Nhà thương hồi xưa!

by Vy Trần

Hồi xưa người ta thường kêu bệnh viện là “nhà thương”.

Có người cho “nhà thương” là nơi để chữa những người bị thương tật, “xi cà que”; nhưng cũng có người nói đây là… “cái nhà thương yêu người, giúp đỡ, chăm sóc kẻ bịnh hoạn mà không tính tiền” (mới gọi là “thương”!)

Vì không tính tiền, cho nên còn gọi là “nhà thương thí”!

Mỗi thành phố, mỗi quận đều có một nhà thương thí.

Không biết hồi xưa sao mà người ta ít bịnh quá. Nhà thương rất ít người khám bịnh, không thấy chờ đợi nghẹt người như ngày nay. Bịnh nhân nằm viện rất ít, nếu không quá nặng và nhà gần thì không ai đủ cam đảm nằm lại vì… sợ ma!

Nhà thương hồi xưa không đươc khang trang bề thế như bây giờ, gường nằm cũ kỹ, có cái bằng cây, nên thường xuyên xịt DDT để… trừ rệp! Không có từng phòng nhỏ, mà là một phòng dài chứa vài chục cái giường. Cũng không có những “phòng đặc biệt” dành cho công chức hay quan lớn gì cả! (nếu họ muốn được điều trị đặc biệt thì cứ đến nhà thương tư)

Điều đáng nói là hễ bịnh nhân được nằm viện thì vừa nằm xuống giường thì có dì phước (soeur) đâu đó chực sẵn, rồi đem lại để trên kệ ở đầu nằm một hộp sữa bò; nếu người thăm nuôi nằm kế bên thì cũng được phát thêm hộp nữa! Ngày nào cũng được hộp sữa. Có khi vài ngày lại được phát thêm một kí đường!

Cơm nước thì khỏi lo: sáng cháo, trưa chiều hai bữa cơm có đầy đủ thịt hay cá, rau củ mang đén tận phòng

Sau khi nằm viện 7 ngày, bịnh nhân về nhà ít nhứt cũng còn 5 hộp sữa đem bán … xài chơi! Nằm bịnh viện khỏe như vậy nên không it người thất nghiệp và học sinh nghèo (như tôi) giả bịnh để nằm nhà thương! Bác sĩ dư biết giả bộ nhưng cũng cho nằm, nếu “bịnh nhân” không giả bộ nhiều lần đến nỗi quen mặt!

Người dân hồi xưa không cần mua bảo hiểm y tế; nhưng nếu bị bịnh dù không có một xu dính túi cũng được chữa trị đàng hoàng. Mà có tiền làm để làm gì, khi mà từ viên thuốc cũng được cho không, mà còn được phát sữa, phát cơm mỗi ngày?

Kể chuyện nầy ra, có người sẽ không tin. Vậy quý bạn nào thấy bài nầy sai chỗ nào, đúng chỗ nào làm ơn xác nhận hoặc phê phán, người viết biết ơn lắm lắm!

Kha Tiệm Ly

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights