QUỐC ĐỊNH
LGT: Cần Giờ, một huyện đảo của Sài Gòn nằm ở cửa sông Lòng Tàu, sắp tới sẽ là một đô thị du lịch sinh thái và cảng trung chuyển container tầm cỡ của Đông Nam Á, theo một dự án đang được chuẩn bị. Nơi đây đang chuẩn bị đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để “biến” tất cả xe gắn máy ở huyện đảo này thành xe… điện, để Cần Giờ sẽ là một thành phố sinh thái, xanh. Tất cả những dự án “ước mơ” ấy hầu như đều nằm ngoài “danh mục” của những “tay vạn,” những người bám biển truyền đời ở huyện đảo này. Và khi dự án hình thành, họ sẽ đi về đâu?
Từ cái máu “nghệ sĩ” của Phương Tài
Lâu lâu chạy ghe trên sông Lòng Tàu, ngước nhìn từng nhịp cầu Bình Khánh đang dần dần nối nhịp, anh Đặng Phương Tài (ngư dân 48 tuổi) cứ hờ hững như nhìn một công trình nào đó trên… sao Hỏa. Bởi trong mắt anh, nó chẳng “ăn nhậu” gì đến cuộc mưu sinh hàng ngày của mình.
Giữa cái nắng tháng Bảy “nổ đom đóm” lúc hơn 11 giờ trưa, hàng chục ghe đánh bắt hải sản đang hối hả cập cảng Đông Lạnh (xã Cần Thạnh, trung tâm huyện Cần Giờ) để đổ nào ghẹ, cua, các loại cá, ốc… cho các vựa trên bến. Dưới ghe, đôi tay anh Tài cũng đang “đánh nhịp” với các tay lưới của mình để gỡ các loại ghẹ, cá để kịp đổ cho chủ vựa.
Vừa thoăn thoắt đôi tay, anh vừa kể: “Ghe của tui là ghe chuyên đánh bắt ghẹ. Các tay lưới cũng “dính” cá nhưng không nhiều. Hơn năm năm trước ghe tui chỉ là ghe nhỏ nhưng đã đổi, đóng ghe mới lớn hơn (dài khoảng 10m, ngang 2m), khoảng hơn một năm nay, tốn hơn 50 triệu đó.”
Ghe lớn hơn, các chuyến ra khơi của anh xa hơn, đi dài “hơi” hơn đồng nghĩa với thu nhập hàng ngày của anh “rủng rỉnh” hơn. Khác với các ghe đánh bắt hải sản ở vùng biển Cần Giờ này, họ đi ghe ít nhất cũng có một, đến vài ba “bận” (ngư dân đi đánh bắt cùng, ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ thỏa thuận với chủ ghe) cho đỡ cực và bớt nguy hiểm khi biển động cũng như khi bản thân bị “trái gió, trở trời,” còn anh Tài chỉ đi “mình ên” (một mình), từ khi làm chủ ghe.
Hỏi về lý do anh chỉ đi “mình ên,” phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khi đi đánh bắt xa bờ, giữa muôn trùng sóng dữ, giữa đêm khuya mịt mùng, Tài chỉ cười xòa: “Đi với bạn đỡ cực thiệt, cũng đỡ buồn và bớt đi cái sự hung hiểm nhưng cũng rất bực mình. Bình thường thì vui vẻ lắm, nhưng lúc nó buồn, nó lười hay nó… xỉn thì nó lắc đầu, bỏ chuyến làm mình bị lệ thuộc, rất bị động nên thà mình đi một mình cho nó… lành.”
“Lịch” ra khơi hàng ngày của Tài là vào khoảng 10 giờ đêm, chạy khoảng 60-70 km là đến vùng biển anh buông lưới. Ghe anh Tài có tải trọng khoảng 2 tấn với khoảng 1.500 sải lưới (một sải bằng chiều dài hai cánh tay người lớn dang ngang, khoảng 2m).
Đến vùng biển “nhà” của mình, anh thả hết các tay lưới, thả các phao cọc tiêu rồi thả neo và tắt máy. Đó cũng là lúc ăn cơm, rồi đi vào giấc ngủ giữa biển đêm mịt mùng trên chiếc ghe dập dềnh theo sóng biển. Sáng, anh dậy và bắt đầu thăm lưới. Bữa nào trúng thì anh thu lưới sớm và nổ máy vào bờ. Ngày nào “thua” thì anh cũng ráng đợi thêm vài tiếng để hy vọng có thêm một vài ký ghẹ, mực dính lưới để có ít thu nhập hòng gỡ gạc phần nào tiền dầu, tiền hao hụt lưới. Đến khoảng 12 trưa là anh thu lưới, dong ghe về cảng cá. Anh Tài cho biết, thời điểm này (giữa tháng Năm âm lịch) biển Cần Giờ bắt đầu có nhiều ghẹ, ngày nào trúng thì trừ đi tiền công, tiền dầu, hao mòn máy móc… thu nhập của anh cũng khoảng 2 triệu đồng. Ngày nào “bết bát” thì chỉ lỗ tiền công, tiền dầu.
“Khổ như chó” vậy mà nghề biển của Tài lần hồi đã qua gần 50 chục năm rồi. Bỏ nhà, bỏ học từ lúc hơn 10 tuổi để lao vào với biển, đi chài với Tài như một định mệnh, một tiếng gọi câu thúc từ trong tim, máu “trời không cản nổi.”
Bên ly rượu và mâm hải sản “lưới nhà,” Tài trải lòng: “Tui như lớn lên với biển, với sóng gió lênh đênh. Chữ nghĩa bây giờ chỉ nhớ “lõm bõm” chứ luồng lạch ở cái biển Cần Giờ, Vũng Tàu, Gò Công này tôi rành còn hơn chỉ bàn tay nữa.”
Anh bỏ nhà theo ghe, theo bạn và kể từ đó, gắn cuộc đời mình luôn với biển. Tài đến bây giờ cũng chỉ nhớ “mang máng” là mình có bốn đời vợ! Cũng chả có cưới xin gì cho mệt. Nàng nào thích thì cứ theo anh leo lên ghe, là một cái nhà trên biển của Tài, ăn ở chung, cùng làm nghề “đâm hà bá” này, đói cùng đói, no cùng no, là thành vợ chồng. Ngoài chiếc ghe bắt ghẹ coi như là nhà, gia sản của anh Tài chỉ là vài bộ đồ, cái mền cái gối cáu bẩn “thồn” ở một góc ghe. Chuyện gia đình, con cái của Tài cũng dập dềnh như con sóng, thích thì ở, không thích thì tan!
Lạ là Tài có nhà đàng hoàng rất khang trang ở gần cảng. Ba anh, ông Ba Truyền (75 tuổi, ngụ ở xóm chài khu phố Hưng Thạnh, xã Cần Thạnh) là dân “ngoại đạo” ở xóm chài này. Ông là nghệ sĩ múa và là biên đạo múa đã về hưu, quê ở Gò Công (Tiền Giang) về “cắm dùi,” lập nghiệp ở đây cũng tròm trèm hơn 40 năm. Cụng ly với chúng tôi, ông Ba Truyền đăm đắm nhìn Tài như nhìn một con người ở đâu đâu. Vô cùng trìu mến và cũng vô cùng lạ lẫm! Ông nhìn người con trai duy nhất với cái nhìn như dấu hỏi, không hiểu một con người nghệ sĩ như ông mà lại sinh ra đứa con “rạch trời, rạch đất” như vậy? Kìa, cái sự mê biển đến cuồng đắm, bạt mạng của mình không phải là thứ mang đang đậm chất nghệ sĩ hay sao?
Trong những câu chuyện bên ly rượu, xoay quanh đời ngư phủ, chuyện bám biển và các sản vật biển, ngư dân Năm Mú (tên thật là Nguyễn Minh Loan, 54 tuổi, ngụ ở xã Cần Thạnh) người có trên 30 năm vật lộn với sóng gió khơi xa, luôn cồn lên trong tâm trí mình cái chuyện sống bền vững, sao cho “có hậu” với biển, với lưới cá và với con tàu. “Mình đừng sống “bạc,” sống tệ với biển anh à! Mình đối xử với “nó” ra sao, “nó” sẽ “ứng” lại với mình y như “dzậy” đó nha. Có khi còn dữ dằn hơn mình gấp trăm, gấp ngàn lần đó,” anh Năm Mú trầm ngâm triết lý.
Cái triết lý đó được anh dẫn chứng hết sức cụ thể. Cứ mùa biển nào, loại hải sản nào trong mùa sinh sản mà ngư dân đánh bắt tràn lan kiểu tận diệt, không chừa một “mống” nào, to nhỏ gì cũng “cào” thì y như rằng, mùa biển sau có đi cả tháng, bủa bao nhiêu tay cũng không có một con cá, con cua nào dính lưới. Một thứ “quả báo” mà biển cả và thiên nhiên “ứng” liền, không một chút thương xót.
Bởi thế, để sống và có những chuyến biển nhiều tôm cá, ngư dân cái cảng cá này và cảng cá Long Hòa (là hai cảng cá lớn và chính của Cần Giờ), cứ như có một thỏa ước ngầm, một tâm niệm không văn tự là đánh bắt hải sản không bao giờ theo kiểu tận diệt. Đánh cá phải “chừa” mùa các loài sinh sản, không dùng chất nổ mà vô tình phá hoại các dải san hô, hủy hoại đáy biển để bảo đảm cho các loài phiêu sinh vật phát triển, có thức ăn cho các loài sinh vật biển và tôm cá nhỏ, từ đó nuôi dưỡng và phát triển các loài khác, vốn là “sản vật” đặc trưng của biển Cần Giờ, như: cá dứa, cá mú, ghẹ, cua, tôm càng.
Mà “quả báo” cũng “nhãn tiền,” cá cùng khô cá Dứa, một đặc sản ở Cần Giờ, giờ đã không còn. “Là ngư dân thâm niên ở đây, tui khẳng định là cá Dứa Cần Giờ, giờ đây không còn một mống. Những làng bán khô cá Dứa giờ toàn là bán cá giả hoặc từ đâu mang tới,” Năm Mú nói “chắc nịch.”
Chuyện của Tư Thắng: “Liều” giàu bằng… con hàu
Trên chiếc ghe đưa chúng tôi ra bãi hàu (còn gọi là hào) mênh mông cửa biển xã Đông Hòa, anh Tư Thắng (50 tuổi), người cao ráo, toàn thân nâu bóng màu… ngư phủ, mắt đăm đăm nhìn về “cánh đồng” hằng hà sa số những thùng nhựa bập bềnh trên sóng nước, khoát tay nói: “Hơn một nửa người dân ở xứ Đồng Tranh này (xã Đông Hòa, huyện Cần Giờ) là dân nuôi hàu hết đó. Nó là “cần câu” ở biển Cần Giờ, và là “nghề thoát đói” của dân Đồng Tranh cả chục năm nay.”
Tư Thắng nhớ lại, hơn 25 năm trước, anh cùng vợ và hai con từ Tiền Giang trôi dạt về đây rồi “cắm câu” tại Đồng Tranh này. Một cắc lận lưng không có, anh cùng vợ làm đủ thứ công việc tạp nham để sống độ nhật. Đi “bạn” theo ghe đánh bắt thủy sản cũng vừa đủ kiếm miến ăn nhét miệng. Phụ hồ nhiều năm trời cũng quay quắt với cái đói, cái nghèo trong khi nhu cầu của mấy đứa con, của gia đình ngày càng lớn, như mấy cái “tàu há mồm.” Thế là liều! Cái liều của Tư Thắng được “thế chấp” bằng khát vọng thoát nghèo với sự toan tính tỉ mỉ, bằng chính sức vóc và sự từng trải của mình. Liều đi mượn tiền. Với số tiền mượn được gần 30 chục triệu đồng không lấy lời từ bạn bè, “chiến hữu,” Tư Thắng “chơi” ngay một “đường hàu” thả nuôi thiên nhiên, ngay tại xứ Đồng Tranh. Tư Thắng nhớ lại: “Đó là khoảng năm 2012, tui ra một đường hàu (dài khoảng 150m, với khoảng 1500 đến 2000 vỏ xe). Trong thời gian đợi hàu giống đậu vô đường, tui vẫn đi bạn để kiếm cái ăn hàng ngày.”
Có vốn là một đường hàu ở Đồng Tranh, anh đi “liều bước nữa,” vay mượn thêm nữa để xuống thêm đường hàu thứ hai, thứ ba, rồi thêm nữa nữa, “vì công chăm dưỡng một vài ba đường hàu cũng bằng như chăm sóc cả chục, cả trăm đường. Mình chỉ bận thêm chút xíu thôi,” Tư Thắng cho biết.
Ngày tháng đắp đổi, vượt qua bao nhiêu vụ hàu “sóng dập gió vùi,” đến nay anh Tư Thắng đã thành một chủ nuôi hàu “có số má” ở Đồng Tranh với hơn 150 đường hàu. Mắt anh ngời sáng khi khoe với chúng tôi: “Số vốn cho bãi hàu của tui bây giờ cũng trên dưới 6-7 tỷ đó nha. Đó là chưa kể tui đã tạo ra công ăn chuyện làm cho cả chục người khác để trông coi, chăm dưỡng, có trả công hàng tháng đàng hoàng.”
Nhưng nuôi hàu thiên nhiên, theo Tư Thắng, cũng là một canh bạc với biển cả. Anh cho biết: “Thường hàng năm, từ tháng Chín đến tháng Năm (năm sau) là lúc hàu cám xuất hiện nhiều trong tự nhiên, tụi tui cho thả neo hàng trăm dây dài 2 mét, thả từ 6-10 dây/m2 mặt nước, trên mỗi dây xỏ vào 10 vỏ hàu loại lớn để làm giá thể cho cả hàu cám và hàu con bám vào dây được cột với phao cố định nổi trên mặt nước.”
Đối với hàu thiên nhiên, thời điểm “bẫy” giống từ tháng Tư đến cuối tháng Năm, khi hàu giống đã bám đặc trong vỏ hàu và dây thì sẽ kéo lên. Trong tự nhiên, hàu hoàn toàn sống cố định, không di chuyển như một số loài nhuyễn thể khác, thuộc loại động vật bắt mồi thụ động.
Thức ăn là tảo khuê sống trôi nổi theo dòng nước thủy triều lên xuống. Do đó, vùng nước thường xuyên có thủy triều lên xuống như ở Cần Giờ rất thích hợp cho việc nuôi hàu. “Nhưng để hàu cám, hàu con “đậu” được vào vỏ hàu bẫy là “hên xui,” có đường thả cả 1-2 năm mà hàu vẫn chưa đậu, coi như trắng tay,” Tư Thắng cho biết.
Rồi vào khoảng thời gian từ tháng Mười Hai dương lịch đến tháng Giêng hàng năm (tùy theo mùa) là mùa thu hoạch hàu, nhưng đây lại là lúc biển có độ mặn cao, là mùa dịch khiến hàu dễ nhiễm bệnh và chết. Do vậy, người nuôi phải “né” bằng cách thu hoạch sớm, khiến cho năng suất và chất lượng hàu không được như mong muốn. Trúng một mùa, trừ tất cả vốn liếng, trang trải chi phí thì có thể thu được vài trăm triệu. Ông chủ nào trúng nhiều đường hào nhất thì có khi “ẵm” cả tỷ không chừng. Thực tế, hiện giờ người nuôi hàu vẫn “thiệt đơn thiệt kép” vì loại hàu đẹp nhất, lớn nhất, giá bán tại bãi cao nhất hiện nay cũng chỉ khoảng 50 ngàn đồng/kg, trong khi ở nhà hàng, loại này có thể lên đến 150 ngàn đồng/kg.
Chỉ vào bãi vỏ hàu với hàng chục nhân công đang xỏ vỏ hàu vô từng dây, Tư Thăng nói hoan hỷ: “Đó là dân xung quanh tui mướn công nhật để vô dây hàu, những anh chị đang làm như: Chín Ẩn, Tư Thưởng, chị Phê, Hai Cũ… kiếm cũng được hơn 200 ngàn mỗi ngày.” Còn vợ anh Tư Thắng, hiện nay là bà chủ quán cà phê ở nhà anh, nên kiêm luôn vai “ẵm em,” coi sóc mấy đứa cháu nội, ngoại của mình.
Tuy chưa là đại gia, nhưng Tư Thắng với người dân nuôi hàu ở Đồng Tranh, đã là một “ông chủ” thoát thai từ hai bàn tay trắng. Và giờ đây, đang là cái cầu nối để xóa nghèo cho hàng chục gia đình làm công cho anh. Còn đó một “rào cản” nữa như Tư Thắng tiết lộ, không phải ai ở xã Long Hòa này cũng có máu “liều” như mình. Dám vay mượn bạn bè, chiến hữu để thoát nghèo, làm giàu. Vì lãi suất vay ở “xã hội” thường cao, có khi lên đến cả chục phần trăm mỗi tháng, mà thời gian trả vốn lại ngắn. Còn vay ở các chương trình hoặc ngân hàng chính sách xã hội thì “đa số người dân ở xã đều không có sổ đỏ hay tài sản thế chấp,” nên không thể “rớ tới” nguồn vốn ưu đãi này được. Đó là cái “ách” mà người dân Cần Giờ đến nay vẫn phải mang, vẫn khó “bươn chải,” thoát nghèo.
Nỗi lo dự án khu du lịch Cần Giờ
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha, trong đó sẽ lấn biển 2.718 ha, nằm trên toàn bộ bờ biển của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Khoảng cách từ khu vực thực hiện dự án đến vùng trung tâm là 8,6 km, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Dự án đại quy mô này đã được phê duyệt từ năm 2007 và dự kiến sẽ xây dựng trong 3 giai đoạn cho đến năm 2030.
Từ đó cho đến nay, đã có nhiều hội thảo khoa học cả cấp địa phương cho đến cấp quốc gia, quốc tế để tìm ra những phương cách bảo tồn tốt nhất Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ, biển Cần Giờ, khi phải xây dựng san lấp cả triệu khối cát đá, làm thay đổi nhiều dòng chảy, dòng hải lưu ra vào vùng biển và khu rừng đặc dụng, vốn là lá phổi xanh của Sài Gòn.
Tháng Sáu năm 2020, chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ tổng diện tích gần 3.000 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm (đến năm 2070 với phần mở rộng quy mô; đến 2057 với phần diện tích lấn biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư từ năm 2007). Đầu năm 2023, UBND huyện Cần Giờ đã đồng ý cho Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ được xây dựng công trình tạm là hàng rào phục vụ thi công dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Hàng rào dài gần 2,5 km, cao 2,2 m, có bảy cổng với kết cấu móng bê-tông cốt thép, trụ thép hộp. Địa điểm xây dựng trên phần diện tích biển 600 ha thuộc dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Vậy đâu còn có xa, nỗi lo của hàng vạn ngư dân biển Cần Giờ đã hiển hiện trước mặt, có thể sờ nắm được. Tuy chưa ảnh hưởng rõ rệt đến từng chuyến khơi xa mỗi ngày nhưng có lẽ sẽ là nay mai, chỉ trong năm nay hay năm tới với tiến độ xây dựng ồ ạt thì… biết ra sao ngày sau?Với từng ngư dân sống đời ở vùng biển này, khi phải giải tỏa, di dời đi nơi khác để cho một Cần Giờ phát triển, thành một nơi “phồn hoa đô hội” nay mai, thì coi như họ mất trắng nghề biển. Còn với những người ở lại, với mật độ và quy mô xây dựng quá lớn thì liệu cái hệ sinh thái ngàn đời của biển Cần Giờ có còn để cho họ mỗi ngày ra khơi, bám biển để mưu sinh?
Câu hỏi này cứ như tảng đá đeo nặng trước ngực những ngư dân như anh Năm Mú, anh Tài và Anh Tư Thắng cả vạn người khác. Đeo nặng đến nỗi, những câu chuyện vui, chuyện tếu quanh ly rượu với chúng tôi một hồi rồi cũng “tua” lại nỗi trăn trở này. “Nó cứ như là hơi mặn của biển, cứ bám riết lấy tụi tui, anh à,” anh Măm Mú nói trong tiếng “khà” như mếu.