Lại… động!

by Tim Bui
CHỮ & NGHĨA - “Rợ” hay “chợ” mấy nhà?

HAI DỐT

Đừng đánh rắn động cỏ!

Khi nhắc nhở ai về chuyện phải giữ “bí mật” trước khi hành động, câu nói này thường xuất hiện. Và không biết từ khi nào, câu nói kỳ lạ trên xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông, nhất là phim ảnh, ở Việt Nam. 

Nói kỳ lạ bởi vì nó… kỳ lạ!

Trong câu nói trên, rắn là chủ thể. Rắn không thường ở trong cỏ, nên nếu đánh rắn thì mắc gì tới cỏ? Nếu rắn ở trong cỏ thì đánh rắn cách nào mà không động cỏ?

Câu nói kỳ lạ ở chỗ đó.

Và kỳ lạ hơn là tại sao lại đánh rắn? 

Rắn là độc vật nhưng không phải là thú dữ. Thú dữ thường chỉ tấn công người khi đói. Bình thường thú dữ sống lẩn lút nơi xa người cư ngụ và thường tránh khi thấy con người.

Hai tui chỉ thấy “người ăn thịt người” nhiều hơn thú dữ ăn thịt người! Rắn không tấn công người trừ trường hợp nó bị tấn công. Thông thường, rắn thấy người là bỏ chạy. Nhiều người sợ rắn nên cũng thường “đập” chết chứ không đánh. Người ta thường đánh lộn, đánh nhau, đánh banh, đánh đòn, đánh đu…chớ không ai đánh rắn! Mà đâu phải lúc nào, khi nào cũng có rắn để đánh hay đập! Vả lại làm sao lại thấy rắn trong cỏ mà “đánh”?

Vì sao có câu nói kỳ lạ trên?

Trong 36 kế của Tôn Tử, “đả thảo kinh xà” là kế thứ 13, nghĩa là đánh/đập cỏ làm cho rắn sợ, miêu tả một hành động không kín kẽ cẩn mật, để cho đối thủ phòng bị. Nó cũng có nghĩa là hành động hấp tấp, khiến địch thủ cảnh giác từ đó làm hư việc lớn.

Lại có câu chuyện bên Tàu được truyền tụng lại:

Thời Nam Đường, có một Huyện lệnh tên Vương Lỗ, chức quan tuy không cao nhưng lại một tay che trời vì vua ở xa, lại có những kẻ học theo ông ta nên chúng liên hợp lại giúp nhau che dấu. Trong thời gian làm quan ông ta đã làm trăm họ lầm than, cuối cùng họ đã liên hợp lại kiện người coi giữ sổ sách. Điều này cũng đã làm cho Vương Lỗ sợ hãi vì tên giữ sổ sách mà bị toi thì ông ta cũng chết.

Vì vậy ông ta mới phê rằng: “Nhữ tuy đả thảo, ngô cũng kinh xà” nghĩa là các ngươi tuy kiện người coi giữ sổ sách rồi, ta cũng đã thấy thái độ nghiêm trọng rồi, cũng như giống khi động cỏ sẽ làm kinh động đến rắn vậy. 


Về sau mọi người thấy chuyện này có ý nghĩa nên hợp “đả thảo” và “kinh xà” thành một câu thành ngữ, dùng để ví tới việc khi phát hiện ra sự việc gì thì chớ có nên làm kinh động đến nhân vật chính.

Trong dân gian có câu “đả thảo kinh xà” có thực tế khác.

Ngày xưa, đường xá là đường đất lục cục lòn hòn, cỏ mọc lan ra đường. Hay trong vườn, sân nhà có nhiều cỏ dại. Rắn thường làm hang, làm ổ dưới đất nhất là trong những đám cỏ dày. Nếu con người đi đứng đạp nhằm rắn, hay ổ rắn rất có thể bị rắn cắn. Nếu rắn thường cắn thì bị đau nhức còn rắn độc thì ô hô ai tai đi về với ông bà tổ tiên rất lẹ. Bởi vậy, ngày xưa người ta thường có thầy bắt rắn, thuốc trị rắn cắn… Và hồng hoàng hay hùng hoàng thường gọi là lưu huỳnh là một vị thuốc cũng là một loại dược liệu mà rắn rất kỵ. Đây là loại thuốc dễ mua và có trong loại thuốc trị nấm, lác…

Do vậy, khi đi đường hay khi ra vườn, ra sân người ta thường lấy cây gậy đập đập vô các đám cỏ để nếu có rắn thì rắn sợ mà đi chỗ khác chơi. Bởi nếu đi mà đạp nhầm thì rất có thể bị rắn cắn. Vì vậy mới có câu “đả thảo kinh xà.” Câu nói này lần lần được giới chính trị, quân sự sử dụng như một thuật ngữ quân sự áp dụng trong chiến tranh nhất là chiến tranh bí mật. Trong chiến tranh, rắn là đối tượng, là kẻ thù, là đối thủ. Đừng động cỏ tức đừng làm cho kẻ thù biết những hành động sắp diễn ra của phe ta. Có thể hiểu câu nói trên là “đừng động cỏ làm cho đối thủ biết” mà lộ hành động của ta sắp diễn ra.

Còn câu nói “đánh rắn động cỏ” thì không biết ai đó diễn dịch từ đâu? Cũng có rắn, có cỏ nhưng nội dung lại chứa đựng sự “bất thường” không hợp lý như vậy. 

Vị thông thái nào biết xin chỉ giáo!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights