Chuyến xuất hành ngày Tết của vua Đồng Khánh

by Tim Bui
Chuyến xuất hành ngày Tết của vua Đồng Khánh

LÊ NGUYỄN

Trong những cái Tết Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX, Tết Bính Tuất 1886 dưới triều vua Đồng Khánh mang một sắc thái khá đặc biệt, khi sinh hoạt cung đình vào những ngày đầu năm mới có sự hiện diện của các tướng lãnh, sĩ quan, viên chức cao cấp Pháp. Tất nhiên, nghi lễ những ngày Xuân Việt Nam khá lạ lẫm đối với họ, nhất là tại cung điện, và một sĩ quan Pháp là đại úy Ch. Gosselin đã dành một phần khá dài trong tác phẩm L’empire d’Annam (Paris 1904) để miêu tả nhiều chi tiết thú vị về sự kiện này.

Sự thất thủ kinh thành ngày 5/7/1885 đã đẩy vua Hàm Nghi ra khỏi cung điện để sống một cuộc đời khác, hiểm nguy, gian khổ, song hết sức tự hào. Trong hơn ba năm trời lặn lội giữa rừng sâu nước độc, ở cái tuổi 15-17, ông trở thành linh hồn của những cuộc kháng chiến anh dũng do các sĩ phu và người yêu nước khởi xướng. Tháng 8 âm lịch cùng năm, người anh cùng cha khác mẹ với vua Hàm Nghi là ông hoàng Chánh Mông (1) được người Pháp đưa lên ngôi, sau khi mọi nỗ lực kêu gọi người em trở về cung đều tỏ ra vô hiệu.

Cũng từ đó, triều đình Huế trở thành cái máy hợp thức hóa hoạt động của thực dân Pháp trong kế hoạch chống lại các cuộc khởi nghĩa của Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, phong trào Đông Du, phong trào kháng thuế miền Trung…

Tất nhiên, sự lên ngôi của ông hoàng Chánh Mông với niên hiệu Đồng Khánh không được sự ủng hộ của nhiều người, đặc biệt những sĩ phu yêu nước vẫn hướng lòng về vua Hàm Nghi đang lẩn tránh trong khu vực sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình. Ở Huế, có tin đồn vua Đồng Khánh bị Pháp bắt giam, đang là tù nhân của Pháp. Một phần cũng vì tin đồn này mà các tướng lãnh, sĩ quan cùng viên chức cao cấp Pháp ở kinh đô muốn nhân những ngày tết Bính Tuất, tạo điều kiện cho nhà vua xuất hiện trước công chúng để đánh tan tin đồn nhà vua bị bắt. Chuyến xuất hành đầu năm của vua Đồng Khánh đã diễn ra dưới áp lực đó của phía Pháp (2).

Tết Nguyên Đán năm Bính Tuất diễn ra vào ngày 4/2/1886. Như một truyền thống bất di, bất dịch, đó là những ngày vui chung của cả nước, bất luận vua, quan hay dân thường. Những năm trước, lễ tết tại cung đình diễn ra như mọi khi, chỉ có quan lại vào cung chúc Tết hoàng đế Việt Nam và tham dự những trò vui diễn ra chốn cung đình.

Năm 1886, tình hình có khác hơn. Để đánh tan dư luận là vua Đồng Khánh đang bị cầm tù, tướng Pháp Prudhomme, chỉ huy quân Pháp tại Trung kỳ, đã đề nghị (hay cưỡng bách cũng thế) nhà vua tuần hành trên đường phố Huế vào dịp Tết để thần dân nhìn thấy ông vẫn còn đủ tự do. Sáng ngày 30 Tết, tức 3/2/1886, bảy phát đại bác nổ vang, báo hiệu ngày Tết Nguyên Đán đã gần kề. Không như những ngày Tết khác, ngày mồng một Tết năm Bính Tuất dành để vua Đồng Khánh tiếp tướng Prudhomme, các sĩ quan và viên chức Pháp thuộc tòa Khâm sứ Huế.

Sáng hôm đó, binh lính Việt xếp thành hàng rào danh dự trên sân điện, bên trong, các quan đứng ở giữa thềm điện theo thứ bậc cửu phẩm, bên trái họ là ban nhạc cung đình, bên phải họ là đội kèn đồng của Pháp. Khi tướng Prudhomme cùng đoàn tùy tùng vừa đến, quan Kinh lược Nguyễn Hữu Độ (3) cùng hai quan Thượng thư đã thân hành ra đón và hướng dẫn họ vào điện Thái Hòa, nơi vua Đồng Khánh đang chờ họ. Hôm ấy, nhà vua ngồi trên ngai vàng, mặc hoàng bào bằng lụa màu vàng, thêu những sợi chỉ bằng vàng, đội một chiếc mũ dát châu ngọc.

Khi tướng Prudhomme bước vào điện, vua Đồng Khánh từ trên ngai vàng bước xuống tương kiến, rồi quay lên để nghe những lời chúc tụng của quan chức Pháp. Sau khi quỳ lạy ba lần, cha Hoàng, thông ngôn của nhà vua, bắt đầu dịch bài diễn văn của Prudhomme. Bài diễn văn kết thúc, vua Đồng Khánh đứng lên và chậm rãi đáp từ, cũng qua phần thông dịch của cha Hoàng.

Buổi lễ kết thúc với phần công bố ban thưởng huân chương cho các viên chức chỉ huy quân sự và dân sự của Pháp. Tướng Prudhomme nói lời cảm tạ và lui gót với sự đưa tiễn của Kinh lược sứ Nguyễn Hữu Độ và hai vị thượng thư. Sau khi họ về đến Bộ chỉ huy chưa được bao lâu, người của triều đình đã đưa huân chương đến với những nghi thức thật long trọng. Đó là những mề-đay vàng nhiều hạng bậc, trao ngay cho người được ban thưởng.

Hai giờ rưỡi chiều ngày mồng Một Tết, tướng Prudhomme cùng bộ chỉ huy quân sự của ông ta và các viên chức hành chánh của Pháp hộ tống vua Đồng Khánh thực hiện cuộc diễu hành trên các đường phố Huế. Nhà vua ngồi trên một chiếc kiệu sơn son thếp vàng không che phủ để cho mọi người dân nhìn thấy long nhan. Đội thị vệ trong cung và các toán lính Pháp dẫn đầu và đoạn hậu xa giá của nhà vua, theo sau là đội tượng binh, các hoàng thân trong triều, các quan thượng thư và nhiều quan lại khác.


Khi đoàn xa giá đi qua kinh thành và khu Đông Ba, đàn sáo nổi lên inh ỏi. Tất cả các ngôi chùa ở Huế đều treo đèn và cờ quạt. Ở mỗi hộ gia đình, bàn thờ gia tiên được trang trí hoa và đèn nến, giấy vàng bạc sáng rực cạnh những chiếc lư hương đồng. Trên con đường nhà vua đi qua, dân chúng quỳ, cúi rạp người xuống đất, rồi đứng lên, bày tỏ niềm vui bằng cách reo hò trong tiếng nổ vang của pháo.


Khi xa giá đến trước bộ chỉ huy quân sự của Pháp, vua Đồng Khánh bước xuống kiệu, cùng với các đoàn tùy tùng cả hai phía Việt và Pháp dùng một bữa ăn nhẹ mà tướng Prudhomme đã chuẩn bị để mừng ông. Tiếng kèn đồng vang lên chào mừng sự hiện diện của nhà vua cùng các quan lại Việt. Sau bữa ăn, đoàn xa giá xếp lại đội ngũ, các binh sĩ bắn một loạt súng dài. Vua Đồng Khánh lên kiệu quay về cung, cũng theo một cung cách như lúc ra đi (4).

Chiều tối hôm đó, nhà vua cho tổ chức một bữa tiệc lớn để chiêu đãi tướng Prudhomme, quyền Tổng trú sứ Hector cùng các sĩ quan, viên chức Pháp. Bữa ăn được phục vụ theo kiểu Tây trong âm thanh của dàn nhạc cung đình. Đêm vui mùng một Tết kết thúc bằng màn bắn pháo hoa sáng rực cả bầu trời.

Tết năm Bính Tuất, chuyến đi qua các đường phố cho người dân xem mặt của vua Đồng Khánh là một sự kiện bất thường chưa từng có. Nó gây nên một tiếng vang lớn, vừa để công chúng biết rằng nhà vua vẫn còn đủ tự do, không bị Pháp cầm tù, vừa để phá vỡ một định kiến lâu đời trong chế độ quân chủ tách biệt đấng cửu trùng với thần dân, xem như vua chúa là một huyền thoại không thể tiếp cận được. Nó chứng tỏ cho mọi người thấy rằng vị hoàng đế Việt Nam thực tâm muốn hiện đại hóa cung cách hoạt động của mình cho phù hợp với nền văn minh Âu Tây.

Việc nhà vua tới thăm bộ chỉ huy quân sự của Pháp nói lên sự tôn trọng của ông đối với nước Pháp và sự thuận tình hoàn toàn của ông với người đại diện của nước Pháp tại Việt Nam. Tất nhiên, những gì diễn ra trong ngày Tết năm ấy xuất phát từ bàn tay đạo diễn của viên tướng Pháp Prudhomme (5), vua Đồng Khánh và triều đình Huế chỉ là những “diễn viên” gạo cội của màn kịch do Prudhomme dàn dựng.

Song thâm ý của viên tướng Pháp không dừng lại ở đó. Ông ta muốn tạo nên vầng hào quang chung quanh vua Đồng Khánh để làm phai mờ đi hình ảnh của vua Hàm Nghi, người đã ban bố hịch Cần vương, kích thích lòng ái quốc của sĩ dân cả nước, đe dọa mưu đồ của thực dân Pháp muốn thuộc địa hóa trên thực tế toàn cõi Việt Nam.

Cũng trong những ngày tết năm đó, một số quan binh theo phò vua Hàm Nghi được Phụ chánh Tôn Thất Thuyết sai về Huế dán ở nhiều nơi, kể cả trên tường của tòa Khâm sứ, các bản hiệu triệu của vua Hàm Nghi loan báo rằng quân Pháp đã bị đẩy lùi khỏi Trung kỳ và phải chạy ra biển (6).

Mối lo của Prudhomme không phải là không có cơ sở. Ngay khi vua Đồng Khánh mới lên ngôi, các nhóm nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của nhiều sĩ phu, thậm chí của một số quan lại triều đình, đã nổi dậy ở nhiều nơi, gây cho Pháp và bộ máy cai trị của triều đình những tổn thất đáng kể.

Tại Quảng Nam, Chánh sứ Sơn phòng Trần Văn Dư được các thân hào cử làm Thủ hội (thủ lãnh nghĩa hội), tấn công và chiếm giữ tỉnh thành. Tại Hà Tĩnh, con nguyên Bố chánh Lê Kiên là Lê Ninh lãnh đạo nghĩa quân chiếm thành, sát hại Bố chánh Lê Đại, bắt giữ Án sát Trịnh Văn Bưu (ông này sau đó phát bệnh mất), các quan phủ huyện bỏ thành chạy hết.

Cả tỉnh Hà Tĩnh đều khởi binh ứng tiếp nhau khiến quân Pháp phải vất vả đánh dẹp, ổn định lại tình hình. Tại Phú Yên, nghĩa quân chiếm giữ tỉnh thành, bắt giam Bố chánh Phạm Như Xương, Án sát và Lãnh binh bỏ trốn được. Tại Nghệ An, Đốc học Nguyễn Xuân Ôn và Chánh sứ Sơn phòng Lê Doãn Nhã cầm đầu cuộc nổi dậy, song sớm bị quân Pháp đánh dẹp.

Ngày rằm tháng giêng năm Bính Tuất, một nhân vật mới chuẩn bị xuất hiện trong bộ máy thuộc địa của Pháp tại Việt Nam. Đó là Paul Bert, người quen cũ của học giả Trương Vĩnh Ký. Ông ta xuống tàu ở Marseille ngày 14/2/1886 và đặt chân lên Hà Nội ngày 8 tháng Tư cùng năm.

Một kế hoạch tiếp cận và lèo lái vua Đồng Khánh được vạch ra, Pétrus Ký trở thành người tiếp tay cho Paul Bert trong kế hoạch này. Năm Bính Tuất là thời khoảng nhiều biến động trong triều vua Đồng Khánh cũng như của xã hội Việt Nam. Cũng từ năm ấy, cuộc đời học giả họ Trương rẽ sang một bước ngoặt mới, để rồi hơn 10 năm sau, ông đã cay đắng điểm lại đời mình:

Cuốn sổ bình sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai

(Tuyệt mệnh thi)

Chú thích:
  1) Là con trai Kiên Thái vương Hồng Cai (em trai vua Tự Đức), tên Ưng Đường (hoặc Ưng Kỳ), sinh năm 1864, được vua Tự Đức đưa vào cung làm con nuôi, cho học tại Chánh Mông đường nên thường được gọi là ông hoàng Chánh Mông.
 2) Ch. Gosselin – L’empire d’Annam – sđd – tr. 243
 3) Cha vợ vua Đồng Khánh
 4) Ch. Gosselin – L’empire d’Annam – sđd – tr. 245
 5) Sau này viết sách với bút danh Général X. 6) Ch. Gosselin – L’empire d’Annam – sđd – tr. 246

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights