Thấy gì qua phim “Putin và các đời tổng thống Mỹ”?

by TYTNT

HÀ GIANG

Cuộc xâm lăng của Nga vào lãnh thổ Ukraine kéo dài đã gần một năm, gây tử vong cho  hàng chục nghìn người hai bên chiến tuyến, và châm ngòi cho khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II, khi hơn 8,0 triệu người Ukraine phải rời khỏi đất nước họ, tính đến 31/1/2023.

Trước cuộc chiến ngày càng trở nên thảm khốc, giới phân tích không ngừng đặt câu hỏi là tại sao các lãnh đạo trên thế giới đã không tiên liệu được những tính toán xâm chiếm Ukraine của Putin, hay làm gì hơn để tránh được thảm họa này, và một loạt phim tài liệu ra đời.

Tại Mỹ, phim “Putin and the Presidents”, do chương trình Frontline của PBS thực hiện, ra mắt khán giả ngày 31/1/2023, nhằm giải thích hiện tượng Vladimir Putin, đồng thời là một biên niên sử về những tính toán ngoại giao sai lầm của các đời tổng thống Mỹ.

Ôn lại mối tương giao của Hoa Kỳ và Nga, cũng như phân tích những tiếp xúc giữa Putin và năm đời tổng thống Mỹ trong gần ba thập niên qua, đạo diễn Michael Kirk cùng đội ngũ làm phim PBS, qua lăng kính của họ, cho độc giả thấy rằng, quan điểm, cái nhìn và đánh giá của các cựu tổng thống Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama, Donald Trump và cuối cùng là Joe Biden, đã ảnh hưởng không ít đến quyết định xâm lăng Ukraine của Putin, và quyết tâm làm yếu mòn nền dân chủ của các nước Phương Tây, đặc biệt là của Hoa Kỳ của người cựu sĩ quan KGB này.

Xin chia sẻ với độc giả vài nhận xét nhanh sau khi xem “Putin and the Presidents”.


Được thực hiện qua những khúc phim thời sự và hàng loạt phỏng vấn với 18 nhân vật tên tuổi có dịp chứng kiến sự giao tiếp lịch sử giữa Putin và năm vị tổng thống Mỹ, phim “Putin and the Presidents” hình như đã thành công trong việc xác lập một sự thật khá đáng buồn.

Sự thật này là: Tinh thần lạc quan (đến độ ngây thơ) của các nhà lãnh đạo Mỹ khiến họ nghĩ Putin là người có thể xây dựng dân chủ, hay hy vọng có thể biến Putin thành một người thiết tha với dân chủ, trong khi Putin vẫn luôn luôn chỉ là Putin, một cựu sĩ quan KGB được huấn luyện xem Phương Tây là kẻ thù, và Mỹ là kẻ thù số một trong số những kẻ thù đó.

Sự thất bại của Putin trong nỗ lực xâm chiếm Ukraine khiến nhiều người trong nội các của ông xầm xì rằng đây là cuộc chiến “bất lợi cho tương lai của nước Nga và người dân Nga,” nhưng với Putin, đạo diễn phim lập luận, việc tiến chiếm Ukraine không chỉ là vấn đề muốn sát nhập nước này vào Nga, mà còn là cuộc chiến với phương Tây quan trọng hơn nhiều.

“Các nước phương Tây từ nhiều thế kỷ nay rao giảng rằng họ mang đến tự do và dân chủ cho các quốc gia khác. Nhưng thực tế khác xa những điều họ nói. Mệnh lệnh của Hoa Kỳ, thực ra, được hỗ trợ bởi vũ lực thô bạo, dựa trên luật nắm đấm.” Putin cáo buộc trong một bài diễn văn đọc tại Đức.

“Vladimir Putin cần bằng cách nào đó biện minh cho những tổn thất khủng khiếp mà người Nga đang phải gánh chịu vì lệnh tiến chiếm Ukraine của ông, biến việc xâm lăng nước này thành một điều gì đó to lớn hơn – thành một loại xung đột nào đó với Hoa Kỳ, với phương Tây, với NATO, với bất cứ ai.” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nhận định.


Với sự thẳng thừng thường thấy trong những phim tài liệu của Frontline, “Putin and the Presidents” vạch ra những nhận xét hay chính sách sai lầm về Putin của Nhà Trắng trong năm đời tổng thống, từ Bill Clinton (1993-2001), George W. Bush (2001-2009), Barack Obama (2009-2017), Donald Trump (2017-2021) đến Joe Biden (2021- hiện nay).

Trở thành lãnh đạo Nga năm 1999, với nhiệm kỳ tổng thống mà từ những ngày đầu đã được đánh dầu bằng sự dối trá, cáo buộc giết người và chiến tranh vô cớ, có thể nói tính cách và hướng đi của Putin được bắt đầu hình thành từ cao điểm của chiến tranh lạnh, và thế giới cộng sản có thay đổi lớn dưới thời tổng thống Ronald Reagan, khi ông khẳng định: “Chúng ta phải vận động cho dân chủ.” Và hô hào: “Ông Gorbachev, hãy phá đổ bức tường này” trong bài diễn văn đọc tại Cổng Brandenburg cạnh Bức tường Berlin vào ngày 12 tháng 6 năm 1987.

Khi bức tường Berlin sụp đổ, Vladimir Putin còn là một nhân viên KGB làm việc ở Đức, được huấn luyện để chống lại Hoa Kỳ.

“Ông ta không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp mà là một đặc vụ chuyên nghiệp của KGB. Vì vậy, những điều Putin biết về Phương Tây đều nằm trong lăng kính và khuôn khổ của phe địch, kẻ thù, hoặc ít nhất chắc chắn không thoát khỏi những lý do khiến người ta nghi kỵ phương Tây. Đối với cựu sĩ quan KGB Putin, sự sụp đổ của Liên Xô, do một tổng thống Mỹ thúc đẩy, là một thời điểm quyết định.” Bà Fiona Hill, nhà phân tích tình báo dưới thời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, nhận xét.

Về ảnh hưởng của sự sụp đổ của bức tường Berlin lên tâm lý của Putin lúc đó, bà Marie Yovanovitch, cựu nhân viên ban chính trị tại tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Moscow, nhận xét:

“Bạn có thể tưởng tượng biến cố đó phải ghê gớm thế nào cho một sĩ quan KGB trẻ tuổi. Đất nước của bạn biến mất hoặc đang trong quá trình biến mất. Bạn đang là người ở chiến tuyến. Đảng Cộng sản rõ ràng sẽ mất lý do tồn tại. Tôi nghĩ biến cố đó là một đòn nặng nề giáng lên tâm lý của Putin”.

Với tâm lý đó, khi lên nắm quyền tổng thống, Vladimir Putin quyết tâm khôi phục sức mạnh và đế chế Nga.

Tổng thống Bill Clinton, trong phim, được miêu tả là người có nhận xét sâu sắc nhất và đã nhận dạng được con người thật của Putin.

Phim tả trong buổi gặp gỡ giữa hai bên, khi Bill Clinton gần kết thúc nhiệm kỳ, và Putin vừa nhậm chức, nhà lãnh đạo mới của Nga đã mang mối bất bình âm ỉ của mình với Hoa Kỳ vào cuộc gặp đầu tiên với tổng thống Mỹ. Tại buổi họp, Putin lạnh lùng với người đã hô hào sự lan rộng của tự do hóa và dân chủ ở Nga, và tỏ ra không hứng thú trong việc giao dịch với Clinton.

Cuối ngày hôm đó, Bill Clinton nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt hơn từ cố vấn của Putin, cựu Tổng thống Boris Yeltsin, và đã đưa ra lời cảnh báo về tân tổng thống Nga.

Ông Strobe Talbott, phó bộ trưởng ngoại giao dưới thời Bill Clinton kể lại:

“Bill Clinton nhìn sâu vào mắt Yeltsin và nói: ‘Tôi hơi lo lắng về chàng trai trẻ mà ông đã chuyển giao chức vụ tổng thống cho. Trong tim của anh ta không có chỗ cho dân chủ’. Câu nói của Clinton làm tôi choáng váng, và tôi sẽ không bao giờ quên phản ứng của  Yeltsin lúc đó. Tôi nghĩ điều Clinton nói thực sự đã làm Yeltsin rúng động.”

Đó là điều Clinton nói sau những cánh cửa đóng kín, nhưng trước ống kính truyền hình, ông rất cẩn thận, không tiết lộ những lo ngại của mình, phát biểu trong một cuộc họp báo:

“Nếu bạn muốn biết đánh giá của cá nhân tôi [về Putin] là gì, tôi nghĩ ông ấy hoàn toàn có khả năng xây dựng một nước Nga thịnh vượng, vững mạnh trong khi vẫn giữ được tự do, đa nguyên và pháp quyền. Đó là một thách thức lớn. Tôi nghĩ ông ấy hoàn toàn có khả năng làm được.”

Clinton không nói rõ ra là có khả năng biến Nga thành một đất nước dân chủ là một chuyện và có muốn làm thế không lại là một chuyện khác.

Và điều này, theo nhà báo Peter Baker, thật đáng tiếc, là điều mà ngay từ đầu các nhà lãnh đạo của Mỹ lẽ ra đã phải nhận thấy:

“Ngay từ đầu, bạn đã thấy ở Putin một người không chia sẻ những giá trị của phương Tây. Từng mảnh một, ông ta đã tháo dỡ các cấu trúc của nền dân chủ, mặc dù rất mong manh, đã được thiết lập và củng cố quyền kiểm soát trong Điện Kremlin. Đó không phải là một người phương Tây. Đó không phải là một nhà dân chủ. Đó là một nhà độc tài Nga lỗi thời mà chúng ta đã thấy, và lẽ ra phải thấy ngay từ đầu.”

Trong các tổng thống Mỹ George W. Bush có lẽ là người ngây thơ nhất.

Một cảnh của “Putin and the Presidents” cho thấy khi trả lời câu hỏi của báo giới sau cuộc gặp gỡ Vladimir Putin năm 2001 là người Mỹ có thể tin Putin không, ông Bush khẳng định:

“Tôi đã nhìn thẳng vào mắt người đàn ông này. Tôi thấy ông ấy rất thẳng thắn. Tôi có thể cảm nhận được linh hồn của ông ấy. Putin là một người tận tụy với đất nước của mình và những lợi ích tốt nhất cho nước Nga.”

Khá lý thú khi khán giả xem thấy Putin, lúc ấy đứng ở bục song song với Bush, mỉm cười một cách thú vị khi nghe ông Bush tuyên bố đã cảm nhận được linh hồn của mình, Trong khi đó, Ngoại trưởng Condoleezza Rice, người có mặt trong buổi họp báo, có phản ứng không thoải mái, dù chỉ thoáng một giây, trước câu nói của Bush.

“Putin đã được huấn luyện để không tiết lộ linh hồn của mình, nếu ông ta có linh hồn. Kinh nghiệm sống không cho phép ông tỏ lộ bất kỳ nội tâm nào, bất kỳ con người thật nào của mình, với bất kỳ đại diện nào của phương Tây. Với Putin, phương Tây luôn là kẻ thù. Và Hoa Kỳ, với tư cách là đầu tàu của phương Tây, là kẻ thù số một.” Yevgenia Albats, nhà báo Nga phân tích.

Nếu ở một khoảng khắc nào đó, Bush và Putin đã nghĩ hai nước có thể hợp tác, thì chiến tranh Iraq xảy ra sau đó là một bước ngoặt trong thời điểm rạn nứt rất quan trọng trong mối quan hệ hai bên.

Trong khi George W. Bush hô hào là “bạo chúa Saddam Hussein đã sụp đổ và Iraq được tự do” và gọi vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh Iraq là “chương trình nghị sự về tự do”—một kế hoạch xuất cảng nền dân chủ Mỹ ra khắp thế giới. Putin coi đó là mối đe dọa trực tiếp đối với kế hoạch khôi phục sự vĩ đại của nước Nga của mình.

Putin kết luận rằng Hoa Kỳ, khi có thể, sẽ sử dụng sức mạnh và đòn bẩy của một cường quốc để phế truất các nhà lãnh đạo mà họ không đồng tình. Và theo quan điểm của ông, đó là một mối đe dọa lớn.

Năm 2007 trong bài diễn văn tại một hội nghị an ninh ở Đức, Putin lớn tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ và thế giới:

“Đầu tiên và quan trọng nhất, Hoa Kỳ đã vượt quá biên giới quốc gia của mình trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và nhân đạo mà nước này áp đặt lên các quốc gia khác. Đúng thế. Ai có thể chấp nhận điều này? Điều này, đương nhiên là hết sức nguy hiểm. Nó mang đến hậu quả là không ai [nước nào] cảm thấy an toàn. Tôi muốn nhấn mạnh điều này. Không ai cảm thấy an toàn!”

Putin, trong bài phát biểu này, đã vạch ra một ranh giới: Tôi sẽ không hợp tác với quý vị nữa, chúng tôi sẽ tạo ra thế giới của riêng mình, trong đó tôi là chủ.

Sau bài phát biểu đó, thế giới đã thấy máy bay ném bom hạt nhân tầm xa đầu tiên của Nga, chứng kiến cuộc tấn công mạng tàn khốc ở Estonia vào năm 2007, và bắt đầu thấy các bước thể hiện sự quyết liệt chưa từng có trước đó của nước này.

Tình hình dưới hai nhiệm kỳ của tổng thống Obama không khá hơn.

Việc Obama phản ứng yếu ớt khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, được đạo diễn Michael Kirk diễn giải như một khúc dạo đầu cho tình hình Ukraine hiện tại, rằng sau thái độ nửa vời của Bush trước việc Nga xâm lược Georgia, Putin không có lý do gì để không nghĩ rằng sẽ chẳng ai quan tâm lắm về việc xâm lăng Ukraine của mình, kể cả Biden, cựu thù của mình.

Evan Osnos, tác giả cuốn “Joe Biden”, viết:

“Biden đôi khi nói đùa rằng trách nhiệm phó tổng thống của ông thời đó là làm những việc mà Obama không muốn làm, và điều đó bao gồm vấn đề Nga.”

Ông Joe Biden, với tư cách là phó tổng thống, đã kêu gọi Obama có phản ứng mạnh mẽ hơn trước tình hình Crimea. Phim cho thấy sự rạn nứt của mối quan hệ Biden – Putin, bắt nguồn từ khi ông Biden phục vụ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, trở nên trầm trọng hơn khi Biden công khai khuyến khích người Nga, đặc biệt là sinh viên, chống lại chế độ Putin, khiến nhiều cuộc biểu tình chống chế độ này bùng lên sau đó.

Nhưng lúc ấy Joe Biden và nhiều người khác không thuyết phục được Obama cứng rắn hơn với Nga. Obama cho rằng ưu tiên chính của ông không phải là giải quyết rối rắm Putin và Nga.

Sau Obama đến Trump.

Cách nhìn của đạo diễn Michael Kirk về ảnh hưởng của thời đại Trump lên Putin có thể làm giới ủng hộ ông cựu tổng thống gây nhiều tranh cãi này phật lòng.

Phim chiếu cảnh một cuộc họp báo sau cuộc hội nghị ở Helsinki năm 2018, khi trả lời câu hỏi của báo giới về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, Tổng thống Trump đứng hẳn về phía ông Putin, thẳng thừng phản bác các cơ quan tình báo Mỹ, và nói rằng không có lý do gì để Nga làm như vậy.

Susan Glasser, đồng tác giả cuốn “The Divider”, nhận định:

“Trong nhiệm kỳ của mình, Trump đã bằng cách này hay cách khác, hành xử như một thành viên trong bộ đối ngoại của Putin, cho rằng tiếp tục trừng phạt Nga là việc làm vô nghĩa.”

Marie Yovanovitch, Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine năm, 2016-19 nhận định:

“Putin nhận được từ Trump khá nhiều thứ ông ấy cần. Như dọa bớt sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Âu châu nếu các nước thành viên của NATO không tăng cường chi tiêu quốc phòng, và nhiều điều khác. Tôi cho rằng Putin rất mong Trump sẽ có nhiệm kỳ thứ hai và hy vọng có thể đạt được nhiều mục tiêu của mình, mà không cần phải sử dụng đến chiến tranh.”

Tác giả và nhà sử học Timothy Snyder thì cho rằng cuộc bạo động tấn công vào Quốc hội Mỹ ngày 6 tháng 1 là “món quà lớn đẹp đẽ” nhất trong món quà bốn năm mà triều đại của Trump đã tặng cho Vladimir Putin:

“Không ai thích biến cố ngày 6 tháng 1 hơn Putin. Trump đã cho họ bốn năm, đó là một món quà lớn, nhưng ngày 6/1 giống như một gói quà đẹp đẽ nhất. Cuộc tấn công vào Quốc hội Hoa Kỳ trực tiếp dẫn đến cuộc chiến ở Ukraine. Bởi vì điều này cho Putin thấy có vẻ như nước Mỹ không chỉ mất uy tín về mặt đạo đức, mà còn có vẻ đang suy yếu.”

Không may cho Putin, Joe Biden đắc cử.

Phim “Putin and the Presidents” miêu tả Tổng thống Biden, người từng khẳng định rằng ông Putin là người không thể tin được, với Putin là một kẻ cựu thù.

Peter Baker nói:

“Họ là những đứa trẻ của thời Chiến tranh Lạnh và họ nhìn nhau và đất nước của họ qua lăng kính Chiến tranh Lạnh. Biden đã nhìn thấy rõ con người thật của Putin: một kẻ theo chủ nghĩa phục thù của KGB muốn tái thiết Đế quốc Nga.”

Hai cựu thù giờ đây đối mặt.

Ưu tiên hàng đầu của Biden là ngăn chặn Putin xâm chiếm Ukraine.

Nhưng trong hai thập niên qua, Vladimir Putin đã thách thức các tổng thống Mỹ—xâm lược Georgia, sát nhập Crimea vào Nga, can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và thấy ông không có lý do gì phải dừng lại.

Putin tính toán rằng Biden sẽ không thể huy động được các quốc gia khác ủng hộ Ukraine, mà cũng không nước nào thực sự muốn ủng hộ Ukraine. Và cho dù họ có giúp đỡ chút ít lúc ban đầu đi chăng nữa, điều đó sẽ không kéo dài được lâu.

Nước Mỹ dưới thời Biden đã đi xa hơn bất kỳ tổng thống nào trước đây, cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho tiền tuyến Ukraine để giúp nước này chống lại sự xâm lăng của Putin.

Bằng hỗ trợ quân sự để giúp Ukraine tự bảo vệ trước sự xâm lược của Nga ở mức lớn một cách đáng kinh ngạc, Hoa Kỳ đã tham gia vào cuộc chiến. Điều mà Putin không ngờ tới.

Putin, cựu điệp viên KGB, quyết tâm xây dựng lại đế chế Nga, người hiện đang mất dần hậu thuẫn, và là một mối nguy cho thế giới, biến việc xâm lăng Ukraine thành cuộc chiến với cả phương Tây, cắt đứt năng lượng, đe dọa dùng vũ khí hạt nhân.

Động thái mới nhất của Putin là cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Âu châu. Làm như vậy, ông mong là các nước phương Tây sẽ lùi bước.

Câu hỏi đặt ra là Hoa Kỳ có thể tiếp tục hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến này trong bao lâu nữa, và liệu cuối cùng Ukraine có sẽ bị bỏ rơi và phải chiến đấu một mình?

Thế giới, hiện giờ đã đứng hẳn về phe người Ukraine bằng cách không ngừng viện trợ cho nước này, và Hoa Kỳ, đương nhiên là nước viện trợ nhiều nhất.

Dữ liệu từ Ukraine Support Tracker cho thấy, tính đến tháng 11/2022, Hoa Kỳ đã viện cho Ukraine (50.9 tỷ USD), tiếp theo là các tổ chức EU (37,2 tỷ), Vương quốc Anh (7,5 tỷ), Đức (5,8 tỷ) và Canada (5,1 tỷ).

Đa số dân Mỹ (57%) tin rằng Hoa Kỳ nên tiếp tục viện trợ quân sự và tài chính cho người dân Ukraine trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga, theo một cuộc khảo sát hàng năm của Viện Ronald Reagan, được công bố cuối năm 2022.

Khảo sát này cũng cho thấy chỉ một phần ba (33%) nói rằng Hoa Kỳ không thể chi nhiều hơn cho cuộc xung đột và nếu tiếp tục, sẽ tạo nguy cơ khiêu khích Nga quyết định dùng vũ khí hạt nhân gây hậu quả khó lường.

82% người được hỏi coi Nga là kẻ thù, con số khá cao so với khi cuộc khảo sát bắt đầu năm 2018 và tăng đáng kể so với năm ngoái, khi khoảng 65% người được hỏi nói họ xem Nga là kẻ thù.

Tương tự, 76% người Mỹ coi Ukraine là đồng minh, một mức tăng đáng kể từ năm 2021 khi chưa đến một nửa (49%) số người được hỏi nói họ cảm thấy như vậy.

Nhưng sự ủng hỗ trợ và cảm nhận này kéo dài được bao lâu nữa?

Chúng ta chưa có câu trả lời!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights