Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận: Từ Sài Gòn đến Sài Gòn Mới

by Tim Bui

TRẦN NHẬT VY

Làm chủ tờ Sài Thành được hai năm, qua giữa năm sau, ngày 3/5/1933, ông Bút Trà chánh thức “khai tử” tờ Sài Thành và thay vô đó là một tờ báo có măng sét mới hoàn toàn: đó là tờ Sài Gòn. 

Sài Gòn có 8 trang khổ lớn, ra hàng ngày, tòa soạn ở số 39 đường Colonel Grimaud, Sài Gòn in ở nhà in Nguyễn Đức, Phú Nhuận là nhà in riêng của ông bà Bút Trà. Và cũng từ đó, ông Trương Duy Toản không còn làm chủ báo hay sáng lập tờ báo nào nữa!

Thời gian đầu, tờ Sài Gòn do ông Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm và ông Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy [chồng bà Tùng Long] làm chủ bút. Nhưng sau hai năm thì ông Hồng Tiêu tách ra làm tờ báo riêng, tờ Dân Báo, nên không cộng tác cùng Sài Gòn nữa.

Tờ Sài Gòn chủ trương phục vụ người bình dân đô thị. Bên cạnh các sự kiện chính trị “nóng” trong xã hội như bầu cử, hoạt động của những nhà chánh trị, những thay đổi căn bản trong cuộc sống, các vụ “cướp, hiếp, giết, cháy, nổ” cùng những vấn đề dân sinh của thị dân như giá cả tăng vọt, hút sách, trộm cắp, việc làm, thất nghiệp… luôn có mặt trên báo Sài Gòn. Nhờ điểm trúng “huyệt” của người đọc, nhất là người đọc bình dân, Sài Gòn nhanh chóng phổ biến và cạnh tranh với những tờ báo khác có thâm niên hơn và có nhiều cây viết nổi tiếng như Đuốc Nhà Nam, Trung Lập Báo, Lục Tỉnh Tân Văn, Phụ Nữ Tân Văn, Công Luận Báo…

Lúc tờ Sài Gòn xuất hiện trên thị trường báo chí, Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đang nóng hực với vụ án 33 tay cộng sản cộm cán đã bị bắt trước đó mà tòa đang xử. Những cái tên mà sau này chúng ta biết qua tên các đường xá ở Sài Gòn sau năm 1975 gần như đều có mặt trong phiên tòa này như Ngô Gia Tự, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Phạm Hùng [lúc ấy còn lấy tên Phạm Văn Thiện], Ngô Đức Trì, Dương Hạc Đính, Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Công Trừng, Nguyễn Thị Lựu… Tờ Sài Gòn đã dành nửa trang 1 mỗi kỳ báo để tường thuật về vụ án này.

Ngay những số báo đầu tiên, Sài Gòn cho thấy rõ chủ trương của mình. Tờ báo số 2 ra ngày 4/5/1933 có các tin giựt gân ngay trang 1 kế bên vụ án lớn nói trên, như sau: 

Bắn mẹ ghẻ vì không xin được tiền
Cháy ở Phú Mỹ [tên làng cũ nay thuộc quận Bình Thạnh]
Làm giấy bạc giả trong khám
Các quan tòa thương mãi đồng từ chức
Vấn đề nước mắm và độc quyền ve chai ở Phan Thiết

Số tin tức “giựt gân” tương tự cũng chiếm hầu hết các trang tin tức khác.

Cũng ở trang 1 này, với bút danh Như Hoa, ông Bút Trà viết tiểu phẩm trong mục “Tranh xã hội” đặt câu hỏi “Còn nên để anh em lao động ngồi vào ghế nghị viên không?”. Đây là mục thường xuyên của báo Sài Gòn và cũng là loại tiểu phẩm luôn có mặt trên hầu hết các tờ báo sau này nhưng khó viết cho hay.

Tranh xã hội do chính chủ nhiệm hoặc chủ bút viết mỗi ngày một bài bằng một bút danh chung, mỗi bài là một vấn đề đang được chú ý trong xã hội. Ngày nay, tiểu phẩm loại này xuất hiện hầu hết trên các tờ báo chính thống và thường do một nhóm “ký giả có số má” hoặc chủ bút hay chủ nhiệm của tờ báo phụ trách.

Trong cả tờ báo, các tin tức, bài viết tường thuật…thì ai viết cũng được, còn tiểu phẩm loại này thì rất khó viết cho hay, cho hấp dẫn. Khó bởi tờ báo phải chờ tới cuối ngày để tính toán xem vấn đề nóng của ngày hôm ấy có tác động tới ngày mai như thế nào. Rồi người viết phải có bút pháp châm biếm, cay độc nhưng dí dỏm, phải lách được các vấn đề pháp lý, hay nói cách khác là tránh đụng chạm đến chánh quyền quá mạnh, phải viết ngắn gọn, súc tích và viết nhanh vì bài loại này thường chỉ đưa vào giờ chót trước khi báo đưa đi in. Chỉ với vài trăm chữ, từ 300 tới 500 chữ, nhưng loại tiểu phẩm này luôn động tới những vấn đề nóng, gay góc của xã hội ngay tức thời và tác động của nó cũng khá mạnh mẽ. Người viết bài loại này không chánh thức xuất hiện mà chỉ có một bút danh chung [ai viết cũng chỉ để một bút danh] nhưng đọc là biết không phải là những ký giả tay mơ có thể viết.

Với bút danh Như Hoa, ông Bút Trà [có lẽ có cả em ông là Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy phụ giúp trong thời gian những năm 1934-1935] phải liên tục viết mỗi ngày một vấn đề, cho thấy sức viết và tay nghề làm báo của ông đáng nể. Thử đọc một đoạn Tranh xã hội trên báo Sài Gòn số 5, ra ngày 7 và 8-5-1933.

Tựa là “Bữa nay thiếu gì Thổ Hành Tôn”. [Thổ Hành Tôn là nhân vật trong truyện Phong Thần của Tàu, chuyên chui dưới đất mà đi]
“…ngày hôm nay, bà con sẽ thấy ở dinh Xã Tây [trụ sở thành phố Sài Gòn hiện nay] một lũ Thổ Hành Tôn là người Việt Nam và người đời bây giờ mới lạ chớ!
Ai vậy?
Các ông ra ứng cử hội đồng chớ ai!
Họ học ở đâu ra phép địa hành vậy?
Nào có học ai! Cái bổn phận của họ bắt họ phải chun xuống đất đó mà!
Bà con nghĩ coi, có ai giám nói láo như họ, đã nói láo, hứa càn với quốc dân chưa? Ừ, họ sẽ lập “dạ lữ viện”, “xin giảm thuế” làm muôn nghìn việc như thế nữa. Ta cũng có thể thử tin là có thể được đi. Nhưng bảo rằng anh em lao động hãy cứ trông vào họ rồi sẽ có cơm ăn, có áo mặc, có nhà ở, rồi con ma thất nghiệp cũng sẽ bị tay họ đuổi ra khỏi đất Việt Nam thì thật họ lớn gan và có tài…
Vậy thì bữa nay là ngày tuyển cử. Họ may mắn mà đắc cữ thì đối với những lời hứa trước họ sẽ tính sao?
Không làm nổi! Họ chỉ có nước là chun xuống đất như Thổ Hành Tôn để tránh khỏi những lời thống trách của những kẻ bị họ đem lời đường mật ra dụ dỗ! Còn những ông nào, vì chưa có “số” làm hội đồng mà bị thất bại cũng chun xuống đất nốt. Không phải là vì các ông mắc cỡ đâu. Chính là các ông theo cái bầu nhiệt huyết, cái lòng ái quốc, ái quần của các ông đó. Sau ngày hôm nay là ngày tuyển cử thì cái máu nóng, cái lòng thương đồng bào, thương nước của các ông sẽ rớt xuống đất, nên các ông phải lật đật chun theo nó…”

Chuyện các ông dân biểu, các ông ra ứng cử chức gì đó, hứa rồi xù, rồi nuốt lời, hứa rồi quên luôn… xưa nay là chuyện bình thường! Đặc biệt là ở Việt Nam! Bởi khi nói, các ông nói “miệng tài” [nói không có chứng cớ lưu lại], nói một mình đâu ai cấm. Nhưng khi làm thì có cả một bộ sậu với nhiều vấn đề trước mặt. Muốn giành được sự đồng thuận của cả số đông đâu có dễ như nói!

Hay trong số báo ra ngày 17-5-1933, mục “Tranh xã hội”, Như Hoa viết về nạn “Độc quyền”:

Hồi này là hồi độc quyền! Đi đâu cũng nghe thấy hai chữ độc quyền. Độc quyền làm xe hơi vận tải. Độc quyền làm ve chai [là cái chai thủy tinh]. Độc quyền bán nước mắm… thôi thì đủ thứ độc quyền! Thấy người ta chạy đông chạy tây để xin độc quyền, Như Hoa sợ thiên hạ chiếm hết lợi, nên Như Hoa tính nhứt định chiếm độc quyền làm nhựt trình phen này cái chơi…
…Lặng nghe cái trận đồ của Như Hoa đã bày sẵn để chiếm độc quyền nhựt trình đây này. Có gì khó, Như Hoa cứ bỏ tiền ra mua hết các tay viết báo. Tuy trong những bài họ viết dạy đời, họ thường gác chữ lợi ra ngoài để cho thiên hạ tưởng họ là bực thánh chớ kỳ thật thì cứ vài ba trăm bạc cũng đủ lôi các ông thánh ấy từ trên cái ghế họ đương ngồi xuống như lôi mọi người khác vậy. Lúc trước thì mới sợ tốn tiền nhiều, chớ đương lúc khủng hoàng này, chỉ mười ngàn là thực hành ngày được ý muốn! Hai ba trăm một ông chủ bút, một trăm một ông phụ bút, năm ba chục một ông sửa bài, thì lo gì các ổng không đến! Nếu cái số tiền đó họ còn chê ít, thì thêm cho họ mỗi ông hai ba chục nữa đi! Họ sẽ kéo tới như nước chảy cho mà coi. Khi mình đã thâu phục được hết các tay viết báo rồi thì các nhựt trình khác sống sao được! Ai viết cho? Chắc chỉ trong vòng một tháng là các bạn đồng nghiệp yêu dấu của mình kia không cần phải chánh phủ đóng cửa, cũng cứ việc từ từ kéo nhau về đường quá khứ.”.

Thời điểm này, có một nhóm người đòi độc quyền làm nước mắm và độc quyền làm ve chai, độc quyền xuất nhập cảng nên…Mỗi số báo còn có một tới ba tiểu thuyết, một hoặc hai đoản thiên tiểu thuyết [nay kêu là truyện ngắn] về trinh thám, hình sự. Đặc biệt, ngay khi báo Sài Gòn ra đời, ông Bút Trà tổ chức liền một cuộc “thi thơ” trên mặt báo, món mà người Việt ưa thích. Cuộc thi thu hút đông đảo bạn đọc tham gia và trở nên một trong những cuộc thi thơ lớn do báo chí tổ chức trong thời kỳ này. Đây là cuộc thi “văn học” thứ hai của làng báo Sài Gòn, kể từ đầu thế kỷ 20. Cuộc thi đầu tiên là cuộc thi thơ do báo Nông Cổ Mín Đàm tổ chức năm 1902. Và cuộc thi thứ ba là cuộc thi “viết truyện ngắn” do báo Tân Văn của ông luật sư Phan Văn Thiết tổ chức năm 1934-1936. Cuộc thi truyện ngắn của báo Tân Văn đã để lại cho chúng ta ngày nay nhiều truyện xuất sắc, khi có dịp chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc.

Chính cuộc thi này đã thu hút nhiều văn nhân mặc khách cộng tác với báo. 

So với các nhà báo nổi tiếng đương thời như Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Lương khắc Ninh, Trương Quang Tiền, Lê Sum, Nguyễn Tử Thức… ông Bút Trà chỉ là hàng em út, nếu không nói là con cháu. Nhưng so với các nhà báo đang cầm cương các tờ báo cùng thời như Phan Khôi chủ bút Phụ Nữ Tân Văn, Đào Trinh Nhất chủ bút tờ Đuốc Nhà Nam, Trần Thiện Quý chủ nhiệm tờ Trung Lập Báo, Trần Thế Mỹ chủ nhiệm tờ Dân Báo, Phan Văn Thiết chủ nhiệm tờ Tân Văn… thì ông Bút Trà không thua kém bao nhiêu trong việc điều hành tờ báo cũng như viết lách. 

Điều đáng tiếc là ông “rút lui” khỏi làng báo quá sớm khiến người đời sau ít biết về tài năng của ông. Từ giữa tháng 9-1945, tờ Sài Gòn ra số cuối cùng. Lúc này, Sài Gòn rất loạn lạc. Giấy in khó kiếm, mỗi tờ báo chỉ có 2 trang in. Các nhà kinh doanh đóng cửa, không có quảng cáo. Hệ thống phát hành đi các tỉnh bị tê liệt. Việc đi lại ngay trong thành phố cũng khó khăn bởi nhiều trạm gác ngăn chặn. Nhiều dãy phố ở Sài Gòn bỏ trống không người ở. Rất nhiều gia đình tản cư ra khỏi thành phố và cũng rất nhiều người bỏ nhà ra đi tham gia kháng chiến.

Cuối năm 1946, tại địa chỉ 39 Colonel Grimaud xuất hiện một tờ báo mới: tờ Sài Gòn Mới nhưng không có tên chủ nhiệm và chủ bút. Qua năm 1950 thì tờ Sài Gòn Mới có tên chủ nhiệm là Bà Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận. Và tới thập niên 1960 thì chủ nhiệm Sài Gòn Mới là bà Bút Trà-Tô Thị Thân.
(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights