Hồi ký của “vua vọng cổ” Viễn Châu – kỳ 2

by Tim Bui
Vua Vọng Cổ Viễn Châu

THANH HIỆP

Kho báu đầu đời 

Tôi ôm xấp kịch bản của chuyến đi, lật từng trang bản thảo được gạch nhịp chính xác mỗi câu xuống xề, xuống hò. Những ghi chú cẩn thận của anh Năm là cả một kho báu mà tôi là kẻ đang muốn tìm chiếc chìa khóa để mở ra, vơ vét cho thỏa lòng ham thích. 

Trong tuồng Hoa rơi cửa Phật (anh Tư Trang- Trần Hữu Trang viết dựa theo Tác phẩm Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan, sau này là Lan và Điệp) lúc Lan xuống tóc đi tu, ca bài Tứ đại oán, anh Năm đề nghị: “Tía nó nhấn đúng chữ và tôi chỉ muốn nghe mỗi tiếng đờn tranh của tía nó ở lớp tuồng này”. Mà thiệt. Lớp diễn hiệu quả vô cùng. Sau này tôi mới hiểu, tiếng đờn tranh vốn mỏng manh, thể hiện sự ngây thơ qua tiếng ngân réo rắc. Nó chất chứa nỗi oan tình của Lan mà nếu để tiếng đờn bầu thì trật lất, vì cô Lan 17 tuổi chứ không phải là một phụ nữ trung niên, đã từng trải.

Trở lại chuyện anh Sáu bắt tôi về Trà Vinh. Tôi theo anh tôi vào buồng dọn đồ. Ảnh nói đã phải tá túc nhà người quen ở Sài Gòn mấy ngày để dò hỏi coi tôi đang ở đâu. Biết được tôi theo gánh hát vừa về Sài Gòn, ảnh lập tức tới kiếm. Tôi hỏi nhỏ: “Cha mẹ kêu tôi về hay là tự ý của anh?”. Anh Sáu tôi trợn mắt: “Chú về đi rồi biết”. Tôi gom đồ và mấy anh em hậu đài phụ tôi tháo mùng, xếp mền, gối. Anh Sáu tôi khoát tay: “Để lại cho mấy anh em ở đoàn xài đi, đem về chỉ thêm nặng”. Tôi cố gượng cười với mấy anh em hậu đài, rồi móc ít tiền đưa anh em uống cà phê. Thấy tôi tay xách cây đờn tranh, tay xách một vali nặng chịch, anh tôi quát tháo: “Chú mang cái giống gì về nhà mà nặng dữ?”. Tôi giận không thèm trả lời, cúi đầu đi ra xe. 

Ngày tôi lên Sài Gòn chỉ có bộ quần áo dính da, một đôi dép và cây đờn. Nay tôi về cũng vậy nhưng có thêm một gia tài là những kịch bản mà anh Năm cho tôi và cây đờn tranh chở nặng nỗi lòng của một chàng trai Đôn Châu có máu phiêu lưu, viễn xứ.

Bước chân vào nhà tôi sợ ánh mắt của cha tôi. Mẹ tôi thì khóc ôm tôi mà rày: “Sao bây đi mà không xin phép cha, cha giận”. Tôi khoanh tay quỳ xuống: “Thưa cha mẹ, con sai rồi”. Cha tôi định rầy điều gì đó nhưng thấy mẹ tôi khóc quá ông bỏ vô trong buồng. Mấy chị tôi lôi tôi đi chỗ khác. Chị Năm tôi cười: “Ê, tao nghe tên của bây trên radio nè. Con Lài, con Hậu ở xóm trên tối nào cũng nghe, hễ nhắc đến tên bây nó cười đỏ mặt”. À, thì ra mấy em gái ở trong làng vẫn còn nhớ đến Bảy Bá.

Tôi hồi trẻ bảnh lắm, mà cũng chảnh không kém gì mấy chàng tuổi teen ngày nay. Đi ngang mấy cô chỉ gật đầu chào rồi đi tuốt, không có chuyện tán tỉnh, rầy rà, vậy mà mấy cô mê như điếu đổ. Cô nào được Bảy tôi nói một câu thì mừng cả đêm không ngủ được. Còn hễ tôi đờn ở đám tiệc nào thì mấy cô cũng giả bộ đến phụ để nghe tôi đờn rồi lân la hỏi chuyện. Khổ nỗi mấy đám ăn mừng trong làng, riêng tôi lúc nào cũng được dọn phần ăn ngon nhất. 

Nghe chị Năm nói vậy nhưng tôi cũng chỉ cười cười rồi hỏi: “Cha mẹ ở nhà mạnh hả chị? Em thấy cha ốm, bộ cha bỏ ăn?”. “Hỏng có, mấy bữa nay trời lạnh, cha nhức mình”. Buổi cơm chiều hôm đó diễn ra trong một không gian nặng nề. Các anh chị tôi cố nói chuyện đồng áng, làng xóm để xua đi không khí nặng trĩu. Còn tôi thì cúi đầu ăn cho lẹ mà cổ họng đắng nghét nuốt cơm hỏng muốn trôi. Tôi nghĩ nếu giờ này mà ở ngoài rạp thì đang cùng mấy anh em hậu đài đi tìm cái gì đó bỏ bụng. Ăn cơm do bà tổng hậu nấu hoài cũng ngán, lội bộ ra phố ăn hủ tíu mì của mấy chú Tiều 2 xu ngon hết xẩy. Đột nhiên cha tôi lên tiếng: “Bây theo gánh hát người ta đối đãi có đàng hoàng không?”. Tôi đang nuốt miếng gà kho sả ớt, cố nuốt cho nhanh nên trợn con mắt, các chị tôi cười. Lúc đó tôi đã thưa hết mọi chuyện, chẳng những cha tôi không rầy chuyện bỏ nhà đi, mà còn kêu tôi đờn một vài bản cho ông nghe coi tôi đã học được thứ gì mà quên cha, bỏ mẹ đi bụi đời mấy tháng. 

Đó là lần đầu trong đời và là lần duy nhất tôi đờn cho cha mẹ tôi nghe. Tối đó, như thường lệ, mẹ tôi ngồi ngoài sân dưới ánh trăng sáng mà chải tóc. Mẹ tôi không có xài đầu tóc mượn, bà để tóc dài và cuộn tròn từng lọn, rồi thoa dầu dừa bóng láng. Tối bà ngồi chải tóc cho mấy chị tôi, rồi mới chải tóc cho bà. Tôi ngồi trong hàng ba ngó ra khoảng sân rộng, nghe tiếng cười nói của các chị và lời cắt nghĩa thô sơ, mộc mạc nhưng thắm đượm nghĩa tình của mẹ tôi. Hình ảnh gia đình tôi thanh bình, yên ả lắm. Chị Năm tôi vào lấy trầu cho mẹ, đi từ đằng sau đến khều tôi: “Chú đi xa, đêm nào mẹ cũng ra đây ngồi tới khuya mới chịu vô ngủ, cha hỏi thì mẹ nói đợi chú về”. Tôi khóc. Tôi biết lỗi của mình đã làm cho mẹ phải buồn vì thương nhớ. Mà bà luôn sống nội tâm, không dám thốt lên lời vì cha tôi là Hương quản [cảnh sát], cái tính nghiêm nghị của ông làm cho mẹ tôi càng buồn thêm, nên mỗi lần nhớ tới con, bà chỉ để cho ánh trăng hiểu được. Có ai đó hỏi thì bà nói trỏng [nói không cần người nghe]: “Bảy nó đi năm ba bữa, nửa tháng rồi về mà”. Tôi hiểu rồi, đó là lý do tại sao anh Sáu tôi lên Sài Gòn kêu tôi về gấp. Mẹ đã không thể chịu đựng miết nỗi lo vắng con, mà miệng thì phải cười tươi như không có chuyện gì xảy ra. Hình ảnh và tâm tư của mẹ tôi ngồi chờ con về trong đêm, tôi đã đưa vào bài ca cổ “Mẹ vẫn đợi con về”, sau này NSND Ngọc Giàu ca đúng đã diễn đạt tâm trạng của tôi ngày đó.

Thỉnh thoảng Ngọc Giàu hay ghé thăm tôi, có lần trong cuộc nói chuyện vô tình nhắc đến mẹ, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi thấy cô Ngọc Giàu xúc động và nói: ”Còn có mẹ thì đời con sướng biết mấy”. Câu nói của cô khiến tôi không khỏi giựt mình và nghĩ về mẹ mình.

Lúc còn ấu thơ, mẹ ở ngay bên cạnh, ngày ngày tôi được mẹ chăm sóc cho dù tôi đã có nhiều chị gái. Mẹ lo cho tôi từng bữa ăn, nhắc tôi uống nước nhiều, vì có khi mê đờn mà quên khát. Mỗi khi mệt mỏi, nếu có thể thì tôi sẽ tự pha cho mình một ly nước chanh nhưng những khi mệt lả thì có mẹ đem tới bàn học một ly nước chanh nóng. Có lẽ vì những điều đó quá quen thuộc mà tôi không thấy có gì đặc biệt nhưng khi xa mẹ rồi mới thấm thía những gì mà mình đã mất. Tôi nói với Ngọc Giàu, có những thứ rất nhỏ nhưng đối với rất nhiều người, trong đó có tôi, nó là cả một vùng trời hạnh phúc.

Và rồi Ngọc Giàu kể khi mẹ qua đời cô nhận ra một thông điệp: Cuộc đời này chúng ta được gặp cha mẹ bao nhiêu lần? Đây là câu hỏi tôi vẫn thường nói với các con mình. Cuộc sống vốn dĩ là khó khăn, chúng ta vì mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc, như bản thân tôi phải xa quê hương để lập nghiệp, mà quên mất cha mẹ ở quê nhà từng ngày ngóng trông tôi trở về… Loạn lạc chiến tranh, thời đó thư từ, điện tín khó khăn lắm, mong tin chỉ để biết con mình đang khỏe mạnh.

Tôi khoái cái triết lý “ba xu” của Ngọc Giàu, cô này hay tự trào, hài hước nhưng bên trong mỗi câu nói chứa đựng sự đúc kết tuyệt vời đối với cuộc đời. Cô nói có người vì mải mê tìm kiếm hạnh phúc của bản thân mà đi suốt năm, mười năm mới về thăm cha mẹ mình. “Vậy cả cuộc đời họ được gặp cha mẹ mình bao nhiêu giờ hả Bảy?”

Câu hỏi làm tôi nhói đau, bởi tôi bôn ba xa xứ, vô tâm không để ý đến sự ngóng trông của cha mẹ. Tôi tự hỏi chúng ta sống để làm gì khi chưa tròn chữ hiếu?

Thế giới đã có hơn 7 tỷ người và chúng ta sinh ra đã không được quyền lựa chọn. Vậy phải chăng có một mối liên kết đặc biệt nào đó ở tiền kiếp mà chúng ta mới là con của cha mẹ? Ngọc Giàu lại dúi sâu cây kim vào trái tim tôi.

Ngày về quê thọ tang mẹ, tôi đã bật khóc trước quan tài: “Con xin lỗi mẹ”. Không biết mẹ tôi có nghe thấy không mà suốt buổi chiều hôm đó, một con bướm cứ đậu bên giàn bông bụp, nơi mà mỗi đêm trăng sáng mẹ tôi thường ngồi sàng gạo. 

Nhớ hồi xưa, mỗi khi thấy cha tôi chắc lưỡi thất vọng điều gì, mẹ tôi vẫn nói một câu mà bà đã từng nghe ai đó nói mỗi khi cùng chị em bạn đi chợ tỉnh. “Hãy sống trong hạnh phúc dù cuộc đời không như mơ”. 

Đó là lúc khó khăn của gia đình tôi, mẹ tôi may mắn khi được sinh ra trong gia đình gia giáo, ông bà ngoại và các dì cậu đều đứng trên đôi chân của mình để đi. Không dựa dẫm vào bất kỳ ai. Do đó bài học nghĩa nhân mà mẹ tôi dạy cho chị em tôi chính là khi không may đôi chân phải nặng nề trên con đường đang bước thì chớ vội nản lòng, cằn nhằn bởi đằng sau ta còn rất rất nhiều người đang khao khát được bước đi như các con.

Mẹ tôi đuổi ngay ý nghĩ nếu cảm thấy đời mình bị mất mát bởi kiếp trước mình làm điều ác. Với bà ý nghĩa kiếp người chỉ nên tính hiện tại, hãy biết ơn cuộc sống vì có nhiều người đã không được sống hết tuổi trẻ của mình để có những trải nghiệm như chúng ta. Ngọc Giàu đồng cảm với tôi về điều này, cô nói mẹ của cô cũng khuyên đừng bao giờ nghĩ rằng con kém may mắn trong cuộc đời. Còn cha của cô – ông Phong Đáp – một danh gia vọng tộc triều Nguyễn, thất lạc vào Nam, lái xe hủ lô nuôi đàn con nheo nhóc đã dạy Ngọc Giàu hãy biết trân trọng từng phút giây khi được sinh ra trên cuộc đời. Và cả đất nước Việt Nam trong giới nghệ thuật cải lương chỉ có một Ngọc Giàu mà thôi.

Khi trò chuyện về những ngang trái, uẩn khúc của nghề hát, không chỉ riêng Ngọc Giàu mà với nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp, tôi vẫn thường lấy lời khuyên của mẹ tôi, mà nói với họ. Nếu cảm thấy mình là nạn nhân của những người có tính cay nghiệt, dốt nát, nhỏ nhen, nghi kỵ thì hãy nhớ rằng việc đời có khi còn tệ hại hơn thế rất nhiều. Chỉ có thế giới màn nhung mới bộc lộ hết tất cả như gương mặt của cuộc đời. Cho nên cuộc sống là động nhưng để lòng nghệ sĩ không dao động khó lắm.

Tôi nhớ anh Năm Châu khi còn đi chung gánh hát, mỗi sáng mai thức giấc việc đầu tiên anh gặp các công nhân sân khấu nở một nụ cười thật tươi như trả lại cho cuộc đời những duyên may mà anh được sinh ra và gặp họ. Anh Năm Châu nói với tôi, có được đôi chân vững chãi để đi, có được một đôi tay lành lặn để ôm những yêu thương thì phải biết nâng niu đôi mắt sáng của mỗi tâm hồn, nó giúp ta nhìn ngắm thế giới xung quanh, cho ta thêm niềm tin và nghị lực trên mỗi chặng đường. Và dù mình hạnh phúc hay đối mặt với hoàn cảnh nào. Hãy biết nâng niu và trân quý từng phút giây.

Bởi vậy, có lần Ngọc Giàu châm điếu thuốc, rít một hơi rồi cười nói với tôi: “Bảy biết hông, có những điều hết sức nghịch lý trong cái giới nghệ sĩ. Ông bầu nào cũng đều muốn gánh hát của mình mỗi khi mở màn đầy ắp khán giả. Nhưng tận trong trái tim của người nghệ sĩ, con vẫn yêu cái rạp dù ít người coi vẫn im thinh hòa điệu cùng lời ca, tiếng hát của con. Còn hơn là đầy ắp mà cứ như một cái chợ, rộ lên những tiếng cười lạc điệu, vô duyên”.

Tôi lại chợt nghĩ đến lời anh Ba Vân nói, cuộc sống đôi khi cũng cần phải có những khoảng lặng. Giữa dòng đời xô bồ, đôi lúc người nghệ sĩ lao mình theo danh vọng, không dành cho mình một chút thời gian để sống chậm, ngoái lại những gì đã qua. 

Trong nghề hát cái khoảng lặng đó quan trọng lắm, nó giúp người nghệ sĩ nhận ra nhiều điều mà bình thường không thể thấy. Tĩnh lặng để lắng nghe tâm hồn mình có cảm xúc với lời ca, với sáng tạo của người soạn giả. Tĩnh lặng để suy xét về được mất mà giữ mình. Tĩnh lặng để cảm nhận những điều còn thiếu sót, để điều chỉnh mà bước tới. Với tôi những khoảng lặng làm cho nghệ sĩ với nghệ sĩ xích lại gần nhau hơn. Một anh kép có khi ganh ghét cô đào, hoặc ngược lại, thì khoảng lặng giúp cho con người thật của họ nhận ra lỗi lầm, nhận ra những điều mà mình làm chưa đúng và sửa chữa. Tôi chứng kiến rất nhiều những mối thâm thù truyền kiếp trong giới sân khấu nhưng rồi nhờ những khoảng lặng mà họ xóa bỏ hết mặc cảm, tự ti và vượt qua để hóa giải một cách êm đẹp.

Hay như trong tình yêu, đôi lúc cũng cần phải có khoảng lặng để hai con tim có thể suy xét, nhìn nhận về nhau. Tôi là người được các cô đào đeo đuổi. Không phải tự hào mà nói như vậy, bởi tôi nhỏ nhẹ, nói năng chừng mực, dễ chiếm cảm tình các cô. Nhưng rồi nếu bị các cô sở hữu thì tôi không phải là tôi nữa. Nhớ hoài một cô đào chánh trứ danh thời đó, biết tôi đang là cây bút trẻ được anh Năm Châu tín nhiệm, nếu viết tuồng “đo ni đóng giày” để cô đóng vai chính, thì chắc chắn cô sẽ nổi tiếng như diều gặp gió. Vậy là tối trăng thanh gió mát, cô vén mùng chui vô nằm kế tôi. Thời đó đi theo gánh hát, các nhạc công thường có một bên cánh gà để giăng mùng ngủ trên những chiếc đệm [chiếu đương bằng cây bàng sống trong vùng nước phèn, mặn]. Tôi thường nằm một góc gần những hàng tủ hóa trang của đào kép. Tôi đang mơ màng thả hồn vào giấc điệp, thì một bàn tay choàng qua bụng tôi, hơi thở thì thào bên tai: “Em yêu anh Bảy”. Ba hồn chín vía tôi đạp tung cô nàng lăn ra khỏi mùng. Sau này nghĩ lại tôi thấy mình thô bạo. Mà cũng thông cảm cho tôi. Hễ không rung động trái tim tôi được thì nhục dục chỉ là lưỡi cày lỡ đụng đất gò, con trâu càng kéo nó càng trì lại. Một soạn giả khi đã dính phải mối tình với cô đào, dù là chánh hay phụ thì chỉ biết ăn no rồi “cày”, trả nợ tình duyên không thoát ra được chủ đề “viết cho vợ mình hát”. 

Và khoảng lặng không thể tồn tại mãi trong ta được. Người nghệ sĩ lại trở về với nhịp sống, lại tiếp tục bon chen giữa cái dòng đời xô bồ để tìm danh tiếng, tiền tài. Nhưng từ những trang bản thảo của tôi, khoảng lặng đã có cái nhìn khác, giúp cho tâm hồn tôi luôn thanh thản, viết để nhắn nhủ với người nghệ sĩ hãy biết quý trọng những khoảng lặng để thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights