Ngôi nhà trên rừng

by Tim Bui
Ngôi nhà trên rừng

TRÙNG DƯƠNG

Vào năm 1979, vợ chồng tôi quyết định dọn nhà lên rừng. Mục đích chính là để nuôi các con xa nơi thị tứ và đời sống tiêu thụ. Miếng đất nằm trong Quận Vàng (El Dorado County) tại vùng chân đồi của rặng núi Sierra chạy dọc theo phía Đông của tiểu bang California, ngó xuống thung lũng Coloma bên dòng sông American River.

Coloma là nơi, vào ngày 24/1/ 1848 ông James Marshall tìm thấy vàng trong khi đào móng xây xưởng cưa cây, từ đó đưa tới phong trào Gold Rush khi người từ khắp nơi trên thế giới đổ về vùng này đi đào vàng. 

Lô đất rộng năm mẫu — khu này phải năm mẫu mới được phép xây một ngôi nhà — nhiều đồi dốc và khe rãnh hơn là bằng phẳng. Bù lại, có rất nhiều cây thông và sồi, đặc biệt ở lô đất chúng tôi mua, giá $25,000 Mỹ kim hồi ấy, có nhiều sồi và thông hơn cả so với những lô xung quanh. Tôi cũng nhờ vậy học được chút ít về sồi và thông.

Tuy vạm vỡ vậy, có cây gốc cỡ ba người ôm, nhưng sồi lại dễ bị đổ khi mưa bão to, hơn là thông mỏng manh cao vút song vững vàng. Thực ra thì tại California hồi ấy, và có lẽ cả bây giờ, loài sồi đang bị một căn bệnh, gọi là oak wilt gây ra bởi một loại nấm, hoành hành khiến nhiều cây lớn bị đục rỗng bên trong và dễ đổ, trong khi ít có cây nhỏ mọc được. Bệnh này được tìm ra vào năm 1955 và đã giết hại cả trăm ngàn cây sồi đủ loại ở California và miền nam của Oregon. 

Cũng nhờ sống trên rừng mà tôi học phân biệt được cây nào là sồi độc, poison oak (sau khi đã bị nhiễm độc ngứa cùng khắp hết hai tuần); và loài rắn đầu giống như hình hạt kim cương đã mài, tức là mõm dẹt và đầu bành ra hai bên má rồi thu hẹp lại ở cổ, là rắn độc, phải né xa. Còn những loại rắn khác thì mặc kệ chúng.

Thông chính là thứ đã lôi cuốn tôi tới miếng đất này vì nó gợi nhớ tới Đà Lạt trong trí tưởng của tôi, kẻ vừa bị bật rễ ra khỏi quê nhà mới dăm ba năm trước và vẫn còn thỉnh thoảng nằm mơ thấy mình lỡ một chuyến tàu vượt biên tại một bờ biển nào đó bên kia bờ Thái Bình Dương. Thông cũng thường gợi nhớ tới câu thơ của Nguyễn Công Trứ, Kiếp sau xin chớ làm người / Làm cây thông đứng giữa trời mà reo / Giữa trời vách đá cheo leo / Ai mà chịu rét thì trèo với thông, nói lên tâm trạng ngán ngẩm trước những thăng trầm của đời ông khi sa cơ lỡ vận song vẫn giữ được phẩm cách.

Miếng đất tiếng là đã được khai triển (developed), nghĩa là có ống dẫn nước và cột điện sẵn nhưng xa lô đất của chúng tôi, đòi hỏi phải thuê thợ đào mương, đặt ráp ống, vân vân. Tôi chả biết gì về xây cất, tốn kém, chỉ nhìn thấy rừng thông vi vút trên mảnh đất hoang sơ. Chồng tôi là loại người tin rằng mình có thể làm được bất cứ gì, nhất là về xây cất. 

Nhìn lại, khó có thể tưởng tượng được sự liều lĩnh của chúng tôi hồi ấy. Có tí tiền lời nhờ bán căn nhà ở ngoại ô Sacramento bỏ vào đặt cọc miếng đất rồi, còn lại một số để định sẽ mua vật liệu rồi… xây nhà lấy. Chúng tôi mua một cái trailer dài 24 feet để ở đỡ trong khi xây cất, và thuê người đào giếng ở tuốt dưới khe bên một lạch nước cạn. Vì là đất ở vùng thôn dã, xa hệ thống cống rãnh công cộng, nên lại còn phải xây một hệ thống thoát nước và đồ phế thải riêng, gọi là septic system. Cũng nhờ vậy, tôi lại học thêm được những chi tiết về đời sống ở vùng đất gần như hoang dã. Hồi ấy đang có nạn bà con ở Sài Gòn bị đuổi đi cái gọi là vùng kinh tế mới, nên tôi tự nhủ mình còn may mắn hơn các bà con đó. Chúng tôi thực ra hãnh diện với quyết định dọn lên rừng của mình.

Xong xuôi, bầu đoàn thê tử dọn từ thành phố lên vào ở trailer. Như thể đi cắm trại, có điều là… vô hạn định. Vì chưa đặt xong hệ thống ống dẫn nước từ dưới khe lên, nên lúc đầu hàng ngày chúng tôi đem những bình sữa không, sang lấy nước tại nhà một cặp vợ chồng hàng xóm lớn tuổi tốt bụng. Điện thì dùng máy phát điện, cần lắm mới chạy, còn thì thắp sáng bằng đèn dầu. Nấu nướng thì có hai bình gas mua cùng với cái trailer. Trước đó, nhà tôi và cháu trai lớn, 13 tuổi, xây một cái nhà kho nhỏ để chứa đồ đạc, trong đó có vài thùng sách báo – sách báo chữ Việt hồi ấy rất hiếm — của tôi, và đặc biệt một thùng thơ từ trao đổi từ những ngày còn trong trại tị nạn (mà mãi tới hơn ba thập niên sau tôi mới hủy bỏ, phần lớn vì tôn trọng sự riêng tư của những người đã trao đổi với mình hồi mới chân ướt chân ráo tới các vùng đất tự do).

San đồi lấy chỗ xây nhà. (Phác họa td1981)

Tất nhiên là sau khi tạm ổn định, chúng tôi cạn tiền. Chỉ còn miếng đất để thế vay tiền mua vật liệu xây nhà. Được một ông thầu khoán xây cất hàng xóm tốt bụng, bằng lòng trao đổi dịch vụ với chồng tôi, giúp xây móng, nền và khung nhà. Bù lại, chồng tôi, lúc ấy là công chức giữ vai trò giao dịch và điều hành với các nhà thầu của một cơ quan quốc phòng thuộc chính phủ liên bang ở Sacramento, giúp ông hàng xóm lo giấy tờ rất phức tạp và chỉ dẫn này khác để xin đấu thầu xây cất với quốc phòng.

quốc phòng thuộc chính phủ liên bang ở Sacramento, giúp ông hàng xóm lo giấy tờ rất phức tạp và chỉ dẫn này khác để xin đấu thầu xây cất với quốc phòng.

Mãi tới hai, ba năm sau, chúng tôi mới tạm xong việc xây nhà. Tuy nhà còn rất thô sơ, chưa hoàn chỉnh, nhưng ít ra đã có điện, nước. Vợ chồng con cái chúng tôi dọn vào, để lại với giá tượng trưng cái trailer, cái xe pick-up truck để kéo trailer thì tặng không, cho một ông bạn tốt bụng cùng sở với nhà tôi, để bù lại việc ông ta đã bỏ ra nhiều ngày lên giúp đào mương, san đồi làm nền nhà hộ gia đình chúng tôi. Có lẽ người sung sướng nhất là cháu trai vì từ nay cậu ta có thể xem ti-vi, sau mấy năm không có ti-vi. Trong thời gian này, chúng tôi đọc sách nhiều. Những chuyến đi thư viện ngoài thị xã là những chuyến đi chơi thú vị, như một phần thưởng, đối với các cháu, nhất là hai cháu gái.

Các bạn và cả người thân của tôi không hiểu nổi tại sao đang ở chỗ nhà cửa tiện nghi an lành mà chúng tôi lại dắt díu nhau lên rừng ở và xây nhà từ móng. Bà chị dâu cả ở Sài Gòn thì lo lắng viết thư sang hỏi có chuyện gì mà chúng tôi phải lên rừng. Ở Việt Nam, khi phải về quê hay lên rừng sống là vì có vấn đề gì đó ở thành phố. Ở Mỹ, phải có khả năng và phương tiện mới dọn về vùng quê ở được. Mặc dù phương tiện của chúng tôi hồi ấy cũng chẳng nhiều nhặn gì, thế nhưng quyết tâm nuôi dạy con cái giữa chốn thiên nhiên thì chúng tôi có thừa. Trẻ mà. Cũng tại điếc – thiếu kinh nghiệm — nên không sợ súng.

Đấy là ngôi nhà các con tôi lớn lên, rồi lần lượt mỗi đứa cất cánh bay khỏi tổ, mang theo những kỷ niệm vui buồn của đời sống không-giống-ai, nhưng với một ý thức sâu sắc về môi trường, về đời sống ở chốn hoang dã, trong một vùng đất đầy dấu tích lịch sử của thuở Gold Rush đã thay đổi cả California. Riêng cháu trai thì có được kiến thức về việc xây hệ thống hầm cầu và xây nhà từ móng lên, và những hiểu biết khác mà một đứa trẻ lớn lên ở thành phố khó mà có được, mặc dù lúc nhỏ, cậu ta rất bất mãn, vì thay vì được đi chơi thì lại phải giúp nhà tôi làm nhà. Cũng từ ngôi nhà ấy chồng tôi lái xe mỗi ngày, vừa đi vừa về khoảng 70 miles, để đi làm, cho tới lúc về hưu vào năm 1998. Và tôi, khi trở lại trường ở Đại học Tiểu bang ở Sacramento, cũng chạy lên chạy xuống quãng đường vài chục miles trên xa lộ 50 tới bốn, năm năm.

Nhà tôi ngày một lớn tuổi, và bắt đầu than phiền về nạn phấn thông khiến anh khó thở vì anh bị chứng viêm cuống phổi. Và anh cũng bắt đầu mệt mỏi với việc quét lá thông và sồi, nhất là vào mùa Thu ôi chao là lá rụng. Anh bắt đầu nói đến chuyện muốn được sống gần biển. Chồng tôi sinh ra và lớn lên ở Copenhagen, Đan Mạch, bên sóng nước bao la. Giấc mơ đầu đời của anh là theo học về ngành thương thuyền, nhưng không được toại ý. 

Tôi khuyến khích anh đi dọc theo bờ biển miền Tây xem có nơi nào mình thích và hạp với túi tiền. Vì tôi bận đi làm ở Stockton, một tỉnh cách xa nhà khoảng 95 miles, chồng tôi đi một mình dọc theo bờ biển Bắc Cali lên phía bắc, vào cả Nam Oregon thăm thú, nhưng chỉ tới thành phố Gold Beach, cách đường ranh với California khoảng 45 miles. Một lần tôi xin phép nghỉ và đi với anh lên sâu hơn vào Oregon, dừng chân ở Bandon, một thành phố nhỏ cách ranh giới hai tiểu bang Cali và Oregon khoảng 80 miles. Mùa Hè nên nơi này thật rực rỡ, khí hậu mát mẻ, cảnh rất đẹp, lôi cuốn với những bãi cát mịn và những tảng đá hình thù rất gợi óc tưởng tượng, trong đó có một hòn đá mà sau này đã đi vào lòng tôi và các thân hữu có dịp thấy nó, đó là “Hòn Vua,” khi nhìn từ phía bắc xuống trông giống như một vì vua hay quan Việt Nam với mũ mãng và hoàng bào phủ hết đầu gối, ngồi như thể đang “trông vời quê mẹ” bên kia đại dương. Như chính chúng tôi cũng đang ngóng về quê mẹ bên này bờ biển ở Bandon.

Chúng tôi đặt mua một lô đất ở Bandon cách biển độ 200 bước. Rồi có màn rao bán ngôi nhà ở trên rừng, ngôi nhà chúng tôi sống lâu nhất, cả thảy 22 năm, với bao nhiêu là kỷ niệm. Cuối năm 2002 thì ngôi nhà trên rừng sang tay chủ mới. Tôi xin nghỉ phép về tiếp tay với chồng tôi thuê xe dọn đồ đạc chở lên một cái nhà kho thuê ở Bandon. Còn anh lái xe pickup chở theo những món đồ mà anh rất trân quý, như mấy cái telescopes khá đắt tiền — từ khi về hưu anh xoay ra nghiên cứu thiên văn học, tốn khá nhiều tiền mua sắm dụng cụ, còn tính tự tay làm một cái telescope nữa để nhìn vào không gian. Đồng hành với anh trong chuyến dọn nhà là con chó lai giống Labrador tên Kee Kee. 

Vì còn chờ… xây nhà trên lô đất mới mua ở Bandon, chồng tôi ở tạm bên quán trọ Cái Bàn Đá của chị Lệ, một phụ nữ người Việt sinh sống ở Bandon đã lâu. Lần này, chồng tôi muốn đặt nhà tiền chế, vì sợ không còn sức trông coi việc xây nhà. Tiếc thay, sau sáu tháng nhà vừa dựng xong, anh dọn vào mới được nửa tháng thì bị bạo bệnh, rồi qua đời vài ngày sau đó. Tiễn anh đi, tôi khóc vì thương anh chưa kịp hưởng đời sống ở biển mà anh hằng ao ước. 

Biết biển là nơi anh muốn về để yên giấc ngàn thu, mẹ con tôi đem tro anh rải ra vùng biển trước nhà. Hôm rải tro anh, có mấy con hải cẩu kéo nhau ra xem, như thể đón anh về với biển cả.

You may also like

Leave a Comment