Bâng khuâng với áo dài Việt Nam

by Tim Bui
Ngày Tết, bâng khuâng với áo dài Việt Nam THU THỦY

THU THỦY

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại y phục cá biệt. Khi nhìn cách phục sức của họ, chúng ta nhận biết họ thuộc quốc gia nào. Người Nhật Bản có chiếc áo Kimono, người Trung Hoa đời Mãn Thanh có chiếc áo Thượng Hải mà quí bà quí cô thường gọi là áo “xường xám”, người Việt Nam chúng ta hãnh diện về chiếc áo dài, được trang trọng nâng lên ngôi vị quốc phục. Cả phái nam lẫn phái nữ đều có thể mặc.

Hiện nay, áo dài Việt Nam được xuất hiện nhiều trên đường phố Saigon, Hà Nội, và tại các thành phố lớn của Hoa Kỳ, nơi có số lượng người Việt sinh sống đông đảo. Hình ảnh những chiếc áo dài muôn màu sắc rất đẹp của nam nữ và trẻ con được xuất hiện trên báo chí và các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, đưa quốc phục của người Việt trở lại thời hoàng kim, sau một thời gian bị lu mờ vì thời cuộc.

Riêng tôi, hàng năm cứ lục cục duyệt khăn áo để chuẩn bị đi chùa hay đến thăm bè bạn vào đầu Xuân, là tôi lại thấy mình chùng xuống, bâng khuâng với những chiếc áo dài đang nép mình trong góc tủ.

Đám áo dài của tôi hàng ngày ngoan hiền im lặng là thế, nhưng chẳng hiểu sao cứ đến dịp năm hết Tết đến là chúng thật “quậy” khiến bao kỷ niệm của tôi với trang phục quốc hồn quốc túy đã mặc từ lúc còn bé thơ này của mình lại ùa về.

Chiếc áo dài tôi mặc lần đầu tiên là áo dài đồng phục nữ sinh màu trắng, khi tôi vào lớp đệ Lục (lớp 6 bây giờ) của một trường công lập. Áo may bằng hàng vải chứ không phải tơ lụa như áo các chị lớn của tôi. Thực sự là tôi không thích áo dài khi mặc thử tại nhà người thợ may, vì trông tôi lúc đó thật buồn cười. Phụ nữ mặc áo dài phải có vòng số 1 nhô cao, vòng số 2 được gọi là cái eo thì bé nhỏ. Nhưng ở tuổi 11, tôi chưa nảy nở thì mặc áo dài không đẹp tí nào!

Thấy mặt tôi chảy dài trước kiếng, mẹ hỏi vì sao tôi buồn. Tôi dẫy nẩy chê: “Áo gì không có eo, mà chẳng có co?”. Thế mà cả mẹ tôi và bà thợ may đều cười to, trước sự đau khổ của tôi! Và đương nhiên tôi phải mặc chiếc “áo xấu” đó suốt niên khóa. Nhưng dẫu sao, áo dài cũng tiện cho tôi khi chơi lò cò, nhảy dây, ô làng, hay vào vườn hái trái mít non, mà không sợ rách áo. Hai tà áo được học sinh tụi tôi hồi đó cột bên hông, có khi gập đôi cho ngắn, nhét vào quần, cho đến tuổi 13, là tuổi dậy thì, thì tôi bắt đầu thích mặc áo dài.

Khi lớn lên có người yêu, mỗi khi đến hẹn gặp nhau, tôi lại băn khoăn tìm màu áo dài mới để sóng bước bên chàng. Mỗi chiếc áo dài mang một kỷ niệm đẹp lúc bên nhau. Anh nói rằng anh nhớ tôi nhất một buổi chiều trên bãi biển Nha Trang trong chiếc áo dài vàng. Chiếc áo nổi bật trên nền đại dương xanh mướt và cát trắng, khi anh từ giã tôi để trở về quân trường Đồng Đế mà không biết tương lai sẽ ra sao sau mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Anh thì thầm trong đêm cô đơn: 

Áo nàng vàng anh về yêu hoa Cúc,
Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường.”
(Nguyên Sa)

Thuở ấy, nhiều bài thơ lãng mạn và tình ca trong suốt hơn 2 thập niên đã ca ngợi hạnh phúc của đôi tình nhân, trong đó hình ảnh của tà áo dài đầy rẫy và thật đáng yêu, như trong những nhạc phẩm “Tà Áo Xanh”, “Ngày Xưa Hoàng Thị”, v.v. Nhưng cũng có hình ảnh đậm nét buồn thế kỷ của người thiếu phụ áo dài trắng với khăn sô, như “Đừng Bỏ Em Một Mình”.

Rồi như bao nhiêu người tôi bỏ Việt Nam mà đi sau biến cố tháng Tư đổi đời ấy.

Từ lúc trở thành một người di cư và mang thêm quốc tịch Hoa Kỳ, tôi lại thấy mình càng tha thiết với chiếc áo dài không biết từ lúc nào đã trở thành thân thương. Tôi thấy mình luôn mặc chiếc áo dài truyền thống Việt Nam vào các dịp đi lễ Chùa, mừng ba ngày Tết Nguyên Đán, và ngày Đại hội của Thầy Cô giáo với cựu học sinh. Lại càng vui mừng hơn khi gặp lại, vài nữ học sinh cũ vẫn còn nhắc nhớ đến dáng người của cô giáo trong tà áo dài màu tha thướt và mái tóc thề bay bay, theo mỗi bước chân tôi trong sân trường ngày tháng ấy.

Giờ đây, mỗi khi được khoác lên mình chiếc áo dài, bất kể vòng 1, vòng 2 giờ ra sao, hay tóc thề chẳng còn bay trong gió, tôi cũng cảm thấy như mình trở về quê hương, dù chỉ trong khoảnh khắc, dù quê hương đã đang cách xa ngàn dặm, chẳng mong còn được gặp lại mấy người xưa. 

Một lần trong nỗi bâng khuâng ấy, tôi lên mạng để tìm về nguồn gốc áo dài Việt Nam. Xin chia sẻ với các bạn lịch sử chiếc áo dài qua những tài liệu được ghi chép ở nhiều nơi:

Nguồn gốc mặc áo dài của người Việt

Sử gia Đào Duy Anh ghi nhận: “Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo dài, thắt dây về bên tả. Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu”. (Việt nam Văn Hóa Sử, Đào Duy Anh, trang 172).

Trong cuốn “Chín Chúa mười ba vua Triều Nguyễn” ông Tôn Thất Bính, (Nhà Xuất Bản Đà Nẵng, 1997) cho biết: “Chiếc áo dài tha thướt xinh đẹp hiện nay phải qua một quá trình phát triển. Nó được hình thành từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, thế kỷ XVIII. Chiếc áo dài được ra đời, dù ban đầu còn thô sơ, nhưng kín đáo. Nó là sản phẩm mang màu sắc dung hợp Bắc Nam…”
Đọc thì biết vậy. Nhưng không ai biết rõ chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ lúc nào và hình dáng ra sao vì thiếu tài liệu kiểm chứng. Cái hay của chiếc áo dài Việt Nam nằm ở chỗ nó chẳng những là một tác phẩm nghệ thuật mà bên trong còn ẩn tàng ý nghĩa dạy dỗ về đạo làm người. Ta thử xem cách cấu trúc của chiếc áo dài xưa:

Áo tứ thân: Phía trước có hai tà (hay hai vạt), phía sau hai tà, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng, cha mẹ vợ). Một vạt cụt hay vạt chéo phía trước, có tác dụng như một cái yếm che ngực, nằm phía bên trong hai vạt lớn, tượng trưng cho cha mẹ ôm ấp đứa con vào lòng.

Khi mặc áo tứ thân, người ta thường buộc hai vạt trước lại với nhau để giữ cho chiếc áo cân đối, tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng âu yếm, quấn quít bên nhau. 

Áo ngũ thân: Vào thời vua Gia Long (1802 1819), chiếc áo dài tứ thân được biến cải thành áo ngũ thân, rất phổ thông trong giới quyền quý và dân thành thị. Áo năm thân có khuy áo, lúc mặc có thể cài khuy như áo dài ngày nay. Về ý nghĩa, bốn thân áo chính tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và thân thứ năm (vạt con) tượng trưng cho người mặc áo; năm chiếc khuy tượng trưng cho đạo làm người theo Khổng Giáo: Nhân (lòng thương người, nhân từ), Lễ (biết trên, dưới), Nghĩa (nghĩa khí), Trí (sự sáng suốt, trí tuệ), Tín (uy tín).

Áo dài phụ nữ đổi mới

Vào khoảng thập niên 1930, nhóm văn sĩ trong Tự Lực Văn Đoàn đã chủ xướng cuộc cải cách văn hóa, tư tưởng mới cho thế hệ trẻ. Trong nhóm này có hai họa sĩ du học từ Pháp về, đó là các ông Nguyễn Cát Tường và Lê Phổ, dùng hai tờ báo Ngày Nay và Phong Hóa làm phương tiện truyền bá của nhóm. Hai họa sĩ này vẽ và chỉnh trang kiểu áo dài phụ nữ gọi là áo “Le Mur Cát Tường“. Kiểu Le Mur được vẽ theo kiểu áo đầm Tây Phương với nối vai và tay phồng, cổ cao, cài khuy trên vai, không có eo, mặc với quần trắng, đeo bóp, che dù, v.v…

Sau đó Bà Trịnh Thục Oanh, một hiệu trưởng của trường nữ Trung học Hà Nội, đă làm thêm một cuộc cải cách táo bạo hơn, nhấn eo chiếc áo, ôm sát theo đường nét mỹ miều duyên dáng của phái nữ.

Trong suốt gần 30 năm sau đó chiếc áo dài Việt Nam không thay đổi hình dáng bao nhiêu, nhưng áo dài trở thành “quốc phục.”

Từ đó, vào dịp lễ, dịp Tết, dịp cưới hỏi, cả nam lẫn nữ đều mặc áo dài tuy màu sắc, hàng vải có khác nhau. Khách khứa đến thăm, chủ nhà trịnh trọng bận chiếc áo dài như là một chiếc áo lễ để tiếp khách. Tại học đường áo dài là chiếc áo học trò ngây thơ, tung tăng như cánh bướm, gói trọn mộng đẹp của tương lai. Tại Huế, một chiếc khăn vành đội trên tóc có tác dụng như một “vương miện”, thêm vào chiếc áo choàng Mãn Phụ bên ngoài áo dài sẽ trở thành bộ y phục “hoàng hậu” cho cô dâu khi bước lên xe hoa. Trong buổi dạ tiệc, chiếc áo dài Việt nam cũng sẽ lộng lẫy, độc đáo, không thua bất kỳ bộ trang phục của các quốc gia nào khác trên thế giới.

Tại các tỉnh miền Trung, những người buôn thúng bán bưng, mặc dầu nghèo khổ, cũng luôn luôn bận chiếc áo dài khi ra chợ. Chiếc áo dài màu trắng thơ ngây của nữ sinh Trung học là một đề tài phong phú để dành cho các thi sĩ dệt thơ. Trong bài “Áo Trắng” Huy Cận viết:

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng,
Nở bừng ánh sáng, em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng

Dịu dàng áo trắng trong như suối,
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay
.  

Áo dài là thời trang

Đến đầu thập niên 1960, nhà may Dung Đakao ở Sài Gòn đưa ra một kiểu áo dài mới: áo dài tay raglan mặc với quần xéo. Vì tay áo và thân áo được nối xéo góc khoảng 45 độ, kiểu áo dài raglan này tránh được những đường nhăn hai bên nách và vai (so với kiểu áo Lê Phổ). Chiếc quần xéo may bằng vải mềm, được xếp xéo góc khi cắt, có hông ôm sát người và hai ống lòa xòa dài qua mắt cá chân giúp cho nữ giới có những bước đi tha thướt qua đôi guốc ẩn hiện dưới hai ống quần.

Sau áo dài raglan là áo dài mini raglan, vốn là áo raglan may với tà áo cao gọn ghẽ. kiểu mini raglan này được các nữ sinh Sài Gòn ưa chuộng mãi cho đến cuối tháng Tư 1975.

Tại cuộc hội chợ quốc tế Osaka, năm 1970 ở Nhật bản, chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam đã lên ngôi và đem lại vinh dự cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa. Áo dài Việt Nam rất thích hợp cho thân hình ẻo lả, mảnh mai của phụ nữ Việt. Nó vừa kín đáo, vừa e ấp, lại vừa khêu gợi. Chiếc áo dài của phụ nữ là một tác phẩm mỹ thuật tuyệt vời. Nó đã trở thành một thứ y phục độc đáo của phụ nữ chúng ta.

Ngày nay, các nhà vẽ kiểu thời trang lại “thêm bớt” cho chiếc áo dài. Trong đó, có kiểu áo dài “ngắn” với hai tà áo ngắn lên quá đầu gối, áo hở cổ, áo một tay, áo khoét hở ngực. Các nhà thiết kế áo dài trong nước Việt gọi là Áo Cách Tân. Ngay cả cái khăn vấn đơn sơ trên mái tóc nay được cải tiến nhiều màu sắc cho phù hợp với chiếc áo người đang mặc.

Nhiều họa sĩ nổi danh tung ra vô số mẫu vẽ trên lụa: Thành Lễ Hoàng Ðình Tuyên, Thúy Uyển, Nhung ở Paris, Tiểu Linh, Frederic Thọ ở Cali, Anh Ðào, Kim Liệu ở Virginia, và nay là Lụa Thái Tuấn tại Saigon.

Áo dài đáng yêu

Áo dài Việt Nam không những nói lên nhân sinh quan của người Việt mà còn gói trọn tinh thần Việt Nam: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng chỉ tiếp nhận tinh hoa mà gạn lọc cặn bã, tô bồi thêm nét đẹp mà vẫn giữ cá tính độc lập. Áo dài Việt Nam là niềm kiêu hãnh của người Việt. Chính vì vậy mà người Việt vẫn yêu quý tà áo Việt, nhất là thế hệ trẻ ở hải ngoại.

Có lẽ vì thế chiếc áo dài Việt Nam chắc sẽ mãi làm tôi bâng khuâng mỗi lúc Xuân về.

Để kết thúc bài viết, tôi xin đính kèm một số hình đẹp về Áo Dài của phụ nữ Việt Nam, qua ống kính của các phóng viên tạp chí LIFE, đã được trân trọng đăng trên trang bìa của tạp chí này trong hai thập niện 1950 & 1960, theo nguồn từ Internet. 

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights