Gốm cổ Hội An và con tàu lịch sử

by Tim Bui
Gốm cổ Hội An và con tàu lịch sử

PHÚC MỘC NAM

LGT: Vào tháng 10 năm 2000, chúng tôi, họa sĩ Văn Mộch, Ngô Hải, Bảo Sơn và Nguyễn Trung Nam, có cơ duyên tham gia buổi đấu giá độc đáo của nhà bán Butterfields ở San Francisco, và may mắn mua được một số món đồ gốm cổ Việt Nam có giá trị.
Hôm ấy Butterfields ở San Francisco bán đấu giá hơn trăm ngàn đồ gốm cổ Việt Nam, đến từ hơn 250 ngàn món được vớt lên từ con tàu bị đắm ngoài khơi Cù Lam Chàm vào năm 1996. Hôm đó cũng là lần đầu tiên, thế giới có cơ hội chiêm ngưỡng các tuyệt phẩm gốm cổ Việt Nam, những món mà từ xưa đến nay chưa ai từng biết đến hay thấy bao giờ. Ngoài rất nhiều loại hình mang kiểu dáng truyền thống từ bát, đĩa, hộp, lọ, bình, nhóm đồ gốm hôm ấy còn mang nhiều kiểu dáng rất độc đáo, chưa từng thấy trước đó như: ấm hình rồng, ấm hình phượng, chén hình thú hay hộp như quả đào…
Quả thật là nếu không có buổi đấu giá đó thì chúng tôi, và cả thế giới nghiên cứu đồ cổ, sẽ không bao giờ biết là gốm cổ Việt Nam đẹp như thế. Rời khỏi buổi đấu giá, chúng tôi không khỏi không ngơ ngẩn và cứ suýt xoa mãi với nhau về khám phá của mình, cũng như niềm hãnh diện về gốm cổ của đất nước mình. Nghiên cứu thêm về con tàu lịch sử, họa sĩ Văn Mộch và tôi viết bài này để nói về con tàu xấu số, cũng như giới thiệu đến mọi người gốm cổ Chu Đậu, Hải Dương với kỷ thuật tuyệt đỉnh, mỹ thuật độc đáo đầy tính chất dân gian và văn hóa Việt ngày xưa.
(Nguyễn Trung Nam)

Từ bến Vân Đồn, con thuyền vừa mới ra khơi chưa được một tuần, tất cả thủy thủ đều mệt nhoài sau cả tháng trời mệt nhọc bởi số hàng tràn ngập từ nơi Phố Hiến. Cả trăm ngàn món đồ gốm sản xuất từ lò Chu Đậu, địa phận Hải Dương, Bắc Việt, nay xuống thuyền chuyên chở về giao hàng tại Nam Dương, Thái Lan, Mã Lai…

Con tàu dài hơn 30 thước, rộng hơn 7 thước, kiến trúc bằng gỗ têch, được xem là con tàu đóng tinh xảo nhất lúc bấy giờ, thừa sức vượt biển Thái Bình với những kiện hàng khổng lồ, nhưng chuyến này số hàng hóa trọng tải vượt thật quá sức tưởng tượng hơn gấp 10 lần so với các chuyến khác.

Chuyến đi này quả tình là đặc biệt, khác thường. Mấy năm nay, nhiều chuyến hải hành từ Phố Hiến mang những hàng hóa gốm từ lâm sản, trầm hương, lụa là, đồ bạc và đồ gốm giao khắp các hải cảng quan trọng trong vùng Đông Nam Á.

Từ khi Trung Quốc bế môn tỏa cảng, không giao dịch buôn bán với nước ngoài, mọi nơi đều huớng về một nước láng giềng, Việt Nam lúc bấy giờ với một nền văn hóa cực thịnh, nghệ thuật vững chãi, chính trị và kinh tế ổn định, các nền công nghiệp đều được phát triển mạnh mẽ, cho nên các hải cảng Vân Đồn, Phố Hiến hay Hội An trở nên nổi tiếng và quen thuộc trên giới thương trường mậu dịch thế giới.

Ảnh chụp lúc thợ lặn vớt một bình nước từ
con tàu đắm

Chuyến hàng kỳ này vô cùng quan trọng bởi hơn 250 ngàn món hàng, nhiều món thật quí giá, đã được ký kiểu bởi các vương quốc, hoàng gia và các quí tộc lân bang. Hàng đã được xắp xếp và tồn trữ kỹ lưỡng với một kỷ thuật tinh vi dưới hầm tàu. Một công trình thật cực khổ đối với thủy thủ đoàn, luôn cả người đàn bà vợ ông thuyền trưởng cùng vài đứa bé cũng phải xăn tay áo vào phụ, nào phải cuộn rơm, chất các hũ con con vào trong các vại lớn, nhiều khi cả mấy chục món trong một lu hay vại to.

Rơm và rạ được dồn nén bên trong để chống đỡ những cơn dập vùi của sóng biển. Mọi người ai nấy đều háo hức, nghĩ đến viễn ảnh tương lai huy hoàng của ngày cập bến Ayuthaya. Hình ảnh từng đoàn khách hàng sẽ bu kín con tàu, nhìn các món hàng với ánh mắt thèm thuồng và ngưỡng mộ. Gốm Việt Nam là gốm men lam từ lò Chu Đậu và các lò lân cận, một ngôi làng nhỏ bé nằm ven sông Kè Đá, thuộc Châu Nam Sách, từ bấy lâu nay là nơi sản xuất các món gốm men lam thật nổi tiếng.

Khi rời bến Hội An chừng vài tiếng đồng hồ, có tiếng thét thất thanh từ ngoài bong tàu, ai nấy đều nhốn nháo vì gió và mây đen đã kéo đến và mây đen kéo đến cơn bão của Biển Đông, gần Cù Lao Chàm, một vùng biển rất hãi hùng mà ngư dân mệnh danh là vùng biển của Hà Bá.

Tượng gốm men lam thiếu
nữ Việt Nam. Tượng rất quý
hiếm, nay đang được trưng
bày ở Viện Bảo Tàng Lịch Sử
Hà Nội.


Như một chiếc lá giữa giòng, con tàu nghiêng ngã chơi vơi, các cột buồm đã bị gió đánh gãy gây nên hỏa hoạn, và con tàu bị dập vùi giữa nhưng cơn sóng tàn bạo đã cuốn trôi một số thủy thủ. Con tàu với sức chứa quá nặng đã từ từ chìm sâu dưới lòng biển mặc những tiếng kêu cứu, những bàn tay bấu víu tuyệt vọng.

500 năms sau, cũng nơi chốn ấy, mặt nuớc trong xanh, Cù Lao Chàm vẫn soi mình lặng lẽ, một con thuyền đánh cá nhỏ nhoi chơi vơi giữa dòng, dây phao đã sút và giàn lưới đánh cá vô tình chìm xuống đáy biển, khi anh ngư dân Việt Nam kéo lên, anh mừng rỡ nhìn trong tấm lưới của mình, kìa vài món hộp gốm men lam lẫn trong rong rêu. Anh ngư phủ hồi hộp, một mẻ lưới như thế sẽ mang lợi gấp mấy lần hơn một ngày đánh cá, anh đã vô tình phát hiện một kho tàng của nước Việt Nam, sau hơn 500 ngủ yên dưới lòng đại dương.

Không bao lâu, sau nhiều chuyến ra khơi của các ngư phủ, cả phố Hội An tràn ngập những lọ, bình, hộp, đĩa… gốm men lam đủ kiểu, đủ kích thước. Nhiều món được bày bán ngay bên lề đường một cách công khai, dù nhiều khi chỉ là vài miếng mảnh bể từ các món to.

Sau này mọi người mới biết được đó là một sáng kiến độc đáo, thông minh của các anh chài lưới trong việc vớt tìm đồ ở dưới độ sâu. Các anh đặt các lưới giả cào có móc bằng sắt để có thể đào xới thật sâu dưới biển. Kết quả cũng khả quan nhưng cũng đã làm hư bể khá nhiều món khác. Không hề gì, món bể cũng bán theo giá bể, món lành bán theo món lành.
Sau nhiều ngày cố gắng trục vớt bằng phương pháp cổ điển và những kỹ thuật đơn giản, chính phủ Việt Nam phải giao công
cuộc trục vớt này cho một công ty ngọai quốc.

Các món gốm tiêu biểu: đĩa men lam, bình nước có quai và các chén đựng nước dưới hình
dáng con két

Cuộc khai vớt kho tàng gốm cổ Hội An thực sự khởi đầu từ năm 1997 cho đến năm 1999, bởi công ty Saga Horizon ở Mã Lai,
phối hợp với chi nhánh Oxford Mare thuộc đại học Oxford, trong đó ông John Guy, một nhà khảo cứu nổi tiếng và cũng là nhà bảo thủ bộ sưu tập Đông Nam Á tại Bảo tàng viện Victor and Albert Museuym tại Anh Quốc. Giám đốc chỉ huy cuộc khai vớt là ông Menson Bound, một người nổi tiếng qua các vụ nghiên cứu và khám phá cũng như khai vớt 19 xác tàu chìm khắp thế giới.

Đã mất hơn 3 năm trời để trục vớt phần lớn kho tàng Hội An. Từ lúc khởi công, không ai biết chính xác con tàu nằm nơi đâu, mặt nước mênh mông không còn dấu tích, khi dò được địa điểm thì toàn những phong ba bão tố. Mặt biển nhiều lúc đầy phẫn nộ gây bao nhiêu hiểm nguy, trở ngại cho đoàn tàu trục vớt. Độ sâu hơn 70 mét đòi hỏi nhiểu kỹ thuật và dụng cụ tối tân.

Khởi đầu hai người nhái thuộc công ty Saga đeo bình xuống thử, mọi người đều nín thở theo dõi, không có một đường dây để liên lạc, nếu có chuyện gì đành chịu. May quá hai anh chàng lên được bình yên. Sau này người ta phải dùng đến một loại tiềm thủy đỉnh nhỏ, vừa đủ chỗ cho hai người, nhưng trang bị tối tân, có thể họat động 24 giờ mỗi ngày. Công việc điều hành khả quan nhưng chi phí lên đến 16,000 đôla cho một ngày canh tác.

Xác tàu đã bị hư hại, chỉ còn thân dưới còn nguyên vẹn, nằm chênh chếch về hướng Đông Bắc. Hầm tàu được chia thành 18 ngăn để chứa hàng. Người ta chất hàng bằng cách xắp xếp các dĩa trước lọt lòng dĩa sau, xong rồi mới chồng các tô lại và để lên trên dĩa cuối cùng đệm lót bằng rơm. Các hũ nhỏ thì được dồn vào chỗ trống, ngoài ra, các món nhỏ thì được dồn bọc khít khao trong các lòng vại to, riêng các món hàng đặc biệt như bình bú (kendi), bình nước, bình trà ký kiểu thì được chất lên cao nhất.

Bình bú kendi

Thủy thủ đoàn nay chỉ tìm thấy chăng là một chiếc sọ của người đàn bà, vài mẩu xương của các đứa trẻ. Tất cả được gom lại, đặt lên trên các thùng hàng, mọi người đều đứng nghiêm chỉnh chấp tay theo khói hương, thầm khấn nguyện cho các vong linh được siêu thoát.

Việc định tuổi dựa vào Carbon 14 trên các mảnh gỗ của con tàu đã cho thấy tàu đã nằm yên dưới lòng đại dương vào giữa thế kỷ thứ 15 (1436-1464). Tuy nhiên có những ý kiến không giống nhau về vấn đề xác định năm nào là đúng.

Ông John Guy cho rằng cuối thế kỷ 15 hay đầu thế kỷ 16. Có một nhà khảo cứu Việt Nam dám chắc đây là gốm cổ Việt Nam đầu thế kỷ 15. Nhưng ai cũng phải công nhận đây là một cuộc khám phá rất quan trọng về việc nghiên cứu gốm cổ Việt Nam từ xưa đến nay. Từ trước đó, ai cũng lờ mờ về vấn đề này, gốm cổ nước Việt ít khi tìm thấy trên thế giới, ngoại trừ một vài món trong xác tau đắm Pandanan năm 1995 ngoài khơi Phi Luật Tân, hay trong xác tàu chở gốm Trung Hoa ngoài khơi Brunei năm 1998.

Duy chỉ trong chiếc tàu lịch sử Hội An này, nội con số các món đồ là một sự việc kinh khủng, phá kỷ lục trong lịch sử khai vớt xác tàu chìm từ xưa đến nay.

Bình nước dáng rồng. Bán
được $57,500

Con tàu Hội An đã cho nhân loại chiêm ngưỡng những công trình văn hóa, đồ gốm và hội họa, của một dân tộc có hơn 4000 năm văn hiến.

Đây là một cơ may của dân Việt được hãnh diện ngước mặt với thế giới trước những chứng tích hùng hồn về công trình cha ông ngày xưa chúng ta. Qua những món tuyệt xảo về nét vẽ, nước men, khắc chạm, hình dáng đa dạng và nhất là cái hồn dân tộc thể hiện phong phú qua đủ đề tài, gốm Hội An đã đưa gốm cổ Việt Nam lên hàng cao nhất trong giới nghiên cứu và sưu tầm.
Có những món thật vô cùng quí hiếm, chưa bao giờ được trong thấy hay chưa bao giờ được ghi chép trong lịch sử. Tuyệt hảo vì nghệ thuật gốm cổ Việt Nam không thua sút gốm nổi tiếng nhất của Tàu là đồ sứ Thành Hóa (1465-1487), vì nói đến đồ sứ Thành Hóa là nói đến sự tuyệt đỉnh của mỹ thuật đồ sứ Trung Hoa.

Qua gốm Hội An, gốm cổ Việt Nam đầy những nét đặc trưng dân tộc tình, từ hình dáng, nét vẽ thoải mái và tự nhiên, thân dáng các con vật như rồng, thú vật hay bông hoa đều khác xa nét vẽ của Tàu, phá bỏ lập luận cho rằng gốm Việt Nam chỉ là một thứ góp nhặt của Tàu. Nhiều khi trên phương diện phong phú và sự sáng tạo, gốm Việt Nam đôi vượt hẳn gốm Trung Hoa.

Các đề tài trang trí của gốm Hội An đều đa dạng, phản ảnh tình tự của dân tộc và đời sống của dân chúng thời đó, chim chích chòe đậu cành tre, vịt trời bay trên khóm lá, hoa mẫu đơn khoe muôn cánh để đón Xuân sang, đôi chim họa mi ẩn mình trong đóa hoa, mái nhà mơ màng trên sườn núi… nhiều món trang trí như một bức tranh, có lúc mơ màng ẩn hiện, có lúc rực rỡ cầu kỳ. Ngoài men lam ra có khi trang trí bằng màu tam thái (enamel overglaze) vẽ trên áo men trong, đôi khi khắc chạm, điểm vàng bằng kỹ thuật sơn mài. Sự hoài hòa về màu sắc trang trí đã tạo một nét đặc thù cho gốm Việt Nam.

Trong trăm ngàn món cổ Hội An, duy chỉ có một món nổi bật nhất, xứng đáng là mẫu nghi thiên hạ, đó là pho tượng của một thiếu nữ bằng gốm men lam. Với gương mặt trang nghiêm, nàng vận y phục thật sang trọng, hai tay ôm bình hương trước ngực với một tư thế trang trọng khác thường. Một biểu tượng tuyệt vời của một dân tộc thấm nhuần tôn giáo mà Phật Giáo, Lão Giáo và Nho Giáo đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong công việc giữ nước và dựng nước. Với pho tượng thiếu nữ dâng bình cúng, đó là một chứng tích đặc sắc về nếp sống văn hóa của Việt Nam vào thế kỷ thứ 15.

Tách riêng theo từng loại những hình dạng khác nhau của gốm Hội An, loại bình bú kendi được công nhận đẹp hơn hẳn bình của Tàu và Thái Lan. Hình dáng cân đối, nét hoa văn tinh tế, trang trí có khi là hình hoa cúc, hoa mẫu đơn hay các thú vật bay nhảy linh động, mặc dù chỉ là đồ hàng xuất cảng cho thị trường Hồi Giáo, nhưng bình bú kendi đã nói lên khía cạnh độc đáo và đa dạng của gốn Chu Đậu xa xưa.

Nói về các món tuyệt tác của gốm Hội An thì phải nhắc tới những bình đựng nước theo dạng thú vật truyền ký, một trong số đó là bình nước hình chim phượng, một cổ vật đầy sự sáng tạo của tiền nhân, một sự kiêu hãnh cho dân tộc Việt. Thế giới sửng sốt không ngờ, một xứ bé nhỏ xa xôi, dù qua 1000 năm bị đô hộ của Bắc phương khổng lồ, lại có thể sáng tạo được những phẩm vật vượt thời gian và không gian dù là những món đồ gốm thông thường. Hình dáng thon nhỏ và thanh nhã nhưng không kém phần cầu kỳ của thân hình chim phượng, đến nét tô điểm duyên dáng qua màu lam tươi thắm, chiếc bình
nước chim phượng là chứng tích hùng hồn nhất cho một nghệ thuật tuyệt vời.

Không kém bình nước chim phượng phải kể đến bình nước hình rồng, chỉ tìm được 3 món trong hàng trăm ngày món đồ, đây là biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh rồng đã gắn liền với con nguời Lạc Việt từ ngàn xưa qua việc xâm hình rồng trên thân thể, và qua nguồn gốc Con Rồng Cháu Tiên, nhất là hình ảnh rồng xuất hiện trên thành Thăng Long khi vua Lý Thái Tổ thiên đô về Hà Nội. Lịch sử đã sống lại qua chiếc bình hình rồng của gốm Hội An.

Tước hay còn gọi là bôi, một loại chén chân cao dùng để dùng trong việc tế lễ, cũng là một loại cực kỳ hiếm có trong gốm cổ Hội An. Lòng bên trong tước là tượng người hay con rùa, khi cạn nước thì thân người chìm xuống, khi đổ nước vào thì thân tượng sẽ nổi lên trên. Một sáng tạo thần tình, điêu luyện của nghệ nhân Việt cổ xưa.

Chắc hẳn thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn của con tàu vô danh hơn 500 năm qua đâu ngờ chuyến đi định mệnh của mình là một chuyến đi lịch sử.

Chuyến hàng không bao giờ được cặp bến nay lại xuất hiện ở một thời điểm khác và đã mở ra một chứng tích lịch sử của nền văn hóa Việt Nam thời ấy. Thế giới vui mừng đón chào gốm cổ Hội An, và nếu những con nguời dân Việt nhìn thấy được những bàn tay trân trọng nâng niu, những ánh mắt ngưỡng mộ của thế giới trên những món gốm 500 năm của dân tộc mình, hẳn sẽ có một niềm tự hào kiêu hãnh. Hơn 4000 năm văn hiến, gia tài của tiền nhân để lại cho hậu thế là những tuyệt phẩm chứa đựng đầy hình ảnh dân tộc.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights