(William Hurst và Peter Trubowitz, “The Fantasy of a Grand Bargain Between America and China,” Foreign Affairs, 03/07/2025)
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tại sao bế tắc có nhiều khả năng xảy ra hơn là hòa hoãn?
Trong thế giới ngoại giao giữa các cường quốc, hy vọng sẽ luôn nảy nở. Ngay cả lúc này đây, trong cơn đau đớn của cuộc thương chiến phá vỡ chuẩn mực với Trung Quốc, người ta vẫn bàn tán về một cuộc “mặc cả lớn” giữa các nhà lãnh đạo, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. Trump nói rằng ông “rất muốn đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.” Còn Tập, người đã đáp trả các đòn thuế quan của Trump một cách có chừng mực và có mục tiêu, đã để ngỏ cánh cửa cho một giải pháp đàm phán. Một bước đột phá trong quan hệ Mỹ-Trung nghe có vẻ hấp dẫn vào thời điểm đặc biệt căng thẳng này, nhưng lịch sử cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, cùng chính trị nội bộ của mỗi bên, khiến khả năng đạt được một thỏa thuận là rất xa vời.
Kể từ năm 1950, Trung Quốc và Mỹ đã nhiều lần chuyển từ hợp tác sang đối đầu và ngược lại. Họ đã làm như vậy vì cả lý do địa chính trị lẫn chính trị trong nước. Nguyên tắc cơ bản là họ chỉ có thể hợp tác về an ninh khi phải đối mặt với một mối nguy rõ ràng và mang tính sống còn từ một kẻ thù chung. Ví dụ, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc năm 1972 đã dẫn đến một loạt các thỏa thuận nhằm kiềm chế Liên Xô. Và hai nước cũng chỉ có thể hợp tác kinh tế khi cả hai đều được quản lý bởi các liên minh trong nước ủng hộ việc mở rộng thương mại quốc tế, như trong những năm 1990 và đầu những năm 2000. Trong khi đó, hợp tác về các vấn đề an ninh và kinh tế luôn rất khó.
Ngày nay, không có yếu tố nào – dù trên bình diện quốc tế hay trong nước – cho thấy đây là thời điểm thuận lợi để Trung Quốc và Mỹ vượt qua những khác biệt của họ trong lĩnh vực an ninh hay kinh tế. Cả hai nước đều đang được điều hành bởi các liên minh dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, với một làn sóng phản đối toàn cầu hóa đang chi phối chính trị trong nước. Cũng không có mối đe dọa an ninh chung nào khiến hai bên phải xích lại gần nhau. Thậm chí, họ còn có xu hướng đứng về phía đối lập (hoặc ít nhất là có mục đích không tương đồng) trong các xung đột quốc tế, như giữa Nga và Ukraine, hay giữa Israel và Iran. Chỉ một lần duy nhất trong 100 năm qua, vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh hồi thập niên 1950 và 1960, Trung Quốc và Mỹ đã hoàn toàn đối đầu trên cả hai khía cạnh đối ngoại. Xét đến việc môi trường ngày nay đang trở nên giống với giai đoạn đó, thật khó để hình dung việc hai nhà lãnh đạo có thể thực sự tái thiết quan hệ hoặc giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nào đang chia rẽ họ.
Trump sẽ không muốn dùng đến những quân bài trong tay mình. Nếu ông thúc đẩy một cuộc mặc cả lớn, thì gần như chắc chắn đó sẽ là một “thỏa thuận với quỷ dữ” đối với nước Mỹ – chấp nhận đánh đổi các lợi ích cốt lõi dài hạn để lấy những lợi ích ngắn hạn trước mắt. Để Washington có thể ký bất kỳ thỏa thuận toàn diện nào, họ có lẽ phải nhượng bộ về Đài Loan hoặc về các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, theo đó phá vỡ cấu trúc an ninh đã duy trì sự ổn định của khu vực suốt nhiều thập kỷ.
Cái giá chiến lược đối với Mỹ khi nhượng bộ ảnh hưởng trong khu vực cho Trung Quốc lớn hơn nhiều so với bất kỳ lợi ích kinh tế tiềm năng nào – bao gồm cả việc tăng cường tiếp cận thị trường Trung Quốc, hoặc thậm chí là sự hồi sinh của ngành sản xuất-chế tạo của Mỹ. Trong hoàn cảnh này, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tập trung vào các mục tiêu quan trọng và dễ quản lý hơn, chẳng hạn như giảm nguy cơ chiến tranh ngoài ý muốn, đặc biệt là ở Biển Đông và các điểm nóng khác. Một bước lùi nhỏ nhưng dứt khoát xa khỏi bờ vực sẽ là điều thực sự vĩ đại.
ĐỐI THỦ CÓ ÍCH, ĐỐI TÁC CÓ ÍCH
Lịch sử cho thấy quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ thường trở nên xấu đi khi hai nước không có chung kẻ thù và khi các lợi ích kinh tế hướng nội, dân tộc chủ nghĩa lên ngôi trong chính trị trong nước. Ví dụ, sau chiến thắng của Đảng Cộng sản trong Nội chiến Trung Quốc năm 1949, người Mỹ thuộc mọi tầng lớp đều xem Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một phần quan trọng của mối đe dọa cộng sản toàn cầu đang lan rộng, do Moscow dẫn đầu. Quan điểm này đã trở nên rõ nét hơn trong Chiến tranh Triều Tiên, khi hai nước đối đầu trên chiến trường, và nó càng trở nên gay gắt vào những năm 1960, khi cuộc đối đầu chiến lược Mỹ-Trung lan rộng khắp các nước đang phát triển như một phần của cuộc cạnh tranh giành “trái tim và khối óc” trong Chiến tranh Lạnh.
Những đòi hỏi chính trị trong nước đã củng cố những cân nhắc địa chính trị đó và thúc đẩy sự thù địch ở cả hai bên. Vào thập niên 1950 và 1960, toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại đã không được đưa ra thảo luận ở cả hai nước, dù vì những lý do khác nhau. Mỹ ủng hộ thương mại được quản lý, chứ không phải tự do hóa, và tập trung gần như hoàn toàn vào quan hệ thương mại với các đồng minh phương Tây của mình. Cùng lúc đó, Washington cũng làm mọi cách có thể để cô lập và trừng phạt Trung Quốc về mặt kinh tế bằng cách áp đặt lệnh cấm vận thương mại sâu rộng. Nhưng ở Trung Quốc của Mao Trạch Đông, điều này hầu như không quan trọng. Trong giai đoạn này, Trung Quốc không mấy quan tâm đến việc giao thương với thế giới bên ngoài. Ngoại trừ Liên Xô, Triều Tiên, và một số tiền đồn khác như Albania, Trung Quốc chỉ giữ quan hệ kinh tế với nước ngoài ở mức tối thiểu.
Trong hai thập kỷ đầu của Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc và Mỹ không chỉ là những đối thủ chiến lược cạnh tranh gay gắt, mà như nhà khoa học chính trị Tom Christensen đã lưu ý, họ còn đóng vai trò là “những đối thủ hữu ích” cho nhau ở trong nước. Các nhà lãnh đạo chính trị ở cả hai nước đều đã nâng cao lợi thế của mình bằng cách chỉ ra một kẻ thù không đội trời chung vào những thời điểm quan trọng, khi tình hình trong nước dễ bị tổn thương. Đối với Mao, hành động đó giúp ông củng cố quyền lực sau thất bại thảm hại của Đại Nhảy Vọt và trong cảnh hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa. Còn đối với các tổng thống Mỹ từ Dwight Eisenhower đến Lyndon Johnson, hình ảnh một Trung Quốc thù địch đã giúp họ “bán” một chính sách đối ngoại tăng cường can dự vào miền Nam Việt Nam cho một công chúng vốn dĩ sẽ không chấp nhận chính sách đó nếu chỉ dựa vào bản chất của nó. Tuy nhiên, cái giá của chiến thuật này là việc củng cố các nhóm theo đường lối cứng rắn ở cả hai nước, và vì thế lại càng làm sâu sắc thêm rạn nứt giữa Bắc Kinh và Washington.
Bước sang những năm 1970, Bắc Kinh dần xem Moscow là mối đe dọa lớn hơn cả Washington. Hai cường quốc cộng sản đã có những cuộc đụng độ biên giới vào năm 1969, và nỗi lo của Bắc Kinh khi phải cùng lúc đối đầu hai siêu cường thế giới ngày càng trở nên rõ ràng. Cùng lúc đó, Mỹ đang tìm cách thoát khỏi một cuộc chiến cực kỳ không được lòng dân ở Đông Nam Á và hiệu chỉnh lại chiến lược Chiến tranh Lạnh của mình ở Châu Á và xa hơn nữa. Trung Quốc và Liên Xô không còn bị những người ở Washington cho là những thành viên của một khối cộng sản thống nhất, và sự hội tụ các lợi ích chiến lược này đã dẫn đến giai đoạn tan băng trong quan hệ Mỹ-Trung, bắt đầu từ chuyến thăm Trung Quốc của Nixon, được tạo điều kiện bởi hoạt động ngoại giao bí mật của cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger.
Chuyến thăm đã đánh dấu sự khởi đầu của một “liên minh ngầm,” như Kissinger đã nói vào thời điểm đó, để cân bằng với sức mạnh của Liên Xô. Dù quan hệ ngoại giao chính thức không được thiết lập cho đến năm 1979, nhưng thập niên 1970 đã tạo tiền đề cho một loạt các sáng kiến chiến lược từ “ngoại giao bóng bàn” và các cuộc tấn công quyến rũ khác, cho đến tăng cường trao đổi thương mại và kỹ thuật, cũng như khởi động quá trình hợp tác quốc phòng kéo dài suốt những năm 1980. Dù hợp tác chiến lược đã phát triển mạnh mẽ, hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn hạn chế trong những năm 1970. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn chủ yếu tự cung tự cấp và tách biệt khỏi thị trường toàn cầu. Tất cả các ngành công nghiệp vẫn thuộc sở hữu nhà nước, và nông nghiệp vẫn được tập thể hóa. Người kế nhiệm Mao, Hoa Quốc Phong, thậm chí còn tăng gấp đôi những gì người tiền nhiệm của ông đã làm, thay thế các kế hoạch trung ương 5 năm bằng các kế hoạch 10 năm.
Phải đến những năm 1980, khi các liên minh trong nước ủng hộ toàn cầu hóa bắt đầu bén rễ vững chắc hơn ở cả hai nước, thì lợi ích an ninh và kinh tế của hai bên mới đồng bộ trong một thời gian ngắn. Tại Trung Quốc, nhà lãnh đạo tối cao mới, Đặng Tiểu Bình, cùng với các cấp phó là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, bắt đầu theo đuổi các cải cách kinh tế mang tính cấu trúc, cam kết giúp Trung Quốc đạt mục tiêu kép là cải cách thị trường và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tại Mỹ, Tổng thống Ronald Reagan cũng ủng hộ toàn cầu hóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại và thị trường mở. Trong khi đó, về mặt chiến lược, Trung Quốc và Mỹ tiếp tục hợp tác chống lại Liên Xô. Những năm 1980 chứng kiến sự hợp tác trong việc trang bị vũ khí cho các chiến binh thánh chiến (mujahideen) trong cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô, nhờ đó củng cố thêm quan hệ an ninh Mỹ-Trung. Sự xuất hiện của các liên minh ủng hộ toàn cầu hóa ở cả hai nước, kết hợp với một kẻ thù chung, đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế cũng như hợp tác chiến lược kéo dài cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đã khiến các tính toán thay đổi hoàn toàn. Khi kẻ thù chung không còn thì lý lẽ chiến lược cho hợp tác an ninh cũng biến mất, ngay cả khi hợp tác kinh tế vẫn phát triển mạnh mẽ. Tại Washington, sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh đã đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của sự hiện diện tiền phương của Mỹ tại Châu Á, cũng như sự sẵn lòng của Trung Quốc trong việc chống lại các hành động xâm phạm lợi ích của mình trong khu vực. Cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan năm 1995-1996, khi Bắc Kinh bắn một loạt tên lửa gần Đài Loan như một lời cảnh báo chống lại các phong trào hướng tới độc lập, đã làm nổi bật các vấn đề và làm gia tăng rủi ro. Trước thái độ quyết đoán của Trung Quốc, Mỹ đã chứng minh cam kết quân sự của mình đối với Đài Loan bằng cách triển khai nhiều tàu sân bay đến khu vực.
Vì chỉ có chung các lợi ích về kinh tế, nên quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đã bị ảnh hưởng bởi những động cơ lẫn lộn, trong lúc các nhà lãnh đạo phải đối mặt với những áp lực mâu thuẫn để hợp tác và cạnh tranh. Ví dụ, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đưa ra một lý do để tăng cường các lợi ích kinh tế mà ông cho rằng một ngày nào đó có thể dẫn đến sự liên kết chiến lược: sử dụng thương mại tự do và đầu tư như một phương tiện để tích hợp Trung Quốc vào trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Với việc người kế nhiệm Đặng là Giang Trạch Dân tiếp tục đào sâu các chính sách cải cách, Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng hợp tác. Và kết quả là sự tăng trưởng ngoạn mục trong thương mại Mỹ-Trung cùng với việc khởi động các cuộc đàm phán dẫn đến việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã gắn bó chặt chẽ với nhau kể từ đó.
KHÔNG CÒN LIÊN KẾT
Năm ngoái, Trung Quốc và Mỹ đã trao đổi hơn 580 tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, không tính các khối khu vực như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoặc Liên minh Châu Âu (EU). Bắc Kinh hiện nắm giữ hơn 1 nghìn tỷ đô la trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhưng sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau này đã che giấu những thế lực ly tâm vốn đang dần kéo hai nước ra xa nhau. Trong nước, các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều đang phải đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng, kêu gọi hướng nội và tránh xa các thị trường toàn cầu – và vì lý do gần như giống nhau, đó là người ta tin rằng toàn cầu hóa đã gây ra sự bất bình đẳng và dịch chuyển kinh tế.
Tại Mỹ, sự dịch chuyển kinh tế do toàn cầu hóa gây ra và thúc đẩy đã dẫn đến một làn sóng phản ứng dữ dội ngày càng tăng đối với thương mại tự do và các thể chế quốc tế. Những dấu hiệu rắc rối đã xuất hiện ngay từ những năm 1990, trong cuộc tranh luận về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ của Clinton và các cuộc biểu tình ở Seattle về WTO. Nhưng phải đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và dưới thời chính quyền Obama, các quan ngại trong nước về mất việc làm và các hoạt động thương mại của Trung Quốc mới trở thành các vấn đề bầu cử nóng bỏng. Các nhà lập pháp trên Đồi Capitol ngày càng liên kết những rắc rối kinh tế của Mỹ với sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế. Và không lâu sau đó thì xuất hiện chương trình nghị sự tân trọng thương chống Trung Quốc, “Nước Mỹ trên hết,” mà Trump đã ủng hộ trong suốt chiến dịch tranh cử và sau đó là từ Phòng Bầu dục.
Những diễn biến tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc – đầu tiên là dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này và sau đó mạnh mẽ hơn dưới thời Tập Cận Bình vào những năm 2010 – khi đất nước chuyển hướng sang chủ nghĩa dân tộc quyết đoán và chương trình nghị sự chính sách hướng nội. Tập đã nhấn mạnh vào “thịnh vượng chung” và công bằng xã hội, cũng như quá trình chuyển đổi xanh, và cuối cùng là “Trung Hoa Mộng,” hứa hẹn nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống nói chung, mang lại một Trung Quốc hùng mạnh và tự tin, và một nền kinh tế định hướng tiêu dùng, tập trung vào các công nghệ tiên tiến. Những động thái này bao gồm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng nhu cầu trong nước, thúc đẩy đổi mới trong nước, và ưu tiên nhà nước hơn thị trường. Trong những năm 2010, giữa bối cảnh quan ngại rằng Mỹ đang giành được “trái tim và khối óc” của giới trẻ Trung Quốc, Bắc Kinh ngày càng đổ lỗi cho Washington về các vấn đề kinh tế và xã hội của mình.
Với việc mỗi bên đổ lỗi cho bên còn lại, và không có kẻ thù chung nào để tạo động lực hợp tác, không gian chính trị cho sự liên kết về các vấn đề quân sự-chiến lược đã bị thu hẹp. Các nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung trong các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, biến đổi khí hậu, và y tế toàn cầu đã thất bại dưới thời chính quyền George W. Bush và Obama. Đối với Washington, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu được cho là tối quan trọng trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, trong khi Bắc Kinh lại tập trung nhiều hơn vào các diễn biến ở Đông Á. Các nỗ lực hợp tác Mỹ-Trung về biến đổi khí hậu cũng bị cuốn vào vòng xoáy của các tranh chấp rộng hơn về thương mại, công nghệ, trợ cấp, và sở hữu trí tuệ.
Đến năm 2020, đại dịch COVID-19 đã phơi bày và làm trầm trọng thêm xu hướng đối đầu. Tại Mỹ, các nhà lãnh đạo chính trị đã chỉ trích Trung Quốc vì cách xử lý dịch bệnh, với việc Trump gọi căn bệnh này một cách miệt thị là “virus Trung Quốc.” Về phần mình, Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này và mô tả phản ứng của mình với đại dịch là vượt trội, sau đó sử dụng “ngoại giao vaccine” để cạnh tranh với Mỹ và nâng cao hình ảnh toàn cầu. Đại dịch cũng làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc kinh tế: cả hai nước đều đã hành động để bảo vệ các chuỗi cung ứng quan trọng trong nước, và sau đó, dưới thời Tổng thống Joe Biden, là để hạn chế quyền tiếp cận các vật liệu quan trọng và công nghệ tiên tiến.
Khi sự ngờ vực chiến lược trở nên sâu sắc hơn trong nhiệm kỳ của Biden, Washington và Bắc Kinh bắt đầu nhìn nhận các hành động của đối phương qua lăng kính cạnh tranh cường quốc. Cả hai bên ngày càng tìm cách vũ khí hóa các khía cạnh của sự phụ thuộc lẫn nhau (ví dụ như áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với vi mạch và đất hiếm), đồng thời gia tăng các mối đe dọa đối với nợ công, dòng đầu tư của nhà nước hoặc do nhà nước chỉ đạo, và nhiều hơn thế. Nhưng ngoại giao kinh tế không thể trở thành kiểu chiến trường như những năm 1950 và 1960, khi Trung Quốc và Mỹ còn hoạt động trong các không gian thương mại riêng biệt. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước đòi hỏi một cách tiếp cận tinh tế hơn, nhưng nó cũng mở ra thêm những con đường cạnh tranh và các đòn bẩy không thể tưởng tượng được trong Chiến tranh Lạnh. Dù cả hai bên đều nhận ra sự cần thiết phải ngăn cạnh tranh leo thang thành xung đột công khai, nhưng quan hệ vẫn cực kỳ bất ổn.
ÍT HƠN LÀ NHIỀU HƠN
Sáu tháng sau khi chính quyền Trump thứ hai lên nắm quyền, quan hệ Mỹ-Trung chỉ trở nên bấp bênh hơn. Mức thuế quan quá cao mà Trump áp lên Trung Quốc vào tháng 4, tăng vọt lên mức đáng kinh ngạc là 145%, là nhằm buộc Tập phải ngồi vào bàn đàm phán và từ đó mở đường cho một cuộc mặc cả lớn. Nhưng phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Trung Quốc – tăng thuế đối với hàng hóa của Mỹ lên 125% và áp đặt các hạn chế xuất khẩu lên các khoáng sản đất hiếm và nam châm quan trọng – cho thấy các chiến thuật cưỡng chế, thẳng thừng như vậy khó có thể đạt hiệu quả. Dù hai bên đã đồng ý tạm thời đình chiến thương mại, nhưng Trump, chứ không phải Tập, mới là người đã nhượng bộ trước. Nếu không có những nhượng bộ lớn từ Trump về các vấn đề quan trọng đối với tham vọng địa chính trị của Tập, thì rất khó có khả năng Tập sẽ nhượng bộ trước các yêu cầu của Trump về thương mại và kinh tế. Và đây chính là vấn đề nan giải.
Xét đến tình hình hiện tại, bất kỳ cuộc mặc cả lớn nào cũng sẽ yêu cầu Mỹ ngầm công nhận phần lớn Đông Á và Đông Nam Á là thuộc phạm vi ảnh hưởng trên thực tế của Trung Quốc, để đổi lấy sự công nhận tương tự đối với phạm vi ảnh hưởng của Mỹ ở Tây Bán Cầu, Đại Tây Dương, các Quần đảo Thái Bình Dương, và Châu Đại Dương. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh của các đồng minh cốt lõi của Mỹ, bao gồm Nhật Bản và Philippines, và rất có thể sẽ khiến Nhật Bản và nhiều nước khác trên khắp Châu Á cân nhắc các lựa chọn quyết liệt hơn để đảm bảo an ninh của họ – bao gồm cả việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây là công thức cho những gì các học giả quan hệ quốc tế thường gọi là “tình thế lưỡng nan an ninh” nguy hiểm, trong đó nỗ lực của một quốc gia nhằm tăng cường an ninh của chính mình sẽ đe dọa đến an ninh của các quốc gia khác, tạo ra một vòng luẩn quẩn của sự ngờ vực và xung đột tiềm tàng. Nó cũng sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho chính trị liên minh toàn cầu và các chuẩn mực về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Kế đến, sự xói mòn lòng tin của các đồng minh vào Mỹ sẽ cản trở những nỗ lực xây dựng liên minh trong tương lai, dần dần làm suy yếu vị thế chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Trong khi đó, trên khía cạnh kinh tế, vấn đề thường được thảo luận trong cuộc mặc cả lớn sẽ liên quan đến việc Trump bãi bỏ thuế quan của Mỹ, nới lỏng kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ tiên tiến, và cho phép Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của Mỹ, để đổi lấy việc Tập đồng ý nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đất hiếm và giảm bớt các chính sách chống cạnh tranh của Trung Quốc – bao gồm trợ cấp và trộm cắp tài sản trí tuệ – vốn từ lâu đã gây bất lợi cho các doanh nghiệp Mỹ. Một thỏa thuận như vậy sẽ cung cấp cho mỗi bên thứ mà các lĩnh vực kinh tế trong nước quan trọng mong muốn, nhưng lại không giải quyết được các vấn đề sâu hơn đang ảnh hưởng đến cả hai nền kinh tế – cụ thể là mức sống giảm, giá cả tăng, và thị trường việc làm hoạt động kém. Bất kỳ thỏa thuận nào không mang lại lợi ích kinh tế hữu hình và ngay lập tức có lẽ sẽ chỉ thúc đẩy nhu cầu bảo hộ, nỗi lo về toàn cầu hóa, cũng như cảm giác bài ngoại và ngờ vực.
Để phục vụ tốt hơn cho lợi ích của Mỹ, sẽ là khôn ngoan nếu Trump điều chỉnh lại tham vọng đàm phán của mình thành các mục tiêu hẹp hơn, nhưng có ý nghĩa chiến lược và có thể giành chiến thắng. Quan trọng nhất trong số đó là ngăn chặn xung đột ngoài ý muốn ở Biển Đông thông qua các kênh liên lạc đáng tin cậy hơn, các cuộc đối thoại cấp quân đội, và các biện pháp xây dựng lòng tin, như quy trình thông báo trước khi phóng cho các vụ phóng không gian và quy trình xử lý chiến tranh mạng và tin tặc theo thời gian thực. Những sáng kiến như vậy không chỉ làm giảm khả năng leo thang mà còn trấn an các đồng minh ở Châu Á về cam kết của Mỹ đối với hòa bình và an ninh khu vực. Ví dụ, thông qua các thỏa thuận được tăng cường, Trump và Tập có thể giải quyết các vấn đề cụ thể như an ninh hàng hải và tự do hàng hải, bằng cách nhất trí về một bộ quy tắc ứng xử cùng với các giao thức để quản lý các cuộc chạm trán hải quân. Hai nhà lãnh đạo cũng có thể thiết lập các chuẩn mực để chống lại hoạt động gián điệp và trộm cắp thương mại trên mạng do nhà nước tài trợ.
Trong khi đó, để đạt được tiến bộ nhất định về kinh tế trước tiên đòi hỏi một số khuôn khổ chung nhằm mang lại sự ổn định cho các quy định và điều khoản thương mại: việc tăng giảm thuế quan và các rào cản khác hàng tuần hoặc hàng tháng chỉ gây hại cho lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc. Sau đó, hai bên có thể đạt được tiến bộ trong việc điều chỉnh các tiêu chuẩn và thông lệ liên quan đến quyền lao động và bảo vệ môi trường. Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn lòng đi theo hướng này, không chỉ bằng cách thắt chặt đáng kể các tiêu chuẩn khí thải – cải thiện chất lượng không khí ở tất cả các thành phố Trung Quốc trong thập kỷ qua – và khởi xướng việc thực thi mạnh mẽ các biện pháp bảo vệ lao động, bao gồm các quy tắc về sức khỏe và an toàn, tiền lương tối thiểu, và thời giờ làm thêm, chí ít là kể từ năm 2010. Nếu Washington có thể củng cố một thỏa thuận song phương, chẳng hạn như về các thông lệ lao động cơ bản hoặc các giao thức để quản lý khí nhà kính, thì điều đó sẽ giúp ích chứ không gây hại cho người lao động và nhà sản xuất Mỹ, vì nó sẽ làm giảm một số lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc mà các công đoàn lao động Mỹ và những bên khác từ lâu đã lên án là không công bằng.
Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ bất kỳ tiến triển nào trong việc làm cho lĩnh vực tài chính của Trung Quốc trở nên minh bạch hoặc cởi mở hơn, chẳng hạn bằng cách thúc đẩy ngay cả các bộ phận không cốt lõi của các doanh nghiệp nhà nước tiết lộ nhiều thông tin hơn và cho phép các ngân hàng, công ty bảo hiểm, và công ty tài chính của Mỹ cũng như của quốc tế được tự do gia nhập thị trường Trung Quốc. Một số cải cách này là những thành phần quan trọng của thỏa thuận đã đưa Trung Quốc vào WTO, nhưng chúng chưa bao giờ được thực hiện đúng cách. Nếu Trump theo đuổi dù chỉ là những tiến bộ khiêm tốn ngay bây giờ, thì điều đó có thể giúp cung cấp thông tin và cơ hội tốt hơn cho các công ty Mỹ hoạt động trong thị trường Trung Quốc.
Bằng cách ưu tiên những kết quả hẹp và có thể đạt được này, Trump sẽ có cơ hội để đặt quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới trên một nền tảng vững chắc hơn. Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc phải dựa trên một đánh giá sáng suốt về các điều kiện quốc tế và trong nước hiện hành. Điều này có nghĩa là thừa nhận rằng khi không có kẻ thù chung, bất kỳ cuộc mặc cả lớn nào mà Washington đưa ra đều có khả năng tự chuốc lấy thất bại, vì mục tiêu tăng cường an ninh mà Bắc Kinh tìm kiếm trong khu vực chỉ có thể đến từ những nhượng bộ đơn phương của Mỹ. Trong khi đó, những nhượng bộ mà Trung Quốc có thể đưa ra về thương mại để đổi lấy những nhượng bộ của Mỹ về an ninh khó có thể thỏa mãn những gì các cử tri chống toàn cầu hóa mong đợi. Khi không gian chính trị để đàm phán hoặc thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng thu hẹp, những bước tiến dù nhỏ nhưng theo đúng hướng sẽ tốt hơn mọi lời hứa về một cuộc mặc cả lớn.
(nguồn Nghiên cứu quốc tế ngày 10-7-2025)
William Hurst là Giáo sư về Phát triển Trung Quốc và Đồng Giám đốc Trung tâm Địa chính trị tại Đại học Cambridge và là Nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).
Peter Trubowitz là Giáo sư Quan hệ Quốc tế và Giám đốc Trung tâm Mỹ tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London và là Nghiên cứu viên tại Viện Chatham.
