Những câu hỏi then chốt về AI trong năm 2024

by Tim Bui
Những câu hỏi then chốt về AI trong năm 2024

Tác gi̫ả: ROSS ANDERSEN
Chuyển ngữ: HÀ GIANG
Nguyên tác: “The big questions about AI in 2024

LTS: AI (Artificial Intelligence) tức Trí tuệ Nhân tạo, là chủ đề đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nền công nghệ đang phát triển mạnh này đã và đang thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp, kể cả cách đầu tư. Không ít người đang dành ra những khoản tiền đáng kể để mua chứng khoán của những công ty dính dáng đến AI. AI giúp chúng ta làm việc một cách hiệu quả hơn trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ngoài lợi ích, AI cũng đi kèm với những tác hại khiến nhiều người hết sức quan ngại. Tác giả Ross Anderson của tờ The Atlantic đặt câu hỏi là liệu AI sẽ có được những bước nhảy vọt trong năm 2024, và công nghệ này có thể xoay chuyển kết quả cuộc bầu cử trong bài viết dưới đây (TYTNT).



Chúng ta phải cảm ơn ngành công nghiệp AI. Giới sáng chế ra AI có thể đang đẩy con người đến gần hơn bờ vực tuyệt chủng, nhưng trong năm nay, họ đã mang đến cho chúng ta một cảnh tượng ngoạn mục, dù lộn xộn, của sự tiến bộ. Khi tôi nói “năm nay”, ý tôi muốn nói là một năm dài bắt đầu vào cuối tháng 11 năm 2022, khi OpenAI cho ra đời ChatGPT và đưa AI sáng tạo (Generative AI) vào dòng chính.

Nhiều tháng sau khi ChatGPT chào đời, giới chính trị gia, giáo viên, nhà biên kịch Hollywood và hầu hết mọi người đều tìm hiểu xem ChatGPT sẽ ảnh hưởng đến tương lai mình ra sao. Người ta cũng đổ tiền vào các công ty AI, và nhiều giám đốc điều hành của các công ty này – giờ đã trở thành những người nổi tiếng thế giới, cũng rơi vào cuộc đấu đá nội bộ theo kiểu ai sẽ là người kế vị.

Dưới đây là năm câu hỏi quan trọng nhất về AI có thể sẽ được trả lời vào năm 2024.

Biến cố đầy kịch tích đã qua chưa?

Greg Brockman, chủ tịch của OpenAI, công ty AI nổi tiếng nhất thế giới vẫn thường được xem là người bạn dễ thương nhất của các giám đốc điều hành công nghệ. Thế mà, kể từ tháng trước, khi Sam Altman bị sa thải khỏi chức vụ Giám đốc điều hành và rồi được phục hồi vị trí ngay sau đó, Brockman dường như đang đóng một vai trò kép—vừa là người cổ vũ, vừa là người kết nối—cho OpenAI. Ở thời điểm tôi đang viết bài này, Greg Brockman đã đăng không dưới năm bức ảnh selfie của nhóm từ văn phòng của OpenAI, để cho công chúng thấy nhân viên của công ty vẫn vui vẻ và không có gì thay đổi. (Tôi sẽ để bạn tự đánh giá xem những nụ cười trong các bức selfie này có gượng ép hay không và ở mức độ nào.) Brockman mô tả tiệc mừng lễ năm nay là buổi tiệc tuyệt vời nhất từ trước đến nay của OpenAI.


Brockman cũng liên tục khẳng định [trên mạng xã hội] rằng mọi nhân viên đang rất tập trung làm việc, tràn đầy năng lượng, và hết sức đoàn kết. Đọc bài đăng của Brockman tôi có cảm tưởng giống như đi ăn tối với một cặp vợ chồng sau khi chuyện ngoại tình của một trong hai bị đổ bể: Không, thật tình mà nói, chúng tôi thương yêu nhau hơn bao giờ hết. Có thể đó là sự thật. Nhân viên các cấp của OpenAI rất đầy tham vọng và luôn luôn tận tụy với sứ mệnh của công ty. 


Họ gần như đồng tâm nhất trí trong việc kêu gọi Altman quay trở lại (mặc dù một số người nói rằng họ cảm thấy bị áp lực phải làm như vậy). Và họ cũng có thể đã lại gần với nhau qua biến cố Giám đốc điều hành Sam Altman bị sa thải rồi gần như ngay lập tức được phục hồi chức vụ. Nhưng liệu sự gắn bó này có bền không? Và biến cố này này sẽ ảnh hưởng gì đến cách hành xử của công ty về sự an toàn của AI trong năm tới?


Việc Altman bị sa thải đang được giới phân đánh giá, trong khi đó, một số mối quan hệ trong công ty OpenAi rõ ràng là đang căng thẳng. Brockman vừa đăng một hình chụp chung với Ilya Sutskever, nhà khoa học trưởng bị ám ảnh với việc phải làm sao cho OpenAI an toàn. Tấm hình của họ được trang điểm bằng những trái tim trông ấm áp, nhưng cảm xúc của Altman với Ilya Sutskever trong thời gian gần đây khó đoán hơn. Trong tuyên bố sau khi nhậm chức trở lại, Altman lưu ý rằng công ty đang thảo luận về Sutskever, người đóng vai trò chính trong việc sa thải Altman, xem ông ta “có thể tiếp tục làm việc tại OpenAI”. (Ngụ ý: Có lẽ Sutskever sẽ không thể.) Nếu Sutskever bị buộc rời khỏi công ty hoặc bị tước quyền, điều đó có thể thay đổi cách OpenAI cân nhắc giữa mối hiểm nguy với tốc độ tiến triển của công ty.

OpenAI đang có một bước đột phá mới?

Trong cuộc thảo luận chỉ vài ngày trước khi mất chức, Altman đã tiết lộ một chuyện đầy hấp dẫn. Vài tuần trước đó, Altman có mặt trong phòng, khi thành viên trong đội ngũ kỹ thuật của OpenAI đã đẩy “biên giới khám phá về phía trước”, ông kể. Altman không cho biết thêm chi tiết nào, nhưng đã nói rằng kể từ lúc công ty thành lập đến giờ, ông mới chứng kiến được sự “tiến bộ vượt bực” như vậy cả thảy là 4 lần.

Trong cuối tuần đầy những lời đồn đoán sốt dẻo sau khi Altman bị sa thải, người ta tự hỏi liệu sự tiến bộ vượt bực này có khiến các thành viên quan tâm đến an toàn trong Hội đồng Quản trị của OpenAI hoảng sợ không. Chúng ta biết rằng trong thời gian trước khi Altman bị sa thải, giới nghiên cứu của OpenAI đã nêu lên mối lo ngại về thuật toán “Q*” (Q algorithm) mới. Có phải AI đã vô tình khám phá ra lực hấp dẫn lượng tử (quantum gravity)?

Không hẳn vậy. Theo một số nguồn tin, OpenAI mới chỉ giải được những bài toán đơn giản, nhưng có thể nó đã đạt được điều này bằng cách suy luận từ những nguyên tắc căn bản. OpenAI vẫn chưa công bố bất kỳ tin chính thức nào về khám phá này, ngay cả điều đó có được coi là một khám phá không. “Như bạn có thể thông cảm, tôi thực sự không thể nói về điều đó,” Altman gần đây trả lời tôi như vậy, khi tôi hỏi ông về thuật toán Q*. Có lẽ trong năm 2024, OpenAI sẽ có nhiều điều để nói hơn, hoặc cho chúng ta thấy rõ hơn.

Google có bửu bối nào không?

Khi OpenAI phát hành chatbot mô hình ngôn ngữ lớn (LLM – Large language model) vào tháng 11 năm 2022, Google đã té ngửa. Google chính là công ty phát minh ra kiến trúc máy biến áp giúp LLM có thể hoạt động, nhưng dàn kỹ sư của họ rõ ràng đã chậm chân. Bard, sản phẩm để cạnh tranh với ChatGPT của Google, được xếp hạng thứ hai.

Nhiều người dự đoán bước nhảy vọt của OpenAI chỉ là tạm thời. Google có một kho khí cụ chỉ thua kho tàng của Apple và Microsoft, hai công ty có cơ sở hạ tầng điện toán và  kho dữ liệu có tiềm năng đào tạo thuộc đẳng cấp thế giới. Google cũng có DeepMind, một phòng thí nghiệm AI tại London mà công ty đã mua lại năm 2014. Phòng thí nghiệm này đã chế ra các AI đánh bại các nhà vô địch thế giới trong các môn cờ vua, cờ vây, đồng thời khám phá ra những bí mật về protein mà trước đây thiên nhiên đã dấu giới khoa học. Giới nghiên cứu của Google gần đây tuyên bố rằng họ đang phát triển một AI khác có thể đề xuất giải pháp mới cho các lý thuyết toán học. Thoạt đầu Google để DeepMind hoạt động tương đối độc lập, nhưng đầu năm nay đã sáp nhập phòng thí nghiệm DeepMind với Google Brain, tập đoàn AI nội địa của Google. Mọi người đang kỳ vọng nhiều.

Tuy nhiên sự chậm trễ của Google trong việc công bố ngày phát hành cho Gemini, thế hệ kế tiếp của LLM, bị đánh giá là dấu hiệu cho thấy sự sáng tạo của công ty đã bị trì trệ. Cũng có thể sự chậm chạp của Google che dấu một tham vọng? Giả thuyết thứ hai có xác suất ít xảy ra hơn khi Gemini cuối cùng đã được công bố, và không thấy có gì ghê gớm lắm. Trừ khi Google có bước đột phá bất ngờ vào năm 2024, những câu hỏi  về công ty—và mô hình LLM—sẽ tiếp tục tồn tại.

Có phải các mô hình ngôn ngữ lớn đã đạt đỉnh?

Sự thán phục người dùng dành cho ChatGPT đã bớt đi phần nào độ sôi nổi. Điều đó một phần là do tâm lý con người. “Chúng ta thích nghi khá nhanh,” Sutskever thuộc công ty OpenAI từng nói với tôi. Yêu cầu tôi hãy nghĩ xem lĩnh vực này đã thay đổi nhanh chóng như thế nào, Sutskever nói: “Nếu bạn đi ngược lại bốn, năm hoặc sáu năm trước, những điều chúng ta đang làm hiện tại là hoàn toàn không thể tưởng tượng được”. Có lẽ Sutskever đúng. Một thập niên trước, nhiều người trong chúng ta còn hơi ngán mỗi lần tương tác với Siri, với cái kiểu hay ngắt quãng của nó. Giờ đây chúng ta có các bots nói chuyện trôi chảy về hầu hết mọi chủ đề, và phải cố gắng lắm chúng ta mới duy trì được sự thán phục.
Giới nghiên cứu AI nói với chúng ta rằng những công cụ này sẽ ngày càng thông minh hơn; họ rêu rao về khả năng tuyệt điệu của AI. Rằng khi chúng ta bơm thêm dữ liệu vào LLM, tự AI sẽ cho ra những điều kỳ diệu mới, không cần chúng ta phải yêu cầu. Chúng ta được bảo hãy chuẩn bị tôn thờ một vị thần mới.


ChatGPT chắc chắn đã được cải thiện nhiều so với phiên bản đầu tiên. Nó có thể nói chuyện và phân tích hình ảnh. Câu trả lời của nó sắc nét hơn và cho người dùng cảm giác tự nhiên hơn. Nhưng ChatGPT không cải thiện ở mức độ cho thấy rằng nó sẽ biến thành một vị thần. Altman nói rằng OpenAI đang bắt đầu phát triển mô hình GPT-5.  Điều đó có thể không xuất hiện vào năm 2024, nhưng nếu có, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về việc các mô hình ngôn ngữ có thể trở nên thông minh hơn đến mức nào.

AI sẽ ảnh hưởng đến bầu cử năm 2024 ra sao?

Thế giới chính trị của chúng ta chưa sắp xếp những gì liên quan đến AI thành các danh mục có sự phân cực. Phần lớn người lớn tỏ ra lo lắng về tác động của AI lên cuộc sống hàng ngày của họ, nhưng những lo lắng này không có màu đỏ [Cộng hòa] hay màu xanh [Dân chủ]. Điều đó không có nghĩa là AI hoàn toàn vô hại với nền chính trị Mỹ. Đầu năm nay, giám đốc điều hành của các công ty sản xuất chatbot và máy tạo hình ảnh đã phải điều trần trước Quốc hội và tham dự các hội nghị bàn tròn tẻ nhạt của Nhà Trắng. Nhiều sản phẩm AI hiện cũng phải bị chi phối bởi nhiều sắc lệnh hành pháp.

Nhưng chúng ta chưa có cuộc bầu cử toàn quốc nào kể từ khi những công nghệ này trở nên phổ biến. Nhiều người cho rằng những công cụ cung cấp thông tin sai lệch đã ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử năm 2016 và 2020. Nhưng các công cụ được sử dụng trong những cuộc bầu cử đó còn thô sơ so với những công cụ sẽ có vào năm tới.Ví dụ, một người điều hành chiến dịch tranh cử không ngay thật có thể nhanh chóng ngụy tạo hình ảnh trong khá thuyết phục về một ứng cử viên đối thủ đang cười đùa với Jeffrey Epstein. Nếu điều đó không hiệu quả, họ có thể ngụy tạo hình ảnh các nhân viên phòng phiếu đang nhét phiếu vào các thùng phiếu trong đêm bầu cử. Nhưng có nhiều lý do để tin rằng những công nghệ này sẽ không có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả bầu cử. Đầu năm nay, đồng nghiệp Charlie Warzel của tôi lập luận rằng mọi người có thể bị đánh lừa bởi những hình ảnh AI có giá trị thấp—chẳng hạn như giáo hoàng mặc áo khoác phồng—nhưng họ có xu hướng hoài nghi hơn về những hình ảnh chính trị có độ nhạy cảm cao. Hãy hy vọng bạn tôi nhận định đúng.

Âm thanh ngụy tạo cũng có thể là một vấn đề. Giọng nói của một chính trị gia giờ đây có thể được AI dùng để tạo ra những clip khiến cử tri bất bình. Có lẽ cử tri có thể biết rõ giọng nói và phong cách của những chính trị gia họ quen thuộc, và có thể phân biệt đâu là giả đâu là thật. Nhưng những ứng cử viên mới có thể sẽ là nạn nhân của kẻ xấu muốn thử nghiệm những công cụ tạo hình ảnh và âm thanh này trong bối cảnh của một cuộc bầu cử đầy tranh cãi.

Chỉ một năm nữa thôi, chúng ta sẽ có câu trả lời.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights