Xuân và tuổi thơ

by Tim Bui
Xuân và tuổi thơ

THU TUYẾT

Từ độ Xuân về bên cửa ngõ, lũ trẻ con náo nức xúng xính trong bộ đồ mới không chỉ thơm mùi vải mà dường như có cả mùi thơm của mồ hôi và mặn nước mắt mẹ. Con đường làng rợp bóng tre già, tíu tít trẻ con và người lớn rạng rỡ nụ cười với áo đỏ, dù xanh… Qua khung cửa sổ, những chồi non mượt mà của hàng sầu đông khẽ lay trước gió. Không gian được phủ một lớp màu rực rỡ của hoa Xuân cây cỏ, tô điểm cho ngày hội lớn ở chốn bình yên. Lòng Đan mâu thuẫn một cảm giác buồn vui giữa cái đến và đi như một quy luật của cuộc đời. 

Nhớ lại buổi trưa hôm ấy, Đan đợi mẹ về trong tâm trạng hồi hộp lẫn mừng vui. Gần như một thông lệ, cứ vào phiên chợ đầu của tháng cuối năm, chị em Đan luôn được mẹ mua cho áo mới. Đằng sau luỹ tre, bóng mẹ ngắn hơn và tiến dần vào cửa với hai tay nặng trĩu giỏ đầy. Vây quanh mẹ, chị em Đan lấy từng món đồ được sắp gọn gàng ra khỏi giỏ. Và đây rồi, quà Tết của Đan. 

Chạy vội vào trong, Đan thử nó – chiếc áo đầm màu thiên thanh có thêu những bông hoa trắng nhỏ quanh cổ, tay và dọc theo hai hàng nút. Đan ngắm mình trong gương, mắt long lanh, má ửng hồng hơn. Đan thấy mình rất lạ. Mẹ bảo: “Ra đây mẹ xem”. Đan nhẹ nhàng bước đến như một người mẫu đang trên sàn diễn. “Ồ! đẹp lắm. Con gái mẹ lớn rồi” Mẹ nói. Đan sung sướng nhưng lòng nặng trĩu, bởi những gì chị em Đan có được hôm nay là bao muộn phiền gian khổ mà ba mẹ đã trải qua để vun vén cho các con!


Mặt trời thả hơi vào chốn bình yên của một làng quê miền Trung nam bộ với cái nắng Xuân dù nhạt cũng đủ làm ấm không gian. Những thửa ruộng vừa gặt xong để lại gốc rạ còn vương mùi lúa chín… Ba chị em Đan tung tăng trên bờ đê mùa khô nước, băng qua cánh đồng còn rải rác vài thửa ruộng chưa gặt, trĩu nặng lúa vàng. Đan nhớ lời mẹ dạy: “Lúa càng chín đẹp, càng cúi đầu. Điều đó nói lên sự khiêm tốn”. Sau này Đan mới hiểu sâu hơn câu nói ấy.

Con đường này Đan vẫn đi lại mỗi lần vào sáng đầu năm để đến chúc tết bà. Nhưng hôm nay, bầu trời nắng đẹp, mây xanh hơn và gió cũng thơm hơn. Cái nắng nhạt Xuân làm hồng thêm đôi má và chút mặn mồ hôi như một thứ gia vị làm tăng sức sống trong Đan. Tất cả là một bức hoạ Xuân trên cánh đồng khô phủ ánh vàng. 

Chị em Đan đến nhà bà. Sân đầy hương sắc. Hoa cúc, hoa mai, hoa vạn thọ… cùng lũ bướm lả lơi với đám chích choè ríu rít khúc nhạc Xuân chào mừng khách đến. Bà của Đan đã 80 mươi, lưng còng tóc bạc. Bà ôm hôn Đan và nói khẽ: “Con không còn trẻ con. Hãy tập suy nghĩ và ứng xử người lớn hơn.” Và Đan vẫn được mừng tuổi như mọi năm. 

Ra về, nắng đã lên cao. Hàng cây sầu đông trơ trọi giữa cánh đồng vắng, rưng rưng nhớ bác nông dân và con trâu già đã phải nghỉ Xuân để lại bóng mát ven đường lặng lẽ. Lặng lẽ ngắm Xuân và cũng lặng lẽ chiêm nghiệm lại cuộc đời của loài thực vật. Đan dừng lại dưới bóng râm lưa thưa nắng vì sự cằn cỗi của lá cành. Sầu đông ơi! Có gì không để nhắn lại cho đời? 

Chiều Xuân, họ kéo nhau ra biển. Sóng vẫn thầm thì lời yêu thương nhân thế. Sóng nhớ Xuân chiều như nhớ một thói quen đã được định hình từ muôn kiếp xa xôi. “Sóng bao nhiêu tuổi?” Đan tự hỏi và nhìn những bọt trắng lăn tăn xô dạt vào bờ rồi vỡ tan trên nền cát như tan một kiếp người. Đan đi dọc theo bờ sóng và ngắm nhìn đường viền tím nhạt pha chút xám xanh của chân trời chặn đứng cái mênh mông của biển cả. 

Đan nghĩ về cuộc đời ở tuổi mười lăm, về những điều bà dạy. Đan nhớ mẹ với cuộc sống tần tảo gió sương, nhớ cả những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng gầy phơi mình trong cái nắng cháy rực của mùa Hè mà bốn mươi năm qua đi, Đan mới thấm thía nỗi lòng của mẹ cho con. Đan nhớ những tiếng nổ đì đùng lúc xa lúc gần trong nỗi thảng thốt không chỉ của dân làng mà cả từng nhánh cây ngọn cỏ. 

Ôi! chiến tranh là gì trong tâm trí non nớt của một cô gái vừa chớm biết suy tư? Rồi tiếng khóc của bác và anh chị họ Đan khi xe chở chiếc quan tài về con đường làng rợp bóng mà lẽ ra phải đón sự bình yên của một làng quê thanh khiết. Cánh đồng lúa nõn nà vẫn thường là cứu cánh cho dân làng khi trận chiến xảy ra. Đan bị ám ảnh bởi những khổ đau và tang tóc. 

Đan ngước nhìn bầu trời qua đám mây vàng nhạt. Dường như nhìn thấy ông nội, anh họ Đan cùng bao người khác đã ra đi ở một nơi nào đó ngoài chiến trường. Dường như họ đang mỉm cười và muốn nói với Đan rằng: “Sự bình yên ở ngay trong mỗi chúng ta”. Nhưng bình yên sẽ đến khi không còn những chiếc xe tang dọc theo con đường lộ để đến bến bờ sau cuối. Đan còn quá nhỏ, chưa đủ để hiểu được tận cùng nỗi đau do những mất mát của chiến tranh. 

Ngoài kia biển ngã màu xám đục. Chân trời đã mất hút vào khoảng không vô tận. Một ngày Xuân đã trôi qua…

Tiếng hót líu lo của những chú chìa vôi trên lùm tre đầu ngõ làm Đan thức giấc. Xuân vẫn còn trên mọi nẻo đường thôn xóm, trong từng ngóc ngách của mái nhà, hàng tre, bờ dậu… Những bông hoa tím trải nhẹ bờ rào nhà hàng xóm vẫn duyên dáng mặn mà làm Đan say đắm. Sau này Đan vẫn bắt gặp chúng đó đây trong suốt chiều dài cuộc sống, nhưng cái cảm giác rộn ràng Xuân của thuở ấy không còn nữa. 

Giọt nắng đầu ngày xuyên qua ô cửa hôn nhẹ lên má Đan. Một chút xao xuyến của tuổi ngà trước vô vàn hương sắc. Đan nghĩ về ngày mai như một mảng màu sáng của cuộc đời. Đan vẽ thêm màu lạ làm nét chấm phá và tô đậm đám mây như một cái chắn mặt trời làm dịu mát trần gian. Một bức tranh hoàn thiện, nhưng cuộc đời không là tranh! 

Mùi thịt nướng đã cắt ngang dòng suy nghĩ trong Đan. Đó là món ăn Đan thích nhất. Năm nào cũng vậy, nó không thể thiếu trong mâm cơm cúng ông bà ba ngày Tết. Bây giờ điều kiện đủ đầy, Đan có thể cho gia vị nhiều hơn, thịt tươi ngon hơn và mọi thứ theo đúng sách vở cùng với kinh nghiệm mẹ dạy; nhưng không sao tìm được hương vị ngày nào!

Phải chăng, tâm hồn Đan không còn tinh khiết sau những sóng gió cuộc đời, làm mất đi cảm nhận hương vị mặn mà đậm tình gia đình và dân tộc! Phải chăng, khi vật chất khá lên thì mối gắn kết giữa các thành viên trong gia đình bắt đầu lỏng lẻo! Mỗi cá nhân bận rộn hơn, tính toán và thực dụng hơn. Sự phát triển của khoa học công nghệ, của xã hội nói chung… đã làm thay đổi mọi thứ. Chúng ta tiếp nhận cái hay và ngay cả những điều không phù hợp. Đó là nỗi ray rứt không chỉ của riêng ai. 

Đan xuống nhà cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn và không bao giờ quên được những bữa cơm đầu năm. Đấy là lúc gia đình quây quần cùng nhau đầy đủ nhất và chỉ được nói những điều tốt lành để mong được may mắn cho cả năm. Hình ảnh này nằm sâu trong ký ức và nó mãi theo Đan cho đến cuối đời. Bây giờ ba Đan không còn nữa, mẹ Đan cũng đã ra đi, chỉ còn lại trong ký ức Đan một ngày xuân lắm.

Hôm nay, trong không khí rộn ràng của những ngày cuối năm, Sài Gòn đầy khói bụi. Trời nắng gắt. Những chồi non không xanh nhạt mượt mà như quê nhà xưa đó. Chẳng có áo đỏ, dù xanh mộc mạc của dân làng trên con đường rợp bóng tre già. Không có nụ cười rạng rỡ của lũ trẻ con đón Tết. Và sau hết là cái hồn quê ấm áp, chúng đã quá xa! Bà của Đan cũng không còn để dõi theo bước chân Đan, có những lúc phải khập khiễng trên đường đời. 

Đan vẫn mãi lang thang đi tìm chính mình trên con đường viền màu tím của chân trời!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights