Giải!

by Tim Bui
CHỮ & NGHĨA - “Rợ” hay “chợ” mấy nhà?

HAI DỐT

Giải trong tiếng Việt có khá nhiều nghĩa.

Giải là chữ Hán với nghĩa thường dùng là gỡ ra, tháo ra, làm cho thoát ra, dây buộc ngang bụng, được…

Giải còn có nghĩa là con cua. Trong cung hoàng đạo có cung “cự giải” với dấu hiệu hình con cua. Mà cua thì luôn bò ngang nên dân ta mới có câu tục ngữ “ngang như cua”!

Với người Việt ở sau vĩ tuyến 17, từ sau năm 1975, mọi người đều kinh hoàng khi nghe tới những chữ “giải phóng”, “giải tỏa”, “giải phóng mặt bằng”…

Cái món giải phóng thì cả miền Nam được “hưởng” rồi. Giải phóng nếu viết bằng tiếng ngoại quốc thì luôn có nghĩa là sự tự do, dù là tiếng Pháp hay tiếng Anh. Ngày xưa, xứ Huê Kỳ đã “giải phóng nô lệ” sau một cuộc chiến tranh đẫm máu. Sau đó, người nô lệ được tự do nghĩa là chế độ nô lệ bị xóa bỏ. Cũng đồng nghĩa như vậy, người Việt ở sau vĩ tuyến 17, vùng đất của chế độ tự do, được giải phóng đồng nghĩa với “không còn tự do nữa”. Và hàng triệu người đã phải rời bỏ quê hương sống lưu vong ở xứ người sau khi “được giải phóng”! Nếu kể thêm thì hàng trăm ngàn người bị tù đày, chết bị vùi không chiếc chiếu bó thây cũng vì “giải phóng”!

Người Việt trong nước ngày nay cũng xanh mặt khi nghe tới chữ “giải tỏa”, “giải phóng mặt bằng”. Bởi mấy chữ này không thật sự là làm cho tự do, mà luôn đồng nghĩa với sự mất nhà cửa, mất mồ mả ông bà, mất nơi cư trú bao đời; có khi còn có nghĩa là mất tất cả! Đang có nhà cửa đàng hoàng bỗng dưng thành homeless. Đang có đất đai do tổ tiên để lại thì bỗng dưng mất hết đất đai!

Tại sao ư? Xin mọi người ngó về Sài Gòn, ngó về Thủ Thiêm thì thấy liền. Một vùng đất cửa ngõ của Sài Gòn từ mấy trăm năm qua, dân chúng ở đây dù nghèo nhưng sống yên lành. Họ cần cù làm lụng kiếm miếng ăn không quấy rầy gì ai, không phá bỉnh ai. Đột nhiên, họ bị “giải tỏa” rồi bị mất nhà cửa, sống lang thang. Họ kêu ca, thưa kiện mấy chục năm ròng mà… chưa có kết quả! Không chỉ có người sống. Người chết cũng bị “giải tỏa”! Mồ mả chôn cất nhiều đời tưởng yên lành với sự chăm sóc, thăm viếng của con cháu, bỗng dưng bị giải tỏa! Rồi chùa chiền, đình miếu, tu viện xây dựng từ hơn 100 năm cũng bị “giải tỏa” nhắm tới!. 

Thấy mà không sợ sao được?

Hai năm gần đây, người Việt lại táng đởm kinh tâm vì hai chữ “giải cứu”. Hai chữ nầy nghe qua thì rất “nhơn dăn”, hào hiệp, nhưng khi coi kỹ cách thực hiện mới kinh hoàng!

Ở Việt Nam vừa diễn ra phiên tòa “chuyến bay giải cứu”. Đây là phiên tòa có đông bị cáo nhất xứ nầy lần đầu được thấy. Ra tòa mà đông còn hơn đi hội họp! Và cũng là phiên tòa “giải cứu” cho khá nhiều bị cáo.

“Chuyến bay giải cứu” là những chuyến bay rước người Việt “bị kẹt” ở ngoại quốc trong mùa dịch Covid 19 đang hoành hành, tất cả sự di chuyển từ nơi này sang nơi khác đều bị ngưng lại, thậm chí ở Việt Nam khi ấy, dân chúng còn bị cấm ra đường. Tất cả các hoạt động thường lệ của con người trong xã hội đều bị ngưng trệ. Chính quyền Việt Nam có chủ trương “chuyến bay giải cứu” người Việt “bị kẹt” là một chủ trương quá hay! Chủ trương này được giao cho 5 bộ là Giao thông, Công an, Y tế, Ngoại giao và Quốc phòng thực hiện. Chủ trương này do cơ quan Nhà nước thực hiện và người “được giải cứu” chỉ trả tiền máy bay!

Thế nhưng chủ trương rất “nhân văn” (chữ của nhiều tờ báo trong nước khi ấy viết) đã bị cán bộ có chức có quyền thuộc 5 bộ trách nhiệm vụ này bóp méo và biến thành cơ hội “kiếm tiền”.

Thay vì Bộ ngoại giao lập danh sách những người cần về nước; Bộ giao thông cử E Việt Nam sang rước về, Bộ y tế và Quốc phòng phối hợp cùng các địa phương cho cách ly ngăn dịch lây lan theo quy định, Bộ Công an bảo vệ an ninh; thì quan chức Việt Nam đã biến chủ trương nầy công việc của tư nhân! 

Nghĩa là các Đại sứ, Lãnh sự quán ở nước ngoài lập danh sách người muốn về nước; Bộ công an kiểm tra. Bộ giao thông giao thay vì “phải tổ chức các chuyến bay” lại giao cho các công ty tư nhân thực hiện! Mà các công ty muốn tổ chức bay suôn sẻ thì phải “xin phép”. Muốn được cấp phép đúng hạn thì phải “lòi tiền”.  Không có không được nha! Quan chức Việt Nam giỏi cái trò cấp giấy phép lắm.  Ở các nước, muốn thực hiện chuyện gì đó, người ta xin phép và sau khi có giấy phép rồi mới bắt tay vào thực hiện những mục cần thiết. Còn ở xứ Chiều Nay thì ngược lại. Các anh chị cứ bắt tay vô làm đi rồi xin và được cấp giấy phép sau! Chính vì vậy mà…

Song dư luận thế giới đang cười ruồi vụ xử án này. Bởi tòa án không chỉ xử một số người “có tội” và giải cứu một số người “có tội”!

Tỉ dụ như ăn hối lộ ngập mặt như Phạm Trung Kiên, mà nộp lại tiền hối lộ gọi là “khắc phục” thì được giảm án từ tử hình xuống chung thân! Sao lạ vậy? Tiền hối lộ phải bị tịch thu và phạt thêm chớ? Còn đại tội bóp cổ doanh nghiệp để hối lộ thì phải xử cho ra ngô ra khoai. Có đâu nuốt không trôi rồi ói ra chút ít thì gọi là “khắc phục” rồi giảm tội hay nhẹ tội?

Tòa án cũng “giải cứu” nhiều nhân vật không có mặt tại phiên tòa. Đó là những người đã chủ trương không tới nơi tới chốn cái chủ trương nhơn dăn này. Đó là những người đã để cho cấp dưới thoải mái đè đầu bóp cổ dân chúng, doanh nghiệp trong cơn hoạn nạn. Tỉ dụ Bộ ngoại giao từ Thứ trưởng đến Đại sứ, Lãnh sự, tham tán, nhân viên…ra tòa nhưng Bộ trưởng thì “vô tội”?

Tòa chỉ xử từ Thứ trưởng, Phó giám đốc, thư ký…trở xuống. Còn mấy vị tai to mặt lớn thì…cũng là một cách giải cứu!

Rồi hàng chục ngàn người phải “mua vé giải cứu” với giá trên trời thì sao? Không thấy ai nói tới. Bà con sống ở Hoa Kỳ không ít người có thân nhân bị bóp cổ để giải cứu. Có người ở Texas đã phải bỏ ra gần 10.000 đô cho một chuyến bay từ Hoa Kỳ về Việt Nam, số tiền có thể bay hai vòng bằng vé VIP trong thời bình thường.

Quả là tòa án xứ Chiều Nay!

Ôi giải!!!

Haizzza!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights