Thầy giáo làng – kỳ 2

by Tim Bui
Thầy giáo làng (kỳ 2)

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Sáng hôm sau, ăn điểm tâm xong Tâm mặc bộ quần áo hàng ngày ra tản bộ dọc theo bờ sông Hương để thuê thuyền đi xem hai lăng mộ của triều Nguyễn nằm ở thượng nguồn sông về hướng Tây Nam.

Vì tài chính eo hẹp, chàng phải tốn khá nhiều thời giờ mới kiếm được một chiếc thuyền nhỏ. Một gia đình bốn người sống trên thuyền, hai vợ chồng với hai đứa con trai thơ. Người vợ nói sẽ làm cơm cho chàng ăn trưa, nếu chịu trả thêm một ít tiền. Chàng đồng ý và bước lên thuyền. “Thầy có muốn tôi mời một ca nương đi cùng không?” người lái đò nháy mắt và cười nhăn răng hỏi chàng. Tâm cảm thấy hơi xấu hổ măc dầu vẫn bình tĩnh ngoài mặt. Chàng biết không thiếu gì sĩ tử thường thuê ca nương cùng đi đò. Họ sẽ ăn, sẽ uống, và sẽ cố gắng hết sức để làm cho những bạn đồng hành phái nữ khâm phục kiến thức uyên bác của mình bằng cách ngâm từ những bài thơ Đường cho đến những sáng tác lãng mạn của chính họ. Các ca nương thì hát hoặc gẩy đàn đàn nguyệt hoặc đàn tam thập lục theo kẻ ngâm thơ. Những gì xảy ra sau đó thì tùy óc tưởng tượng của mỗi cá nhân.

Những chuyến đò đó là một trong những thú tiêu khiển nổi tiếng của kinh đô, nhưng Tâm không muốn và cũng chẳng có đủ khả năng để tham gia.

“Cám ơn bác. Tôi từ miền Bắc lần đầu đến đây, và chỉ mong được bác đưa đi xem những danh lam thắng cảnh và những di tích lịch sử chung quanh đây.”

Chủ nhân con thuyền cười khúc khích và gật đầu tán thành.

“Thầy chắc không giống các sĩ tử con nhà giầu có. Gần như chiều nào mấy bọn họ cũng thuê đò để du ngoạn và ăn chơi hưởng lạc,” chủ thuyền vừa nói vừa lái thuyền ra giữa lòng sông. “Họ chỉ ham vui, ham chơi. Sau này nếu được bổ nhiệm làm quan, các ông quan đó chỉ làm hại dân thôi. Còn Thầy thì tôi chỉ cần nhìn một lần là biết ngay Thầy không như họ.”
Tâm không để ý nhiều đến lời khen của bác lái đò. Chàng tiến ra ngồi đầu thuyền, vừa hứng gió vừa ngắm cảnh. Trên cao, trời
xanh trong và nước sông Hương óng ánh màu xanh lục bảo.

Bắt nguồn từ dẫy núi Trương Sơn ở phía Tây kinh đô, con sông biến từ một số suối và thác nhỏ thành một dòng sông lớn chảy từ từ và cuốn như một con rắn vào phía Nam của kinh thành. Gió mùa chưa bắt đầu thổi nên sông vẫn còn yên lặng và ôn hòa. Nhiều cây hoa phượng vĩ rải rác hai bên bờ đang trổ hoa đỏ rực rỡ.

Cứ mỗi cuối năm học, hoa phượng vĩ biểu hiệu cho mùa thi cử. Mầu hoa nở tượng trưng cho tương lai sáng rực của những kẻ thi đỗ. Đến khi hoa tàn và rơi xuống đất, xác hoa tượng trưng cho số phận của những kẻ đã thi hỏng. Mọi hy vọng và ước mơ của họ đã rơi xuống thành một miếng thảm đỏ trên mặt đất.

Chàng không biết lần này số phận mình sẽ ra sao. Khi đi thi Hương, chàng đã lo lắng cho đến ngày kết quả được công bố. Nhưng chàng đã trả lời được tất cả các câu hỏi về nhiều chi tiết văn chương và lịch sử Trung Quốc mà ít người biết. Chàng đã viết những bài văn xuôi và văn vần với nét chữ và thư pháp thật đẹp mà ít ai sánh được. Tuy nhiên khi về làng chàng đã cảm thấy đau điếng khi được tin người cha thương kính của mình đã qua đời khi chàng vắng mặt. Sau đó chàng đã bắt đầu hành nghề thầy giáo ngay tại trường làng mà cha mình đã lập ra.

Vì đã được cha dậy từ những năm đầu của tuổi thiếu niên, chàng cảm thấy nghề dạy học là sở trường của mình. Liên hệ giữa
chàng và học trò tiến hóa một cách tự nhiên. Chàng đóng vai một người anh lớn trong những năm làm phụ tá cho cha. Sau khi cha mất, chàng trở thành thầy giáo làng. Gần như chỉ qua đêm, học trò đã đối với chàng với cùng sự kính trọng trước đó đã dành cho cha chàng. Chàng không còn là người “anh” nữa, mà đã trở thành người “thầy” cho tất cả. Mặc dầu vậy, lòng tín nhiệm và thương mến của học trò đối với chàng càng ngày càng gia tăng theo thời gian.

Tuy nhiên chàng đang ở kinh đô, đangmong m uốn trúng cử kỳ thi Đình, để sau đó đươc bổ nhiệm làm quan tại triều đình hoặc tại một tỉnh nào đó. Nhiều người trong làng đã khuyến khích chàng đi thi. Chính mẹ chàng đã nói rằng cha chàng nếu còn sống cũng muốn chàng làm việc đó. Đã từng dự thi vài lần nhưng không trúng cử lần nào, phải chăng cha chàng mong muốn cho con mình làm được điều mà suốt đời chính mình không đạt được? Tâm biết có sĩ tử tiếp tục đi thi cho đến những năm cuối đời, và có kẻ đã từng thi đỗ khi đã trên 80 tuổi. Chàng không tưởng tượng mình có thể sống một cuộc đời theo khuôn mẫu đó, và hy vọng mình sẽ không phải chịu số phận như vậy.

Nếu trúng cử kỳ này, chàng không nghĩ mình sẽ bỏ nghề dạy học một cách dễ dàng để đi làm quan. Một số ít ông quan chàng gặp ở quê nhà, và một số đông mà chàng thấy ở kinh đô thường có thói nịnh bợ bề trên trong khi khinh thường và áp bức kẻ bề dưới. Chế độ chọn lựa quan lại qua các cuộc thi cử, thoạt tiên là một quá trình khôn ngoan và đáng khen trong nhiều thế kỷ tại Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, và Nhật Bản. Tuy nhiên, hệ thống thi cử không gạn lọc được mọi kẻ gian manh, và có nhiều trường hợp người ta đã sử dụng mánh khóe gian lận để thi đỗ. Học và hiểu biết rộng không phải bao giờ cũng có nghĩa là thanh liêm, trung trực. Học giả cũng có thể có những khuyết điểm và tính xấu tương tự như người không có học.

Chàng còn nghĩ thêm đến một vấn đề khác. Nếu thi đỗ và được bổ nhiệm đi làm quan, chàng sẽ phải rời quê quán đi nhậm
chức tại môt nơi nào đó trong nước. Người cùng làng sẽ chấp nhận chuyện ấy. Mỗi khi có người trong làng đỗ đạt, nhất là ở những kỳ thi toàn quốc, cộng đồng được hưởng lợi về cả tinh thần lẫn vật chất. Quê của chàng là một trong những làng lừng danh miền Bắc đã có nhiều học giả được làm quan tại triều đình hoặc tại các tỉnh trên toàn quốc. Tên của những học giả đó từ thế kỷ thứ 11 đã được khắc trên bia đá dựng ở đình làng.

Nếu thi đỗ lần này, dân làng sẽ hãnh diện về thành tích vẻ vang của chàng. Cả làng sẽ thơm lây, và làng sẽ nổi tiếng là một
trong nhưng lò nuôi nấng và đào tạo giới lãnh đạo cho cả nước.

Ngoài ra, nhà Vua sẽ ra chỉ dụ cho làng được miễn thuế và sưu dịch trong vòng một vài năm, một ơn huệ rất đáng kể trong bất cứ trường hợp nào.

Nhưng còn trường làng thì sao? Khi đi vào Huế để dự thi, Tâm không thưc sự nghĩ đến vấn đề thu xếp cho người sẽ thay thế
mình làm thầy giáo làng. Phải chăng chàng đã cố tình không nghĩ đến việc đó? Trong tâm tư sâu kín trong lòng chàng vẫn muốn sau này trở về làng tiếp tục dạy hoc như trong bẩy năm qua.


Tâm bắt đầu lưu ý đến hướng đi của con thuyền.

Về phía Nam là núi Ngự Bình, một ngọn núi nhỏ và xanh, hai bên có hai ngọn núi thấp hơn. Đối với vua Gia Long, người sáng lập ra nhà Nguyễn, ba ngọn núi này làm án chắn ngang che chở cho kinh đô. Ngài đã nghe các thầy phong thủy nói rằng núi Ngự Bình và hai hòn đảo nhỏ trên sông Hương sẽ bảo vệ kinh đô và giúp triều đại Nguyễn chống lại nhưng áp lực tà ác.

Nhưng khi Tâm đến kinh đô, triều đại nhà Nguyễn đang trên đà đi xuống và người Pháp đã chiếm gần hết lãnh thổ, trừ một vài tỉnh bướng bỉnh ở miền Bắc. Việt Nam đã trở thành một thuộc địa của Pháp, và Hoàng Đế nhà Nguyễn chỉ còn được gọi là Vua An Nam.

Chẳng bao lâu con thuyền đã lướt quá kinh thành, bỏ xa các thành lũy kiên cố nhưng gần như vô dụng. Phía đằng trước Tâm thấy chùa Thiên Mụ tọa lạc trên một ngọn đồi với tán cây xanh trong đó có lẫn nhiều cây phượng vĩ đỏ chói. Chàng tự hứa
sẽ đi đến cảnh chùa quá đẹp một ngày nào đó.

“Thưa Thầy, đò có thể cặp bến để đón thêm một người khách được không?” bác lái đò hỏi chàng.

“Được chứ,” Tâm trả lời. Mải ngắm cảnh đẹp, chàng đã không nhìn thấy người đàn ông đứng trên bờ vẫy tay xin quá giang.

Trong lúc con thuyền rẽ vào bờ sông, hai đứa bé trai ra đứng bên cạnh chàng. Chàng cúi xuống nhìn thấy hai anh em đang quan sát mình một cách dè dặt. Khi chàng mỉm cười và nháy mắt, hai đứa bé cười tươi tỏ lòng đắc ý.

Sau đó mọi người quay sang để nhìn người khách mới, một ông già tóc bạc. Mặc dầu tuổi cao, người ấy nhẩy một cách dễ dàng lên thuyền. Ông già mặc bộ quần áo giản dị với một cái áo dài đen và một khăn đóng hơi phai màu rồi nhưng trông vẫn sạch sẽ. Ông ta chào bác lái đò như người quen.

“Bác lái đò, hôm nay bác đi đâu đây?”

“Dạ, hôm nay đưa thầy này đi xem danh lam thắng cảnh. Còn bác cần đi đâu?”

“Bác lái đưa tôi về một chỗ gần lăng Minh Mạng được không?”

“Được chứ! Ông thầy này cũng muốn đi về mạn đó.” Người khách mới quay sang phía Tâm. “Thầy đến Huế để đi thi?”“Bác đoán đúng! Phải chăng bác thấy tôi giống như bọn học trò dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.” Cả hai đều cười lớn tiếng trước khi người đàn ông tóc bạc đến ngồi cạnh Tâm.

“Tôi đã thấy mến Thầy rồi. Khác với nhiều người mà tôi biết, Thầy có thể tự chế riễu mình. Đấy là một tính tốt mà nhiều người
cần có. Vậy Thầy có nghĩ mình sẽ thi đỗ và trở thành một ông quan lớn để cho vợ và gia đình được tự hào không?”

“Thưa Bác, tôi còn độc thân. Còn về việc thi đỗ và đi làm quan là tùy giám khảo và tùy thời vận quyết định.”

Chàng tạm ngưng và tự hỏi có nên tiếp tục nói ra những ý kiến lởn vởn trong đầu mình không. Ông già kia với trang phục giản dị may bằng vải trơn chẳng phải là một người của triều đình, hay có liên hệ với một ông quan nào.

Tâm tiếp tục nói: “Tôi chỉ mới ở kinh thành hơn tháng nay. Theo những gì tôi nhìn hoặc nghe thấy, các quan trong triều
không còn ảnh hưởng gì đến việc cai trị đất nước nữa. Quyền cai trị đang nằm trong tay người Pháp.”

“Thầy nói rất đúng, và tôi hơi ngạc nhiên một người như Thầy lại phát biểu ý kiến như vậy,” người hành khách đầu bạc nói. “Kỳ thi này, theo truyền thống trong mấy thế kỷ qua, các sĩ tử đã đến kinh đô từ mọi nơi trong nước. Đại đa số không ngờ rằng sự học hành cổ truyền của họ bây giờ không còn nghĩa lý gì cả. Thế giới đã thay đổi rất nhiều từ thời vua Gia Long, và bây giờ bọn Tây phương hùng mạnh có thể ép mình lệ thuộc họ hoàn toàn. Vậy mà rất ít người trí thức lãnh đạo quốc gia đã cố gắng học hỏi văn minh phương Tây. Đại đa số vẫn còn bám víu những sách vở của Trung Quốc và làm ngơ với thế giới bên ngoài.”
“Thưa Bác, chắc tại đạo Khổng đã ăn sâu vào xã hội và văn hóa của ta. Không ai muốn làm xáo trộn trật tự thiên nhiên, đúng theo như Đức Khổng Tử đã dạy. Chúng ta cứ tiếp tục làm mọi việc từ thế kỷ này sang thế kỷ khác mà không thay đổi vì như vậy là xã hội được ổn định.”

“Đúng thế, và vì vậy nước nhà đã lâm nguy.”

Con thuyền lẳng lặng tiến về phía thượng nguồn, rẽ mặt nước xanh biếc một cách dễ dàng. Tâm quay lại nhìn về phía đuôi thuyền. Người chủ đò đang sử dụng hai mái chèo với những động tác mềm dẻo, gần như duyên dáng. Hai đứa bé đang chơi gần cha. Không thấy người mẹ đâu nhưng chắc bà ấy đang nấu nướng vì chàng thấy khói bay lên từ phía đằng sau mui đò.
Người ta hay nói rằng bất cứ ai ở kinh thành cũng có mộng ước sẽ được làm quan một ngày nào đó, và nếu đang làm quan thì lại muốn chiếm những chức tước cao hơn. Chàng tự hỏi không biết điều đó có áp dụng cho gia đình người lái đò không, một gia đình mà toàn thể tài sản chỉ vỏn vẹn trên con thuyền nhỏ này. Bỗng người khách già cắt quãng suy tư của chàng.
“Chúng ta sắp đi ngang qua lăng vua Tự Đức ở bờ bên trái. Đó là một công trình kiên cố nhất và đẹp nhất mà các vị vua
Nguyễn đã dựng lên. Thân sinh tôi là một trong những kẻ bị cưỡng bách phục vụ ở công trường xây cất lăng Tự Đức. Ông đã
thiệt mạng trong một tai nạn lao động vì quá mệt nhọc và bị hành hạ một cách tàn nhẫn.”

Người đàn ông quay mặt đi để che giấu nỗi đau buồn của mình. Ông thở dài và giữ im lặng khá lâu trước khi quay lại câu
chuyện.

“Thời đó dân chúng quá đau khổ và bất mãn đến nỗi năm 1866 xảy ra cuộc nổi dậy Chày Vôi. Tuy nhiên chuyện đó không
thành công, và tất cả những người lãnh đạo đều thiệt mạng, hoặc bị xử lăng trì, bị tru di tam tộc. Những người còn sống sót phải đổi tên, đổi họ, và còn bị cấm thi cử qua bốn thế hệ.”

Sau khi tạm nghỉ, ông già tóc bạc nói tiếp. “Tất cả những nỗi đau khổ đó chỉ để dựng lên một lăng tẩm không bao giờ trở thành nơi chôn cất hài cốt của nhà Vua. Theo lệnh của vua Tự Đức, Ngài được đem di chôn ở một chỗ bí mật khác. Sau đó tất cả 200 người trong đám tang bị chém đầu để họ không bao giờ tiết lộ bí mật cho ai cả.”

Tâm biết vua Tự Đức thường được nổi tiếng là một kẻ có học, bằng hoặc cao hơn nhiều học giả trong nước. Ngài là một thi sĩ
xuất sắc, và là một nhà văn đã cố gắng phổ biến những lời dạy trong các sách quý. Tại sao một học giả tài giỏi như vậy lại có thể vô tâm và tàn nhẫn đối với dân của mình như thế? Dường như đoán được câu hỏi thầm của chàng, ông lão tiếp tục.

“Trong suốt 36 năm trị vì trên ngôi, trong khi nhà Vua bận rộn với những đề tài như dự án như xây lăng cho mình, gây quỹ bằng cách buôn thuốc phiện với Trung Quốc, đàn áp đạo Thiên chúa và con chiên người Việt, quân Pháp đã đánh chiếm hết thành này đến thành khác, ngay cả các thành được chỉ huy bởi những tướng lãnh lỗi lạc nhất. Nhà Vua đã bị bó buộc phải nhượng hết tỉnh này đến tỉnh kia cho bọn Pháp. Ngài xin Trung Quốc gởi quân sang trợ giúp trong vài năm, nhưng việc đó chỉ trì hoãn điều không thể tránh được. Bây giờ mình còn vua ở kinh thành, nhưng nước ta từ Nam ra Bắc đã trở thành một thuộc địa của Pháp. Đúng như lời Thầy nói lúc nãy, người Pháp bây giờ là chủ nhân thực sự của chúng ta.”

Tâm thở dài: “Trước đây tôi muốn đi xem lăng Tự Đức, nhưng bây giờ tôi ra bảo chủ đò thôi không đi đến đó nữa và chỉ cần đưa bác đến chỗ nào bác muốn.”

“Dù có đến lăng chăng nữa, Thầy cũng không thể đi qua cổng vào được. Chỉ có những người dòng họ nhà Vua, hay là khách
được vua mời, mới được vào trong đó. Người thường như chúng mình thì chỉ được đứng đằng xa ngắm thôi.”

Con đò đi dần đến hai con sông phụ lưu, Hữu Trạch và Tả Trạch, nhập lại thành sông Hương. Ông già tóc bạc chỉ vào và giải thích cho Tâm từng điểm đáng chú ý ở hai bên ven sông. Rồi đò đi qua lăng vua Minh Mạng trên bờ phía Tây của sông Tả Trạch.

“Năm 1827, năm thứ bẩy của triều đại mình, sau khi nhờ quan địa lý cố vấn, vua Minh Mạng đã chọn nơi xây lăng nằm gần
ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu của Hữu Trạch và Tả Trạch. Tuy nhiên, mãi 14 năm sau mới bắt đầu khởi công xây cất, và nhà
Vua đã qua đời sau đó ít lâu vào đầu năm 1841. Vua Thiệu Trị, con vua Minh Mạng, đã huy động khoảng 10.000 người lính và công nhân để xây cất lăng. Lăng được hoàn tất không đầy hai năm sau vào năm 1843. Tuy nước ta lúc ấy thịnh vượng hơn bây giờ, cả nước vẫn bị ảnh hưởng bởi việc tập trung quá nhiều tài nguyên vào một dự án qui mô và vĩ đại như thế. Các công nhân đã phải đào đất lên để tạo ra hai hồ nước. Họ phải xây đền, dựng lều, cùng với những cầu và cổng nối liền những nơi đó với nhau. Triều đình không ngần ngại xuất tiền mua vật liệu xây cất và trang trí, kể cả một số phải nhập cảng từ những nước xa xôi. Nhiều khu vườn cầu kỳ được thiết lập, và mỗi khu phải trồng cây, bụi, và cây có hoa. Tất cả để xây một lăng mộ mà chưa chắc vua Minh Màng đã được chôn ở đó.”

“Tôi thấy thật khó hiểu,” Tâm nói. “Tại sao lại phải thuê thầy địa lý chỉ chỗ chôn, nhưng sau đó lại mang đi chôn chỗ khác?”
Người đàn ông tóc bạc cười vang. “Ông thầy giáo làng ơi! Khi nào thi đỗ và được làm quan, Thầy sẽ thấy là ở kinh thành không thể biết những gì là hư, những gì là thực! Ngoài bề mặt bao giờ cũng có một bề trong khác hẳn, và có
khi lại có những điều gì còn lạ hơn ở trong cái bề trong đó.”

Bác lái đò từ từ đưa thuyền về bờ sông Tả Trạch, nhắm vào một khoảng trống dưới một chùm cây mọc gần nước. Sau khi con thuyền dừng lại hẳn, người đàn ông đầu bạc trả tiền đò và chào tạm biệt.

“Tôi phải về nhà bây giờ, nhưng tôi muốn được nói chuyện với Thầy vào một dịp khác. Thầy cho tôi biết chỗ trọ ở đâu. Có thể nay mai tôi sẽ đến thăm, trước khi kết quả kỳ thi được niêm yết.”

“Tôi hy vọng sẽ được bác đến thăm. Tôi ở quán trọ đầu tiên bên kia cầu. Người ta gọi tôi là Thầy Tâm. Bác có thể cho biết tên của bác được không?”

“Trong vùng này người ta gọi tôi là Thầy Xinh.”

Người đàn ông quay mặt bước đi. Trước khi người ấy khuất bóng, một bàn tay nhỏ nắm lấy ngón tay út của Tâm và khẽ kéo. Chàng nhìn xuống và thấy một trong hai đứa bé trên thuyền, đứa nhỏ, đang cười toe toét.

“Mạ nói mời Thầy vào ăn cơm trưa.”
(Còn tiếp)


Xem thêm

https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-1/

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights