MẮT NÂU
Hỏi: Tôi tên Trâm, năm nay 45 tuổi. Trong gia đình, tôi chứng kiến cảnh cô em họ đi làm dâu bị đối xử hà khắc, vô lý.
Tôi không hiểu sự phục tùng và thụ động đó là vì bản tính của cô, hay vì cô phải chịu đựng do quan niệm phong kiến cổ xưa hủ lậu? Tôi khó chịu, bất nhẫn trước những ngược ngạo, và cho đó là sự bất công, nhất là trong thời buổi nam nữ cùng được đi học, mở mang kiến thức, ra ngoài làm việc, hiểu biết, và giao tiếp xã hội.
Nhìn thấy những bất công này, tôi nghĩ mình phải rút kinh nghiệm giành quyền chủ động trong cuộc sống chung với mẹ chồng.
Tôi khéo léo lôi kéo chồng về phía mình, thẳng tay không chút nương tình với mẹ chồng. Và cho việc chiếm thế thượng phong là thượng sách, nên bằng mọi giá tôi áp đảo giành phần thắng… Và tôi thành công, hài lòng vì khéo che đậy, đánh bại mẹ chồng, mà chồng không phát giác. Và mẹ chồng im lặng làm thinh.
Tôi bị họ hàng, bạn bè đánh giá là vô hậu và bất hiếu. Tôi không cam lòng, vì muốn sự chiến thắng phải trọn vẹn hoàn toàn. Nhưng trong vài phút đắn đo. Tôi phân vân tự hỏi có nên tiếp tục cư xử như thế nữa không? Xin bà cho ý kiến?
Đáp: Trong binh thư có dạy “Tiên hạ thủ vi cường” (Ra tay trước là thế mạnh). Những người khôn ngoan đã ứng dụng điều này trong chiến đấu. Và đó là chuyện binh thư.
Điều này cho thấy cuộc sống là một trường cam go thử thách, khó dung hòa, không dung thứ, mãi mãi là cuộc chiến mà người trong cuộc không được phép ngừng nghỉ. Ai ra tay trước cũng mong thắng. Mạnh được yếu thua trở thành quy luật bất di bất dịch tất yếu ở trần gian.
Cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu là cuộc chiến “khác máu tanh lòng” âm ỉ nhưng triền miên, không biết bao giờ dứt. Vì không chung dòng máu nên chẳng ai xót thương ai.
Nhưng có khi cùng dòng máu, cũng chẳng xót xa nhau. Đời là như vậy. Mạnh được, yếu thua là chuyện vô thường.
Ngày nay trong xu hướng phái nữ ra ngoài xã hội, tương đối có phần giảm bớt căng thẳng trong khuôn khổ gia đình, nhưng lại nảy sinh áp lực theo chiều hướng khác. Để muôn đời phụ nữ vẫn là phụ nữ. Đàn bà vẫn là đàn bà, vẫn bị gói chặt trong tư tưởng bon chen hạn hẹp, hạn chế và chịu nhiều áp lực.
Tư tưởng giành thế mạnh, là một tư duy lợi hại thuộc về giới tính. Người nữ, luôn phòng thủ vì thói quen từ thuở sơ khai, do yếu kém về thể lực.
Đòi hỏi nam nữ bình quyền là lẽ công bằng của hai phân số chưa hóa đồng mẫu số.
Ông trời tạo ra hai giới tính để bổ sung nhau để cuối cùng biến thành xung khắc, chỉ vì tự ái, hiếu chiến và háo thắng – Để mọi thứ vẫn ỳ ạch dây dưa nhiều thế kỷ.
Vì chứng kiến cảnh làm dâu, không chấp nhận thái độ phục tùng, vì nghĩ sự nhẫn nhịn, chịu đựng, là tuân thủ theo lề thói cổ xưa hủ lậu… đến nỗi bất mãn, vùng lên giành quyền thắng, cũng là một lối suy nghĩ khôn ngoan của người tự cho mình biết sống.
Nói sao được, khi mọi sự trên đời chẳng bao giờ trọn vẹn. Ví dụ, có một số lập luận người này cho là đúng, người khác thì không. Mỗi người một suy nghĩ khác, theo quan điểm cá nhân. Mà mỗi cá thể là một thế giới riêng tư độc lập, khó hòa đồng, không dễ gì khai mở.
Bây giờ, trong trường hợp của cô, hãy thử theo hai cách :
Một: không nghe lời khen chê đàm tiếu, nếu cho là mình hành xử đúng.
Hai: ngẫm nghĩ xem sự thủ thắng của mình có gây thương tổn cho “ai đó” nhiều không?
Tuy nhiên dù ta chỉ một thoáng băn khoăn ray rứt vì “Hạ thủ bất quờn” thì có lẽ nên xét lại.
Hạ gục đối phương (là mẹ chồng) cốt chỉ thỏa mãn tư duy háo thắng, mà trên thực tế, mình chẳng được thêm/hay bớt điều gì thì nương nhẹ tay cho lòng thanh thản.
Âu cũng là một dịp tích đức cho cuộc trăm năm rắc rối rã rời này đỡ khổ.
Nhân có hòa, mới mong có thiên thời, địa lợi.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa là bộ ba tuyệt vời, trong cuộc trăm năm mấy ai có được cả ba cùng lúc.
Đang ở thế thắng, biết nghĩ tới vị tha, là nội tâm đang đắn đo, bớt đi vị kỷ. Thái độ nhịn nhục của cô em họ, là một nhân hòa, mà không chừng sự chịu đựng ấy sẽ được đền bù về mặt thiên thời, địa lợi.
Bất công hay công bằng chỉ là tương đối, không thể cân đong đo đếm theo đơn vị đo lường của nhân gian.
Thời phong kiến đã qua. Xã hội đời nay cải cách, là mong thay đổi những sự bất công, bất nhẫn, bất đạo đã có từ thời quan liêu, phong kiến, trong đó có quan niệm mẹ chồng có quyền uy tuyệt đối chỉ vì đẻ được con trai.
Hay là nam giới có quyền “năm thê bảy thiếp,” “Chồng chúa vợ tôi,” chỉ vì sự cấu tạo thân xác của cơ thể hai giới tính, mà điều này vẫn tồn tại ở một số nước trên thế giới.
Quan niệm hủ lậu sẽ phải giảm theo lẽ làm người, hợp với trời. Dư âm sót lại của thế hệ cũ rồi sẽ hết.
Lôi kéo chồng chế ngự mẹ chồng, bằng khéo léo khôn ngoan, xảo thuật ngọt ngào, vô hình chung cũng là một hành xử không tốt trong ảo giác vô thường, có thể gọi nôm na là bất hiếu hay bất đạo (đạo làm người).
Ức chế mẹ chồng, chẳng lợi lộc gì ngoài thỏa mãn lòng háo thắng. Để giây phút phải đắn đo, suy nghĩ. Giây phút đó chính là lúc nội tâm đang tắm gội trong lẽ đạo của trời: “nhân chi sơ tính bổn thiện.”
Cô em họ bị làm dâu nghiệt ngã, hãy để những thiệt thòi ấy cho trời cao phán xét.
Chuyện xảy ra với người khác, vội cung tay thủ thế, vơ vào chuyện của mình.
Phản ứng chậm thường bị cho là dở, nhưng phản ứng quá nhanh chưa hẳn đã hay.
Phần số mỗi con người không biết đâu mà nói ngày mai sẽ ra sao. Hồn ai nấy giữ, phận mình mình lo.
Sống thanh thản an nhiên, mới chính là chung cuộc ước mơ của một kiếp người.
Mạnh được yếu thua, cũng rã rời
Phước đức bồng bềnh như sương khói
Nhân sinh thấp thoáng ở cõi đời
Háo thắng hơn thua cũng thế thôi
Toan tính không vượt qua đau khổ
Mình biết lòng mình, tôi hiểu tôi