Thế tiến thoái lưỡng nan của Israel

by Tim Bui
Thế tiến thoái lưỡng nan của Israel

Tác giả: HUSSEIN IBISH*
Chuyển ngữ: HÀ GIANG
Nguyên tác: “Israel’s Impossible Dilema

LTS: Sau cuộc tấn công của Hamas vào Dải Gaza hôm 7/10, Israel đã phản công dữ dội, thề tiêu diệt Hamas. Cuộc chiến đến giờ đã gây cái chết cho hơn 16,000 người Palestine và làm thế giới rúng động. Trước tình thế xem ra có vẻ tiến thoái lưỡng nan của Israel, Học giả Hussein Ibish tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập ở Washington mạnh dạn đề nghị một giải pháp qua bài viết dưới đây.

Không ai ngạc nhiên khi Israel và Hamas lại tiếp tục giao tranh ở Gaza sau gần một tuần tạm thời ngưng bắn và trao đổi tù nhân. Bất chấp sự nài nỉ hạn chế việc gây thương vong cho thường dân của Mỹ và các nước khác, Israel quyết tâm tiến vào phía Nam Gaza, nhưng chiến lược của họ dường như chỉ dừng lại ở đó, và hiện không thấy có một giải pháp khả dĩ nào để kết thúc cuộc chiến. Kết quả là, giai đoạn kế tiếp của cuộc xung đột tàn khốc này gần như chắc chắn sẽ khiến Israel rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan không thoát ra được: liệu Israel có nên trao cho Hamas một chiến thắng nhỏ kiểu Pyrros (kẻ chiến thắng không ăn cái giải gì) hay một chiến thắng thực sự và lớn hơn?

Diễn tiến của cuộc chiến có vẻ hiển nhiên. Israel có thể sẽ chiếm giữ tất cả các khu đô thị quan trọng trên mặt đất ở phía Nam Gaza, như họ đã làm ở phía Bắc. Sau đó sẽ là một trận chiến lớn để giành quyền kiểm soát mạng lưới đường hầm rộng lớn dưới lòng đất của Hamas, nơi được cho là chốn ẩn náu của hầu hết các chiến binh, thủ lĩnh, vũ trang, thiết bị và các con tin hiện còn đang bị giữ. Cuối cùng, Israel có thể sẽ phá hủy các đường hầm bằng cách làm chúng bị ngập bằng nước biển. Làm thế, Israel sẽ gây tổn hại không phục hồi được cho Hamas, khiến Hamas không thể cai trị Gaza hoặc gây ra mối đe dọa cho miền Nam Israel trong tương lai gần.

Tất cả những mục tiêu này đều khả thi. Nhưng mục tiêu lớn hơn mà Israel đã tuyên bố –hoàn toàn tiêu diệt Hamas – là điều không thể. Hamas là một thương hiệu chứ không phải là danh sách những cá nhân hay đối tượng. Israel có thể tiêu diệt các thủ lĩnh và toàn bộ trang thiết bị của Hamas, tuyên bố chiến thắng và phó mặc Gaza cho số phận. Nhưng Hamas, dưới một hình thức nào đó, vẫn sẽ bò ra khỏi đống đổ nát và tuyên bố là đã có một “chiến thắng thần thánh.”

Không chỉ vậy: Hamas còn có cán bộ ở khắp Trung Đông, gồm cả chi nhánh ngoại giao ở Qatar, cũng như các nhóm chiến binh đáng kể ở Bờ Tây, Lebanon và các nơi khác. Israel có thể ám sát tất cả thành viên của những nhóm này—thế nhưng, khi cuộc giao tranh kết thúc, ai đó, nhân danh Hamas, sẽ tuyên bố đã đánh bại Israel, dù chỉ bằng cách nói đến ngày 7 tháng 10 và tuyên bố đã phá vỡ lớp vỏ bất khả xâm phạm của Israel, cũng như cảm giác không ai có thể trừng phạt và sự kiêu ngạo không thể chấp nhận được của nước này, đồng thời làm sống lại nan đề Palestine trên trường quốc tế.

Với Israel, việc rời khỏi Gaza mang theo rủi ro này, không cần biết sự tàn phá có thể nghiêm trọng đến mức nào nếu họ tiếp tục ở lại. Hamas không chỉ có thể tuyên bố chiến thắng mà còn có thể phục hồi các cơ cấu của mình ở Gaza nếu Israel rời đi. Israel sau đó sẽ tiếp tục cuộc bao vây và củng cố vùng đệm của mình, trong khi Hamas sẽ tuyên bố rằng Israel đã rút lui trong nhục nhã và thất bại.

Nhưng một sự thật sâu sắc hơn mà không người nào bất cứ ở đâu không nhìn thấy, trong kịch bản này: Gaza sẽ nằm trong đống đổ nát vì một cuộc đối đầu thảm khốc mà Hamas cố tình dàn dựng vì mục đích chính trị. Với nhiều người, những gì đã xảy ra cho người dân Gaza vì hành động của Hamas sẽ bắt đầu tự nói lên điều đó.

Một “chiến thắng thần thánh” kiểu Pyrros trước Israel có thể, khi bụi lắng xuống, trở thành một thất bại chính trị cho Hamas, một nhóm có mục đích thiết lập ưu thế của mình trước các đối thủ Palestine. Trình tự này trước đây từng xảy ra: Trong cuộc chiến cuối cùng với Israel, năm 2006, Hezbollah đã nhận được sự ủng hộ mãnh liệt từ xã hội Lebanon, gồm nhiều cộng đồng thường có cái nhìn rất mờ nhạt về nó. Việc mọi người quy tụ dưới lá cờ gây một hiệu ứng rất mạnh mẽ trong suốt cuộc giao tranh, đặc biệt là vì Hezbollah đã chiến đấu tốt hơn nhiều so với mong đợi và vì Israel đã cẩn thận đảm bảo rằng hầu hết mọi thành phần trong xã hội Lebanon đều cảm nhận được sự phẫn nộ của nước này.

Nhưng sau khi cuộc giao tranh dừng lại, người dân Lebanon khảo sát đống đổ nát và đưa ra kết luận rằng Hezbollah đã vô tâm lôi đất nước vào một cuộc xung đột gây tổn thất và không cần thiết.

Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã phải xin lỗi người dân qua màn ảnh truyền hình, tuyên bố một cách lố bịch rằng ông không ngờ Israel sẽ phản ứng dữ dội như vậy trước cuộc tấn công vào binh lính của nước họ ở biên giới và rằng, nếu biết thế, ông đã không bao giờ cho phép việc này xảy ra.

Người Lebanon từ nhiều thập niên qua đã thấu hiểu, qua kinh nghiệm bản thân rằng Israel sẽ phản ứng rất nặng tay để răn đe. Trên thực tế, Nasrallah đã bào chữa nhận định kém cỏi một cách thảm hại của mình để đánh lạc hướng cáo buộc cho sự liều lĩnh của kỵ binh. Một chính trị gia phải đang gặp rắc rối lớn lắm mới có thái độ như vậy.

Hamas phải chịu trách nhiệm ở mức độ nào trước những gì đang xảy ra ở Gaza là điều quan trọng mà người Palestine phải luận bàn, nhưng không thể kỳ vọng họ sẽ làm như vậy một khi Israel đang nắm lấy huyết mạch của cá nhân và tập thể của người Palestine, như họ là tâm điểm để Israel trút sự tức giận, phẫn uất và khủng bố một cách thô bạo.

Nếu Israel rời khỏi Gaza, Hamas sẽ tuyên bố chiến thắng, điều này sẽ khiến Isreal khó nuốt. Nhưng việc rút lui – đặc biệt là nếu Israel làm như vậy trong khi chủ động ủng hộ Chính quyền Palestine ở Bờ Tây và khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình – có thể là cách tốt nhất để Israel biến chiến thắng đó thành một thất bại chính trị cho Hamas.

Giải pháp thay thế sẽ tệ hơn. Những kỳ vọng của Israel vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, lực lượng cảnh sát hoặc quân viễn chinh Ả Rập, hoặc một phái đoàn đa quốc gia được lập ra với mục đích ổn định tình thế chỉ để kiểm soát Gaza đều là những điều viển vông. Sẽ không có ai cứu nổi Israel ra khỏi thảm họa Gaza. Vì vậy, lựa chọn duy nhất còn lại là Israel ở lại Gaza, điều mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhiều lần bày tỏ rằng ông ủng hộ, với hy vọng là vì thế Hamas không thể tuyên bố chiến thắng hoặc tái lập quyền kiểm soát.

Hamas cũng muốn kết quả này. Cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 được cho là sẽ tạo một “chiến tranh vĩnh viễn” với Israel bằng cách kích động một cuộc xâm lược của Israel mà Hamas sẽ phản ứng bằng cuộc nổi dậy miên viễn. Một nỗ lực như vậy sẽ không khó thực hiện: Các cuộc nổi dậy hiệu quả có thể được phát triển nhanh chóng, trong sự eo hẹp và những điều kiện khó khăn. Bất cứ ai sẵn sàng tử thủ, như nhiều chiến binh Hamas, đều có thể dùng các biện pháp rất đơn giản để tiêu diệt quân tuần tra, đặc biệt là ở các khu vực đô thị nơi quân nổi dậy được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng.

Khi đó, lực lượng nổi dậy Hamas có thể tuyên bố mình là người lãnh đạo phong trào dân tộc Palestine – lực lượng duy nhất hàng ngày chiến đấu với quân chiếm đóng. Ngược lại, nó sẽ cáo buộc Chính quyền Palestine đóng vai trò lực lượng hiến binh trong việc chiếm đóng ở Bờ Tây, và phê phán rằng Tổ chức Giải phóng Palestine ngồi vào một bàn đàm phán trống rỗng, nơi các cuộc đàm phán hiếm khi diễn ra và nếu có diễn ra cũng không đạt được kết quả gì.

Kể từ khi Tổ chức Anh em Hồi giáo được thành lập ở Gaza vào năm 1987, Hamas đã tìm cách gạt phăng những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Fatah ra ngoài lề và tiếp quản phong trào dân tộc của người Palestine, biến phong trào này thành một chính nghĩa cho nhóm Hồi giáo do Hamas thống trị. Phần thưởng cuối cùng mà Hamas muốn là quyền kiểm soát sự hiện diện ngoại giao toàn cầu của PLO, tạo nên một ít thành tựu cho phong trào dân tộc kể từ khi nó được tái lập vào cuối thập niên 1960.

Đẩy Israel vào một cuộc chiến bất tận ở Gaza giúp cho mục đích này. Nhưng nhược điểm lớn nhất trong chiến lược của Hamas là dựa vào sự cắn câu của Israel. Nếu Israel, thay vào đó, nhanh chóng rút lui, để lại sự hoang tàn và cho phép Hamas tuyên bố đã đạt một “chiến thắng thần thánh,” thì Hamas sẽ chấp nhận kết quả đó và ngày đêm ca ngợi sự thành công của mình. Nhưng nguy cơ xảy ra phản ứng dữ dội sẽ là điều hiển nhiên.

Tùy theo cách họ đối xử với các đối thủ của Hamas ở Bờ Tây, Israel và cộng đồng quốc tế có thể xác định liệu Hamas có thực sự tận hưởng được chiến thắng chính trị cho cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 hay không. Nhưng nếu người Israel ở lại Gaza chỉ vì quyết tâm không cho Hamas cơ hội tuyên bố một chiến thắng trống rỗng, thì tiếc thay, họ sẽ đảm bảo rằng Hamas giành được một chiến thắng chính trị thực sự có giá trị – một chiến thắng sẽ kéo dài nhiều tháng và cuộc chiến tiếp tục trong nhiều năm sau.

*Hussein Ibish là Học giả Thường trú Cao cấp tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập ở Washington.
Nguồn: The Atlantic

Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tòa soạn TYTNT

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights