biết, hiện nay có đến 35% người lớn tại Hoa Kỳ đang mắc phải Hội chứng Biến dưỡng. Và chỉ cần có 1 trong 5 yếu tố nguy cơ của Hội chứng Biến Dưỡng, là đã đủ để có thể dẫn đến bệnh Tim Mạch trong tương lai.

B-Đặc tính và công dụng của trái Bơ:

1/ Hàm chứa rất nhiều dưỡng chất quan trọng, là một siêu thực phẩm cho sức khỏe. 2/ Chứa nhiều potassium hơn chuối, potassium là một khoáng chất có khả năng giảm huyết áp. 3/ Có nhiều chất béo thực vật có thể hòa tan, tốt cho Tim mạch. 4/ Nhiều chất xơ, hơn hẳn nhiều loại trái cây khác. Trong số đó, 25% có thể hòa tan, và 75% không thể hòa tan. Điều này góp phần làm giảm cân và gia tăng khả năng biến dưỡng, còn gọi là metabolism. Giảm cholesterol xấu và giảm triglyceride trong máu. Chất béo thực vật trong Bơ còn làm tăng khả năng hấp thụ các dưỡng chất từ các thực phẩm khác. 5/ Giảm nguy cơ mắc phải Hội chứng Biến dưỡng, giúp giảm cân, do có nhiều chất xơ và có ít tinh bột. 6/ Tăng cường thị lực, đề phòng bệnh Cườm do có nhiều vitamin A và hai dưỡng chất Lutein, Zeaxanthin. 7/ Các dưỡng chất trong Bơ có thể giúp đề phòng bệnh ung thư Tiền liệt tuyến, và giảm các phản ứng phụ của việc dùng hóa trị – chemotherapy trị bệnh ung thư. 8/ Tinh chất Bơ có thể giảm chứng đau nhức của bệnh Viêm khớp.

C-Vài lưu ý quan trọng về trái bơ:

1/ Khi ăn bơ, đừng bỏ sót phần thịt sát vỏ, vì đó là nơi các dưỡng chất tập trung nhiều nhất.   2/ Một quả bơ trung bình có 300 calories và khoảng 30 grams chất béo thực vật. Vì thế, ngày nào chúng ta ăn một trái, thì hãy nên cắt giảm các món ăn khác, sao cho không vượt quá tiêu chuẩn 2000 calories mỗi ngày. Nếu không, lượng calories dư thừa sẽ làm chúng ta bị tăng cân.  
3/ Bơ rất tốt cho phụ nữ đang thai nghén, nhưng ăn nhiều quá sẽ có thể gây tổn hại cho chức năng tạo sữa và các tuyến sữa. Phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng không nên ăn quá nhiều bơ có thể khiến bé sơ sinh bị tiêu chảy. 4/ Những ai bị huyết áp thấp không nên ăn, vì bơ chứa nhiều potassium, có thể làm tuột thêm huyết áp. 5/ Bơ có thể gây dị ứng cho một số ít người, và có hai loại dị ứng thường gặp như sau: thứ nhất là dị ứng với phấn hoa của cây bơ, người ăn thấy khó chịu trong miệng cũng như cổ họng. Loại thứ hai là dị ứng với nhựa của cây bơ, người ăn có thể bị nổi mề đay, đau bụng, thậm chí nôn mửa và đôi khi nguy hiểm cho sức khỏe.
6/ Hãy cẩn thận cho thú cưng và gia súc: Lá cây, vỏ cây, kể cả vỏ trái bơ đều có một loại acid béo mang nhiều độc tính tên là Persin, nên dễ gây dị ứng cho thú nuôi trong nhà như mèo, chó, thỏ, dê, cá, chim, ngựa… thậm chí có thể gây tử vong nếu chúng vô tình ăn phải. 

Nguyễn Đức Cường L.Ac., Ph.D. Of Oriental Medicine

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/nguyen-duc-cuong/

You may also like

Verified by MonsterInsights