Bạn đã chạm được vào đời ai?

by Tim Bui
Bạn đã chạm được vào đời ai?

SƯU TẦM

Khi tôi còn tấm bé, cha tôi là người có một trong những chiếc điện thoại đầu tiên ở khu chúng tôi ở. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ rõ chiếc hộp bóng loáng được gắn chặt vào tường. Chiếc ống nghe sáng bóng được treo bên cạnh thùng điện thoại. Tôi còn quá thấp để chạm được tay vào thiết bị kỳ diệu này, nhưng thường lắng nghe một cách say mê, mỗi khi mẹ tôi nói chuyện với chiếc điện thoại đó. Từ từ tôi khám phá ra rằng ở đâu đó bên trong dụng cụ kỳ bí này có một cô tiên tuyệt vời – tên cô ấy là “Xin cho Thông tin” (Information Please”) và không có gì mà cô không biết.

“Xin cho Thông tin” có thể cho mẹ tôi biết bất cứ số điện thoại của ai, cho bà biết bây giờ chính xác là mấy giờ.

Kinh nghiệm đầu tiên của tôi với cô tiên thần thánh này xảy ra khi mẹ tôi đi thăm một người hàng xóm. Lúc ấy tôi đang chơi một mình với đám dụng cụ dưới hầm nhà, rồi không biết lúng túng làm sao mà tự đập búa vào ngón tay.

Cơn đau kéo đến thật khủng khiếp, nhưng tôi không có lý do gì để khóc, vì đâu có ai ở nhà để an ủi. Đi dạo quanh nhà mút ngón tay đang đau nhức nhối của mình, tôi đến được cầu thang, và nhìn lên tường.

À đúng rồi, chiếc điện thoại!

Tôi chạy tới chiếc ghế đẩu trong phòng khách và kéo nó đến gần cầu thang. Leo lên được thang, tôi cầm ống nghe lên, áp vào tai, và nói vào ống nói của điện thoại: “Xin cho Thông tin.”

Sau một vài tiếng click nhỏ, một giọng nói êm ái rót vào tai tôi:

“Thông tin đây.”

Chỉ đợi có thế, tôi nức nở: “Cháu bị đập búa vào tay. Đau quá!” Và nước mắt tôi tràn ra, vì thấy giờ đã có người quan tâm đến mình rồi.

“Mẹ cháu không có nhà sao?” Đầu bên kia máy hỏi.

“Có mình cháu ở nhà thôi.” Tôi đáp.

“Cháu có đang chảy máu không?” Giọng bên kia cất lên.

“Không, cháu lỡ tay đập búa vào tay, nên đau nhức quá.” Tôi trả lời.

“Cháu có thể mở tủ lạnh được không?” Giọng nói êm tai của cô “Xin cho Thông tin” tiếp tục.

Sau khi tôi trả lời “được,” cô nói vậy thì lấy ra một miếng đá và đặt nó lên tay.

Kể từ đó, tôi gọi “Xin cho Thông tin” để hỏi về mọi thứ. Tôi nhờ cô giúp cho bài tập về địa lý, và cô cho tôi biết tiểu bang Philadelphia ở đâu. Cô giúp tôi làm toán, khi tôi bí. Cô cho tôi biết con sóc cưng mà tôi mới mang được về từ công viên ngày hôm trước cần ăn trái cây và hạt hạnh nhân để mau lớn.

Rồi đến lúc Petey, chú chim hoàng yến cưng của chúng tôi qua đời. Buồn quá, tôi gọi “Xin cho Thông tin” để tâm sự. Cô lắng nghe rồi nói những điều mà người lớn hay nói để dỗ dành một đứa trẻ. Nhưng vẫn cảm thấy chưa bớt buồn, tôi gặng hỏi cô: “Tại sao loài chim hót hay như vậy, đẹp đẽ và mang lại niềm vui cho mọi gia đình, mà rồi cuối cùng phải trở thành một đống lông nằm bất động trong đáy những chiếc lồng?”

Có lẽ cảm nhận được nỗi buồn sâu đậm của tôi, “Xin cho Thông tin” nói khẽ: “Paul ơi, cháu phải nhớ là có những thế giới khác cũng cần nghe tiếng chim hót nữa.” Chẳng hiểu sao lời nói của cô giúp tôi thấy nguôi ngoai.

Một ngày khác tôi cầm điện thoại để gọi “Xin cho Thông tin.”

“Thông tin đây,” giọng nói giờ với tôi thật quen thuộc vang lên.

“Cô ơi, phải đánh vần chữ ‘Fix’ như thế nào?” Tôi hỏi rồi ngồi chờ cô trả lời.

Những cuộc gọi và hỏi đáp như vậy tiếp tục diễn ra tại một thị trấn nhỏ ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Khi tôi được 9 tuổi, gia đình tôi di chuyển xuyên bang đến tận Boston. Phải đi xa, tôi nhớ bạn bè cùng lớp vô cùng.

Còn “Xin cho Thông tin” thì thuộc về cái điện thoại treo trên tường ở nhà cũ của gia đình tôi, và chẳng hiểu sao, tôi không bao giờ muốn dùng cái phôn mới được để trên bàn ở hành lang nhà mới.

Ngay cả khi đã bước vào tuổi thiếu niên, những kỷ niệm thời thơ ấu đó, những cuộc trò chuyện với “Xin cho Thông tin” qua điện thoại cứ lẩn quẩn mãi trong tâm trí tôi. Thường thì, trong những khoảnh khắc hoang mang bối rối, tôi hay ôn lại cảm giác an toàn thanh thản mà tôi có mỗi khi được trò chuyện với “Xin cho Thông tin”, và đánh giá cao sự kiên nhẫn, hiểu biết cũng như lòng tử tế và thời gian mà cô ấy đã dành cho một cậu bé cô chưa bao giờ biết mặt.

Vài năm sau, trên đường bay về hướng Tây để vào trường đại học, máy bay của tôi dừng ở tiểu bang Seattle để đón thêm khách. Thấy mình có khoảng nửa giờ trước chuyến bay kế tiếp, tôi dành ra 15 phút gọi điện thoại nói chuyện với người em gái hiện đang sống ở đây. Sau đó, chẳng hiểu suy nghĩ gì, tôi bất chợt gọi điện cho tổng đài của nơi ở cũ của gia đình mình và nói: “Xin cho Thông tin.” Kỳ diệu thay, tôi nghe ngay được giọng nói nhỏ, rõ ràng, mà mình đã thuộc nằm lòng: “Thông tin đây!”

Không định trước, nhưng tôi buột miệng: “Cô ơi, cô có thể chỉ cho em cách đánh vần chữ ‘Fix’?” Đáp lại câu nói của tôi là một khoảng yên lặng dài. Sau đó là tiếng cô nhẹ nhàng, hình như pha chút xúc động.

“Cô nghĩ ngón tay của em chắc lành hẳn rồi?”

Tôi cười, rộn rã: “Vậy là cô vẫn còn ở đó!” Rồi thêm: “Cô có biết là cô giúp được em như thế nào, và những cuộc gọi với cô đối với em quan trọng như thế nào trong thời gian đó không?”

“Tôi tự hỏi,” cô đáp, “em có biết những cuộc gọi của em có ý nghĩa với cô đến mức nào không? Cô không có con và cô thường chờ được nhận những cuộc gọi của em lúc đó.”

Tôi nói với cô rằng tôi thường xuyên nghĩ đến cô trong nhiều năm qua, và hỏi tôi có thể tiếp tục gọi cho cô mỗi khi về thăm em gái không.
 
“Được chứ. Phải nhớ gọi cô đấy,” cô dặn. “Em cứ nói cho gặp Sally là cô sẽ nhận được phôn.”

Ba tháng sau tôi trở lại Seattle. Một giọng nói khác trả lời: “Thông tin đây!”

Tôi yêu cầu được gặp Sally.

“Bạn có phải là bạn của Sally?” Giọng nói tôi chưa quen này hỏi.

“Vâng, tôi là một người bạn rất lâu đời,” tôi đáp.

“Tôi rất tiếc phải nói cho bạn biết điều này,” Giọng này nói. “Sally chỉ làm việc bán thời gian trong vài năm qua vì cô ấy bị bệnh. Sally đã qua đời cách đây năm tuần.”

Trước khi tôi cúp máy, cô nói, “À khoan, chờ chút. Có phải bạn tên là Paul không?”

“Vâng đúng rồi!” Tôi nghẹn ngào.

“Vậy thì Sally có để lại cho bạn một lời nhắn. Cô ấy viết nó ra giấy để nhờ chúng tôi chuyển lại khi bạn gọi. Để tôi đọc cho bạn nghe.”

“Đây rồi. Sally viết: Xin nói với Paul rằng tôi vẫn còn đó, nhưng có những thế giới khác cũng cần nghe chim hót. Paul sẽ hiểu ý tôi.”

Tôi cám ơn người trả lời điện thoại và cúp máy trước khi mình bật khóc. Tôi rất hiểu Sally muốn nói gì.

PS. Đừng bao giờ đánh giá thấp ấn tượng hay ảnh hưởng mà bạn có thể tạo ra cho cuộc sống người khác. Bạn đã chạm được vào đời ai hôm nay?

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights