Đi sứ sang Tàu và cống phẩm từ nhà Ngô đến nhà hậu Lý

by Tim Bui

NGUYỄN TRUNG NAM

Từ khi dân tộc Việt Nam dành lại độc lập, khởi từ năm 544, khi Lý Bôn lên ngôi hòang đế, lập ra nước Vạn Xuân.  Rồi đến cuộc khởi nghĩa của Triệu Quang Phục, đến chiến công oanh liệt của Ngô Quyền vào năm 938, đưa đến nền tự chủ của nước Việt. Từ đó chuyện đi sứ bắt đầu là một việc quan trọng trong mối ngọai giao của nước ta và nước Tàu. Đi sứ hay đi cống là một chính sách ngoại giao khôn khéo và muôn ngàn thử thách cho nước ta sau khi giành được độc lập và chấm dứt thời kỳ nô lệ ngoại bang.

Phan Huy Chú (một quan triều nhà Nguyễn), trong Lich Triều Hiến Chương Loại Chí, viết rằng: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với nước láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thủ lại rất quan hệ, cho nên nghĩa tu hiếu chép ở Kinh Xuân Thu, đạo giao lân chép ở Hiền truyện (sách Mạnh Tử), chính là đem lòng tin thực mà kết giao, người có quyền trị nước phải nên cẩn thận.” Đây chính là những lời vàng ngọc mà các nhà cầm đầu vận nước phải học hỏi và tuân theo.

Mục đích việc đi sứ sang Tàu là khi ta cần được phong vương, mừng vua mới lên ngôi, phong hòang cho thái tử, tạ ơn vua Tàu, xin kinh Phật, sách, điều đình các việc xâm lấn chiếm đất đai, xin hoãn binh, hay giải quyết các hậu quả chiến tranh giữa hai nước.

Lệ thường, việc triều cống được triều đìnhTrung Quốc quy định 3 năm một lần, nhưng từ thế kỷ thứ 17, việc triều cống được định lại là 6 năm một lần, nhưng vẫn phải mang 2 lễ cống.

Cống phẩm khi đi sứ gồm các sản vật địa phương như sừng voi, sừng tê giác, lông chim trĩ, lụa, vải, trầm hương, tốc hương, người (thợ khéo, thầy tu, thầy bói…). Sau này phải cống thêm vàng, bạc, châu báu, ngọc trai…

Về thời đầu tiên của việc đi sứ, Phan Huy Chú ghi: “Nước ta thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc, nhưng danh hiệu còn nhỏ, không được dự vào hàng chư hầu triều hội ở nhà Minh Đường. Rồi bị Triệu Đà kiêm tính, nhà Hán phong Đà làm Nam Việt Vương, chỉ được sánh với chư hầu của Trung Quốc, chứ chưa được nêu là một nước. Đến sau nội thuộc vào nhà Hán, nhà Đường bèn thành lập quận huyện. Đến khi Đinh Tiên Hòang bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ sắc phong của Trung Quốc mới nhận cho đứng riêng là một nước.”

Nước ta bắt đầu đi sứ, xin phong từ sau khi Ngô Quyền dành được độc lập cho nước nhà (năm 954). Bắt đầu từ thế kỷ thứ 10, bên Tàu lúc đó thuộc về nhà Tống (960-1279), một triều đại huy hòang về văn hóa và mỹ thuật. Triều đại này kéo dài trên 200 năm, chia làm 2 triều Bắc Tống và Nam Tống. Trong lúc đó, nước ta sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan được nạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, thống nhất sơn hà. Ông là người được tôn là Vạn Thắng Vương. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư.

Đời vua Đinh Tiên Hoàng, đã có 2 lần sang sứ nhà Tống. Lần thứ nhất vào tháng Giêng năm 970, lần thứ hai vào năm 972, Nam Việt Vương Đinh Liễn (con trưởng của vua) mang cống phẩm sang Tàu. Sách Tàu chỉ ghi đại khái là đồ vật bản xứ. Năm 974, sứ Tống sang Việt Nam sắc phong cho vua Đinh Tiên Hoàng “Giao Chỉ Quận Vương”, con Đinh Liễn làm “Kiểm Hiệu Thái Sư Tĩnh Hải Quân Độ Sú An Nam Đô Hộ”. Mặc dù chỉ là một chức nhỏ, nhưng vua Tiên Hoàng đã thành công trong thế ngoại giao, cả hai vua con được phong chức, và nhà Tống thừa nhận sự độc lập của đất nước.

Năm 975, vua sai Trịnh Tú sang Tàu, với cống phẩm là sừng tê giác và ngà voi. Vua nhà Tống sai Cao Bảo Trị, Vương Ngạn Phù sang nước Việt phong cho Nam Việt Vương. Các năm kế tiếp, vua Tiên Hoàng đều sai sứ sang cống và chúc mừng vua Tống Thái Tông lên ngôi.

Nhà Đinh sụp đổ sau khi việc vua cha bỏ trưởng lập ấp (978) đưa đến việc cận thần Đỗ Thích giết vua cha và con. Nhà Đinh chỉ được 12 năm gây dựng cơ nghiệp.

Nhà tiền Lê bắt đầu với sự nghiệp oai hùng của Lê Hoàn sau khi chiến thắng trước sự xâm lăng của nhà Tống. Đó là Lê Đại Hành hoàng đế, niên hiệu Thiên Phúc (980-988), Hùng Thông (989-993) và Ứng Thiên (994-105).

Sau khi đánh thắng quân nhà Tống do Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng chỉ huy năm 982, vua Lê Đại Hành sai sứ sang giảng hòa và trao trả 2 tướng bị bắt làm tù binh.

Đến tháng 10 năm Bính Tuất (986), vua Tống Thái Tông sai 2 sứ thần Lý Nhược Chiếu và Lý Giác phong cho vua Lê Đại Hành chức “Kiểm Hiệu thái bảo sử tri tiết độ đốc Giao Châu chư quân sự, An Nam đô hộ, Tĩnh hải quân tiết độ sứ, Giao Châu quản nội quan sát xử trí đẳng sứ, Kinh triệu quận hầu”. Khi 2 sứ giả nhà Tống sang nước ta, vua biết Lý Giác là người giỏi văn chương nên đã sai sư Đỗ Pháp Thuận giả làm người chèo đò ra đón. Khi Lý Giác qua sông, trông thấy hai con ngỗng ở nơi chân trời xa, liền đọc hai câu thơ:

Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha 
(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng
 Ngửa mặt nhìn chân trời).

Sư Thuận nghe xong, họa lại 2 câu thơ tứ tuyệt:

Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
(Nước lục phô long trắng
Chèo hồng sóng xanh bơi)

Lý Giác rất cảm phục vì thấy một ông lái đò mà cũng hay chữ hơn người thường.

Năm 990 vua Tống ban sắc phong cho vua Nam chức quan “Đặc Tiến” là một chức quan đặt từ đời nhà Hán, chứ chưa phong Vương. Tuy vậy sau khi sứ giả ra về, vua sai Đạo Cần đi cống sứ mà sử Tàu có ghi rõ các món phẩm vật như sau:

-Một chiếc ghế chạm rồng và phụng, khảm các ngọc quý.

-12 chiếc kiệu khảm vỏ đồi mồi
-Một cái dù bằng lụa thêu hình rồng, phụng. Cán dù bằng vàng khảm vỏ đồi mồi.
-30 sừng tê giác
-40 cặp ngà voi
-10,000 tấm lụa
-1000 tấm vải và 1000 tấm vải bố

Mãi đến năm Quý Tỵ 993, vua Tống mới phong Giao Chỉ quận vương và năm sau vua Tống Chấn Tông phong cho làm Nam Bình Vương. 

Năm 2005, vua Lê Đại Hành qua đời, làm vua được 24 năm, con ấu là Long Việt lên ngôi, nhưng ba ngày sau bị em là Long Đỉnh cho người giết hại, sau đó lên ngôi. Khi vua Long Đỉnh bị giết, triều thần đều bỏ chạy, chỉ có Điện Tiền Quân là Lý Công Uẩn ôm thây vua mà khóc.

Năm 2007, vua Long Đỉnh sai em là Minh Sưởng sang nhà Tống dâng biểu xin cửu kinh Nho giáo và kinh Đại Tạng Phật về nước để phổ biến. Cửu kinh đó gồm có: kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Hiếu kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Chu Lễ. Các kinh này đều là các bản khắc gỗ.

4 năm sau, vua Lê Long Đỉnh mất, thọ 24 tuổi. Lý Công Uẩn lên làm vua, mở đầu cho một triều đại huy hòang trong lịch sử nước ta, đó là vua Lý Thái Tổ.

Việc đầu tiên của vua là dời đô về Thanh Long vì Hoa Lư quá chật hẹp. Việc bang giao với nhà Tống đều diễn ra đều đặn và tốt đẹp. Đời nhà Lý, đạo Phật rất thịnh hành nên nhiều lần các sứ thần đều sang thỉnh kinh Phật.

Năm 1010, sứ Tống mang sắc phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương.

Năm 1014, vua đem biếu 100 con ngựa bắt được của quân Man (thuộc nước Nam Chiếu) cho vua nhà Tống.

Sách Tống Văn Yếu của Trung Hoa, ghi năm 1018 tháng sáu, nước ta đem các món sau đây sang cống:

-Các thỏi kim loại như chì, thiếc
-Đồi mồi
-Hương trầm

Sử Tàu có ghi vua nhà Tống tặng cho 1000 quan tiền tương đương với trị giá các thỏi kim lọai đó. Sứ bộ là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc thỉnh được kinh Tam Tạng. Hai năm sau, bộ kinh mới được đưa về nước. Vua cho xây cất nhà tàng kinh Bát Giác để chứa kinh và sai người sao chép ra nhiều bản sao. Còn sứ bộ mãi đến năm 1020 mới trở về nước. 

Các năm 1034,1081, và 1098, nhiều sứ thần sang nhà Tống để thỉnh kinh. Bộ kinh Tam Tạng gồm có 480 tập, 5048 quyển, gồm 13000 bản gỗ phải khắc trong 11 năm trời mới xong. 

Đến đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) là vị vua anh quân và có nhiều đức độ. Năm 1055, vua nhà Lý sang cống 10 con voi và các phương vật khác nhân dịp báo tang vua Lý Thái Tông. Vua Tàu sắc phong vua Thánh Tông là Giao Chỉ Quận Vương và tặng lại cho Nam triều:

-500 tấm lụa
-500 tấm vải
-50 con dê
-50 tấn bột
-50 chai rượu

Ngoài ra còn tặng cho các vị trong sứ bộ gấm vóc, tiền, lụa, đồ dùng bằng bạc, mão, và yên ngựa.

Năm Đinh Dậu 1057, vua Lý Thánh Tông sai sứ thần là Mai Nguyên Thanh đem 2 con “kỳ lân” để cống vua nhà Tống vì lân là một con vật linh thiêng. Người Tàu khi xưa tin rằng khi kỳ lân xuất hiện là sẽ có thánh nhân ra đời. Vì vậy khi sứ bộ nước ta đem cống sứ kỳ lân, các quan nhà Tống đều kinh ngạc và bàn tán sôi nổi. Sách nhà Tống mô tả con vật ấy như sau: “Hình như trâu, mình có da dày, từng mảnh như giáp, đầu mũi có sừng, hay ăn cỏ, quả dưa. Cho ăn thì phải lấy gậy đánh nó mới ăn.” Ngày nay ta có thể đoán đó là con tê giác.

Món đồ cống sứ này sau cùng không được lên đến triều đình nhà Tống. Các quan Tàu cứ băn khoăn bàn tán vì không biết thật hay giả. Vua nhà Tống quyết định gọi đó là con thú lạ, chỉ cho ở Quảng Châu mà thôi. Điều ấy làm cho vua nước ta không bằng lòng cho lắm.

Thời gian này hai nước Việt Tống đều giao hảo tốt đẹp. Dù nước Tống lúc đó đã suy yếu nhưng vẫn là một nước lớn, các nước chư hầu xem việc đi sứ là một phương sách chính trị quan trọng.

Ngòai nước Việt lúc đó gọi là Giao Chỉ ra, còn có nước Chiêm Thành cũng hay đi sứ nhiều lần. Sử Tàu có ghi năm 631, phái bộ nước Chiêm Thành đi sứ nhà Đường. Ngoài lý do ngoại giao ra, các nước như ChiêmThành đều mong muốn đuợc sắc phong “An Nam Quốc Vương” vì họ xem đó là một vinh dự, được nước đàn anh vĩ đại bảo vệ, nhất là khi ở gần nước Việt Nam.

Ngoài nước Việt Nam,Chiêm Thành, các nước như Cam Bốt, Miến Điện, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Borneo, Java, Sumatra,và ở xa như các nước ở Ả Rập, La Mã cũng gửi sứ bộ đến nhà Tống.

Sử sách nhà Tống đều có ghi rõ các năm, các cống phẩm nào và việc biếu tặng cho các nước chư hầu ra sao. Họ ghi rằng vua nhà Tống hay tặng lại phẩm vật rất hậu hĩ, tùy theo giá trị các cống phẩm từ các nước. Vua nhà Tống hay theo gương các vua đời nhà Đường, thường tặng tiền kẽm, tơ lụa cho các sứ bộ. Thêm vào là quần áo tơ lụa cầu kỳ và đắt tiền, giầy ủng, đai bạc hay vàng, còn riêng các sứ bộ Việt Nam và Chiêm Thành thường được tặng mão bằng tơ lụa.

Trong danh sách các món quà được trao tặng còn có ghi “đồ gốm dùng hằng ngày”, chứng tỏ đồ gốm Tống cũng thuộc loại tặng phẩm quý hiếm của Tàu cho các nước. Sau này đến đời chúa Trịnh Sâm và triều Nguyễn, danh từ Blue de Hue xuất hiện, tức là các món đồ sứ ký kiểu bên Tàu dành cho triều đình hay các quan xử dụng hằng ngày.

Ngựa và yên cương cũng là các món mà nhà Tống tặng cho các sứ thần, vì ngựa là loại khan hiếm tại vùng Đông Nam Á. Sách Tống Văn Yếu có ghi một câu chuyện như sau:

“Năm 1171, có một viên tướng Tàu (không ghi tên) đi lạc vào nước Chiêm Thành, chứng kiến tận mắt cảnh giao tranh giữa quân Chiêm Thành và quân Chân Lạp. Cuộc chiến bất phân thắng bại, viên tướng Tàu bèn dạy vua quan Chiêm cách dùng ngựa trong trận chiến để thắng quân thù. Vua Chiêm mừng rỡ hộ tống tướng Tống về Tàu và không quên đặt mua một số ngựa. Vì vậy, quân Chiêm Thành thắng đuợc quân thù.”

Nói về các cống phẩm từ nước Nam ta, thông thường là những món địa phuơng, như cau khô, cánh kiến, chim trả (trong Nam gọi chim sả sả, chim thằng chài), chim khổng tước, quế đỏ, đồi mồi, sừng voi, sừng tê giác.

Lông chim trả dùng để kết mão, áo bào và đồ trang sức trong cung. Lông khổng tước dành để kết trên mão các quan trong triều. Riêng sừng tê giác, người Tàu từ ngàn xưa đến nay đã coi là vật vô giá. Sừng tê giác có thể ngăn ngừa và giải độc. Người Tàu thường dùng sừng tê giác để làm chén uống rượu vì tin rằng khi uống bằng chén tê giác thì không bao giờ biết say.

Sau này đến năm 1219, sách Tàu ghi rằng vấn đề tặng các sứ bộ bằng vàng hay bạc là điều không nên làm, nay ra lệnh chỉ tặng cho các món như tơ lụa, đồ gốm và gỗ sơn mài mà thôi.

Đến cuối đời Bắc Tống, nuớc Tàu đã suy yếu, các cuộc đi sứ cũng giảm bớt. Sang đến đầu Nam Tống, nước Nam ta lại sang cống sứ thường xuyên hơn vì lúc đó thuộc đời hậu Lý bất an, cần đuợc sự thanh bình về phương Bắc. 

Tài liệu tham khảo:

  1. Việt Nam Sử Lược. Trần Trọng Kim
  2. Khảo Về Đồ Sứ Men Lam Xứ Huế. Vương Hồng Sển. 1993.
  3. Chương “A Comment on the Tributary Trade between China and Southeast Asia, and the Place of Porcelain in this Trade, During the Period of the Song Dynasty in China”. Grace Wong. Trích trong sách “Chinese Celadons and Other Related Wares in Southeast Asia”.Singapore. 1979. 
  4. China: A History in Art. Bradley Smith. 1976
  5. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí. Phan Huy Chú. Dịch: Tổ Nguyên Nguyễn Thọ Dực. NXB Giáo Dục 2007

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights