Cách bờ biển 3km về phía Tây ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, tồn tại một cánh rừng nguyên sinh rộng 170ha, trong đó có hơn 100ha rừng được người dân gọi là rừng Rú Lịnh. Từ “rú” thường được nhắc đến nhiều ở khu vực miền Trung, chỉ “những khoảnh rừng nhỏ với cây cối rậm rạp”, để so sánh với những cánh rừng nguyên sinh lớn hơn. Cái tên Rú Lịnh có lẽ bắt nguồn từ một loài cây khá hiếm ở những cánh rừng khác nhưng lại mọc dày đặc tại đây.
Hiện nay, rừng Rú Lịnh vẫn giữ được những nét nguyên sinh với hơn 200 loài thuộc 72 họ, trong đó có nhiều loài thân gỗ quý hiếm sống lâu năm như gụ, huỳnh và dẻ rừng. Động vật trong rừng không còn nhiều, do xung quanh là khu dân cư và đường. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận có đến 73 loài động vật, trong đó 60 loài chim và 13 loài động vật có vú.
Ông Nguyễn Đình Trọng là một trong những người lâu năm gắn bó với rừng, chứng kiến sự sinh sôi của cây rừng và không ít lần đau lòng khi thấy những cây rừng già chết, đổ gãy do mưa bão hoặc bởi những vết cắt của con người. Ông Trọng kể rằng, trước đây, Rú Lịnh là một vùng rừng thâm u, nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã và những cây cổ thụ lớn đến mức cả chục người ôm không xuể. Dù trải qua nhiều biến cố, cánh rừng vẫn giữ được những nét nguyên sinh, với nhiều loài cây cổ thụ có tuổi đời từ 150 đến 200 năm được bảo tồn.

Ông Nguyễn Đình Trọng, người giữ rừng ở Quảng Trị
“Năm 1977, khi ấy tôi 20 tuổi đã bắt đầu đảm nhận công việc giữ rừng Rú Lịnh. Sau chiến tranh, cây rừng xơ xác, nhưng những cây gỗ có giá trị cao vẫn được giữ lại. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn nên nhiều người vào rừng lấy củi, chặt cây về bán. Những năm đầu việc giữ rừng gặp không ít khó khăn,” ông Trọng kể.
Có những thời điểm ông chỉ nhận được số tiền hỗ trợ ít ỏi, nhưng công việc của ông không khác gì một kiểm lâm viên thực thụ. Từ kiểm đếm cây rừng, động vật, đến tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá rừng, hay ngăn chặn những người vào rừng chặt cây và bẫy thú. Dù phải đối mặt với nhiều trận đòn trả thù cả về thể xác lẫn phá hoại vật chất. Nhưng không điều gì có thể ngăn được bước chân bảo vệ rừng của ông.
Sau hơn 45 năm giữ rừng, đến năm 2022, do tuổi đã cao, ông Trọng ngừng tuần tra bảo vệ rừng. Nhưng thỉnh thoảng, quen chân, ông lại vào rừng Rú Lịnh ngắm cây rừng tươi tốt từng ngày. Vào giữa tháng 3-2025, ông bất ngờ nhận được tin tên mình được chọn để đặt cho một loài cây mà các nhà thực vật học của Viện Khoa học Sự sống, Viện Nghiên cứu khoa học Miền Trung và Bảo tàng Đại học Kagoshima (Nhật Bản) vừa công bố. Loài thực vật mới được đặt tên Lasianthus trongii, theo tên ông Nguyễn Đình Trọng.
Loài thực vật này thuộc chi Lasianthus (xú hương), được thu thập mẫu tại khu vực rừng thuộc các tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Lasianthus là một chi lớn trong họ Rubiaceae với 292 loài phân bố rộng khắp trên thế giới. Tại Việt Nam trước đây đã ghi nhận 74 loài thuộc chi này.