Chuyện báo chí Sài gòn xưa – kỳ 4 Bà Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận với tờ Sài Gòn Mới

by Tim Bui
Chuyện báo chí Sài gòn xưa - kỳ 4 Bà Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận với tờ Sài Gòn Mới

TRẦN NHẬT VY

Ông bà ta có câu nói “Sau lưng người đàn ông thành công, luôn luôn có một người phụ nữ”. Với ông Bút Trà, câu nói này rất đúng!

Tiếng là “chủ báo” nhưng ông Bút Trà chỉ “tập trung chuyên môn” là chăm sóc nội dung tờ báo. Tất cả những điều còn lại đã có vợ ông là bà Tô Thị Thân, sau này người Sài Gòn gọi là bà Bút Trà, lo hết. Mà “hậu kỳ” của một tờ báo có rất nhiều chuyện phải làm. Đó là việc giao thiệp với các doanh nhân để có những mẫu quảng cáo, phải chạy mua giấy mực để in báo, phải tổ chức đầu mối phát hành báo đi các nơi, phải mời cộng tác viên là những nhà văn, nhà thơ, ký giả…viết cho báo và phải có mối giao thiệp “hữu hảo” với chính quyền để tránh những rắc rối…Nói chung là rất nhiều chuyện “nhức đầu”! Những chuyện ấy bà Bút Trà lãnh hết.

Như đã nói ở phần trước, sau một thời gian qua lại sau khi quen biết từ vụ “báo Công Luận chấm dứt chửi các tiệm cầm đồ ở Sài Gòn-Chợ Lớn” thì họ trở thành vợ chồng! Ông Nguyễn Đức Nhuận thì chẳng nói gì vì ông chưa có vợ. Còn bà Thân thì đã có chồng con hẳn hoi. Và chồng bà là một ông A Xồi nào đó người Hoa chính hiệu, đồng thời là chủ 20 tiệm cầm đồ ở Saigon-Cholon.

Sau này người ta mới được biết, để trở thành vợ ông Bút Trà, vào một ngày không biết có đẹp trời hay không, bà Thân nói chuyện với ông chồng người Hoa. “Tôi muốn thôi mình!”. Ông người Hoa nghe nói thì mặt xám như đổ chì, bởi như nhiều người Hoa khác sống ở Việt Nam, tất cả những tiệm cầm đồ tiếng là của ông nhưng đều do vợ đứng tên. Bà Thân nói tiếp “Tôi muốn sống với ông nhà báo. Nhưng dù sao tôi với mình hết tình vẫn còn nghĩa, nên tài sản mình chia đôi”. Nghe vậy ông người Hoa mới tỉnh hồn. Bà Thân là người gốc ở Củ Chi, Gia Định nhưng lớn lên sinh sống ở Long An.

Và khi trở thành vợ chồng và có tờ Sài Thành, rồi Sài Gòn thì nhà in Nguyễn Đức ra đời. Đầu tiên nó được đặt ở nhà riêng ở đường Nguyễn Huệ (nay là Thích Quảng Đức), Phú Nhuận. Họ đã mua một miếng đất hơn nửa mẫu để cất một biệt thự, một nhà in nhỏ và phần đất còn lại thì cất nhà cho con cháu và công nhân làm việc cho tờ báo. Rồi sau đó, nhà in có thêm “chi nhánh” ở số 39 đường Colonel Grimaud (Phạm Ngũ Lão, quận 1), cũng là tòa soạn chính của tờ Sài Gòn. Đây là căn phố mướn của nhà phú hào nổi tiếng Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 Chú Hỏa [Hui Bòn Hỏa].

Bà Bút Trà dù đã có biệt thự ở Phú Nhuận nhưng gần như suốt đời bà sống tại địa chỉ này. Không chỉ vậy, họ còn đổ tiền mua đất chung quanh và xây luôn ngôi chùa nơi tu hành của anh bà ở đường Cao Thắng với cái tên Tam Tông Miếu, rồi mua một rạp hát tặng cho con gái đặt tên rạp là tên cô này: rạp Kim Châu ở đường Nguyễn Thái Bình, cất một trường học… Bà cũng là chủ báo đầu tiên thưởng “lương tháng 13” cho nhân viên. Và bà là người xây cất và thành lập trường Bình dân Học vụ ở Sài Gòn…

Ông bà Bút Trà, hình chụp năm 1950

Với sự lèo lái của ông bà Bút Trà, tờ Sài Gòn vượt qua nhiều bão giông của thời cuộc. Những năm 1944-1946, giấy in báo ở Sài Gòn quý như vàng, vì nhập cảng giấy khó khăn, mỗi tờ báo ra hàng ngày chỉ có 2 trang, nghĩa là chỉ có một tờ giấy. Và cả miền Nam khi ấy chỉ có 2 tờ báo tư nhân trụ nỗi là tờ Sài Gòn và Điển Tín của bà Anna Lê Trung Cang do ông Trần Tấn Quốc làm chủ nhiệm và ông Ngọa Long Nguyễn Kim Lượng làm chủ bút. Đến tháng 9-1945, Sài Gòn đình bản một thời gian vì chiến sự lan rộng ở Sài Gòn.

Qua cuối năm 1946, Sài Gòn Mới ra đời, số 1 đề ngày 15-12-1946. Nhưng lạ là không có tên chủ nhiệm, chủ bút, chỉ có tên quản lý là ông Tôn Văn Lâm. Báo có 2 trang, vẫn chủ trương như tờ Sài Gòn, vẫn in ở nhà in cũ, tòa soạn vẫn ở chỗ trước đây, song mục Tranh Xã Hội xuất hiện cái tên khác là Như Như!

Tới đầu năm 1950, Sài Gòn Mới ra bộ mới 4 trang khổ lớn, nhà in và tòa soạn vẫn như cũ, chỉ có tên chủ nhiệm là “bà Nguyễn Đức Nhuận”, chủ bút kiêm thư ký tòa soạn là ông Nguyễn Dân! Sau này, chúng tôi biết ông Nguyễn Đức Nhuận bị “về hưu sớm” vì lý do riêng của gia đình! Ông chỉ làm nhiệm vụ duy nhất hàng năm cho tờ báo là làm bài thơ chúc Tết trên báo Xuân mỗi năm và ký tên “Bà Bút Trà”!

Tờ Sài Gòn Mới dưới tài quản lý của bà Bút Trà lên như diều gặp gió dù thời cuộc của đất nước có nhiều thay đổi, nó vẫn cứ vững bước đi tới. Trong số 8 trang báo [tùy thời kỳ] có tới 5 hoặc 6 trang quảng cáo. Nhiều lần tờ báo dính tới những chuyện “chính trị” nhưng đều vượt qua được. Người ta kể, khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chánh lần đầu năm 1960, Sài Gòn Mới là tờ báo duy nhất đăng nguyên văn bản tuyên ngôn của phe đảo chính. Vụ đảo chính bất thành, Bộ trưởng Bộ thông tin của chính quyền Ngô Đình Diệm, ông Trần Chánh Thành hỏi báo Sài Gòn Mới “Tại sao lại ủng hộ phe đảo chính?”, bà Bút Trà lẹ miệng trả lời “Nhà báo không ủng hộ ai hết. Hễ có tin tức thì đăng!” Vậy là qua cầu!

Trong một bài phόng sự đăng trên Trung Bắc Tân Văn số 18, ngày 30/6/1940, kу́ giả Văn Lang viết về tài quán xuyến của bà Bút Trà như sau: “Cό thể nόi ở nhà báo Sài Gὸn, chính bà Bút Trà mới thật là tổng lу́, lại kiêm luôn cả ba chức nội vụ tổng trưởng, tài chánh tổng trưởng và ngoại giao tổng trưởng… cho đến việc biên tập, cách xếp đặt và bài vở trong mỗi số báo bà cũng kiểm soát được nữa mới tài”. Ông cho biết thêm: “Đêm nào cũng thế, trước khi báo sắp lên máy, thợ phải vỗ một bản đưa trình bà quản lу́ xem sự xếp đặt như thế cό được không, hay tin nào nên bỏ, lời rao (quảng cáo) nào cὸn thiếu”. Ngay cả truyện ký đăng trong Saigon Mới cũng được bà Bút Trà để tâm gόp у́ kiến cho phù hợp với thị hiếu của độc giả.

Sài Gòn Mới là tờ báo mà hình như mọi người đều muốn đọc mỗi ngày! Trong hồi kу́ của mình, bà Tùng Long trích bài viết của kу́ giả Trần Quân như sau: “Khi tiếng gà vừa gáy đợt đầu, một người đàn bà đã già mở cửa một cái chὸi và sai một đứa bе́ đi mua một cái gì đό. Mấy phút sau đứa bе́ chạy về với hai bàn tay không và sẵn sàng chống đỡ những lời rầy la của bà. Bà ta đã đưa cho nό hai đồng bạc để mua cho bà một tờ Sài Gὸn Mới, tờ báo mà ai cũng biết xuất bản vào buổi sáng, và thằng bе́ đã lấy tiền đό để mua một khúc bánh mì… Người đàn bà đã không dằn được tức giận, bảo tại sao nό không chịu ăn sáng với cơm nguội như mọi người trong gia đình và để tiền mua tờ báo. Tờ báo đối với bà thật sự là một bữa điểm tâm tinh thần, cũng như một hơi thuốc lá và một tách cà phê nόng vào buổi sáng của những người thượng lưu”.

Qua thập niên 1960-1970, chủ nhiệm Sài Gòn Mới là “bà Bút Trà” nhưng tất cả tờ báo vẫn như cũ. Dù không phải là người viết lách giỏi, không hay chữ nhưng bà Bút Trà có tài năng thiên phú về quản lý. Nhà văn Hoàng Hải Thủy, một người được coi là khó tánh nhưng phải “phục bà Bút Trà” sau 10 năm cộng tác với Sài Gòn Mới. Ông Thủy kể:

Một bữa, bà Bút Trà hỏi tôi:
Ngày mai anh có rảnh không?
Có 
Vậy chiều mai anh qua khách sạn Continentale dự họp báo của bà Nhu, viết tin cho báo mình.
Chiều hôm sau, trời mát làm thèm thuốc, tôi ghé vô tiệm hút gần chợ Bến Thành làm hai điếu rồi ngủ luôn. Giật mình thức dậy thì đã 7 giờ tối. Sáng hôm sau, tôi điện hỏi một đồng nghiệp có dự buổi họp báo một số chi tiết rồi “đường hoàng” vô tòa soạn. Vừa thấy tôi, bà Bút Trà hỏi:
Bữa qua anh có đi họp báo không?
Có!
Anh có thấy tôi đi với ai không?
Câu hỏi khiến tôi tắc nghẹn, vì có đi đâu mà biết.
Lát sau, mời tôi vô phòng riêng, bà nhỏ nhẹ:
Lần sau, anh có kẹt thì nói để báo cử người khác. Tôi đi với chị Tùng Long lẽ nào anh không biết!
Mà bà Tùng Long là một trong những người viết ở tòa soạn!…”

Ông Thủy phục sát đất cách hành xử của bà chủ nhiệm. Giá như bà la hét giữa tòa soạn thì ông cũng muối mặt mà nghe chớ biết làm gì. Tất nhiên, nếu bà làm vậy thì ông Thủy sẽ “bái bai” tờ Sài Gòn Mới. Đàng này… bà Bút Trà cũng là chủ báo đầu tiên phát “lương tháng 13” cho nhân viên của mình. Nhờ tài quản lý giỏi, tờ báo được sự cộng tác của nhiều cây bút rất được ưa chuộng đương thời như Bà Tùng Long, Hồng Tiêu, Thiếu Lăng Quân, Hàn Mạc Tử, Hoàng Hải Thủy, Phi Long (Ngọc Sơn), Thanh Phong, Hoa Đường, Jean Baptiste Đồng, Trọng Nguyên, Vũ Bình Thư, Mộng Đài, Nguyễn Vỹ…. và cả những nhà thơ nổi tiếng như Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, kу́ giả nổi tiếng tường thuật bόng đá, Huyền Vũ, cũng từng là biên tập viên mục thể thao cho Saigon Mới.

Tờ Sài Gòn Mới sống qua nhiều thời thay đổi chính trị ở Sài Gòn và chỉ đình bản vĩnh viễn vào năm 1972 vì luật 007. Theo Luật này, các tờ nhật báo phải đóng thế chân 20 triệu đồng trong nhà băng Nhà nước và mỗi lần có bài viết mà chánh quyền cho là “có lợi cho cộng sản”, hay “ủng hộ cộng sản” thì bị tịch thu 5 triệu. Thuở ấy, vàng 16 ngàn đồng/ lượng! Vì số tiền quá lớn lại dễ mất vì mấy chữ “có lợi cho cộng sản” không biết đâu mà tránh nên báo đóng cửa. Một số tờ báo khác cũng vậy.
Sau năm 1975, thời cuộc thay đổi, nhà cửa, nhà in bị sung công, tiền bạc trong ngân hàng bị tịch biên, ông bà trở thành người nghèo và cả hai mất cách nhau vài năm trong nghèo khổ. Con rể của bà là Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi hiện cũng đang sinh sống tại Hoa Kỳ.

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights