GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT lên tiếng về hiện tượng tu sĩ Thích Minh Tuệ

by Tim Bui
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT lên tiếng về hiện tượng tu sĩ Thích Minh Tuệ

LGT: Hai ngày sau khi tu sĩ Thích Minh Tuệ không còn thấy xuất hiện trước công chúng, và Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam (hôm 3/6) ra thông báo cho biết ông đã “tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực,” tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), qua một văn bản, đã lên tiếng về điều mà giáo hội gọi là “hiện tượng tu sĩ Thích Minh Tuệ.”

Văn bản của GHPGVNTN khẳng định
rằng “Thầy Thích Minh Tuệ đã giữ giới và tu đúng theo 13 hạnh đầu đà của Phật dạy, nên ông đúng là một tu sĩ Phật giáo, một tu sĩ kiệt xuất nhất, rất hiếm khi xuất hiện.”

Tuy nhiên, trước đó gần ba tuần (hôm 16/5), sự kiện tu sĩ Thích Minh Tuệ thu hút được rất nhiều sự chú ý và ngưỡng mộ của quần chúng,
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã công bố một văn bản, trong đó khẳng định “người được mạng xã hội gọi là “Sư Thích Minh Tuệ” không phải là tu sĩ Phật giáo.” Điều này đã tạo nhiều phản ứng tiêu cực và bất mãn trên cộng đồng mạng khắp nơi.

Để rộng đường dư luận, và để độc giả hiểu rõ hơn về tu sĩ Thích Minh Tuệ và những gì liên quan đến ông trong thời gian qua, tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi xin được đăng tải toàn thể văn bản này của
GHPGVNTN.

___________________

TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH
Chùa Giác Hoa, 15/7 Nơ Trang Long, Phường 7, Q. Bình Thạnh, TP Sài Gòn
Chùa Phước Thành, 360 Phan Chu Trinh, P. An Cựu, TP Huế.
Phật lịch 2568 Số: 03/HĐĐH/TB/VT

HIỆN TƯỢNG TU SĨ THÍCH MINH TUỆ
Kính bạch Chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni,
Kính thưa Quý Thiện Tín Nam Nữ Phật tử các giới trong và ngoài nước,

Hiện nay, tại Việt nam xuất hiện một vị tu sĩ tên là Thích Minh Tuệ, nổi tiếng khắp thế giới. Người tu hạnh đầu đà, một hạnh khó khổ nhất trong đạo Phật.

Trong Phật giáo, có nhiều phương pháp tu hành, tùy theo sở thích, căn cơ, mỗi người tự chọn cho mình một pháp tu. Như Ngài Ma ha Ca Diếp là vị tu hạnh đầu đà đệ nhất, ngài Xá lợi Phất là trí huệ đệ nhất, ngài Mục kiền Liên là thần thông đệ nhất, ngài Phú lâu Na là thuyết pháp đệ nhất… mỗi vị tu theo một hạnh tùy thích, tu hạnh nào cũng được.

Riêng tu theo hạnh đầu đà là đơn giản nhưng khó khổ nhất. Cần thiết phải có một cơ thể mạnh khỏe, cường tráng, chịu đựng được sương gió, đói khát, nóng lạnh… vì hạnh tu này phải tuân theo 13 pháp khổ hạnh như: ăn ngày một bữa, trước giờ ngọ, mặc y phấn tảo tức là dùng vải vụn, người ta đã vứt bỏ, chắp vá lại thành cái y để dùng, và chỉ có ba y, không được nhiều hơn, ngủ ở dưới gốc cây, ở rừng, nơi đất trống hay nghĩa địa, đi chân đất, không mang giày dép…khó vô cùng, nói chung là phải “ ít muốn, biết đủ, tinh tấn, viễn ly”, nên rất ít người tu theo hạnh này được. Thầy Thích Minh Tuệ đã giữ giới và tu đúng theo 13 hạnh đầu đà của Phật dạy, nên ông đúng là một tu sĩ Phật giáo, một tu sĩ kiệt xuất nhất, rất hiếm khi xuất hiện.

Nhiều Phật tử thắc mắc rằng, tu như vậy, nếu đúng là tu sĩ Phật giáo thì xây chùa chiền, am thất để làm gì?

Việc này, trong kinh Na Tiên tỳ kheo đã có giải thích rõ ràng.

Trong câu hỏi thứ 125, Mi Tiên vấn đáp, khi vua Mi Lan Đà chất vấn ngài Na Tiên rằng, Phật dạy người tu hành như nai trong rừng, rày đây mai đó, muốn ăn, muốn ngủ chỗ nào cũng được, không cố định nơi nào, tự do tự tại, đó là hạnh của tỳ kheo. Nhưng có nơi khác, Phật lại dạy rằng, người Phật tử nên xây lập chùa viện, am thất để chư Tăng có nơi chỗ an ổn tu hành, thì phước đức vô cùng to lớn, kiếp sau có thể sanh lên các cõi trời người, an lạc, sung sướng vô cùng và cũng có thể dứt được sanh lão bệnh tử, giải thoát niết bàn. Phật dạy hai lời như vậy, thì cái nào đúng, cái nào sai?

Ngài Na Tiên trả lời nhà vua rằng, cả hai điều này, Phật dạy đều đúng cả.

Thứ nhất, Phật dạy thầy tỳ kheo sống tự do tự tại, rày đây mai đó, như nai trong rừng, cái ý chính là dạy cho chư Tăng không được đắm chấp, lưu luyến, dính mắc chỗ nào cả.

Còn điều thứ hai, Phật dạy người Phật tử nên xây dựng chùa viện, am thất để chư Tăng có nơi cư ngụ an ổn, sẽ được phước đức, là vì nếu không có chùa viện, am thất thì các Phật tử lấy đâu có nơi để học hỏi, tham vấn giáo lý, chư Tăng lấy đâu chỗ để truyền giới cho đệ tử, để phổ biến giáo lý rộng rãi, để Phật pháp được lưu truyền lâu dài?

Đức Phật không có chỗ nào ngăn cấm chư Tăng, không được ở chùa viện, am thất, cũng không có chỗ nào khuyên bảo chư Tăng phải ở trong rừng, dưới gốc cây, nơi nghĩa địa. Điều quan trọng là muốn chư Tăng không được lưu luyến, dính mắc, đắm chấp nơi nào, mà phải sống đời thanh thản, tự do tự tại mới đúng phẩm hạnh của một vị Tỳ kheo.

Ngày xưa, thời Phật còn tại thế, chỉ có Tăng đoàn còn gọi là giáo đoàn để phân biệt tu sĩ và cư sĩ tại gia. Nhưng trong hoàn cảnh ngày nay, gặp thời mạt pháp, ma chướng rất nhiều, một mình rất khó tu, nên chư Tăng phải hòa hợp, đoàn kết lại để bảo vệ lẫn nhau, tránh các sự phá rối từ bên ngoài, nên mới có các tổ chức giáo hội.

Và một thắc mắc nữa là sư Thích Minh Tuệ có đúng là một tu sĩ Phật giáo không?

Việc này tu sĩ Thích Minh Tuệ cho biết rằng, ông đã xuất gia, vào chùa tu và được Pháp danh là Thích Minh Tuệ, và ông đã giữ giới, tu đúng theo 13 hạnh đầu đà mà đức Phật đã dạy, vậy thì rõ ràng ông là một tu sĩ Phật giáo.

Tu sĩ Thích Minh Tuệ là một người giữ giới luật, tu theo hạnh đầu đà của Phật dạy, không nhà không cửa, không chùa viện, am thất, rày đây, mai đó, ngày ăn một bữa, mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, nơi đất hoang, nghĩa địa, tự do tự tại, không nơi cố định, đúng phẩm hạnh một vị tu sĩ Phật giáo, mọi người ai cũng kính phục, noi theo, công nhận đúng là một tu sĩ Phật giáo, thì còn cần gì phải theo giáo hội này, tổ chức kia cho thêm phiền phức, buộc ràng?

Cách đây hơn 6 năm, Sư Minh Tuệ đã vân du tứ phương từ nam ra bắc rồi ngược lại, thầy độc hành trên con đường vạn dặm để mang ánh sáng từ bi trí tuệ của Phật giáo đến với mọi người, nhất là người dân và Phật tử bên kia vĩ tuyến còn rất mơ hồ về Phật giáo.

Và gần đây đạo hạnh của Thầy đã tỏa sáng, tâm từ của Thầy đã làm cảm động lòng người và quỷ thần, nên đã có hàng ngàn, hàng chục ngàn rồi đến hàng trăm ngàn người đã tháp tùng cùng thầy từng đoạn trên đường thầy đi qua.

Thảm đỏ, hoa hương và những tấm lòng người Phật tử từ khắp nơi tìm đến đã tạo ra một biển người làm Nhà cầm quyền hoảng sợ.

Tình yêu và sự ngưỡng mộ của người dân và Phật tử dành cho Thầy Minh Tuệ làm lu mờ tất cả mọi thần tượng của chế độ, làm sụp đổ tương lai của một Giáo hội được thành lập và nuôi dưỡng bởi nhà cầm quyền và cũng làm cho nhiều thế lực khác đứng trước một thách thức chưa từng có trong lịch sử khi sự tồn vong của mình bị đe doạ.

Nhà cầm quyền đã quyết định vô hiệu hóa Thầy Minh Tuệ bằng cách tách Thầy ra khỏi Phật tử và người dân, an trí thầy một nơi để họ dễ kiểm soát.

Việc làm này đi ngược lại lòng dân và Phật tử, Nhà cầm quyền có thể kiểm soát xã hội nhưng không thể kiểm soát được lòng người. Kể từ đây, lòng dân và Phật tử sẽ oán trách Nhà cầm quyền và cả Tổ chức Phật giáo do Nhà cầm quyền thành lập, đã tiếp tay cho Nhà cầm quyền.

Và cũng kể từ đây Phật giáo sẽ là nơi quy ngưỡng của người dân Việt trên ba miền đất nước và trên thế giới.

Có thể, một số chùa viện Phật giáo sẽ giảm lượng Phật tử đến viếng, nhưng trong lòng mỗi người Việt nam đã dựng lên trong đó một nơi thờ cúng trang nghiêm cho Phật đà và tất nhiên trong đó có Thầy Thích Minh Tuệ.

Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất hoan hỷ đón chào sự xuất hiện của Sư Minh Tuệ, ủng hộ thầy tiếp tục con đường tu hạnh đầu đà, và cũng cám ơn Thầy Minh Tuệ đã thổi một luồng gió mới vào xã hội Việt nam đã suy đồi đạo đức và mất niềm tin vào đạo Phật.

Yêu cầu Nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn trọng sự chọn lựa tu hạnh đầu đà của Thầy Minh Tuệ mà không can thiệp.

Hãy để Thầy Minh Tuệ vân du tứ phương, khai hoá người dân, làm cho xã hội từ đó tốt hơn, tử tế hơn và văn minh hơn.

Con chim là của bầu trời, con cá là của biển khơi, đem nhốt con chim vào lồng, nhốt con cá vào chậu là bức tử nó.

Thầy Minh Tuệ sẽ ra sao nếu Thầy bị tách ra khỏi người dân và Phật tử, bị tách ra khỏi những nẻo đường quê hương đất nước từng trải ra dưới bước chân Thầy.

Mong rằng các nước, các chính phủ hãy tuân theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, không đàn áp những người tu hành, ai muốn tu theo đạo nào, tu cách nào tùy thích để được an ổn tu hành. Đó là điều mong muốn nhất hiện nay của những người theo tín ngưỡng, tôn giáo.

Kính chúc quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni và quý Thiện Tín, Phật tử một mùa Hạ an cư trang nghiêm, thanh tịnh.

Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tổ Đình Thập tháp, Bình Định, Mùa An cư năm Giáp Thìn, 2024.

T.M. Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn GHPGVNTN,

Viện trưởng,
(ấn ký )
Tỳ kheo Thích Viên Định
__________________

Ghi chú:

-Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), thành lập vào tháng Giêng năm 1964, là một trong những tổ chức Phật giáo hoạt động tích cực tại Việt Nam. Sau 30/4/1975, GHPGVNTN từng được nhà nước Việt Nam công nhận, cho phép hoạt động thông qua Đại hội kỳ VII GHPGVNTN tại Ấn Quang vào năm 1977.

-Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập ngày 7 tháng 11 năm 1981. Từ đó về sau truyền thông của nhà nước Hà Nội tuyên truyền, phủ nhận tính hợp pháp của GHPGVNTN, mặc dù không cung cấp văn bản chính thức của chính phủ.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights