Câu chuyện thần thoại “Ngàn lẻ một đêm”

by Tim Bui
1001 đêm

SƯU TẦM

Xưa kia ở một xứ sở ở Trung Đông, nay là nước Ba Tư, có một vị vua tên là Shahrivar. Vì hoàng hậu ngoại tình nên ngài đâm ra chán ghét tất cả đàn bà, và tính nết trở nên hung bạo. Để thỏa cơn thịnh nộ điên loạn, cứ mỗi ngày vua cưới một cô gái và sau một đêm mặn nồng lại sai quân đem giết. 

Thấy đất nước lâm nguy, nàng Scheherazade xinh đẹp, con của vị tể tướng đương triều, đã nghĩ ra được một kế, hy vọng sẽ cải hóa được nhà vua. Nàng Scheherazade xin cha cho mình được một đêm hưởng ân sủng của hoàng thượng. Viên tể tướng rất đau lòng khi thấy con mình như vậy vì ông biết sau đêm đó nàng Scheherazade sẽ chết. Nhưng trước sự quyết tâm của con ông đành phải đem con dâng cho vua Shahryar. 

Là cô gái thông minh, tài trí lại giàu nghị lực, Sheherazade rất tự tin là nàng sẽ thoát khỏi cái chết. Sau mỗi lần chăn gối với vua xong, nàng gợi chuyện và kể cho nhà vua nghe một mẩu chuyện cổ tích hấp dẫn trong dân gian Ba Tư. Câu chuyện được nàng sắp xếp khéo léo để đúng lúc khi mặt trời mọc là đến lúc ly kỳ nhất. Lúc ấy, thì nàng kín đáo dừng câu chuyện lại khiến vua còn nóng lòng muốn nghe đoạn tiếp, không thể ra lệnh xử tử nàng.

Trong suốt một ngàn lẻ một đêm, nàng Scheherazade đã liên tục kể những chuyện về tình yêu, chiến tranh, và pháp thuật, về những vị vua cũng như bọn ăn mày, về những xứ sở mà kim cương nhiều hơn đá sỏi, về những cô gái đẹp, về cả những mưu toan diễn ra trong các ngõ hẻm hay các khu chợ tại các thành phố phương Đông. Nàng cũng kể về những thị trấn, sa mạc, hải đảo xa xôi, nơi các vị phù thủy sử dụng pháp thuật, về các loài ngựa biết bay, chó biết nói, người hóa cá, cá lớn hơn cá voi, chim khổng lồ. Nàng kể về những cặp tình nhân ân ái trong các túp lều tồi tàn, họ có thể là người gan dạ hoặc hèn nhát, nhưng tất cả đều đa tình và biết hy sinh vì người yêu. 

Bối cảnh của các chuyện của nàng ở phương Đông, phần lớn xoay quanh các thành phố huyền thoại Baghdad, Cairo, và Damascus. Hàng ngàn đêm trôi qua, cuối cùng nhà vua bị cảm hóa, tình yêu cuộc sống và con người trỗi dậy khiến ông ta quên khuấy việc giết người. 

Cảm phục nàng Scheherazade, vua đã bãi bỏ lệnh bắt con gái để giết một cách tàn nhẫn và đồng ý cưới nàng làm vợ bằng một đám cưới linh đình, sau đó cùng nhau sống hạnh phúc đến bạc đầu và họ có với nhau ba người con trai.

***

Cũng như truyện dân gian của các nước khác, những câu chuyện trong “Ngàn lẻ một đêm” phản ánh nguyện vọng và ước mơ của quần chúng nhân dân trong xã hội. Họ luôn luôn mong muốn được sống trong cảnh thái bình yên vui, được gặp nhiều may mắn, hạnh phúc ấm no. 

Khát vọng này thể hiện qua những truyện nổi tiếng nhất của tập truyện, chẳng hạn truyện “Aladin và cây đèn thần” kể về chàng trai Aladdin, con của một người thợ may. Bị một phù thủy dẫn dụ xuống hang ngầm, tại đây chàng tìm thấy một cây đèn, trong đó có nhốt vị thần đèn có thể biến mọi ước mơ thành hiện thực, nhờ đó chàng trở nên giàu có và được cưới công chúa Badroulboudour. 

Nhiều truyện phản ánh bản chất tốt đẹp của nhân dân lao động cần cù, chăm chỉ, kiên cường dũng cảm và thông minh tài trí, giàu lòng thương người đồng thời vạch trần bản chất tàn ác của bọn vua chúa, quan lại, phú thương, phù thủy. Các câu chuyện đều thể hiện chân lý thiện thắng ác, chính thắng tà, ở hiền gặp lành, và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. 

“Cuộc hành trình của Sinbad” là một ví dụ khác, với những cuộc phiêu lưu kỳ thú của chàng Sinbad lên một hòn đảo nhưng thực chất là một con cá khổng lồ, lạc đến một thung lũng đầy đá quý và chàng đã mưu trí trốn ra được, đâm mù mắt gã khổng lồ ăn thịt người và giết chết chúa tể của biển cả.

Truyện “Ali Baba và 40 tên cướp” ca ngợi tài trí thông minh và dũng cảm của cô gái Morgiana đã cứu sống gia đình bác tiều phu Alibaba khỏi những tên cướp. 

Câu chuyện “Người câu cá” với vị thần kể về một ngư phủ vớt chiếc lọ có nhốt một vị thần, nhờ tài trí mà gã ta đã khiến vị thần khuất phục và trung thành phục vụ cho mình. Với sự giúp đỡ của vị thần, gã đã cứu hoàng tử khỏi pháp thuật và được tưởng thưởng xứng đáng.

Với hàng trăm câu chuyện hoàn chỉnh, bao gồm truyện lịch sử, truyện tình, bi kịch, hài kịch, thơ, truyện hài và truyền thuyết Hồi giáo cấu thành tác phẩm, “Ngàn lẻ một đêm” có một giá trị hết sức to lớn trong việc phản ánh một thế giới muôn mặt trong đời sống hiện thực xã hội Ả rập thời Trung cổ, thông qua một óc tưởng tượng cực kỳ phong phú, chủ đề vô cùng khác lạ, nhân vật đủ mọi loại vẻ, với những khung cảnh vừa rộng lớn vừa luôn luôn thay đổi. 

Về nghệ thuật, “Ngàn lẻ một đêm” hết sức hoàn chỉnh về kết cấu, bất ngờ trong việc dẫn dắt mạch truyện, phức tạp mà rất chặt chẽ trong các tình tiết và cũng rất điêu luyện trong việc sử dụng ngôn ngữ, mặc dù có một số truyện qua tay nhiều người, được nhiều thế hệ ghi chép nên đã ít nhiều bị pha tạp hoặc bị hiện đại hóa.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights