Tem thư Sài Gòn qua những chặng đường lịch sử

by Tim Bui
Tem thư Sài Gòn qua những chặng đường lịch sử

LÊ NGUYỄN

LGT: Có thể nói tem thư là một trong những sáng kiến độc đáo của loài người. Nó là chiếc cầu nối giữa những người ở cách xa nhau, trong điều kiện một xã hội mà các phương tiện vận chuyển còn thô sơ, các phương tiện truyền thông chưa ra đời.
Tuy nhiên, trái với những hiểu biết thông thường, giữa thư và tem thư không có sự song hành từ lúc mới xuất hiện. Thư ra đời trước một thời gian khá lâu rồi mới có tem thư. So với nhiều nước Đông Nam Á khác, người Việt Nam biết đến tem thư khá sớm. Vì sớm bị thuộc địa hóa từ thập niên 1860, người bản xứ được “hưởng ké” nhiều tiện ích của người Pháp và người châu Âu khác ngay trên đất nước của mình, trong đó tem thư là một ví dụ.

Vào thế kỷ 19, thư từ đã trở thành một phương tiện thông dụng của cư dân ở châu Âu. Thời đó cước phí chuyển thư được trả bằng tiền, do người gửi thư hay người nhận thư thanh toán.

Năm 1838, một người Anh khá nổi tiếng tại Luân Đôn là Rowland Hill đã tình cờ chứng kiến một sự việc độc đáo trên lĩnh vực thư tín. Bữa nọ, ông đang ngồi trong một quán nước thì người bưu tá đến trao cho cô giúp việc tại đây một phong thư. Sau khi quan sát kỹ bì thư, cô gái trả lại cho người bưu tá và không đồng ý thanh toán cước phí. R. Hill xin phép được trả thay nhưng cô gái cương quyết từ chối. Điều này khiến ông đâm ra nghi hoặc và cố tìm hiểu những bí ẩn trong cách xử sự của cô. Cuối cùng ông vỡ lẽ ra là cô và anh tình nhân đã thông tin với nhau qua một dấu hiệu riêng trên bì thư, sau khi nắm bắt nội dung trên bì thư đó, cô gái trả lại thư để khỏi tốn cước phí.

Khám phá tình cờ này gợi cho R. Hill viết một tập sách mỏng nhan đề Post-office reform (cải cách bưu chính), đưa ra khuyến cáo: cần phải thu trước phí thư tín thông qua hình thức một mảnh giấy có đóng dấu xác nhận trên bì thư. Sáng kiến được sự ủng hộ của giới thương gia và nghị viện Anh. Một cuộc thi được tổ chức trên toàn nước Anh để cụ thể hóa những sửa đổi cơ bản trong ngành bưu chính: thống nhất giá biểu và thu trước cước phí. Hình vẽ của một người thợ khắc huân chương là W.Wyon dựa vào phương thức “giấy dán nhãn dính được” vào chung kết với một số sáng kiến khác, trong đó có sáng kiến về một loại phong bì in sẵn hình ảnh có đóng dấu của Mulready, một nghệ sĩ lớn đương thời. Cuối cùng sáng kiến của Wyon được chọn.

Tuy nhiên, vấn đề mỹ thuật chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của cơ quan phát hành những con tem bưu chính đầu tiên. Điều làm cho họ đau đầu chính là vấn đề kỹ thuật. Chất keo dính sau lưng con tem làm bằng hồ bột củ khoai tây quả là một bất tiện cho người sử dụng. Ngoài ra, R. Hill và cơ quan ngân khố nước Anh phải giải tỏa mối ám ảnh về trường hợp kẻ xấu có thể in ra những tem thư giả mạo. Họ áp dụng nhiều biện pháp như dùng giấy in tem có hình in bóng như trong giấy bạc, rất khó làm giả và mỗi họa tiết có một loại mã gồm hai từ, dấu đóng lên tem bằng một loại mực đặc biệt không xóa được.

Ngày 6 tháng Năm, năm 1840, cả nước Anh thực sự bước vào một cuộc cải cách bưu chính. Công chúng được mời dán vào bì thư một loại nhãn màu đen in hình nữ hoàng Anh Victoria và các từ postage (bưu phí) và one penny (1 xu). Điều làm họ ngạc nhiên nhất là cước phí 1 xu áp dụng trên toàn lãnh thổ Anh, một giá biểu hết sức khiêm tốn so với phương thức thanh toán trước đó. Nhân viên bưu chính đã làm việc trong tình trạng cuống cuồng. Tem được in lên một tờ giấy to, không đục lỗ giữa các con tem như bây giờ nên công việc cắt rời từng đơn vị một đã làm cho họ hết sức bối rối. Thêm vào đó, sự hưởng ứng của công chúng đã vượt ra ngoài dự tưởng của ngành bưu chính, mức cung không đủ đáp ứng mức cầu.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh thuần túy kinh tế, người ta thấy diễn ra một điều tưởng như nghịch lý: lượng thư tín gửi đi tăng gấp ba lần nhưng mức thu lại giảm sút, còn không đến 70% mức cũ. Không khó khăn mấy để giải thích hiện tượng này: sự thống nhất giá biểu trên cả nước Anh đã làm giảm cước phí nhiều lần so với mức cũ. Trước đấy, muốn gửi thư đi từ Luân Đôn đến Ecosse phải trả 1 siling, nay chỉ cần mua một con tem với giá biểu 13 lần rẻ hơn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, sáng kiến “con tem 1 xu” của xứ sở sương mù đã được nhiều chính phủ khác mạnh dạn áp dụng: Brazil và Thụy Sĩ vào năm 1843, Mỹ năm 1847, Bỉ và Pháp năm 1849. Tại Pháp, sáng kiến này được đệ trình từ lâu nhưng Quốc hội đã bác bỏ vào năm 1845. Phải đợi đến sau cách mạng 1848, tân Giám đốc bưu chính Etienne Arago mới mạnh dạn đưa tem thư vào cuộc sống thường nhật của người dân ở Pháp.

Ở Việt Nam, suốt thời kỳ phong kiến, ngành bưu chính là một công cụ đắc lực của triều đình để củng cố mối quan hệ giữa trung ương và địa phương. Từ thế kỷ XI, vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) đã cho dựng ở mỗi cung đường quan lộ cách nhau 15 đến 20 km một nhà trạm để vừa làm nơi nghỉ chân của khách bộ hành lỡ bước, vừa làm nơi trung chuyển công văn giấy tờ và thay đổi ngựa trạm hay lính trạm. 

Thời ấy, thư được cho vào các ống tre, buộc chặt hai đầu, gắn nhựa thông hay sáp, có đóng dấu lên trên để vừa bảo mật, vừa tránh rơi rớt dọc đường. Trên ống công văn, người ta ghi mức độ khẩn và địa chỉ nơi nhận. Hình ảnh người phu trạm và tiếng lục lạc vang lên từ tay anh ta có đủ uy lực buộc cư dân những nơi mà họ đi qua phải tạm dừng bước, nhường tránh đường đi. 

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 1819, thời vua Gia Long, thuyền trưởng Pháp Rey đã lưu ý về hình ảnh đặc biệt này: “Ngay khi người ta nghe tiếng nhạc ngựa vang lên báo hiệu sự xuất hiện của sứ giả triều đình hoặc trông thấy lá cờ nhỏ bay phấp phới, các xe bò và xe bộ hành nép lại, con đường được thu dọn tất cả những gì cản trở bước tiến của người phu trạm, những người chở đò chuẩn bị đò để đưa qua sông và nếu đã rời bến sông, họ phải chèo cật lực, quay trở lại để rước người phu trạm…” (Bulletin des Amis du Vieux Hue 1920, tr.2).

Đến đầu thập niên 1860, khi chưa hoàn thành kế hoạch đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, thực dân Pháp đã nghĩ đến công tác bưu chính và điện báo. Ngày 11 tháng Tư năm 1860, đại tá hải quân Dariès cho thiết lập văn phòng bưu chính đầu tiên của Pháp tại Nam kỳ với vai trò chính là chuyển giao công văn giữa các tổ chức hành chính và quân sự của Pháp. Về sau, do nhu cầu liên lạc giữa các đạo quân triển khai cả một vùng rộng lớn gồm ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, họ ưu tiên thiết lập đường dây điện báo Sài Gòn – Biên Hòa dài 28km, khánh thành ngày 27 tháng Ba năm 1862.

Phải đợi đến đầu năm 1863, công tác bưu chính mới thực sự mang một ý nghĩa tích cực trong việc phục vụ lợi ích công cộng – dù cho điều này cũng cần được hiểu theo một nghĩa hạn hẹp là lợi ích của các kiểu dân Pháp và một thiểu số công chức bản xứ làm việc cho Pháp. Nghị định số 15 ngày 13 tháng Giêng năm 1863 của Phó Đô đốc Bonard, thống đốc Nam kỳ, quy định những nét căn bản đầu tiên cho việc gửi và nhận thư từ trong và ngoài địa phận Sài Gòn. 

Theo nội dung của văn kiện trên, Sở bưu chính Sài Gòn hoạt động theo phương thức tổ chức của cơ quan bưu chính chính quốc. Một người bưu tá duy nhất có nhiệm vụ đi phát thư tận nhà cư dân, mỗi ngày hai bận, bận thứ nhất từ 9 đến 10 giờ sáng, bận thứ hai từ 4 đến 5 giờ chiều. Mỗi khi tàu chở thư cập cảng Sài Gòn, một viên bưu tá trên tàu có nhiệm vụ đưa toàn bộ thư từ lên bờ và giao ngay cho Sở bưu chính. Thường dân có thể đến nhận thư tại sở bưu chính hay chờ được phát tận nhà. Một số báo cáo cùng ngày 13 tháng Giêng năm 1863 của G. Goubeaux, Giám đốc bưu chính lâm thời thông báo giờ mở cửa của sở, sáng từ 7 đến 9 giờ, chiều từ 3 đến 5 giờ trừ Chủ nhật và ngày lễ. 

Bố cáo về tem thư kèm theo nghị định số 74 ngày 2/6/1863 của Thống đốc Nam Kỳ De Lagrandière in trên công báo Pháp (BOCF) 1863     

Những văn kiện cơ bản này đã dự liệu việc bán tem thư tại cơ quan bưu chính, nhưng phải đến ngày 30 tháng Năm năm 1863 công chúng mới được chính thức thông báo về sự ra đời của những con tem thư đầu tiên tại Việt Nam.

Bố cáo của Sở bưu chính Sài Gòn có nội dung như sau:

“1/ Kể từ ngày 1 tháng Sáu tới đây, các thư từ, báo chí, ấn bản mọi loại gửi tới trong hoặc ngoài thuộc địa sẽ được dán bằng tem bưu chính thuộc địa.

2/ Tem bưu chính thuộc địa có 4 loại và thể hiện 4 giá biểu
sau:

1- Tem màu cam 0,04 (quan)

2- Tem màu nâu xám 0,10

3- Tem màu lục 0,05

4- Tem màu xám   0,01

3/ Việc bán tem diễn ra mỗi ngày trừ Chủ nhật và ngày lễ tại cơ sở ở Sài Gòn và trong tất cả những cơ sở bưu chính thiết lập do quyết định ngày 30/5 hiện hành…”.

Công báo Nam kỳ thuộc Pháp (Bulletin officiel de la Cochinchine française – BOCF – 1863, tr. 352).

Những con tem đầu tiên dạng vuông vức có in hình chim đại bàng. Chính quyền thực dân thống nhất một giá biểu cho thư gửi trong nội thành, thư gửi từ Sài Gòn đi các tỉnh và ngược lại, hoặc thư gửi từ tỉnh này sang tỉnh khác, chỉ khác nhau theo trọng lượng, chẳng hạn:

* Thư cân nặng đến 10 gram dán tem 0,10 quan Pháp

* Thư từ 10 đến 20 gram dán tem 0,20 quan Pháp

* Thư từ 20 đến 100 gram           dán tem 0,40 quan Pháp

* Thư từ 100 đến 200 gram dán tem 0,80 quan Pháp

* Thư từ 200 đến 300 gram dán tem 1,20 quan Pháp

Đến năm 1864, công chúng đã sử dụng rộng rãi tem thư do chính quyền thuộc địa phát hành trong phạm vi các địa phương đã lọt vào tay quân Pháp: Sài Gòn, Biên Hòa, Cần Giuộc, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Gò Công,… Một bức thư đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho mất 21 giờ, còn từ Sài Gòn đi Gò Công mất 16 tiếng. 

Trong thời gian này, tổ chức trạm của triều Nguyễn tại Nam kỳ vẫn chưa bị thực dân Pháp bãi bỏ. Bằng văn kiện số 117 ngày 10/08/1866, Phó Đô đốc De La Grandière, Thống đốc Nam kỳ, quy định các trạm tiếp tục công tác bưu chính trong những ngày lễ và Chủ nhật (BOCF 1866, tr. 123 – 124). Làm như vậy, Pháp giải quyết được lỗ hổng mà cơ quan bưu chính của họ tạo ra trong những ngày này. Tuy nhiên đến thập niên 1870, tổ chức trạm cũng bị bãi bỏ, khi nền bưu chính mới đã thực sự phát huy được tác dụng của nó.

Điều cần lưu ý là trong thời gian mấy thập niên đầu, tem thư chỉ sử dụng chủ yếu phần lớn trong phạm vi thuộc địa Nam kỳ. Mãi đến năm 1892, người ta mới thấy một bộ tem được phát hành sử dụng chung cho các thuộc địa của Pháp trong đó có Đông Dương. Loại tem này có đến 14 giá biểu, từ 0,01 đến 5 quan Pháp, thể hiện chủ đề “hàng hải và thương mại” với hình vẽ hai người ngồi trên mũi thuyền cùng nắm lá cờ tam sắc của Pháp. Phần trên cùng con tem in hai dòng chữ: République francaise (Cộng hòa Pháp) và Colonies-Postes (Bưu chính thuộc địa), phần dưới chừa trống một khoảng để mỗi thuộc địa in giá biểu và tên xứ mình vào.     

Đến năm 1908, tem bưu chính mới thể hiện những hình ảnh đặc trưng của từng thuộc địa. Loại nhỏ có tem hình đầu người phụ nữ Nam bộ, giá biểu từ 0,01 đến 0,15 quan Pháp, tem hình đầu người phụ nữ Campuchia giá biểu từ 0,20 đến 0,50 quan Pháp; loại lớn có tem hình toàn thân người phụ nữ Campuchia (0,75 quan), phụ nữ Campuchia và em bé (1 quan), phụ nữ Mường chụp toàn thân (2 quan), phụ nữ Lào chụp toàn thân (5 quan), phụ nữ Bắc kỳ (10 quan)…

Trong Thế chiến thứ Nhất (1914 – 1918), chính quyền thuộc địa tăng giá biểu trên các tem đang lưu hành để hỗ trợ hoạt động của Hội Hồng thập tự Pháp và các trẻ em mồ côi vì chiến tranh.

Về phương diện kỹ thuật, hai yếu tố mà thực dân Pháp chú trọng trong việc phát hành tem thư là chống giả mạo và có giá trị mỹ thuật. Để đáp ứng yêu cầu này, trong suốt 50 năm đầu, họ cho in tem thư tại nhà in Vaugirard ở Paris, về sau mới giao cho nhà in Viễn Đông ở Hà Nội.

Năm 1927, lần đầu tiên người ta được thấy đợt tem mới phát hành với sự tham gia của các họa sĩ Việt Nam. Họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ tem “người nông phu”, họa sĩ Nguyễn Đình Chi vẽ tem “Chùa Một Cột”, “nhà điêu khắc” và họa sĩ Phạm Thông vẽ tem “Đền Angkor”,…
Đến nay, sau hơn 130 năm, con tem bưu chính đã ghi dấu ấn của bao nhiêu thăng trầm trên đất nước Việt Nam. Nó được khai sinh để phục vụ yêu cầu củng cố và phát triển guồng máy cai trị của thực dân Pháp tại Đông Dương. Tuy nhiên cùng với thời gian, nó len lỏi vào sinh hoạt thường nhật và góp phần không nhỏ vào những mối giao lưu của người dân bản xứ Việt Nam. Từ lâu, việc sưu tập bưu hoa đã sớm trở thành một thú chơi tinh tế. Dù khoa học kỹ thuật đã đạt đến đỉnh cao trong việc cải thiện đời sống con người, những con tem thư nhỏ nhắn vẫn tiếp tục hiện diện tại các quầy bưu chính như một thách thức của tính truyền thống trước quy luật đào thải của thời gian.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights