Đời đào hát lô tô, kỳ 1 – Để được sống thật với chính mình

by Tim Bui
Đời đào hát lô tô, kỳ 1 Để được sống thật với chính mình

 MỄ THUẬN

LGT: Lô tô là một trò chơi dân gian phổ biến ở khu vực miền Nam và Nam Trung bộ xuất hiện từ khoảng nửa thế kỷ trước. Theo đó người hát lô tô sẽ hát những bài câu thái, câu vè, hiện tại thì các bạn trẻ theo nghề này còn hát thêm nhạc trẻ, bolero, thậm chí nhạc ngoại quốc… và cuối mỗi câu hát sẽ gieo vần tương ứng với vần điệu của con số họ bốc được từ lồng cầu. Mỗi lồng cầu sẽ có 60 con số, trên tờ vé của khán giả, tùy quy mô của đoàn sẽ bán loại vé có 60 con số hoặc 30 con số. Khi tờ lá vé của khán giả có 4 con số được kêu nằm trên cùng 1 hàng ngang thì khán giả đó trúng thưởng, gọi dân gian là có kinh. 

Theo truyền thống, sân khấu lô tô gắn liền với cộng đồng những người chuyển giới từ nam sang nữ (gồm những người đã phẫu thuật chuyển giới toàn bộ, một nửa hoặc chưa qua phẫu thuật nhưng vẫn trang điểm, mặc trang phục nữ giới), họ sẽ là các ca sĩ chủ chốt mang lại lời ca, tiếng hát phục vụ khán giả từ việc kêu số lô tô cho đến việc bán vé hoặc biểu diễn các tiết mục ca nhạc, xiếc. Hiện nay, ở các đoàn lô tô hoạt động tại Sài Gòn thì ngoài những người chuyển giới này ra còn có các bạn trai, gọi là nam thanh lịch, đa số cũng là các bạn thuộc cộng đồng LGBT tham gia biểu diễn, họ cũng nhận được sự yêu mến nhờ sự duyên dáng, tài năng ca hát, diễn kịch, làm MC…

Nếu bạn đã từng sống ở những vùng quê xa xôi của đất nước, ắt hẳn phải có ký ức về những đêm làng xóm rộn ràng vì những ngày xóm mình có “hội chợ.” Trên một khoảng đất rộng, có thể là sân đá banh, sân trường học, trong lồng chợ…có độ chục gian hàng với các loại trò chơi dân gian như chọi lon, thảy vòng vịt, quay số…và một sân khấu ọp ẹp nho nhỏ với những ca sĩ, nhà ảo thuật “có tuổi mà không có tên” biểu diễn. Hội chợ ấy làm cuộc sống lặng lẽ của làng xóm thêm phần rộn ràng, cho đám thanh niên có dịp ăn diện, vui chơi và gặp nhau để tán tỉnh…nay được kêu là “sân khấu lô tô!”

Trong ký ức của người viết từ 30 năm trước, sân khấu lô tô là nơi các “bê đê” mua vui  cho mọi người. Bẵng đi một thời gian dài, ở Sài Gòn xuất hiện những đoàn lô tô với 40 – 50 người, thậm chí gần 100 thành viên, hoạt động như công ty giải trí có giấy phép hẳn hoi. Mỗi ca sĩ, diễn viên của các đoàn này đều có màu sắc riêng: văn minh và chuyên nghiệp hơn.  

Sân khấu lô tô ở các vùng quê từ Nam Trung bộ cho tới Tây Nam bộ được mặc định là “thánh đường” dành riêng cho những người chuyển giới, gọi nôm na là giới tính thứ ba. Trong ký ức người sống ở vùng quê miền Nam và Nam Trung Bộ thì nơi nào có lô tô, nơi đó sẽ gắn liền với niềm vui, sự háo hức đón chờ. Nhưng phía sau những ánh đèn mờ ảo, những tấm màn nhung đơn sơ, những cánh gà xập xệ, thậm chí là ngay dưới cái sàn sân khấu ấy là biết bao thân phận buồn của những người được gọi chung là… bê đê!

Ký ức vui vẻ của khán giả

30 năm về trước, mỗi khi tiếng rao về sự xuất hiện của một đoàn lô tô văng vẳng trên những chiếc xe cup cánh én chạy trên con đường sỏi đá, lũ trẻ như chúng tôi háo hức vô cùng. Nào xin tiền cha mẹ, anh chị… để tối hẹn nhau đi chơi lô tô, xem những “cô đào,” những “bê đê”… sặc sỡ sắc màu, hát, múa, múa lửa… trên sân khấu vô cùng vui nhộn. 

Lũ trẻ ít tiền như tôi khi đó thì hiếm khi mua được tờ vé lô tô để dò, chỉ ham vui đến xem các “cô đào” hát hò nhảy múa, lũ bạn tôi có đứa thích chọc ghẹo mấy “cô đào,” khi đó hay gọi là bê đê phía cánh gà sân khấu. Khi bị chọc ghẹo, họ thường đáp trả bằng cách nào đó rất mắc cười, vui vẻ. Người lớn thì mải mê xem các cô nhảy múa, mong chờ đón những con “số gì đây, rồi ra con mấy,” hy vọng tờ vé của mình có đủ 4 số trên 1 hàng ngang, gọi là “kinh” (đoạt giải). Giải thưởng là thùng mì tôm, gói bột ngọt, vài chai nước ngọt… 

Gần đây, chúng tôi có dịp làm việc cùng đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời, một trong những đoàn lô tô lớn mạnh, hoạt động chuyên nghiệp nhất hiện nay ở Sài Gòn, với vai trò hỗ trợ truyền thông cho dự án loạt phim ký sự “Ký ức lô tô” mùa thứ 2 phát sóng trên kênh Youtube của đoàn. “Bà” chủ đoàn lô tô Lâm Quốc Khải (nghệ danh Lộ Lộ), cho biết loạt phim Ký ức lô tô ra đời với mong muốn ghi lại hình ảnh của các đoàn lô tô tỉnh lẻ từ miền Tây Nam bộ ra đến miền Trung để dành làm tư liệu về nghề hát lô tô. 

Qua đó, ký ức lô tô cũng giúp nhiều người xem hiểu thêm về những khó khăn của các đoàn lô tô, về các cô đào lô tô hoạt động ở các tỉnh lẻ, hay còn gọi là lô tô truyền thống. Ở đó, hiện tại cả chủ đoàn lẫn các đào hát đều đang đối mặt với những khó khăn trước thời cuộc, những khó khăn nhất thời do thời tiết đang mùa mưa bão, và những nỗi niềm, ước mơ không dễ gì thực hiện của họ. Vốn dĩ cuộc mưu sinh của họ nói chung chưa bao giờ dễ dàng khi đã chọn đời sống “trôi sông lạc chợ.” Tuy họ có sự tự do được sống thật, bộc lộ thật giới tính của mình mà không bị gia đình hay chòm xóm can ngăn, dèm pha như mong ước, nhưng đổi lại nó rất tạm bợ, chông chênh!

Có gần gũi họ mới hiểu thêm về cuộc sống của các đoàn lô tô xưa nay đều như nhau, đời sống kham khổ, nhiều người vẫn còn cảnh phải ăn nhờ ở đậu. phải sống dưới gầm sân khấu suốt ngày này qua tháng nọ…, phải đối phó với “luật lệ,” phải chống chọi với thiên nhiên… Nhiều cảnh ngộ, nhiều câu chuyện rất đáng thương về họ khi luống tuổi, già, khi ốm đau và ra đi trong cảnh đơn chiếc, không một người thân bên cạnh. Nhiều người đến tuổi xế chiều ngoài 50, 60 không nhà cửa, không đất đai, ruộng vườn, cha mẹ không còn, anh chị em thì lâu ngày không gặp… nên những tháng ngày cuối đời chỉ biết nương nhờ các chủ đoàn lô tô đang hoạt động, mà đa số các đoàn đều khó khăn, tạm bợ, di chuyển địa điểm liên tục.

Ký ức về sân khấu lô tô trong nhiều người chúng ta là những niềm vui khi được ngắm nhìn, cười hả hê khi xem và nghe những cô đào rực rỡ dưới ánh đèn chớp nháy hát hò, diễn trò vui vẻ, nhưng thực tế cuộc sống của các đào hát sau cánh màn nhung là bao nỗi niềm không mấy ai thấu hiểu.  

Tuổi xế chiều buồn của các đào hát

Anh Hoàng Huy, trưởng Đoàn lô tô Hoàng Huy hoạt động 15 năm qua tại tại nhiều xã, nhiều huyện thuộc tỉnh Kiên Giang từ năm 2009 với 20 nhân viên cho biết mình hiện đang cưu mang một đào hát là chị Thúy Kiều, năm nay 53 tuổi. Chị đang mang trong mình căn bệnh hở van tim, sức khỏe rất yếu từ ba năm nay. Hiện tại bản thân chị Thúy Kiều và cả đoàn đều khó khăn nên không thể đưa chị đi bệnh viện ở thành phố để trị cho dứt điểm bệnh tật mà chỉ chữa cầm chừng. Hiện tại chị cũng chỉ hát bữa được bữa không, sống chủ yếu phụ thuộc vào tình thương của chủ đoàn.

Chị Kiều trước đây còn có sức khỏe cộng tác với đoàn của tôi thì cũng có dư giả, nhất là mùa nắng. Hiện chị lớn tuổi và bị bệnh hở van tim, cộng thêm phần ngực do silicon giãn nở càng tăng sức ép lên cuống tim khiến chị thở rất khó khăn, yếu sức. Hiện chị ấy hát không nổi nữa nhưng đoàn vẫn cưu mang, nuôi cơm nước và cả nuôi bệnh khá là tốn kém. Bản thân chị ấy cũng không thể về quê Cà Mau vì đi xa nhà quá lâu, về quê con cháu cũng không nhìn, bị khi dễ. Giờ đoàn là nơi duy nhất chị có thể tá túc, có lẽ cho đến cuối đời, có mất cũng mất trong đoàn, có rau ăn rau có cháo ăn cháo,” anh Hoàng Huy chia sẻ. Anh cũng gửi cho chúng tôi tấm ảnh chị Kiều đã cạo trọc đầu vì bệnh tật, không còn hình ảnh một Thúy Kiều hằng đêm váy áo, son phấn hát ca say mê dưới ánh đèn sân khấu.Đoàn Ngọc Giàu ở tỉnh An Giang hiện là nơi “che chở” cho gần 10 đào hát lô tô ngoài 40 tuổi, có hai chị trên 60 tuổi. Chị Giàu, bà bầu đoàn lô tô Ngọc Giàu chân tình bộc bạch lý do vì sao đoàn lô tô của chị có nhiều người già: “Mấy đào trẻ hay ăn nhậu, thức đêm hôm nhiều quá, mình không quản được. Mình sống mình phải biết mình, biết nó mới được, mình la mắng nó thì nó cũng không chịu nó đi đoàn khác. Thôi kệ đi, ở đây chị em lớn tuổi nhưng thương nhau, hát được bao nhiêu ăn bao nhiêu, chị em đùm bọc có nhau.

Chị Trúc Phương là một thành viên của đoàn Ngọc Giàu, năm nay 60 tuổi, theo nghề hát từ năm 25 tuổi, tức là từ 35 năm trước, khi đó các đoàn lô tô không có đàn, không có dàn nhạc mà chỉ gõ nhịp song lang để kêu số, lại càng không có phần ca nhạc rầm rộ, vui nhộn như bây giờ. “Thời còn trẻ lang bạt đi khắp nơi, hết đoàn này vài tháng lại qua đoàn khác, vì lúc đó còn trẻ nên đoàn nào trả lương cao hơn là đi đoàn đó bỏ đoàn cũ. Thời đó còn trẻ cứ làm được bao nhiêu ăn xài phung phí hết bấy nhiêu. Bây giờ mới hiểu chuyện, biết lo thì già rồi, không còn kiếm được bao nhiêu. Giờ 60 tuổi mà hai bàn tay trắng, không nhà cửa, không đất đai. Giờ thì cứ theo đoàn này thôi, theo hoài vậy đó, khi nào chết thì bà Giàu bả chôn chứ biết sao,” nghe chị Trúc Phương tâm sự mà không khỏi chạnh lòng. Có bạn là cô đào trẻ tuổi đang hoạt động ở đoàn Sài Gòn Tân Thời, nghe chị Trúc Phương nói mà rưng rưng nước mắt. Vì ai rồi cũng sẽ già đi…

Năm 2023 chị Trúc Phương bị tai biến, tay và chân phải bị liệt phải ngồi xe lăn cả năm trời, ngay cả việc ăn uống và nói chuyện rất khó khăn. Lúc này may là chị đang hát lô tô ở đoàn Ngọc Giàu nên được chị Giàu lo cho đi châm cứu, chăm sóc cơm nước suốt cả năm trời. Mỗi lúc đoàn dời qua bến mới thì chị Trúc Phương phải nhờ một đứa em chạy xe máy chở mình đi theo đoàn. Ở bến mới chị cũng chỉ ăn rồi nằm một chỗ trong chòi, không hát được nên không có lương, lâu lâu chị Giàu lại cho năm ba chục ngàn tiêu vặt, uống cà phê và cơm thì được chị Giàu nuôi. Sau nửa năm thì chị cũng khỏe hơn, giờ đã có thể đứng hát sân khấu trở lại.

Hiện tại, khi bệnh tai biến đã khỏi hẳn, những ngày nắng, chị Trúc Phương hát một đêm được 200 đến 300 ngàn đồng, dành lại để bù qua những đêm mưa không hát được. Thu nhập tính trung bình của chị hiện tại cũng chỉ được cỡ 150 ngàn một ngày. “Vì mình già rồi, với lúc mình bệnh cũng được chủ đoàn chăm sóc. Mình già, mình lớn tuổi nó khác, không có ganh đua với mấy đứa trẻ được, mỗi ngày chỉ mong kiếm được tiền cơm, tiền cà phê cà pháo.” Trải qua nhiều biến cố, chị Trúc Phương nói về mơ ước của bản thân: “Giờ chỉ mong không có bệnh tật gì, hát được ngày nào thì hát sống qua ngày, không mong ước gì hơn, chỉ mong không đau bệnh.”

Chị Ngọc Lan Thanh, thành viên trong đoàn lô tô Ngọc Giàu năm nay cũng đã 52 tuổi. Chị kể cho tới năm 30 tuổi mới biết và theo đoàn lô tô Ngọc Giàu. Vì không có bản lĩnh đứng sân khấu nên chị chọn công việc chỉ đi bán vé. Cũng là phận “trai không ra trai, gái không ra gái” mà chị Thanh chọn cách sống bám trụ ở đoàn lô tô, không mấy khi về quê thăm nhà để không phải nghe những xì xầm đàm tiếu. Cha mất đã nhiều năm, năm ngoái, chị nghe tin mẹ ở Châu Đốc, An Giang mất nhưng khi hay tin thì cũng không kịp về nhìn mặt mẹ lần cuối. “Giờ lâu lâu chị mới về quê thắp nhang cho má. Tới già chắc kiếm cái cốc nào sống những ngày cuối đời,” chị tâm sự.

Lô tô tỉnh chuyển mình trong khó khăn

Đào hát lô tô Du Khả Ái (ở đoàn Thùy Trang, hoạt động ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) có 12 năm hoạt động, cho biết suốt hai tháng nay đoàn hoạt động cầm chừng do mưa bão kéo dài. Trong khi đó, đa số đào hát trong đoàn, khoảng 10 chị em, đều mắc nợ từ vài chục đến cả trăm triệu, ai cũng phải trả góp mỗi ngày. Lý do đa số chị em phải vay mượn nợ khi thực hiện ước mơ làm con gái đã phải đi phẫu thuật chuyển giới (phẫu thuật ngực, hoặc phẫu thuật giới tính) với số tiền khá cao so với thu nhập nghề của họ. 

Mỗi khi mưa gió kéo dài thì cả tuần không có lương là bình thường. Bạn nào là nhân viên cố định thì được chủ đoàn bao cơm nước nhưng lương thì chỉ khi lên sân khấu, sân khấu sáng đèn mọi người mới có lương. Nói chung mỗi mùa mưa bão đến là các đào hát lô tô rất vất vả, cứ đắp đổi qua ngày, ai khéo léo biết dành dụm từ mùa nắng thì còn đỡ, ai không biết vun vén thì mùa này là mùa nợ cũ chồng thêm nợ mới,” Du Khả Ái nói.

Du Khả Ái cho hay bản thân mình vẫn còn mắc nợ sau cuộc phẫu thuật chuyển giới 100% cơ thể ở Thái Lan cách đây bốn năm với số tiền 100 triệu. Tuy nhiên, Khả Ái nói ngoài số nợ của bản thân thì cô cũng dùng uy tín bản cá nhân đứng ra gánh nợ cho một số chị em trong đoàn vì họ có khát khao, ước mơ làm con gái nhưng không đủ uy tín để có thể đi vay mượn. “Bản thân tôi cũng động viên các bạn hãy cứ cố gắng thực hiện ước mơ của mình, vì ngoài việc được tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu thì ước mơ được làm con gái của các bạn rất lớn. Cùng cảnh ngộ và hiểu các bạn nên giúp được ai tôi cũng đều cố gắng,” Du Khả Ái chia sẻ thêm.

Anh Hoàng Huy, chủ đoàn lô tô Hoàng Huy ở An Giang cũng chia sẻ về những khó khăn của các đoàn lô tô tỉnh hiện tại: “Vào mùa mưa, cả chủ đoàn và nhân viên đều khó khăn. Mưa liên tục bảy, tám ngày như những ngày ảnh hưởng bão Yagi thì cả đoàn không hoạt động, tôi chỉ nuôi cơm với nước uống các nhân viên. Đứa nào biết tích cóp từ trước, kinh tế vững thì trụ được trong đoàn, đứa nào kinh tế yếu do không tự tích cóp được thì cũng chán nản bỏ đoàn vì trụ không nổi. Mà lương nhân viên của đoàn cũng không thể cố định, nếu khách đông thì mình trả cao còn vắng khách quá mình cũng phải trả thấp, do đó các bạn theo đoàn lô tô làm việc, hát cũng rất thiệt thòi. Nhưng đó là cách để chủ đoàn như chúng tôi có thể duy trì đoàn hát của mình, các bạn phải khéo léo chi tiêu, biết tích cóp thì sẽ cùng đoàn vượt qua được những tháng mưa bão.” Bầu Huy nói.

Chủ đoàn lô tô lưu động khu vực huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, Lâm Bảo Châu cũng nói với chúng tôi những khó khăn sau sáu năm mở đoàn mang tên mình, đặc biệt là việc duy trì đoàn hát lô tô ở thời điểm hiện tại: “Có nhiều cái cực lắm, chuyện bến bãi là khó nhất, có nơi họ thương có nơi họ không chấp nhận loại hình hoạt động lô tô nên không cho mình lập bến hát. Mà nơi mình được đậu bến mà không có khách thì cũng phải rời đi kiếm bến mới liên tục, thường thì một hoặc hai tuần sẽ dời bến một  lần.” Chủ đoàn Lâm Bảo Châu cho biết suốt hai tuần liền là cao điểm mùa mưa ở Miền Tây, đoàn hầu như không hoạt động, “cứ dọn bàn ghế, lên đèn sân khấu, khán giả vừa đến được vài người là mưa như trút khiến đoàn phải ngưng biểu diễn.” Gặp cùng cảnh ngộ trong mùa mưa, chị Kim Thúy, chủ đoàn lô tô Kim Thúy hoạt động ở Kiên Giang cho biết cả tháng Tám chị và các thành viên chủ chốt phải tạm chuyển qua nghề bán bắp nướng, ban đêm phải đi mò cua bắt ốc để cầm cự qua mùa mưa. Chị kể: “Đã bảy, tám ngày liên tiếp đoàn không sáng đèn vì tình hình mưa lớn kéo dài. Cứ chiều tới là mưa nên cả đoàn chỉ có thể sống nhờ vào những đồng lẻ bán bắp mua gạo, mò cua bắt ốc làm đồ ăn.

Lập đoàn hát lô tô cách đây chỉ một năm, bà bầu gánh hát Nữ hoàng lô tô Nini An hoạt động tại tỉnh Long An cũng gặp không ít khó khăn khi mùa mưa ập đến. Trong một năm, đoàn hát với gần 30 người gồm khoảng 10 đào hát cùng khoảng 20 nhân sự hậu cần đã dời bến hát ba lần vì lượng khách đến ngày càng vắng. Vào mùa mưa thì cảnh diễn viên sau khi trang điểm, áo quần xúng xính nhưng lại không thể lên đèn là chuyện như cơm bữa. Hơn nữa, cái khó của những đoàn lớn như vậy là áp lực kinh phí chi trả lương nhân viên, bên cạnh phải đảm bảo chất lượng đêm diễn luôn hấp dẫn khán giả đến xem. 

Từ tháng 7/2024, đoàn lô tô Nini An dời lên Trung tâm Thể Thao – Văn Hóa quận Bình Tân hoạt động. Nhưng vì đây là địa điểm của nhà nước, đoàn phải tuân thủ đúng theo quy định của chính quyền, đoàn chỉ được diễn đến 22h đêm là phải ngưng, nên số lượng vòng quay cũng như vé được bán ra hạn chế, khán giả cũng thưa vắng vào các đêm đầu tuần, dẫn đến rất nhiều áp lực, khó khăn về kinh tế. 

Tôi mở đoàn hát thực sự vì đó là niềm đam mê từ bé của mình. Chỉ cần sân khấu được sáng đèn, chị em được trang hoàng bước ra cất lời ca, tiếng hát phục vụ khán giả thì khó khăn cách mấy tôi cũng sẽ cố gắng duy trì đoàn hát. Tôi dời đoàn lên Sài Gòn cũng mong đắp đổi được qua mùa mưa này, vì thành phố khán giả sẽ đông hơn dưới quê,” chủ đoàn NiNi An tâm sự. (Đón đọc kỳ 2: Nghề không phụ người dám sống hết lòng)



You may also like

Leave a Comment