Nhân sâm – Ginseng root

by Tim Bui
Nhân sâm – Ginseng root

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, L.Ac., Ph.D.

Dẫn nhập

Từ ngàn xưa cho đến nay, củ Nhân sâm – Ginseng root, vẫn được mọi người xem như là một thần dược, một vị thuốc quan trọng không thể thiếu trong các bài thuốc bổ của Đông y. Ngay đến cả người Tây phương ngày xưa cũng đã biết đến, và xếp Nhân sâm vào loại Panax (trong ngôn ngữ Hy lạp, Panax có nghĩa là All healing herb), một loại thuốc trị bách bệnh. Sau này chúng ta thấy, tên khoa học của củ Nhân sâm là Panax Ginseng root cũng vì thế. Nhân sâm nói chung, có nhiều trong thiên nhiên ở miền Bắc Trung hoa, Đại hàn, Nhật bản và các miền đất vùng Bắc Mỹ như Hoa kỳ, Canada. 

Cây Nhân sâm gồm thân, lá và củ (rễ). Nhân sâm mà chúng ta thường thấy ngoài thị trường, chính là phần củ, đó là một loại rễ dài, có hai nhánh phụ, mà thoạt nhìn, chúng ta thấy rất giống với đôi chân của con người, vì thế được gọi là Nhân sâm, thường thì chúng ta gọi tắt là Sâm.

Sâm được xem như là một thần dược vì có khả năng bồi bổ toàn diện, gia tăng sức mạnh của hệ miễn nhiễm, và phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng trong những trường hợp suy nhược tổng trạng sau một thời kỳ bệnh kéo dài, thời kỳ hậu sản, hay hậu giải phẫu. Và đôi khi, Nhân sâm lại có khả năng hồi sinh nữa! 

Trong tủ thuốc Đông dược, có trên 20 loại sâm (Đan sâm, Đảng sâm, Thổ cao ly sâm, Huyền sâm, Sa sâm…), nhưng trong số đó, chỉ có vài loại đích thực là sâm mà thôi.

Một cách tổng quát, có 5 loại Nhân sâm: Nhân sâm Đại hàn,  Nhân sâm Trung quốc, Nhân sâm Nhật bản, Tây dương sâm (Nhân sâm Hoa kỳ – Nhân sâm Canada),  và Nhân sâm Việt Nam còn gọi là Ngọc Linh sâm (1).  Nhân sâm Đại hàn, Nhân sâm Trung quốc và Tây dương sâm, còn gọi là Sâm Hoa kỳ được xem là phổ biến nhất, 3 loại Sâm trên nằm trong phạm vi giới thiệu của bài viết này.

Về đặc tính cũng như cách xử dụng, Nhân sâm Đại hàn và Trung quốc không khác gì nhau, và cả hai có những khác biệt quan trọng khi so với Nhân sâm Hoa Kỳ. Vì thế trong phần kế tiếp, chúng tôi xin trình bày riêng rẽ như sau.

Nhân sâm Đại hàn và Trung quốc

Đặc tính và phân loại
Nhân sâm Đại hàn và Trung quốc là một loại thuốc bổ Khí (Energy), có vị ngọt và hơi đắng, có tính ấm.  Tác dụng tốt vào nhiều cơ quan, nội tạng, nhưng trực tiếp nhất là vào phế (phổi) và tỳ (2).  Nhân sâm Đại hàn – còn gọi là sâm Cao ly có dược tính mạnh nhất, có lẽ do khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, vì thế cũng mắc tiền nhất.  Người ta đã thử đem giống sâm Cao ly đi trồng ở những nơi khác có khí hậu tương tự nhưng vẫn không thể có được giống Sâm tốt như thế. 

Tùy theo cách chế biến, sâm Đại hàn và sâm Trung quốc được chia làm hai loại:  Hồng sâm và Bạch sâm, Bạch sâm cũng khá tốt, nhưng không mạnh bằng Hồng sâm.  

Để có được Hồng sâm, người ta lựa các củ Sâm có trọng lượng từ 30 gr đến 40 gr, bỏ đi các nhánh rễ phụ, rửa sạch rồi chưng cách thủy khoảng 2 giờ đồng hồ, sau đó sấy khô, củ Sâm sẽ trở nên trong suốt và có mầu hồng sẫm.

Những củ sâm không đủ trọng lượng cần thiết, hoặc phẩm chất kém thì được chế thành Bạch sâm. Để có được Bạch sâm, người ta rửa sạch, phơi khô rồi ngâm trong nước sôi vài phút, sau đó tẩm trong nước đường đặc vài phút, rồi sấy khô trong nhiệt độ thấp khoảng 50 – 60 độ, sau đó, sâm sẽ có mầu vàng nhạt, nên gọi là Bạch sâm.   

Thành phần dưỡng chất
Các phân tích trong phòng xét nghiệm cho thấy Nhân sâm có chứa vitamin A, B1, B2, B12, C, E, Niacin, Calcium, chất Sắt, và Phospho. Bên cạnh đó, Nhân sâm còn có Carbohydrate, và Protein. Điều này giải thích vì sao Nhân sâm có khả năng thúc đẩy sự hồi phục các chức năng của cơ thể, có tác dụng chống lão hóa, gia tăng các hoạt động của tế bào, tăng sức đề kháng, và chống nhiễm trùng.

Chỉ định – Indication:
Một cách tổng quát, Nhân sâm có thể được dùng trong những trường hợp sau: 

Hồi phục nguyên khí:  Các trường hợp bệnh nhân bị kiệt sức trầm trọng, với những triệu chứng như: lạnh tứ chi, hơi thở ngắn và yếu, mồ hôi toát ra nhiều, mạch Nhược hay Vi tế (mạch rất nhỏ). Trong trường hợp này, Nhân Sâm có thể được dùng đơn độc, vẫn mang lại kết quả nhanh chóng, nhất là sau khi bệnh nhân bị mất máu nghiêm trọng, bất kể vì một lý do nào. 

Bổ Phế khí, và điều chỉnh Khí:  Bệnh nhân với những triệu chứng khò khè, hơi thở ngắn, thở mệt nhọc, với những biểu hiện của phế khí suy. Đây là những biểu hiện của suyễn, sâm trong trường hợp này sẽ được dùng với các vị thuốc khác để giải quyết các triệu chứng của bệnh suyễn. 

Kiện Tỳ Vị (làm mạnh bộ Tiêu hóa): Khi bệnh nhân có những biểu hiện:  Ăn kém, cảm giác đầy tức ở vùng bụng và ngực, tiêu chẩy mãn tính. Và nặng hơn nữa là sa bao tử, tử cung, hoặc ruột già. 

Sinh thể dịch (body fluid), và kết hợp với các vị thuốc khác trị tiểu đường (chứng tiêu khát). Hoặc những trường hợp khí và thể dịch bị tổn thương do sốt cao và toát mồ hôi nhiều. 

Bồi bổ tâm khí và an thần: Với những triệu chứng hồi hộp, âu lo, khó ngủ, hay quên, cùng với trạng thái bất an do khí huyết suy nhược. 

Nhân sâm Hoa kỳ

Đặc tính và phân loại
Nhân sâm Hoa kỳ, còn có tên tiếng Anh là American Ginseng, Five-fingers hoặc là Five-leafed Ginseng, tên khoa học là Panax Quinquefolius, bắt nguồn từ các quốc gia miền Bắc Mỹ, như Canada, Hoa Kỳ. Vào đầu thế kỷ 19 đã được người bản xứ Mỹ châu (dân da đỏ) xem đó như là một thần dược. Cũng vào thời kỳ này, sâm Hoa kỳ đã được những người thợ bẫy thú rừng, những người buôn bán lông thú, xem đó như một nguồn lợi tức phụ, đem bán qua tận Trung Hoa. Từ đó, chúng ta có tên Tây Dương sâm, hoặc là sâm Hoa Kỳ, đó là tên do người Trung Hoa ngày xưa gọi để phân biệt với Nhân sâm Trung quốc và Nhân sâm Đại hàn.

Sâm Hoa Kỳ thường thấy tại các địa danh như Ontario, British Columbia – Canada, và tại các tiểu bang Pennsylvania, Wisconsin, Minnesota – Hoa Kỳ. Đó là những nơi mà sâm mọc nhiều trong thiên nhiên. Về sau này, Sâm Hoa Kỳ được trồng và khai thác một cách qui mô tại các trang trại tại Wisconsin. Theo sự thẩm định của giới chuyên môn, sâm Hoa Kỳ trồng tại tiểu bang này có phẩm chất cao nhất. Điều này giải thích vì sao mà số lượng sâm trồng tại Wisconsin, nhất là tại Marathon County chiếm đến 95% sản lượng sâm trên toàn quốc Hoa Kỳ (3).

Theo Đông y, sâm Hoa Kỳ có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, tác dụng tốt trên tất cả nội tạng, thúc đẩy các chức năng trở nên mạnh mẽ và hữu hiệu hơn. Nhưng tác dụng trực tiếp nhất là vào phế và tỳ vị. Như vậy, xét về dược tính, sâm Hoa Kỳ và hai loại sâm Đại hàn cũng như Trung quốc rất giống nhau, trừ một điểm khác biệt quan trọng, mà phần lớn những ai là người quen dùng sâm đều biết, đó là sâm Hoa kỳ có tính mát, trong khi hai loại sâm kia có tính ấm. Nhờ có tính mát mà sâm Hoa Kỳ có thể được xử dụng trong nhiều trường hợp bệnh lý, kể cả trường hợp do nội nhiệt – internal heat gây ra, như Tiền mãn kinh – Menopause syndrome …

Đến đây, người viết xin lưu ý: Có một loại dược thảo khác, được gọi là Hồng sâm Hoa Kỳ (Red American Ginseng), nhưng thực chất không phải là sâm. Dược thảo này có tên khoa học là Rumex Hymenosepalus, không thuộc họ Panax, bắt nguồn từ các tiểu bang miền Tây Nam Hoa Kỳ. Các thổ dân da đỏ ngày xưa đã dùng loại dược thảo này để làm thuốc nhuộm, hoặc dùng để trị chứng răng bị lung lay, trị cảm cúm. Sau này các con buôn đã lợi dụng hình dáng của loại rễ này giống sâm, bèn đặt cho nó một cái tên là Hồng sâm Hoa kỳ, để mà gạt gẫm người mua. Trong thực tế đã có nhiều người mua lầm, vì cứ ngỡ là sâm thật. Các cuộc khảo sát cho thấy, loại dược thảo này không có các dược tính của sâm, trái lại còn có rất nhiều chất anthraquinone có tác dụng nhuận trường. Quí vị nào mua lầm loại này, khi uống sẽ dễ dàng bị tiêu chẩy. Xin lưu ý là chúng ta chỉ có một loại sâm Hoa Kỳ mà thôi.

Thành phần dưỡng chất
Theo các phân tích của phòng xét nghiệm, sâm Hoa Kỳ hàm chứa các Vitamin A, B6, C, Polysaccharide và Zinc (Kẽm). Đây cũng là một điểm khác biệt quan trọng giữa sâm HK và hai loại sâm Trung quốc và Đại hàn. Sâm Hoa kỳ có nhiều chất Zinc. Theo các nghiên cứu, có khoảng 1/3 dân số thế giới thiếu chất Zinc (4). 

Chỉ định – Indication
Không khác gì sâm Đại hàn và sâm Trung Quốc, sâm Hoa kỳ có những tác dụng sau: 

1/ Hồi phục nguyên khí
2/ Bổ Phế khí, và điều chỉnh Khí
3/ Kiện Tỳ Vị (làm mạnh bộ Tiêu hóa)
4/ Sinh Thể dịch (body fluid), và kết hợp với các vị thuốc khác trị Tiểu đường.
5/ Bồi bổ Tâm khí và An thần: Các chứng hồi hộp, khó ngủ… 

Và theo các nghiên cứu khoa học gần đây tại Hoa kỳ, sâm Hoa kỳ có những tác dụng sau:
1/ Kích thích tiêu hóa.
2/ Làm chậm lại sự tiến triển của bệnh Alzheimer.
3/ Chống trầm cảm, chống căng thẳng và mệt mỏi.
4/ Kích thích hệ thần kinh trung ương.
5/ Giúp ngủ ngon.
6/ Tăng cường hoạt động tim mạch.
7/ Tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung.
8/ Gia tăng lượng HDL và làm giảm LDL.
9/ Tăng lượng Estrogen ở phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh, chống lại các triệu chứng menopause. (sâm Hoa kỳ rất thích hợp trong các trường hợp này).
10/ Tăng cường hoạt động của hệ nội tiết, tuyến thượng thận và tuyến yên. Tác động này khiến cho sâm Hoa kỳ cũng như các loại sâm khác đều có khả năng tăng cường chức năng sinh lý của phái nam, và chức năng sinh sản của phụ nữ.
11/ Kiểm soát, và điều chỉnh lượng đường trong máu, nhất là với những trường hợp TD loại II.
12/ Chống lão hóa rất mạnh.

Những trường hợp không được dùng sâm – chống chỉ định (contraindication)

Mặc dù được xem là một thần dược, nhưng các loại sâm Hoa kỳ, Đại hàn, Trung quốc… đều có những hạn chế nhất định, không phải lúc nào cũng có lợi cho sức khỏe. Một cách tổng quát, chúng ta tuyệt đối không dùng Sâm khi có những vấn đề sức khỏe sau:

Huyết áp cao, cảm cúm (5), các trường hợp mệt mỏi nhưng không có dấu hiệu khí suy. Bệnh gan mật cấp tính, viêm loét bao tử, giãn phế quản, lao, lượng đường trong máu thấp, và các trường hợp xuất huyết nội cũng như ngoại, tai biến mạch máu não… Phụ nữ thai nghén, hoặc đang cho con bú, trẻ em dưới 15 tuổi, đều không nên dùng sâm.
Thêm một điểm quan trọng nữa cần được lưu ý: Những quí vị nào đang dùng các loại thuốc làm loãng máu, chống đông máu có dược chất waffarin, không nên dùng sâm. Một nghiên cứu gần đây tại Hoa Kỳ cho thấy là sâm làm giảm tác dụng của các loại thuốc này.

Liều xử an toàn

Theo tiêu chuẩn Dược điển, hàm lượng Nhân sâm tiêu chuẩn phải là 40 mg hoạt chất định chuẩn Ginsenosid G115, tương đương 200mg nhân sâm cho một liều xử dụng. Cũng vậy, trong các toa thuốc bổ Đông y, liều lượng Nhân sâm có thể thay đổi từ 2 gr cho đến 9 gr, và khi cần thiết, các thầy thuốc có thể dùng liều cao hơn, tùy theo tình trạng của bệnh nhân (6). 

Các phản ứng phụ của sâm – side effects:

Bấy lâu nay, người xử dụng Đông dược thường có một ngộ nhận đáng tiếc rằng: “Thuốc Bắc hay thuốc Nam đều là dược thảo, luôn luôn an toàn và không hề có một phản ứng phụ nào!”

Ngộ nhận này rất nguy hiểm và trong thực tế, nhiều trường hợp dùng quá liều lượng cho phép, hoặc dùng không đúng trường hợp đã đưa đến những tai hại lâu dài cho sức khỏe, đó là chưa kể đến một số trường hợp đã dẫn đến tử vong. Việc sưu tầm, thu nhặt và xử dụng những bài thuốc được gọi là “gia truyền” chuyền tay nhau, hoặc từ các nguồn thông tin trên internet đã góp phần không ít vào tai họa.

Liều dùng cho phép của Nhân sâm là từ 2 gram cho đến 9 gram. Các hiệu ứng phụ (side effects) khi dùng Nhân sâm quá liều là:  Khó ngủ, buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu, chảy máu cam, huyết áp cao, hồi hộp, môi khô, ăn uống kém, và ở phụ nữ là đau vú. Trầm trọng hơn là có thể dẫn đến chứng động kinh, co giật không tự chủ được. Bên cạnh đó, việc xử dụng Nhân sâm tùy tiện trong những trường hợp bệnh lý được liệt kê trong phần “chống chỉ định” nêu trên, sẽ khiến cho bệnh trạng nẩy sinh thêm nhiều biến chứng nguy kịch.

Nhân đây, chúng tôi xin quí vị lưu ý một điều: Luôn dùng sâm dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc. Không dùng quá liều, và ngưng ngay khi thấy có những phản ứng không tốt nêu trên.

Chú thích:
(1)- Sâm Ngọc Linh của Việt Nam, được phát hiện tại miền núi Ngọc Linh, thuộc vùng Dakto, Komtum – và ở Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam. Đó là một loại sâm quí, có rất nhiều hợp chất saponin, gấp đôi cả sâm Đại hàn, vì thế giá cả trên thị trường còn mắc hơn cả sâm Đại hàn. Hiện nay, loại sâm này đã được khai thác đưa vào xử dụng nhưng chưa được phổ biến nhiều trên thế giới.

(2)- Tỳ: Lá lách – nhưng ở đây, xét về nhiệm vụ của Tỳ theo quan điểm Đông y, Tỳ được xem là một trong các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa. 

(3)- Về phương diện khai thác, sâm Hoa kỳ có hai loại, loại sống trong thiên nhiên, và loại do người trồng trong các điều kiện nhân tạo. Xét về phẩm chất, sâm sống trong thiên nhiên vẫn tốt hơn. Tuy nhiên, phẩm chất của hai loại sâm Hoa kỳ này không chênh lệch nhau là mấy, trong khi đó thì giá cả lại rất khác biệt. Giá sâm thiên nhiên có thể nói là mắc gấp 10 loại sâm do người trồng, và có khi hơn nữa. Thành ra, nếu xét thấy không cần thiết, quí vị cứ dùng sâm trồng vẫn có kết quả tốt như ý muốn.

(4)- Một khi cơ thể thiếu chất Zinc, khả năng hấp thụ và chuyển hóa thực phẩm sẽ bị suy giảm, dễ bị tiêu chẩy, acrodermatitis enteropathica (bệnh Viêm Da ở trẻ em), bệnh Gan – Thận mãn tính, bệnh Tiểu đường, bệnh thiếu máu (sickle-cell disease), Ung bướu ác tính (malignancy) và nhiều bệnh mãn tính khác.

(5)- Dùng sâm khi đang bị cảm cúm, sẽ khiến cho tình trạng trầm trọng thêm. Vì sâm sẽ khiến cho virus cảm cúm mạnh mẽ hơn.(6)- Trên thị trường có nhiều dược phẩm chế biến từ Sâm như: Sâm lát, Sâm bột, Sâm ngâm rượu, Sâm viên capsule. Trên nguyên tắc thì tất cả các loại sản phẩm Sâm đều tốt. Nhưng người viết vẫn khuyến khích Quí vị dùng loại Sâm cắt lát, nấu kỹ trong nước sôi, trước khi uống, vì hai lý do sau: a/ Chúng ta sẽ yên tâm đó là Sâm nguyên chất, và không phải bận tâm về qui trình chế biến có bảo đảm được các tiêu chuẩn an toàn về vệ sinh cũng như phẩm chất hay không; b/ Sâm được sắc trong nước sôi, khi uống vào sẽ được cơ thể hấp thụ nhanh chóng và trọn vẹn hơn.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights