HOÀI LÊ
Sau thất bại 0-2 trước đội tuyển Portugal có thể nói cuộc hành trình của đội tuyển nữ Việt Nam tại Women’s World Cup 2023 đã kết thúc sớm dù còn một trận sau đó với tuyển Netherlands (thua với tỉ số 0-7). Dù không hề có hy vọng gì ở sân chơi “quá hớp” này nhưng trước giải đấu người hâm mộ banh da Việt Nam và cả dư luận, báo chí trong nước đều đặt quá nhiều kỳ vọng về một cuộc trình diễn trong mơ.
Từ giấc mơ mang màu hy vọng
Trước hết phải nhìn nhận việc đội tuyển nữ của một nước “nhược tiểu” trong làng banh da lọt vào vòng chung kết giải vô địch đá banh thế giới với vốn đã là một giấc mơ đáng được trân trọng. Loanh quanh trong vùng trủng của thế giới với các giải đấu khu vực Đông nam Á, đội banh nữ Việt Nam luôn là đội tuyển mạnh nhất. Nếu tính từ lần dầu tiên (năm 1997) xuất ngoại thua Thái Lan 2-3 thì chỉ trong một thời gian ngắn sau đó các cô gái Việt Nam đã gần như là bất khả bại trong khu vực. Họ có một thành tích thật đáng nể khi ba lần vô địch Đông Nam Á (2006, 2015, 2019) và 8 lần vô địch tại đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA games) trong đó có bốn kỳ liên tiếp (2017, 2019, 2021 và 2023) là một thành tích khủng.
Từ năm 1999, cầu thủ nữ Việt Nam bắt đầu tham gia sân chơi cấp châu lục dù 9 lần tham dự chỉ có một lần được lọt vào 8 đội bóng mạnh nhất (tứ kết năm 2022) thì cũng đủ để tự hào, đủ để kỳ vọng. Đặc biệt trước khi tham dự World Cup 2023, đội tuyển đã có một trận thua sít sao đội tuyển Đức với tỉ số 1-2 thật sự làm bùng nổ hy vọng. Phải nhắc đến chi tiết này vì với người hâm mộ đá banh ở VN, Đức như một tượng đài không thể với tay tới. Trong khi đó đội tuyển nữ của Đức đã từng 2 lần vô địch thế giới, 8 lần vô địch châu âu và một lần vô địch Thế vận hội. Chưa hết, thời điểm Thanh Nhã sút tung lưới thủ môn đội tuyển Đức thì đội banh này đang xếp thứ hai thế giới trong bảng xếp hạng của FIFA. Dù chỉ là một trận đấu giao hửu và đội tuyển Đức chưa phải là đội hình mạnh nhất nhưng “khoan thủng” cỗ xe tăng Đức đã làm dấy nên hy vọng.
Ra quân gặp đội tuyển nữ Hoa Kỳ, với lối chơi phòng thủ đổ beton chặt chẽ, hợp lý và ăn ý, các nữ tuyển thủ VN đã khiến nhà đương kim vô địch (thời điểm đó) lúng túng. Dù áp đặt lối chơi, áp đảo suốt 90 phút không cho VN một cơ hội phản công nào nhưng chiến thắng 3-0 của Hoa Kỳ phải nói là có mùi chật vật so với tương quan thế trận. Khoan nói đến sự phung phí (và họ phải trả giá cho các trận đấu sau đó) thì rõ ràng, các cô gái Việt Nam không cho đội banh của xứ sở cờ hoa những khoảng trống cần thiết để xử lý. Chính điều này không chỉ làm cho người hâm mộ mà ngay cả các cầu thủ cùng mơ đến một trận cầu đẹp gặp Portugal sau đó.
Phát biểu trước trận đấu với Portugal, vị HLV lớn tuổi nhất Women’s World Cup 2023 Mai Đức Chung, dù vẫn khiêm tốn nhìn nhận đội ông sẽ chơi phòng thủ phản công (trận gặp Mỹ họ chỉ chơi phòng thủ) nhưng trong cách nói cũng thể hiện ước mơ tìm bàn thắng. Sự “lạc quan” này đã được học trò của ông nâng thêm một tầng nữa bằng cách tấn công áp đảo đối phương ngay từ đầu mà quên hẳn lối chơi sở trường – phòng thủ phản công. Tôi không nghĩ rằng các cầu thủ của ông Chung ảo tưởng về sức mạnh của mình. Bởi trước một đối thủ không quá mạnh, cũng giống mình là lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết các nữ cầu thủ Việt Nam muốn chơi một trận đẹp để khẳng định mình và áp lực tìm bàn thắng đầu tiên tại WWC mới khiến họ “say” và quên rằng Portugal là một đội banh châu Âu, thân thể cao hơn, thể lực tốt hơn và chiến thuật chặt chẽ hơn. Portugal cũng chỉ chờ có thế.
Nhiều năm viết về thể thao và đá banh, tôi tin rằng cách mà làng banh da Việt Nam nói chung và đội nữ nói riêng, muốn tìm thắng thì trước hết phải hạn chế thua! Đây là con đường mà ông HLV Park Hang Seo bền bĩ xây dựng cho đội tuyển cầu thủ nam và ông HLV Mai Đức Chung cũng chọn cho các cầu thủ nữ của mình. Tất nhiên trong sự “say” của cầu thủ có phần đóng góp của truyền thông trong nước khi quá hào hứng với ngôi vương Đông Nam Á, đặc biệt là kết quả các trận đấu tập huấn. Người Portugal không biết đọc tiếng Việt nên họ không hề có áp lực trước sức mạnh của tuyển nữ Việt Nam.
Đến khoảng cách thực tế
Theo tôi, có một thực tế ai cũng biết nhưng ít ai cảnh báo (nhất là với tuyền thông trong nước) đó là khoảng cách về thể lực. Theo số liệu đưa ra từ FIFA, đội tuyển nữ VN có chiều cao trung bình 1,61m chỉ hơn duy nhất một đội Zambia (1,59m). Trong đội hình của nữ Việt Nam chỉ có 12 cầu thủ cao 1,60m trở lên trong khi tuyển Hoa Kỳ, có 13 cầu thủ cao 1,70 trở lên, Portugal có 10 cầu thủ cao 1,70 trở lên. Nói đến chiều cao không hẳn chỉ là ưu thế của việc tranh chấp bóng trên không mà còn là bước chạy. Nếu bình quân một sải chân của cầu thủ trên mét bảy là 0,6m thì của cầu thủ mét sáu chỉ khoảng 0,5m. Có nghĩa cùng mức xuất phát thì 0,1 mét hơn đủ để cầu thủ khống chế banh nhanh hơn một nhịp và cùng một cự ly cầu thủ thấp hơn sẽ phải tốn năng lượng nhiều hơn bởi tần suất bước chạy cao hơn. Đó cũng là lý do thua sút về thể lực của các cầu thủ nữ Việt Nam so với đối phương.
Nền tảng thể lực quyết định chiến thuật nên với sự thua sút này, cầu thủ Việt Nam không thể chọn lối chơi tốc độ, chuyền banh dài, lật cánh hay tấn công nhanh mà phải chọn phối hợp ngắn. Có nghĩa phải di chuyển nhiều hơn, xoay trở nhanh hơn, tốn nhiều sức hơn và mất hẳn yếu tố bất ngờ – lợi thế của lối chơi phòng thủ phản công. Đó cũng là lý do trong cả ba trận gặp các đội châu Âu, châu Mỹ cầu thủ VN gần như không tạo được một cơ hội tấn công nguy hiểm nào.
Một khoảng cách nữa là kinh nghiệm để tạo nên bản lãnh thi đấu ở sân chơi lớn. Làm vương ở một vùng đất mà đối thủ có sự tương đồng về vóc dáng, thể lực nên khi bước vào những trận đấu ở tầm cao hơn các cầu thủ nữ Việt Nam không thể chủ động tạo được thế trận và dễ bị cuốn theo lối chơi của đối phương. Ngoại trừ trận gặp Hoa Kỳ họ chủ động chơi phòng thủ chặt chẽ, ăn ý thì trận gặp Portugal và nhất là trận gặp nữ Nerthelands cầu thủ Việt Nam chỉ là những người chạy rượt theo banh. Công bằng mà nói thì trước khi đến với World Cup, cầu thủ nữ Việt Nam cũng có nhiều trận tập huấn với các đối thủ châu Âu, Mỹ, Nhưng tập huấn chỉ có nghĩa là điều chỉnh đội hình, lối chơi hơn là tích lũy kinh nghiệm trận mạc bởi sự khác biệt về tính chất thi đấu. Lý do đơn giản: chỉ có giải đấu chính thức thì sự va chạm, xử lý tình huống, tốc độ cho đến áp lực… đều hoàn toàn khác xa tập huấn.
Điều đọng lại
Thua 13 bàn trắng, tụt 4 bậc trong bảng xếp hạng của FIFA (từ 32 xuống 36) là hệ quả “hậu World Cup” của banh da nữ Việt Nam. Tuy nhiên, việc lọt vào vòng chung kết của giải vô địch bóng đá thế giới cũng đã làm thay đổi vị thế của banh da Việt Nam, đặc biệt là có cơ sở để hy vọng. Bước được vào “sân chơi” thế giới đã là một bước tiến dài nhưng muốn trụ được thì cần phải có sự thay đổi căn cơ hơn. Giống như nam, nếu không có sự “nhào lên trước” của ông bầu Đức sẽ không có học viện đá banh Arsenal và không có lứa cầu thủ có thể hình tốt như hiện nay (hơn nữa đội hình cao từ 1,82m trở lên) thì “nhà phù thủy” Park Hang Seo chẳng làm được gì với cây đũa của mình. Không có sự đầu tư, tuyển chọn, huấn luyện thì đá banh nữ Việt Nam không thể nâng chất.
Đây mới chính là công việc của Liên đoàn bóng đá Việt Nam hậu World Cup. Bởi không lẽ “bơi ra biển lớn” rồi về tranh chấp huy chương ở “ao làng”?