Chuyện báo chí Sài Gòn xưa – kỳ 7 Bà Bút Trà: Kỳ nhân của làng báo Việt

by Tim Bui
Chuyện báo chí Sài Gòn xưa - kỳ 7 Bà Bút Trà: Kỳ nhân của làng báo Việt

TRẦN NHẬT VY

LTS: Sau bài của Thiếu Sơn, chúng tôi định tạm ngưng nói về gia đình chủ báo Saigon Mới để viết về các nhà báo khác đã từng có công gầy dựng làng báo Sài Gòn trong những thập niên đầu thế kỷ 20. Song trong những ngày nghỉ tết, chúng tôi tự thấy thiếu sót và có lỗi với độc giả, với tiền nhân, khi không nói sâu hơn về bà Bút Trà, một người quản trị, kinh doanh báo chí có tài mà từ trước tới nay chưa có ai làm được. Vì vậy, chúng tôi quyết định viết về bà để quý độc giả biết thêm về một người phụ nữ chủ báo từng được nhiều nhà báo có tên tuổi ở Sài Gòn kính trọng.

Bút Trà là bút danh của ông Nguyễn Đức Nhuận (1900-1981), nhà thơ, nhà báo và là một trong những chủ báo, chủ nhà in ở Sài Gòn trong thập niên 30-70 của thế kỷ 20. Ông Bút Trà sanh năm 1900 tại thôn Cổ Lũy, làng Trường Yên, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi bắt đầu tham gia làng báo Sài từ năm 1921 với báo Lục Tỉnh Tân Văn, rồi Đông Pháp Thời Báo (1923), Công Luận Báo (1925). Ông tham gia chủ trương các nhật báo Sài Thành (1932-1933), Sài Gòn (1933-1945), từ sau năm 1945 là các báo Kiến Thiết, Ban Ngày, Điện Báo rồi Sài Gòn Mới (1947-1972). 

Tài liệu mật thám Pháp ghi chép về ông “Nguyễn Đức Nhuận, sanh năm 1901 ở Phù An (Quảng Ngãi), con của Nguyễn Đức Thang và Trần Thị Bao. Đến Nam Kỳ năm 1923. Biên tập viên tờ Đông Pháp Thời Báo trong hai năm. Bị liên can vào tháng 11-1925 trong vụ gọi là “truyền đơn chống Nam triều, chống chánh phủ An Nam” được miễn tố. Sau đó là chủ bút báo Công Luận đến năm 1932. Rồi làm chủ nhiệm báo Sài Thành với sự hợp tác của em trai là Nguyễn Đức Huy, cùng lập nhà in Nguyễn Đức. Xuất bản báo Sài Gòn ngày 3-5-1933. Tháng 3-1935 mở một chiến dịch báo chí ủng hộ mạnh mẽ nhóm cộng sản La Lutte, bị rút giấy phép tại nghị định ngày 6/8/1935. Tờ Sài Gòn tục bản ngày 4/10/1935, chiến dịch báo chí cũ lại tiếp tục nên tờ báo bị đình bản 8 ngày  tại nghị định ngày 10/10/1936. Rời Nam Kỳ vào tháng 4 hoặc 5 năm 1944 để về Quảng Ngãi.” (theo tài liệu sưu tầm của nhà nghiên cứu Trương Võ Anh Giang).

Tiếng là “tham gia chủ trương” đứng tên làm chủ nhiệm, nhiệm vụ tương đương tổng biên tập hay CEO ngày nay, của các tờ báo nói trên nhưng thực tế là vợ ông – bà Bút Trà – mới là người chủ trương và điều hành, có lúc ông chỉ còn cái tên đứng sau bà. Và khoảng từ thập niên 1950 trở về sau, thì tên ông thường đứng sau chữ “bà” hoặc thay thế bằng tên Tô Thị Thân, chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Bà Bút Trà (1903-1978) là chủ báo nổi tiếng ở Sài Gòn từ thập niên 1930 đến 1970. Nổi tiếng không chỉ vì báo bà bán chạy mà còn nổi tiếng vì bà “ít chữ!”

Từ thập niên 1950 trở về sau, nhắc tới tờ báo Saigon Mới là phải nhắc tới bà. Cái tên Bà Bút Trà gắn liền với mấy chữ Saigon Mới. Theo Thư tịch báo chí Việt Nam do Tô Huy Rứa chủ biên, thì nhựt báo Sài Thành (*) do ông Nguyễn Đức Nhuận làm giám đốc ra số 1 ngày 2/3/1932 tới ngày 30/4/1933 thì ngưng. Ngày 3/5/1933 báo trở thành báo Saigon cũng ông Nhuận làm giám đốc. Ngày 15/12/1946 báo Saigon Mới ra đời do bà Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm. Tới ngày 18/11/1963 thì Saigon Mới đổi thành Saigon cũng do bà Bút Trà Tô Thị Thân (tức bà Nguyễn Đức Nhuận) làm chủ nhiệm tới ngày 16/11/1964. Thư tịch này ghi thiếu là sau ngày 16/11/1964 thì báo Saigon lại đổi tên thành Saigon Mới và tồn tại đến năm 1972 mới đóng cửa vì sắc luật 007. Tính tròn là 40 năm. 40 năm làm chủ báo của bà Bút Trà, dù có thời gian bà đứng sau lưng chồng để điều hành tờ báo, là thời gian đáng kể và chưa có chủ báo nào “đứng” được lâu như vậy!

Bà Bút Trà tên thật là Tô Thị Thân (*) thường được báo giới Sài Gòn gọi là bà Bút Trà hay chị Tư Bồn Binh, Thím Xồi.
Nhân đây xin nói thêm về “hỗn danh” của bà Bút Trà. Hai hỗn danh này nói là ghét hay quá thân thiện cũng được. Hỗn danh chị Tư Bồn Binh có là vì bà có nhà cửa lớn ở Phú Nhuận, khu vực này nay là khu dân cư có khoảng 40 hộ cư ngụ, chưa kể nhà in và một biệt thự từng được làm nhà bảo sanh, nhưng bà không ở mà ở riết tại toà soạn báo số 39 Phạm Ngũ Lão, ngó thẳng ra bồn binh chợ Sài Gòn. Còn “Thím Xồi” là tên chồng cũ của bà, thường được người ta gọi là chú Xồi, người Tàu. Khi nghe hỗn danh này thì bà nói “Ừ, tôi tên là thím Xồi thì đã sao kia chớ! Thím ấy có làm hại xã hội bằng những bài vở khiêu dâm chăng? Có nêu gương đồi phong bại tục chăng?” (Bình Nguyên Lộc-Hồi ký văn nghệ. Website binhnguyenloc.de).  
Tô Thị Thân là tên bà ghi trên các tờ báo và hầu hết mọi người đều cho rằng bà họ Tô. Nhưng theo tài liệu chúng tôi có thì cha bà “họ Tôn” và các em bà cũng họ Tôn. Rất có thể vì lý do nào đó mà bà đổi thành họ Tô.  

Bà Bút Trà sanh năm 1903 tại Tân An (Long An) mất năm 1978 tại Sài Gòn. Cha bà là ông Tôn Văn Thi, một nhà nho tu theo phái Minh Lý (1), mẹ là bà Lâm Thị Chợ, quê gốc ở Củ Chi, huyện Hốc Môn cũ, đến đời ông Thi thì gia đình dời về Long An cư ngụ. Gia đình bà Bút Trà có 5 anh chị em. Chị hai là bà Tôn Thị Kỷ, anh ba Tôn Văn Khuê, bà thứ tư, hai em là Tôn Thị Sáu và Tôn Văn Lâm (theo Đại Cơ Hườn-Ngài Minh Thiện cuộc đời và sự nghiệp, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2010). Những người quen biết với bà Bút Trà cho biết bà lấy chồng sớm, chồng bà là một người Hoa có biệt danh là “chú Xồi”, là một người kinh doanh tiệm cầm đồ ở Chợ Lớn.

Một trong các con của bà là Trần Kim Anh, chủ nhiệm báo Phụ Nữ Diễn Đàn. Bà sanh với ông Bút Trà, con gái là Nguyễn thị Kim Châu, chủ rạp hát Kim Châu (2) trên đường Nguyễn Thái Bình và Nguyễn Đức Khiết, sau làm chủ nhiệm báo Phụ Nữ Ngày Mai.

Theo tài liệu riêng của chúng tôi, ông Khiết còn là chủ nhiệm tờ Phụ Nữ Tân Tiến. Theo Hoàng Hải Thuỷ, bà còn người con trai tên Nguyễn Đức Thành, từng tham gia vào nhiều hoạt động của báo Saigon Mới. Thực tế, bà có nhiều dòng con và cô Nguyễn Thị Kim Tuyết (vợ của tướng Nguyễn Vĩnh Nghi) là con gái của bà với ông Bút Trà, từ nhỏ đã được đem “cho” ông Minh Thiện tức Tôn Văn Khuê làm con nuôi vì gia đình ông không có con. (Đại Cơ Hườn). Còn Trần Quảng Á cho biết, bà còn có người con tên Nguyễn Đức Chiến (Hai Chiến). (website nuiansongtra.com). 

Chúng tôi không biết nhiều hơn về bà và các con từ gia đình bà vì gia đình né tránh!

Chúng tôi đến nhà người con trai của bà là ông Nguyễn Đức Khiết (thường gọi là Sáu Khiết, năm 2016 đã ngoài 80 tuổi) ở Phú Nhuận nhưng con gái ông cho biết “Ba năm rồi tôi chưa gặp ba” và chỉ gặp được cô này một lần duy nhất, từ đó về sau cô tránh mặt! Một người khác là cháu nội của bà Bút Trà, sau khi đồng ý gặp mặt rồi lánh mặt vào giờ chót và nhắn lại “Hoàng Hải Thủy nói chính xác rồi”. Lý do tránh mặt chúng tôi không rõ nhưng đây là một bước khó khăn trong việc thu thập tư liệu để viết chính xác về một nhân vật, thật là đáng tiếc. Mong rằng, có dịp nào đó, chúng tôi có đầy đủ hơn về tiểu sử của bà để trình bày cho người đi sau biết rõ hơn về một người, một nhân vật đáng học hỏi trong việc quản lý một tờ báo. 

(1) Giáo phái hình thành năm 1924, vào năm 1926 các vị chức sắc thấy cần phải lập một Hội Tam Tông Miếu để hợp thức hóa mọi hoạt động của Đạo theo đúng luật pháp của chính quyền Nam Kỳ. Hội Tam Tông Miếu được lập với bản điều lệ ngày 19/6/1926 do ông Âu Kiệt Lâm, chánh Hội trưởng và ông Nguyễn Văn Miết (Tôn Văn Khuê) phó Hội trưởng (Đại Cơ Hườn). Hội đóng tại số Bàn Cờ, nay là số 62 đường Cao Thắng. Có tài liệu cho biết, bà Bút Trà đã bỏ tiền ra xây dựng cơ ngơi của Hội Tam Tông Miếu hiện nay. Điều chắc chắn rằng, người chủ trì Tam Tông Miếu một thời gian là ông Tôn Văn Khuê là anh ruột của bà Bút Trà, và hiện nay ông bà Bút Trà cũng được thờ phượng tại đây. Một sản phẩm của Hội này là lịch Tam Tông Miếu một thời được người Sài Gòn ưa thích. Chúng tôi đã gặp ông Trần Thanh tức Nhựt Thanh, người viết cuốn lịch sách Tam Tông Miếu hàng năm ở Hoa Kỳ và được ông Trần Thanh xác nhận không có liên quan gì đến Hội Tam Tông Miếu ở Sài Gòn.  

(2) Rạp Kim Châu ở số 15-17 Nguyễn Thái Bình quận 1 hiện là trụ sở của Đoàn nghệ thuật ca múa Bông Sen. 

Việc phụ nữ tham gia quản lý báo chí ở Sài Gòn xưa nay cũng có vài người. Đầu tiên là bà Hội đồng Nguyễn Kim Đính, nhũ danh Thạnh Thị Mậu, quản lý tờ Đông Pháp Thời Báo từ năm 1923 đến 1929 và nhà in Thạnh Mậu ở Gia Định, một nhà in nổi tiếng từ thập niên 1920 tới thập niên 1950. 

Bà quản lý ta ngồi trên bộ ván, trước mặt có một ô trầu, một bình vôi, một chiếc hòm bỏ tiền làm bằng gỗ và đóng khóa đồng, như hòm tiền kiểu xưa. Một phái viên đi cổ động ở Lục tỉnh về nạp tiền, một nhà buôn đến trả tiền quảng cáo hay một độc giả tới đóng tiền mua báo đã có viên thư ký (kiểm tra) rồi đưa trình bà quản lý ta ký tên và nhận tiền. Tất cả chữ nghĩa của bà đã biết, chỉ gói lại có một chữ ký tên “Mậu” mà bà tập hết mấy hôm. Nhưng chữ tên ký ấy rất có quan hệ với nhà báo và có tín dụng từ một đồng cho đến hàng nghìn, hàng vạn. Tuy không biết chữ mặc lòng bà biết thưởng văn và rất chú ý đến nội dung tờ báo của bà thuở ấy chuyên trọng về nghị luận hơn là tin tức. Mỗi kỳ báo, viên thư ký phải đọc bài nghị luận cho bà nghe và bình phẩm hay dở.

Với chủ bút và trợ bút, bà lập lệ cứ mỗi một trăm tờ báo in tăng lên thì lương được gia thêm bao nhiêu. Tức thị hôm nào báo xuống, lương cũng phải xuống. Lúc Phan Chu Trinh tiên sinh ở bên Tây về, báo Đ.P.T.B được dịp xuất bản đến 13.000, lúc ấy bà trả tiền bộ biên tập có hơi xuýt xoa. Tài nhất là với bà, nhà in không thể hao phí một tờ giấy, trẻ con bán báo không thể ăn gian xu nào, mà quảng cáo nào trả tiền hay chưa, bà đều ghi nhớ trong trí” ( Văn Lang-Mấy bà quản lý nhà báo trong Nam, tạp chí Trung Bắc Tân Văn số 18 ngày 30/6/1940).  

Kế đó là bà Nguyễn Đức Nhuận nhũ danh Cao Thị Khanh [1900-1962], quản lý tờ Phụ Nữ Tân Văn từ 1929 đến 1934. Hứa Hoành trong cuốn Các nhà giàu xưa ở Nam Kỳ in năm 1997, đánh giá rất cao tài quản lý của bà Khanh, và báo PNTV, một trong rất ít tờ báo đầu tiên lấy được lòng độc giả cả miền Trung lẫn Bắc, và dù đã chết từ lâu song âm vang tờ báo vẫn còn tới ngày nay.

Nhà báo Thiếu Sơn viết “danh nghĩa là một tờ báo của phụ nữ, ai đọc nó cũng thấy có cái hạp ý mình và không có một vấn đề thời cuộc nào mà nó không nói đến. So sánh với những tờ báo trong Nam như Đông Pháp thời báo hay Thần Chung thì nó ôn hòa hơn. Nhưng so sánh với những tờ báo ngoài Bắc lúc bấy giờ thì nó lại dám ăn dám nói nhiều hơn. Bởi thế nên PNTV có rất nhiều độc giả ở Trung, Bắc. Hồi có cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái và vụ xử án những nhà cách mạng Việt Nam Quốc Dân đảng, chính độc giả ngoài Bắc lại trông đứng trông ngồi những số báo PNTV từ trong Nam gửi ra để được nghe những lời nói can đảm binh vực cho những kẻ đã hy sinh cho giống nòi và đất nước. Những lời nói như thế không thể có được ở báo giới miền Bắc hồi bấy giờ.” (Thiếu Sơn-Hồi ký một đời người, tạp chí Phổ Thông số 13, ngày 15-6-1959).

Phụ Nữ tân văn được hoan nghinh khắp ba kỳ, phải chăng vì nó đã dung hòa được sở thích của độc giả và ý muốn của người chủ báo?  Nếu Nam Phong là một cụ già khắc khổ, bàn những chuyện nghiêm trang, sâu rộng, thì PNTV quả là một cô gái con nhà nề nếp nhưng tánh tình vui vẻ, lời lẽ bình dân, ta có thể cùng cô nói chuyện trên trời dưới đất, bốn biển năm châu hay chuyện trong nhà, dưới bếp… Sự thành công của PNTV một phần lớn là do ông bà chủ báo-ông bà Nguyễn Đức Nhuận-tuy ở giới bán buôn to, mà ‘biết kính hiền đãi sĩ, biết đối xử và thù lao xứng đáng đối với những người hợp tác với mình, có nhiều sáng kiến và biết tán thành sáng kiến của người khác’…PNTV chết nhưng vẫn còn để lại nhiều cảm tình cho người cộng sự cũng như người đọc” (Nguyễn Ngu Í-Thử nhìn qua 100 năm báo chí, tạp chí Bách Khoa Thời Đại số 217 ngày 15/1/1966). Đánh giá tờ báo cũng là đánh giá tài quản lý tờ báo. 

Còn bà Bút Trà? Nhà báo Văn Lang đã đánh giá bà như sau:

Riêng về phương diện nhà nghề mà nói, những ai biết tình hình báo giới Nam kỳ, đều phải ngợi khen bà Bút Trà, quản lý báo Saigon hiện giờ, là một tay có đảm lược nhất và khéo kinh doanh nhất. Thật thế, tờ báo Saigon hằng ngày xuất đầu lộ diện từ đầu năm 1933, với cái vốn đâu độ một vài nghìn, cho tới bây giờ nó đáng giá đến mười vạn và bao nhiêu máy móc, khí cụ nhà in, có thể nói là một tờ báo vào hàng to nhất, vững nhất ở thủ đô Nam kỳ, phải biết là tay bà nữ quản lý Bút Trà gây dựng, giữ gìn, phù đắp, mở mang hết thảy.
Ai tới thăm nhà báo Saigon, bà tiếp kiến và chuyện trò nói năng rất thạo. Ai tới để lời rao [đăng quảng cáo] trong báo, chính bà định giá. Ai gọi điện thoại hỏi han việc gì, trong mười lần đến tám chín lần chắc chắn gặp bà ở đầu giây. Mỗi ngày có hằng trăm thơ từ gửi về nhà báo một mình bà mở xem trước hết rồi phân phát việc nào cho người chuyên trách ấy. Bà ký giao kèo với các công ty bán giấy. Nội nhà in cần dùng món gì hay thầy thợ muốn hỏi chuyện gì, cứ trực tiếp nơi bà. Tóm lại, bà chủ trương nhất thiết, quán xuyến nhất thiết. Có thể nói ở nhà báo Saigon, chính bà mới thật là tổng lý, lại kiêm luôn cả ba chức sự nội vụ tổng trưởng, tài chánh tổng trưởng và ngoại giao tổng trưởng; ông chủ báo Bút Trà chỉ như một vị công sứ hay đại sứ do bộ ngoại giao ủy đi giao thiệp ở bên ngoài. Cho đến việc biên tập, cách sắp đặt và các bài vở trong số báo mỗi ngày, bà cũng lưu ý kiểm soát được nữa mới tài.
Đêm nào cũng thế, trước khi báo sắp lên máy, thợ phải vỗ một bản đưa trình bà quản lý xem sự sắp đặt thế có được không, hay tin nào nên bỏ, lời rao nào còn thiếu. Những tân văn thời sự của thông tín viên các tỉnh gửi về, bà quản lý xem và quyết định cái nào đăng được cái nào không. Tin nào chưa được bà quản lý tiên kiểm, thì nhân viên trong bộ biên tập phải trình hỏi ý kiến.
Tôi được nghe một ông bạn đồng nghiệp trong Nam thuật lại rằng: trong khi đang ngồi đàm đạo với một bà quản lý, một ông trợ bút cầm đến hai giấy đưa bà xem và hỏi:

– Thưa chị, cái tin này chị có cho đăng không? Vì trong nhà báo này, nhân viên biên tập đều quý mến và kính nể bà quản lý, gọi bà bằng chị. Bà gọi trở lại bằng thầy hay bằng anh. Thường khi bà trao ý kiến này kia cho bộ biên tập viết bài không phải là sự lạ. Ai không biết thì thôi, ai biết cũng đều phải nhìn nhận rằng tờ Saigon có cơ sở và địa vị ngày nay là nhờ công của tài năng và sự làm việc rất mực chăm chỉ khôn khéo của bà quản lý nó vậy. Mấy năm đầu có đôi ba phen tài chính khủng hoảng mà nó xuýt ngã, đều nhờ một tay bà chống giữ lại, chuyển nguy ra an, đổi suy làm thịnh, đến giờ thì nó như nằm trên nền sắt đá rồi.

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment