Lang thang ở Buenos Aires – ‘Cái nôi của Tango’

by Tim Bui

TRÙNG DƯƠNG

Cô bạn đồng hành và tôi tới Buenos Aires, thủ đô Argentina, vào một ngày đầu tháng Hai (mùa Hè ở Nam bán cầu) sau chín giờ bay từ Houston. Chúng tôi nghỉ lại đây hai ngày trước khi đáp chiếc Star Princess cho một chuyến du ngoạn 16 ngày xuống Nam Cực. Đây là lần đầu tiên tôi đi thăm vùng Nam bán cầu.

Buenos Aires, có nghĩa là “Gió lành” và được mệnh danh là “Paris của Nam Mỹ” nhờ những tòa kiến trúc đậm ảnh hưởng của Âu châu. Đó là một thành phố lớn với dân số ba triệu, vô cùng náo nhiệt. Và, như hầu hết các thành phố lớn tại những nước đang mở mang, đông đặc xe cộ đủ mọi loại, cỡ và tuổi, đầy tiếng động và sặc mùi khói xe.

Dân chúng thủ đô, phần lớn có nét Ý, nhiều người khá đẹp, phần đông thân thiện, kiên nhẫn; trừ những ông tài xế đang lái xe. Sau đôi lần suýt bị xe cán khi qua đường, tôi bỏ thói quen hấp thụ sau mấy chục năm sống ở Mỹ, học… chạy mỗi khi qua đường dù là trong hai lằn trắng dành cho khách bộ hành và còn đang đèn xanh cho người đi bộ. Bởi vì khi đèn đường đổi màu, dù bạn vẫn đang sang đường, người lái xe cũng thản nhiên rồ máy chạy như thể bạn không có đó. 

 Mặc dù cũng giống như các nước Châu Mỹ La Tinh khác, nơi đàn ông vẫn còn nắm phần chủ động ở hầu hết mọi sinh hoạt chính trị, xã hội và kinh tế, Argentina đã từng có nữ tổng thống, bà Cristina Elizabeth Fernández de Kirchner, từ năm 2007 đến 2015.

Tháng Hai là giữa Hè ở Nam bán cầu, ngược lại với vùng Bắc bán cầu đang giữa lúc đông giá. Nhiệt độ vào khoảng từ 70 đến 80 độ F. Chúng tôi trải qua hai ngày đi bộ ngắm cảnh và người. Bên dưới là một số hình ảnh sinh hoạt đường phố của của Buenos Aires, cũng là cái nôi của điệu tango đầy sức sống và gợi cảm.

Mặt tiền của nhà trọ (hostel) nơi chúng tôi trú chân trong hai ngày ở Buenos Aires, tên là Telmotango Hostel Suites, tại Chacabuco 679 (ở đây người ta để số nhà sau tên đường) trong khu San Telmo, Buenos Aires. 

Nhà trọ khá sạch, giá phải chăng, phòng tắm chung, có wireless Internet và điểm tâm miễn phí. Chị bạn tìm thấy nhà trọ này và đặt phòng trên Internet, tại Web site hostelworld.com. Hình giữa, một trong những kiến trúc kiểu Âu châu không hoặc ít được tu sửa, nhiều tòa nhà bị bỏ phế như tòa nhà đối diện với hải cảng Buenos Aires trên. Hình bên dưới, một người đàn ông ở trần nằm ngủ trên bậc thềm cửa chính của cùng toà kiến trúc trong nhỉnh giữa. 

Cũng như tại nhiều nước ở Âu châu và Hoa Kỳ, hầu như không có tòa nhà nào ở Buenos Aires mà lại thoát khỏi nạn vẽ trên tường, tức graffiti

Những graffiti trong hình bên phải ở trên hiện hữu như những “tuyên ngôn” nói lên tâm tư của một số quần chúng, đặc biệt là giới trẻ. Bên trên là một số graffiti trên tường của một số kiến trúc kiểu Âu châu quanh thành phố. Cái graffiti trong hình giữa, “Viva La Anarkia” (Vô chính phủ muôn năm), được ai đó vẽ trên tường của tòa kiến trúc thuộc trường đào tạo kỹ sư tại thủ đô của Argentina.

Nhiều khi cũng khó phân biệt giữa graffiti như hình bên trái, và tranh tường (murals), hình giữa và mặt

Tôi đặc biệt thích cái mà tôi gọi là graffiti-mural trong hình giữa: Đây là một bãi đậu xe buýt chở hành khách, bên trái ở tiền cảnh là một mảnh tường phá dở dang được giữ lại, do cố tình hoặc vì lý do nào đó, và ai đó đã vẽ lên đó một bức họa để trang trí, khó có thể gọi đó là graffiti được.

Trừ một số đại lộ, đường xá quanh Buenos Aires hẹp và ngoạn mục, giống đường xá của một thành phố ở Âu châu, như Paris chẳng hạn, chẳng trách được thành phố này được mệnh danh là Paris của Nam Mỹ. Song khác với Paris, ở đây khách bộ hành không phải để ý tránh phân chó, có thể bây giờ Paris đã khá hơn. Ở đây, chỉ có người có của dư mới nuôi nổi chó và mướn người dẫn chó đi dạo mỗi ngày. Những người dẫn chó thuê này thường đeo trên lưng một cái xô để hốt phân chó, như trong hình ở trên.

Nghĩa trang quốc gia Recoleta ở phía bắc của Buenos Aires là nơi chôn những người nổi tiếng hoặc giàu có, mở cửa cho dân chúng vào xem miễn phí. Ngay lối cửa ra vào, hình bên trái, có một cái danh sách và bản đồ của mộ phần của nhiều nhân vật tên tuổi.

Nhiều ngôi mộ được bài trí bằng những tượng điêu khắc công phu, khá đẹp

Bên trái là ngôi mộ có lẽ là nổi tiếng nhất và được nhiều du khách thăm viếng và để lại hoa nhiều nhất là mộ của Đệ nhất Phu nhân Evita Peron (1919-1952) được chôn chung với những người trong gia đình bên bà, Familia Duarte. Không hiểu sao bà không được chôn chung với gia đình bên chồng, tức cố Tổng thống Juan Domingo Peron; có thể vì Evita chỉ là vợ thứ hai của ông. Mộ của bà Evita nổi tiếng có lẽ cũng nhờ phim “Evita” (1996) do cô đào Madonna thủ vai chính và bài hát “Don’t cry for me, Argentina,” mặc dù nhiều người Argentina không mấy hài lòng với bức chân dung Evita được mô tả trong phim. Phải, một số mèo vô chủ nhận những ngôi mộ trong nghĩa trang làm nhà, được những người trông coi nghĩa trang nuôi ăn mỗi ngày.

Buenos Aires là nơi ra đời của vũ điệu tango gợi cảm. Chính xác thì vũ điệu này xuất phát từ các khu nhà thổ như một môn giải trí cho những thợ thuyền xa xứ hồi thế kỷ 18, 19. Khi được nhập cảng sang Âu châu và sau đó tới Việt Nam, thì vũ điệu này bớt các ngón quặp và đá chân gợi dục và trở thành thanh nhã hơn. Nhiều hoạ sĩ chuyên vẽ những điệu nhảy này, như hai hoạ sĩ trong hình trên đang trưng bày tranh trước cửa nghĩa trang quốc gia Recoleta. 



Thay vì vẽ các vũ công Tango, một họa sĩ chọn vẽ các kiến trúc tiêu biểu của Buenos Aires, trái. Giữa, một nhạc công ngoài đường phố. Phải, một trong những cặp trình diễn Tango thường thấy ngoài đường phố. Khách thưởng ngoạn có thể thưởng tiền nếu có sẵn.

Tới Buenos Aires mà không đi coi một tango show là một thiếu xót vô cùng. Bên trên là vài bức chụp một chương trình tango tại Borges Center of Culture trên đường Florida ở trung tâm thành phố. Chương trình dài 2 tiếng, các nhạc cảnh đặt trong bối cảnh hậu Đệ nhị Thế chiến, phản ánh qua cách phục sức của các diễn viên và vũ công. Một trong số nhạc cảnh mà tôi rất thích vì các bước nhảy rất khéo: ba vũ công diễn tả sự ghen tuông của một anh chồng làm bồi bàn với hai người khách, vợ hoặc người yêu của anh ta và một người đàn ông khác.

You may also like

Leave a Comment