Con tim và cái “Tôi”

by Tim Bui
Con tim và cái “Tôi”

CHU TẤT TIẾN

LGT: Kỳ này chúng tôi hân hạnh gửi đến độc giả một bài viết của Chu Tất Tiến, một người làm thơ, viết văn và làm thơ từ 1968, và là một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng. Tác giả gửi bài này đến cho tòa soạn TYTNT với những lời lẽ rất dễ thương, xin được chia sẻ với bạn đọc, như sau: Chào quý vị, hôm qua, tôi đến thăm người bạn, bà An Nguyễn, Real Estate Broker và được bà tặng tờ Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi số 27. Bà An Nguyễn khen ngợi tờ báo hết lòng. Trân trọng sự giới thiệu của bà, tôi đã đọc và nhận thấy nội dung và sự trình bày của tờ báo, có thể nói, đã vượt qua nhiều tờ Magazines tiếng Việt hiện đang phát hành tại California. Những bài viết đứng đắn phản ánh quan điểm của chủ nhân tờ báo đã làm cho tôi, một người vốn lười đọc Magazines (vì không thấy có điều gì mới lạ) rất cảm mến. Vì thế, tôi gửi tặng quý báo vài bài viết vui như một món quà cho người đồng điệu. Chúc quý báo phát triển mạnh để lưu truyền nền Văn Hóa Việt quý giá cho thế hệ mai sau. Xin trân trọng cảm ơn tác giả Chu Tất Tiến.

Từ thế kỷ thứ 17, Blaise Pascal viết: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu nổi” (Le coeur a ses raisons, que la raison ne connait pas) Câu triết lý này từ đó đã thấm nhập vào suy nghĩ của rất nhiều người, rất nhiều dân tộc, tại rất nhiều nơi.

Nhiều trí thức tôn sùng ý nghĩa của câu này và khi gặp những trường hợp khó xử của trái tim, thì dựa vào triết lý này mà cố giải thích sự việc. Dần dần, ý nghĩa này bị lạm dụng như một tấm bình phong che đậy những hành vi xấu phát sinh từ chủ đề “tôi”, từ “cá nhân chủ nghĩa”, hay nói gọn lại là sự “ích kỷ”, yêu mình hơn yêu người.

Nếu nhìn vào cách chia động từ của mọi dân tộc, Việt, Pháp, Mỹ, Đức, Tàu… đều thấy ngôi thứ nhất, số ít, là Tôi! Tôi trên hết mọi người khác. Tôi ăn, Tôi uống, Tôi yêu, Tôi ngủ… Cũng vì cái Tôi nằm ở vị trí thứ nhất của mọi vấn đề, cho nên, ở môi trường thế giới, chiến tranh đã xảy ra, còn ở môi trường cá nhân thì có giết nhau, hại nhau, lừa gạt nhau, phản bội nhau.

Trong suốt thời gian hiện diện trên trái đất này, đại đại đa số con người đều hành động nhắm vào 1 mục tiêu: Tôi, Tao, C’est Moi. Me, Mine… Với phương diện gia đình thì ly dị, ngoại tình, gạt tiền, gạt tình, thậm chí đến giết nhau chỉ vì cái “Tôi Muốn”, “Tôi Thích” rất to và cái tự ái hay lòng tham cá nhân tràn ngập.

Khi thoạt yêu nhau, thì người ta hạnh phúc lắm vì tưởng là yêu người đối diện, nhưng thật ra là yêu chính mình qua người đối diện. Chàng yêu đôi mắt nàng, không phải vì đôi mắt nàng có gắn kim cương, vàng ròng, mà vì trong mắt nàng, phảng phất hình bóng của chàng. Nàng yêu tiếng cười, tiếng nói, điệu bộ của chàng không chỉ vì “ đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu” mà vì nàng thấy rằng ý tưởng của chàng rất hợp với ý nàng, với cái Tôi của nàng. Nếu các Nàng chỉ yêu các Chàng vì 3 yếu tố “đẹp, giỏi, giàu” thì mấy chàng không đẹp giai, không học giỏi, không phải con nhà giàu suốt đời ế vợ sao? Ngược lại cũng thế, không lẽ tất cả các đám cưới trên thế gian này đều có cô dâu đẹp nghiêng nước, nghiêng thành? Mỗi ngày có hàng triệu triệu đám cưới, và chỉ có một tỷ lệ 1 phần trăm triệu là chú rể có đủ 3 điều kiện kể trên, cũng như chỉ có 1 phần trăm triệu là có cô dâu đẹp dịu dàng bước đến phòng tân hôn.

Thực vậy, thường thường, con người ta yêu nhau chỉ vì nhìn thấy cái “Tôi”, cái “mình” qua cơ thể người đối diện. Đa số đàn ông cưới vợ vì sự hấp dẫn của cơ thể người yêu, hợp với ý thích của mình. Về hình dáng người vợ, có thể cô ấy thấp hoặc cao, chân dài hay chân ngắn, ngực nở hay ngực búp đều là vì trong sâu thẳm tâm hồn của người đàn ông đã có những yếu tố thích hợp với sự thấp hay cao, nở hay búp đó. Có người đàn ông chỉ mê phía hậu của người nữ, vì phía hậu của người nữ giống mình. Cũng có thể vì người đàn ông có bộ mông dẹp nên luôn mặc cảm và nhất định phải lấy cho được người vợ có bộ mông nở nang để làm chủ cái bộ mông ấy cho đỡ mặc cảm! Dĩ nhiên cơ thể gợi cảm thì đàn ông nào cũng thích, nhưng để lấy làm vợ thì còn phải xét lại, vì “vợ đẹp là vợ người ta”, rước cô vợ đẹp não nùng về nhà là rước cả thương đau, không trước thì sau, chưa kể “vợ đã được dao kéo thăm hỏi từ đầu tới ngón chân” thì sẽ gặp nhiều biển cấm: “Stop! Đừng đụng! Hàng chợ đó!” Lúc đó thì chỉ còn nước thở dài và than rằng “thà ôm cây chuối còn sướng hơn”…

Trong tất cả các lời cầu hôn, sau câu: “Anh yêu em!” luôn luôn có câu: “Em có yêu anh không?” Thảng hoặc lắm, mới có câu: “Tôi yêu em mà không cần em yêu Tôi!” Câu này, nếu xảy ra thì chỉ có trong trường hợp cưỡng dâm mà thôi. Mà một khi đã muốn cưỡng dâm người ta, thì đó là vì ý muốn phục vụ cái Tôi của mình quá to, đến nỗi muốn xúc phạm đến người khác, bất chấp kẻ khác đau khổ cùng cực, bất chấp tương lai của người bị cưỡng hiếp sẽ ra sao.

Cũng vì cái Tôi luôn bao trùm mọi yếu tố khác cho nên vợ chồng, các cặp đang yêu nhau mới cãi nhau. “Anh muốn..” khi gặp “Em không muốn” là nổ ra một trận cãi nhau. “Tại sao em lại không thích cái anh thích?”, “Tại sao anh không chiều theo ý em?” Thế là cãi nhau tưởng như muốn cầm súng mà bắn nhau, mặc dù chỉ mấy tiếng đồng hồ trước, còn nói: “Anh không thể sống thiếu em!” Trường hợp các bà vợ sửng cồ với chồng cũng thế, chỉ vì ông chồng không chiều theo cái “Tôi” của bà vợ! Đôi khi chỉ vì bà vợ muốn để cái ghế sa lông chỗ này, ông chồng lại muốn để chỗ kia, thế là cãi nhau đến nỗi đòi ly dị, mặc dù cả hai vợ chồng mới khoác tay nhau đi mua đồ, cười nói vui vẻ!

Các trường hợp ngoại tình, đa hôn… cũng thế. Người ta ngoại tình chỉ vì cái tính ích kỷ của mình. Có người đàn ông chỉ mê nụ cười của phụ nữ, mê tiếng nói dịu dàng, mê thái độ ân cần, thân ái của người khác phải, và tưởng rằng mình yêu người ta chỉ vì người ta đẹp, người ta tốt với mình, nhưng có mấy ai thừa nhận rằng họ mê “thái độ phục tùng” của phái nữ? Một khi mà thấy vợ không phục tùng mình, cứ cãi cọ với mình hoài, thì chán nản, rồi nếu gặp một người nữ khác biết phục tùng, là ngả theo việc ngoại tình liền, rồi tiến tới ly dị, bất chấp con cái và gia đình tan nát trong đau khổ. Nhiều trường hợp các bà vợ khóc kể: “Tôi suốt ngày lo cho chồng con, chẳng biết gì đến thân mình, vậy mà ổng lại bỏ tôi, đi với con kia… Con kia thì có gì quý hơn tôi chứ? Xấu và đen như ma cà rồng! Mũi tẹt, răng hô, gò má cao ngồng, cười thì hở mười cái răng… Chỉ có thằng đui như ổng mới có thể mê nó…”

Các bà vợ ấy không biết rằng, và không bao giờ nghĩ rằng, chỉ tại mình nuôi cái Tôi của mình lấn át cái Tôi của ông chồng, khiến cho chồng phải đi tìm cái chỗ nào đó, bất cần đẹp xấu, miễn là biết nựng nịu cái Tôi của ông chồng mà thôi…

Tại các khu bình dân giáo dục, không thiếu những câu gào thét nghe rợn người: “Mày đi với con đĩ nào? Nó có cái gì khác của bà không? Nếu nó có gấp đôi cái của bà thì mày hẵng đi, còn nếu nó chỉ có như bà thôi, thì mày về đây với bà!” Những người phụ nữ ấy không biết rằng mấy ông chồng ấy trốn vợ để đi chơi bời bậy bạ, vì cái Tôi của chồng bị cái Tôi của vợ đè bẹp phũ phàng, nên phải phản ứng bằng cách đi tìm chỗ cho cái Tôi của họ được chiều đãi mà thôi.

Mà cái Tôi là cái gì? Chính là tính ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, tuy không lộ ra rõ ràng, mà tiềm ẩn trong mọi công việc làm hàng ngày.Ở Mỹ, đa số các trẻ khi lớn đến 18 tuổi thì có thể bỏ gia đình để đi theo người yêu mình, bất chấp sự đau đớn của cha mẹ, bất chấp bao kỷ niệm đẹp mà bố mẹ từng cho mình, cũng chỉ vì tính ích kỷ mà ra.

Như thế, thì thế giới này sẽ ra sao? Thực tế, bên cạnh những gương xấu, gương của sự ích kỷ, của cái Tôi lừng lững, vẫn có những con người nhân hậu, không thích làm cái gì để thỏa mãn cái Tôi của mình mà ngược lại, muốn tiêu diệt cái Tôi của mình đi. Đó là những chiến sĩ anh hùng, hy sinh cứu nước, chẳng kể gì đến cái Tôi của mình mà lo cho cái Tôi của chiến hữu, của đất nước. Đó là những vị tu sĩ hiến thân giúp đời, cứu giúp người đau khổ, người phong cùi, người nghèo khổ. Đó là những người khi biết rằng mình không thể giúp đời một cách trực tiếp thì lại ngồi thiền, và ăn chay trường, cố dẹp cái “Tôi muốn ăn ngon” đi. Bên Công Giáo lại có dòng tu Khổ Hạnh, cho rằng “Cái Tôi là cái đáng ghét”, nên suốt ngày nằm trên vải gai, rồi tự đánh mình bằng roi để diệt cái Tôi khó chịu. Đó là Mẹ Têrêsa Calcutta đã tự diệt cái Tôi của mình mà thương yêu cái Tôi của nhân loại.

Thực tế, trong đời sống bình thường, không cần phải tự hành xác mình, mới có hạnh phúc, mà chỉ cần sống với con tim nguyên thủy, dịu dàng của mình chứa đầy những lời dạy của cha mẹ, thầy cô… khi mình còn nhỏ, và rồi chia xẻ cái Tôi của mình với cái Tôi của người khác là đủ.

Những người vợ bớt mang cái “Tôi quán xuyến gia đình”, “Tôi mang nặng đẻ đau cho ông”, hoặc “Tôi rành hơn ông, ông chẳng biết cái quái gì..” ra để đè cái Tôi của chồng thì chồng sẽ không nghĩ đến việc ngoại tình nữa. Các ông chồng, nếu bớt cái “Tôi thành công”, “Tôi chỉ huy”, “Tôi rành 6 câu vọng cổ hơn bà” ra để nạt vợ, thì vợ sẽ không nghĩ đến việc “ôm Keyboard sang học nhạc sĩ khác”. (Các ông, bà làm việc cộng đồng, nếu bớt cái “Tôi số một”, “Tôi phải làm chủ tịch”, “Tôi liệu việc như thần” thì cộng đồng sẽ êm ả và tiến bộ.) Các cô cậu trẻ mới lấy nhau, nếu bớt cái “Tôi dược sĩ, Tôi kỹ Sư, Tôi Bác Sĩ, Tôi Luật Sư, Tôi chuyên viên…” thì tỷ lệ ly dị nhất định sẽ bớt hẳn.

Dĩ nhiên, cũng đừng nhún nhường thái quá để biến thành… đần! Mỗi con người đều có giá trị khác nhau, mà giá trị của con người không phải ở bằng cấp, ở tài kiếm tiền, ở dung nhan bề ngoài mà chính là cái tâm nguyên thủy, chưa bị bơ, sữa, rượu, cà phê làm loang lổ. Hạnh phúc không ở đâu xa, chỉ cần soi gương nhìn lại Mình thì sẽ thấy ngay, không phải soi gương để đánh phấn, để tỉa râu, hay để nặn mụn, mà để nhìn thấy những nếp nhăn đã bắt đầu thành hình đuôi con mắt và nhận thức rằng “Cuộc đời như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao…” mà cố sống sao cho những ngày còn lại được thanh thản. 

Thế là hạnh phúc! Trái đất yên bình!

___________________________________

LỜI HAY Ý ĐẸP

May be an image of coffee cup

Phải trải qua nhiều biến cố, để biến cố bào mòn hết những gai góc trong lòng, người ta mới bắt đầu sống bình thản được.

Phải đi qua những con đường phố thị tấp nập, mới thấy lòng bình thản khi ngồi nhìn con đường mòn nhỏ chạy quanh đồi.

Phải bao năm bôn ba giữa chốn phù hoa, mới thấy lòng bình thản khi ngồi ăn một đĩa rau rừng.

Phải lắng nghe bao chuyện thị phi của cuộc đời, mới thấy lòng bình thản khi nghe tiếng róc rách của con suối nhỏ trước nhà. 

Phải đi qua những cơn mưa nơi đường trần ướt áo, mới thấy lòng bình thản giữa một ngày mưa mờ núi.… và mới có thì giờ đốt một thỏi trầm, đọc một trang kinh, bình an chọn một hạnh phúc bé nhỏ.

You may also like

Leave a Comment