Thư viết tay, email và cell phone

by Tim Bui
Thư viết tay, email và cell phone

YẾN TUYẾT

Bạn biết rồi, trong thời buổi này, khi mà máy vi tính làm cho người ta bị lệ thuộc vào việc liên lạc bằng email, hay dùng cell phone để text thì hiếm có người còn cầm cây bút, kiên nhẫn viết thư trên giấy để gửi cho nhau.

Nhắc đến việc này làm tôi thương nhớ cô bạn cũ thời học báo chí Vạn Hạnh, từng sống ở miền Đông nước Mỹ, vẫn thường hay gửi cho tôi những lá thư dài viết tay khiến tôi cảm động.

Buồn thay, cô ấy đã qua đời cách đây 4 năm, và từ dạo ấy, tôi chẳng còn nhận được một lá thư viết tay nào của ai nữa cả.

Không biết bạn nghĩ sao chứ khi nhận được một lá thư viết tay, tôi cảm thấy sự gần gũi và thân tình giữa người với người, trong khi đó những lá thư điện tử mang vẻ máy móc quá, lạnh lùng quá, dù nội dung của nó có như thế nào đi nữa.

Hiểu như thế, nhưng riêng tôi cũng bị vướng vào sinh hoạt nói trên một cách tệ hại, khi chỉ còn dùng cây bút để ký trả bills và viết vài hàng chữ ngắn ngủi trong mấy tấm thiệp chúc mừng sinh nhật, đám cưới, đám tang… mà thôi bạn ạ.

Tôi không biết bao giờ mình sẽ còn viết được một lá thư viết tay cho ra hồn nữa cả! 

Dĩ nhiên, dù có bị xem là không tình cảm khi phần lớn chỉ sử dụng email, hay gởi text để liên lạc với bạn bè và người thân, tôi bào chữa một cách yếu ớt là mình sẽ phải tiếp tục các phương tiện này vì nó phù hợp với đời sống của mình và theo đúng “thời trang của nhân loại” đang sống trong thế kỷ thứ 21 này! 

Nói thật với bạn là tôi cũng đau lòng ghê lắm khi nhìn những hàng chữ viết, bây giờ như “mèo cào” của mình, dù trước kia ở trung học, tôi từng được thầy giáo chọn để viết bài học trên bảng đen cho các bạn học trong lớp chép lại vì nét chữ rõ ràng.

Thật uổng bao công lao dạy dỗ của các vị thầy, cô giáo thời tiểu học trong môn tập viết, gò học trò từng những nét chữ viết đậm, nhạt, ngay ngắn, tròn trịa của 24 chữ cái!

Tôi rất muốn nhắc nhở và khuyến khích những ai còn thích viết hay nhận các lá thư viết tay nên giữ gìn và tiếp tục thói quen này, bởi vì những lá thư viết tay bao giờ cũng dễ thương và người ta muốn cất giữ hơn là những emails.

Tôi nhớ những lá thư tình ở Việt Nam, từng được những người yêu nhau viết trên những tờ giấy pelure mỏng, đôi khi nắn nót bằng mực tím. Chữ viết của người con gái mềm mại và nắn nót, trải đầy những lời yêu thương, nhung nhớ, nũng nịu trên những lá thư gửi cho người yêu ở mặt trận hay ở một nơi nào đó trong thành phố. Đôi khi, có những đoạn nhòe đi vì nước mắt do những chia ly và trái ngang. Còn chữ viết của người đàn ông thì mạnh mẽ và bay bướm, gói ghém những lời hứa hẹn, vỗ về và bao bọc của tình yêu.

Ôi đẹp quá những lá thư tình viết tay của quá khứ!

Nói qua chuyện email thì cho dù bây giờ có Twitter, Tiktok, Instagram nhưng email vẫn còn được sử dụng nhiều trong các công, tư sở hay giữa những cá nhân khi cần gửi đi tin tức cho một nhóm mấy chục người.

Email nối không gian giữa những quốc gia lại gần với nhau vì gửi thư đi từ bên này bờ đại dương, thì nhận được thư hồi âm từ phía biển bên kia ngay, đôi khi chỉ vài phút hay vài tiếng đồng hồ sau mà thôi phải không bạn? Nhờ vậy mà bạn bè, người thân ở năm châu, bốn bể biết được tin tức của nhau, thăm hỏi nhau thường xuyên hơn là phải chờ những lá thư viết tay được gửi qua đường bưu điện.

Email cũng được sử dụng khi người xếp muốn gửi nhanh một thông tin hay trao đổi ý kiến với nhiều nhân viên dưới quyền. Cũng nhờ email, những tin tức của thế giới tự do đến với người dân của thế giới cộng sản như Việt Nam và khiến cho họ không còn bị bưng bít, bị dối lừa như người dân sống ở miền Bắc trong thời gian chiến tranh đã từng gặp phải.

Việc vợ chồng, con cái, người quen, người yêu, khách hàng… đều có thể dùng computer hay laptops viết email thăm hỏi nhau  từ các văn phòng của sở làm, từ các quán cà phê, từ trên máy bay, ngay cả từ giường ngủ… cho thấy là email thông dụng trong đời sống của con người ở thế kỷ 21 đến là chừng nào!

Thế giới điện ảnh Hollywood cũng cho ra đời phim “You got mails” với hai tài tử Tom Hanks va Mac Ryan, mang môt câu chuyện tình dễ thương giữa hai người không quen biết, gửi email cho nhau và gặp mặt nhau mỗi ngày, mà không hề biết đó là người mình gửi và nhận thư.

Thế nhưng, dù thuận tiện như thế nhưng nhiều người dùng email đã có kinh nghiệm bị “tổ trác.”

Một số người đánh sẵn địa chỉ email của nhóm người mình hay liên lạc và giữ sẵn trong hộp thư của mình. Khi muốn gửi cho nhóm này chỉ việc bấm một cái vào hộp thư là cái nhóm địa chỉ đó hiện ra. Hoặc ngược lại, đôi khi nhận được email gửi chung cho nhóm đó gồm cả cá nhân người nhận. Người này chỉ muốn trả lời cho người gửi email mà thôi, để có ý kiến riêng giữa hai người với nhau -có thể là chỉ trích người thứ ba, thế nhưng bấm lộn nút “reply all” (trả lời cho tất cả), thế là bí mật bị “bật mí” cho cả nước biết ngoài ý muốn.

Sự bất cẩn này có thể đưa đến việc mất tình bạn và công ăn việc làm như chơi!

Tôi cho rằng email cũng có thể gây ra sự hiểu lầm vì đó chỉ là những lời nhắn tin ngắn, không nói lên được hết ý của người gửi.

Người ta giận hờn nhau sau khi nhận được email là chuyện rất thường. Nhất là hồi xưa, khoảng 15 năm trước đây, khi chưa có font chữ tiếng Việt nên phải viết tiếng Việt mà không bỏ dấu, vừa đọc, vừa đoán thật là đau khổ và dễ hiểu sai ý nhau.

Kể từ khi font chữ Việt được thành lập, lúc đầu phải tốn tiền để mua một bộ chữ VNI  lắp ráp vào máy computer mới đánh được tiếng Việt, nhưng sau đó bộ chữ Unikey ra đời và người ta có thể download miễn phí để sử dụng, từ đó sự liên lạc bằng email phát triển rộng lớn với tốc độ nhanh khủng khiếp trong cộng đồng Việt Nam trên thế giới.

Gần đây, emails của mấy đứa cháu tôi thuộc thế hệ thứ hai từ trong nước gửi ra có lối đánh vần kỳ lạ, chẳng hạn như họ luôn đánh vần chữ quá là “wá”, trong khi 24 chữ cái của tiếng việt không có mẫu tự W. Rồi nữa, họ viết  “rồi” là “rùi” ; thay vì “tán qua, tán lại”, họ viết “tám qua, tám lại”… v.v…

Có lẽ một ngày nào đó, người trong nước và người Việt hải ngoại sẽ đi đến tình trạng bất đồng ngôn ngữ thì thật là buồn!

Với tôi, hạnh phúc nhất là khi viết và nhận được email của những người bạn, hay đồng nghiệp cùng thế hệ với mình và được rèn luyện từ môi trường giáo dục trước 1975.

Chữ Việt được sử dụng với sự trân trọng, chọn lọc, trau chuốt, gãy gọn… khiến mình đọc tới đâu, hiểu và cảm tới đó, khiến mình tiếp tục hãnh diện và yêu tiếng Việt của mình mãi mãi, vì nó đẹp quá, tuyệt vời quá.

Dù sao đi nữa, cũng cảm ơn những phát minh khoa học làm cho có những người bắt đầu già, hay đang già như tôi và một số độc giả, nhờ biết sử dụng computer, đã và đang có thể gửi và nhận emails cho đỡ buồn.

Và chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ được những thay đổi chớp nhoáng của đời sống qua emails.

Bên cạnh việc dùng email qua computer hay laptop, cái cellphone còn thông dụng vô cùng ở mọi lúc và mọi nơi trên thế giới. Nó vừa là phương tiện, vừa là một nhu cầu và cũng vừa là một thời trang cho mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp.

Nhiều người còn nói rằng nhờ nó mà chúng ta có thể nắm cả thế giới trong bàn tay của mình cũng không phải là quá đáng.

Thế nhưng, cái gì cũng có mặt phải và mặt trái, mặt tốt và mặt xấu của nó.

Cell phone ngày nay không chỉ là cái điện thoại mà nó con bao gồm không biết thông tin, hình ảnh cần thiết trong sinh hoạt của con người hàng ngày. Nó giúp chúng ta hiểu xa, biết rộng hơn, nhưng cùng lúc, nó đem đến cho con người bao nhiêu điều xấu khác qua những website không lành mạnh, hay những tin tức không được kiểm chứng từ mạng lưới thông tin rộng lớn.

Giống như số đông những người đang sống ở thế kỷ thứ 21 này, tôi cũng có một cái cell phone vì sự tiện dụng của nó. Dĩ nhiên, tôi thích cell phone vì bây giờ càng ngày cell phone càng có thêm nhiều công dụng, nào là chụp hình, tìm đường đi, tìm nhà hàng, cơ sở thương mại. Có thắc mắc gì bất cứ đang ở đâu và giờ nào, bấm hỏi Google là có câu trả lời ngay, chẳng cần phải mở tự điển ra tra cứu.

Con cái đau, ống nước bể, mất chìa khóa, tìm người giữ trẻ, chúng ta đều có thể dùng cell phone để tìm hay gọi người khác đến giúp. Khi hư xe hay đau ốm bất tử, thay vì email bạn có thể gửi text báo tin cho bà sếp xin nghỉ việc.

Rồi nữa, đang đi shopping hay phải ở lại sở làm họp trễ, người ta có thể text hay gọi về nhà nhắc con (hay chồng) nấu giùm nồi cơm.

Nói đến chuyện tìm bạn, chị em vì lạc nhau ở trong shopping thì người Việt Nam mình rất thoải mái khi gọi nhau ơi ới bằng tiếng Việt ở nhiều nơi mua sắm vì có lẽ nghĩ rằng người Mỹ không hiểu tiếng Việt cho nên “không sao đâu!”

Khi đang ngồi chờ ai bất cứ ở đâu, thí dụ như ở phi trường, cái cell phone có thể giúp chúng ta không nhàm chán vì nào là text cho bạn hay người yêu, chồng vợ, coi phim, nghe nhạc…; hay ôm nó bên tai để nói chuyện với một người nào đó cả giờ đồng hồ cũng được.

Bây giờ những cú điện thoại long distance được các hãng điện thoại cho dùng thả dàn nên mọi người, không phân biệt phái nam hay phái nữ, đều trở nên “nhiều chuyện” hơn.

Có lẽ vì lý do đó mà tôi ghi nhận những điều bất lợi của cell phone.

Thí dụ như tôi vẫn thường là nạn nhân khi phải nghe những chuyện trên trời, dưới đất của nhiều người quen và không quen.

Việc phải bị bất đắc dĩ nghe chuyện riêng tư của họ khi đang đứng chờ ở những quầy trả tiền, hay nơi công cộng khác là chuyện cơm bữa. 

Sau những năm tháng có cellphone, đi đâu bây giờ không có cell phone là cảm như mất tất cả và đâm ra lo sợ đủ thứ.

Tuy vậy, tôi vẫn cho mình là một người còn rất nhà quê và không được thông minh cho lắm trong việc dùng cellphone mặc dù tôi đang sử dụng một cái Smartphone của Apple!

Tôi nghĩ rằng bạn sẽ đồng ý về việc nhóm người trẻ thuộc thế hệ con, cháu chúng ta sử dụng cái cell phone một cách quá ư là rành rẽ.

Nếu người già như tôi mà bị trở ngại gì khi sử dụng cellphone là tụi nó giúp mình giải quyết cái một.

Khi đi đến tiệm ăn, vừa ngồi xuống, tôi đều thấy những thành viên trong gia đình của nhiều nhóm khách ngồi bàn gần đó, thường móc cell phone của mình ra bỏ cái cụp xuống bàn và bắt đầu nhìn xuống mấy cái thỏi hình chữ nhật có nhiều ô và hình trên đó.

Text của ai gửi hiện ra là họ trả lời ngay tức khắc.Còn chuyện trò với cha mẹ, vợ chồng hay anh em ngồi cùng bàn ăn là chuyện phụ.

Hỏi con cái ý kiến về vụ texting, tụi nó bảo tụi con thích gửi và nhân text vì nhanh hơn và đôi lúc con có thể vừa làm việc vừa trả lời text, chứ còn dùng điện thoại để nói chuyện mất thì giờ lắm.

Nếu quan sát mấy người trẻ dùng cell phone để text, họ chỉ cần dùng hai ngón tay cái là đánh máy thoăn thoắt khi texting. Trong khi người già dùng mấy ngón tay bấm mà còn quờ quạng.

Khi còn đi làm, buổi chiều đi vào bãi đậu xe, tôi ghi nhận việc đầu tiên của các tài xế còn trẻ trước khi rồ máy xe là bấm cell phone để gọi hay text cho ai đó.

Và cứ như thế, một đoàn xe rời bãi đậu xe với những người tài xế lái xe một tay, còn tay kia thì ôm cái cellphone!
Tuy việc sử dụng cellphone đã có mặt trong đời sống hàng bao nhiêu năm trời rồi nhưng rất nhiều tài xế vẫn chưa, hay không, muốn mua Bluetooth đeo lên lỗ tai để rảnh hai tay, chú ý đến việc cầm tay lái.

Nếu đang đi trên đường mà bạn thấy cái xe đằng trước xiên qua, xẹo lại hay đi với tốc độ rất chậm thì khi sang lane, bạn nhìn thấy người tài xế của chiếc xe ấy đang chìm đắm với câu chuyện vui, buồn nào đó của họ qua cái cellphone.

Còn nếu bạn thấy đoàn xe đã di chuyển nhưng xe người đàng trước thì cứ ì ra, bạn có thể đoán biết tài xế đó đang texting.

Khi đang chờ đèn đỏ, nếu nhìn vào kính chiếu hậu, bạn có thể thấy đầu của người lái xe đằng sau gật lên, gật xuống lia lịa là vì họ đang text.

Thống kê về tai nạn xe hơi cho biết là nguyên nhân dẫn đến những vụ đụng xe vì dùng cell phone để nói chuyện hay text khi đang lái, cũng cao bằng với lý do say rượu mà lái xe.

Nghe thấy mà ớn vì hàng ngày, chắc bạn cũng như tôi, chứng kiến không biết bao nhiêu người vừa lái xe vừa nói cell phone hay texting!

Với sự cạnh tranh của những công ty điện thoại, ngày nay, giá một cái cell phone cũng vừa túi tiền nên ai cũng có cell phone từ người homeless cho đến tỷ phú. Có cell phone giá vài chục đồng nhưng cũng có cell phone nghe nói có nạm kim cương, giá vài chục ngàn mỹ kim.

Có một kỷ niệm khá vui về cell phone là hồi tôi còn làm cố vấn Medicare, khi gọi cho một khách hàng cao niên phái nam, có khi tôi đau khổ bị nghe đoạn nhạc ấm ớ qua câu nhắn như “lâu lâu lâu người ta mới gọi một lần.”

Hoăc một lần nọ, sau khi nhận điện thoại của ông khách tôi gọi lại và phải nghe một lời thu sẵn như sau: “Đây là điện thoại dành cho mấy em nhí, không phải cho mấy bà già!”

Nhờ lời nhắn đó nên ông khách này đã không nhận được sự cố vấn Medicare của tôi vì tôi thuộc diện “bà già!”

Dù rất thương nhớ thư viết tay, nhưng email và cell phone đang là những điều gắn liền với đời sống. Đành phải yêu chúng thôi!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights