Nhật Bản vươn vai dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng

by TYTNT

Nhật Bản, nổi tiếng với hoa Anh Đào và núi Núi Phú Sĩ là nơi thu hút rất nhiều du khách. Nhưng không phải ai đến đây cũng hiểu Minh Trị Thiên Hoàng đã có công gì với đất nước này qua những cuộc cải cách thời đó được xem là long trời lở đất của ông.

Vài nét về Nhật Bản

Nhật Bản là một quần đảo núi lửa gồm khoảng 6.852 đảo, chủ yếu nằm trong khu vực ôn đới bắc Thái Bình Dương với bốn mùa rõ rệt, nhưng có khí hậu khác biệt dọc theo chiều dài đất nước.

Quần đảo này, ngoài biển ra, phần nhiều chỉ là rừng và núi với nguồn tài nguyên khoáng sản rất hạn chế. Dân chúng sống tập trung ở ven biển, đất đai cho nông nghiệp rất thiếu thốn, và điều kiện để phát triển công nghiệp, thương nghiệp cũng không được thuận lợi lắm.

Tuy nhiên người Nhật đã vươn mình trong những điều kiện khó khăn như vậy để tổ chức được một xã hội văn minh, một nền giáo dục nhân bản, và tạo cho người dân có một cuộc sống chất lượng cao.

Người Nhật không có chữ viết cho đến khoảng thế kỷ thứ 9, những ghi chép đầu tiên đề cập đến quốc gia này nằm trong các thư liệu lịch sử Trung Hoa có từ thế kỷ thứ nhất.

Theo các tài liệu này, người Hán gọi nước Nhật là Oa quốc, còn người Nhật là Oa nhân, có nghĩa là xứ sở của những người lùn.

Thời nhà Minh cai trị Trung Quốc vào thế kỷ thứ 14, họ gọi những cướp biển Nhật hoành hành ở Biển Hoa Đông là Oa khấu có nghĩa là giặc lùn. Bản thân người Nhật cũng cho rằng mình có dáng dấp thấp hơn các chủng tộc khác, cho nên sau thế chiến thứ hai (1945) có những phong trào cải cách dinh dưỡng để tăng chiều cao cho các thế hệ sau. Sau những cải cách này, ngày nay dân Nhật có chiều cao vào tầm trung bình so với các dân tộc khác ở Á châu.

Vào thế kỷ thứ 6, Nhật Bản có tên là Yamato có nghĩa là Đại Hòa. Năm 670, Yamato gửi một đoàn sứ bộ đến chúc mừng triều đình nhà Đường của Trung Quốc dưới thời vua Đường Cao Tông nhân dịp nhà Đường vừa bình định xong Triều Tiên. Vì người Nhật cho rằng họ là con cháu của Nữ thần mặt trời, cho nên nhà Đường gọi họ là Nhật Bản (Nippon) có nghĩa là có nguồn gốc từ mặt trời. Cái tên Nhật Bản xuất hiện từ đó ở Á châu.

Kể từ thế kỷ thứ 7, dưới ảnh hưởng văn minh của Trung Quốc, chủ thuyết phong kiến và quân chủ với khái niệm vua là thiên tử đã có ảnh hưởng đến văn hóa nước Nhật. Vua của nước Nhật được gọi là Thiên Hoàng, đất nước Nhật cũng theo mô hình quân chủ chuyên chế như ở Trung Quốc.

Từ thế kỷ thứ 9 đến cuối thế kỷ thứ 12, các dòng họ quý tộc hùng mạnh ở Heian thay nhau nắm thế lực chính trị của đất nước, lấn át quyền lực của Thiên Hoàng. Trong thời kỳ nầy, tầng lớp võ sĩ (samurai) bắt đầu hình thành và tranh giành quyền lực với các dòng quý tộc. Chữ viết của người Nhật được sáng tạo từ chữ Hán của Trung Quốc vào thời điểm này.

Vào các năm 1271 và 1281, đế quốc Mông Cổ đã hai lần vượt biển xâm lược Nhật Bản nhưng đều bị thất bại. Nguyên nhân có lẽ là quân đội Mông Cổ không chuyên về thủy chiến và người Nhật thì may mắn nhờ sự trợ giúp của bão và sóng thần đã giúp họ đánh bại hải quân Nguyên – Mông.

Từ thế kỷ thứ 14 đến cuối thế kỷ thứ 16, nước Nhật mất ổn định do nội chiến và chia rẽ, gọi là Thời kỳ Chiến Quốc. Sau thời kỳ nầy, nước Nhật bị cai trị bởi các lãnh chúa quân phiệt địa phương gọi là Shogun (Sứ quân), tuy nhiên tất cả đều nhân danh Thiên Hoàng.

Từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 19, quốc gia này bước vào quá trình cô lập cho đến khi một hạm đội của Hoa Kỳ gây áp lực buộc Nhật Bản phải mở cửa với phương Tây.

Trong tiếng Anh, thì Nhật Bản được gọi là Japan. Có giả thuyết cho rằng từ Japan là do Marco Polo, một người Ý làm việc cho Đế quốc Mông Cổ vào thế kỷ thứ 13, phiên dịch chữ Nippon qua tiếng Ý, rồi qua tiếng Anh. Danh xưng nầy trở thành tên người Âu châu đặt cho Nhật Bản và thông dụng trên trường quốc tế.

Riêng người Nhật, thì họ gọi đất nước của họ là xứ Phù Tang có nghĩa là nơi mặt trời nghỉ ngơi trước khi du hành trên bầu trời từ Đông sang Tây.

Nhật Bản thời Minh Trị Thiên Hoàng

Minh Trị Thiên Hoàng

Vào năm 1868, một nhân vật lịch sử đã xuất hiện, đó là Minh Trị Thiên Hoàng, một nhà lãnh đạo lỗi lạc đã đưa nước Nhật thành một cường quốc có tầm vóc thế giới.

Không cam tâm làm một nước chư hầu chịu sự khống chế của Đế quốc Trung Hoa qua nhiều thế kỷ, Minh Trị Thiên Hoàng có tham vọng đánh bại Trung Quốc, một đế quốc thống trị Đông Á qua hàng ngàn năm, có diện tích và dân số lớn gấp 20 nước Nhật.

Là một lãnh tụ yêu nước, có trình độ, và có tầm nhìn, Minh Trị Thiên Hoàng kêu gọi dân chúng tiết kiệm, dùng tiền tiết kiệm để phát triển giáo dục, đưa những học sinh ưu tú qua Âu châu và Hoa Kỳ du học để học hỏi những tiến bộ về khoa học-kỹ thuật vượt trội của tây phương thời bấy giờ.

Nhận thấy chế độ chính trị phong kiến và quân chủ chuyên chế không phát huy được sáng kiến của toàn dân, ông bắt chước theo mô hình của chế độ quân chủ lập hiến của nước Anh với nền kinh tế theo mô hình tư bản. Vào thời điểm đó, Anh quốc là một quốc gia vừa trải qua cuộc cách mạng công nghiệp và trở thành cường quốc mạnh nhất ở Âu châu và là đế quốc số một trên thế giới.

Để có sự đoàn kết của toàn dân, Minh Trị Thiên Hoàng tuyên bố hủy bỏ chế độ lãnh chúa Shogun để chỉ còn lại một chính quyền của Thiên hoàng cai trị toàn dân dưới sự giám sát của quốc hội do dân bầu. Nhiều lãnh chúa Shogun bất phục đứng lên nổi loạn, dẫn đến một cuộc nội chiến đẫm máu. Minh Trị Thiên Hoàng dưới sự cố vấn của quân đội Hoa Kỳ và vũ khí tiên tiến nhập cảng từ tây phương đã đè bẹp những cuộc cuộc nổi dậy của các lãnh chúa Shogun.

Theo mô hình của kinh tế tư bản, nền công nghiệp của Nhật Bản tiến bộ vượt bậc. Họ có đủ kinh phí để xây dựng một quân đội hiện đại, với các loại vũ khí tiên tiến nhất vào thời đó, và họ cũng có khả năng để tự chế tạo vũ khí các loại của riêng họ.

Để có một hạm đội hùng mạnh, Minh Trị Thiên Hoàng kêu gọi dân chúng thắt lưng buộc bụng, dùng tiền tiết kiệm có được để trang bị cho Hải quân của họ những loại chiến hạm tối tân nhất vào thời đó mua từ nước Anh. Không lâu sau, Nhật Bản đã xây dựng được một hạm đội lớn thứ nhì ở Á châu, đứng sau hạm đội Bắc Dương của triểu đình Mãn Thanh Trung Quốc vào thời điểm đó.

Với một quân đội hùng mạnh, Nhật Bản bắt đầu vượt biển đi chinh phục thế giới. Bước đầu tiên của họ là nhắm vào Triều Tiên, quốc gia nằm trên đất liền, gần các đảo của Nhật nhất.

Lúc bấy giờ Triều Tiên là một chư hầu được triều đình Mãn Thanh của Trung Quốc bảo trợ với một lực lượng quân đội đóng ở Triều Tiên đề phòng sự xâm lược của Nhật Bản.

Vào tháng 6 năm 1894, Nhật Bản bất ngờ tấn công Triều Tiên, quân Mãn Thanh bị thua phải rút khỏi Triều Tiên.

Sau đó, Nhật Bản tuyên chiến với Trung Quốc và đưa hạm đội của họ tấn công Hạm đội Bắc Dương của triều đình Mãn Thanh vào năm 1895. Nếu so sánh lực lượng hải quân của đôi bên thì Hạm đội Bắc Dương của Trung Quốc vượt trội hơn về số lượng
tàu chiến và mức độ hiện đại, nhưng về yếu tố nhân hòa, thì người Nhật có nhiều quyết tâm hơn so với Hải quân Trung Quốc lúc đó bị nhiều hủ bại như tham nhũng, buôn lậu, và có nhiều cấp chỉ huy nghiện ngập ma túy.

Cuộc hải chiến xảy ra với những thắng lợi ban đầu nghiêng về phía Hạm đội Bắc Dương buộc hạm đội Nhật Bản phải tháo chạy để bảo toàn lực lượng. Các chiến hạm của Bắc Dương thừa thắng xông lên nả pháo để tiêu diệt hạm đội Nhật Bản. Nhưng một yếu tố bất ngờ đã xảy ra là các viên đạn pháo rớt vào chiến hạm Nhật Bản đã không nổ. Thì ra những viên đạn pháo nầy chỉ chứa toàn đất cát thay vì thuốc nổ.

Vào thời điểm đó, triều đình Mãn Thanh bận rộn tổ chức đại thọ 60 tuổi cho Từ Hi Thái hậu. Tất cả ngân sách quốc gia dùng vào việc xây dựng Di Hòa Viện (Cung điện mùa hè) để mừng thọ cho Thái hậu. Những yêu cầu ngân sách để duy trì và phát triển Hạm đội Bắc Dương đều được cho là không cần thiết và bị triều đình bác bỏ.

Không có đạn dược, các chiến hạm của Trung Quốc như một đống sắt vụn trôi trên mặt nước, bị các chiến hạm Nhật đồng loạt quay lại bắn phá tan tành. Toàn bộ hạm đội Bắc Dương bị tiêu diệt, một số chiến hạm đầu hàng và trở thành chiến hạm của Nhật, Hải quân đô đốc của Hạm đội Bắc Dương phải tự sát.

Thất bại trong cuộc hải chiến này buộc triều đình Mãn Thanh phải ký một hòa ước nhục nhã với người Nhật trong đó nhường Đông Tam Tỉnh, các đảo Đài Loan và Bành Hồ, cùng với 2 triệu lượng bạc bồi thường chiến phí.

Kế tiếp là sự xung đột với Nga, vào năm 1903, khi Nga Hoàng xâm chiếm Mãn Châu thuộc Trung Quốc, ảnh hưởng tới quyền lợi của Nhật Bản ở đây. Vào năm 1904, Nhật Bản tuyên chiến với Nga. Một sự kiện mà cả thế giới đều không thể ngờ được là cuối cùng người Nhật đánh bại người Nga cả lục quân lẫn hải quân. Nga Hoàng phải ký hòa ước đình chiến với Nhật vào năm 1905, trong đó điều khoản lớn nhất là nhường đảo Sakhalin của họ cho Nhật.

Minh Trị Thiên Hoàng qua đời vào ngày 30 tháng 7 năm 1912. Triều đại của ông được ghi chép vào sử sách như một giai đoạn canh tân đất nước Mặt trời mọc. Cuộc canh tân nầy đã dẫn đến các thay đổi lớn lao trong cấu trúc chính trị, kinh tế, và văn hóa – giáo dục cho Nhật Bản, cũng như đem lại niềm vinh dự cho nước này. Ông đã đưa nước Nhật thoát khỏi chế độ phong kiến và sự lệ thuộc vào các Đế quốc phương Tây, tiến lên chủ nghĩa tư bản và trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.

Không những thế, dưới triều vua Minh Trị, Nhật Bản trở thành một Đế quốc duy nhất nằm ở phương Đông đủ sức đánh bại Đế quốc Trung Hoa và cạnh tranh với các Đế quốc Nga, Đức, Anh và Hoa Kỳ tại vùng Đông Á. Minh Trị Thiên Hoàng trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Nhật.

Nhật Bản và Thế chiến Thứ hai

Trong những năm cuối thế kỷ thứ 19, công nghiệp hóa tại Nhật Bản diễn ra mạnh mẽ, đất nước phát triển nhanh chóng, và đến đầu thế kỷ thứ 20 thì Nhật Bản đã trở thành quốc gia có trình độ hiện đại hóa cao nhất châu Á, sánh ngang hàng với nhiều nước Tây Âu. Những thắng lợi sau chiến tranh Thanh-Nhật, chiến tranh Nga- Nhật và Chiến tranh thế giới thứ nhất đã cho phép Nhật Bản đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ của Trung Quốc và Triều Tiên.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào những năm 1929 – 1931, đã đẩy nền kinh tế của Nhật vào giai đoạn suy thoái nghiêm trọng. Là một quốc gia hải đảo, thiếu tài nguyên, và bị cách xa đất liền, điểm yếu của họ được phơi bày rõ rệt. Nhu cầu nguyên liệu dẫn đến tham vọng bành trướng kiểu đế quốc – thực dân trở thành khuynh hướng của giới cầm quyền.

Giới quân phiệt thắng thế trên chính trường Nhật. Họ chủ trương theo mô hình Phát xít của Đức Quốc Xã trong đó đề cao tinh thần dân tộc, toàn dân đoàn kết ủng hộ quân đội và chính phủ, và Nhật Bản sẽ đi tiên phong trong công cuộc xây dựng một đế chế mới ở Á châu gọi là Đại Đông Á.

Chính sách Đại Đông Á mở đầu bằng cuộc xâm lược Mãn Châu thuộc Trung Quốc vào năm 1937. Chiến tranh Trung-Nhật đã nhanh chóng lan rộng thành một phần của Chiến tranh thế giới thứ hai. Quân đội Nhật chiếm được nhiều lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng không thể nào làm chủ được hoàn toàn một quốc gia quá rộng lớn nầy. Trong thời gian chiếm đóng Nam Kinh, quân Nhật đã tàn sát rất nhiều người, sự kiện nầy gọi là thảm kịch Nam Kinh, trong đó có hàng trăm ngàn người bị thảm sát.

Nhật Bản cùng với Đức và Ý thành lập Trục Tam Cường theo chủ nghĩa Phát xít với ý đồ chia ba thế giới, trong đó Nhật sẽ lấy phần châu Á và Thái Bình Dương.

Nhật Bản bắt đầu tham dự Chiến tranh thế giới thứ hai, khi bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng và tiêu diệt hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii vào năm 1941.

Sau khi tiêu diệt được hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, quân Nhật, trong 5 tháng kế tiếp làm chủ các đảo từ lãnh thổ Nhật Bản phía Bắc chạy dài đến quần đảo New Guinea ở mặt Bắc của nước Úc.

Ở trên bộ, đến cuối tháng 4 năm 1942, quân đội Nhật Bản đã chiếm được Đông Ấn, Hà Lan, Mã Lai, Miến Điện, Thái Lan, Singapore, Hongkong, Philippines, đồng thời lật đổ chính quyền thực dân của Pháp ở Đông Dương.

Theo các sử gia thì quân Nhật sở dĩ thành công mau chóng như vậy, hoàn toàn là do yếu tố bất ngờ. Sau 6 tháng khôi phục lại lực lượng, Hoa Kỳ đưa hạm đội mới vào Thái Bình Dương từ từ chiếm lại các lãnh thổ của quân Đồng Minh bị Nhật chiếm đóng.

Quân đội Nhật chiến đấu rất dũng mãnh và kiên cường đã gây ra nhiều thương vong cho quân Mỹ. Cuối cùng thì chính phủ Hoa Kỳ phải quyết định thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki để buộc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào năm 1945.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản được các nước Đồng Minh, đặc biệt là Hoa Kỳ giúp xây dựng lại nền kinh tế. Với tinh thần dân tộc cao, trình độ dân trí tốt, tinh thần cần cù nhẫn nại, và chịu khó học hỏi, không lâu sau, nước Nhật lại trở mình thành một cường quốc, nhưng lần nầy trên tinh thần nhân bản hợp tác với thế giới.

Nhật Bản ngày nay

Nhật Bản (Japan) là một quần đảo nằm ở Đông Á trên Thái Bình Dương với năm hòn đảo chính là Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku, và Okinawa. Về chính trị, Nhật Bản theo chế độ Quân chủ lập hiến và Dân chủ đại nghị. Dân số vào khoảng 126 triệu.
Thủ đô đặt tại Tokyo là đô thị lớn nhất thế giới với hơn 35 triệu dân, 20 triệu ở Tokyo và 15 triệu ở các vùng phụ cận. Các thành phố lớn khác gồm: Kyoto, Yokohama, và Nagoya

Từ thời điểm bản Hiến pháp mới được ban hành năm 1947, Nhật Bản là một quốc gia duy nhất duy trì chế độ quân chủ lập hiến kết hợp dân chủ đại nghị, trong đó cơ quan lập pháp là Quốc Hội do dân bầu ra.

Nhật Bản có nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới tính theo GDP và đứng hạng 4 toàn cầu cả về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu.

Nhật Bản là một nước công nghiệp phát triển với bình quân mức sống, tiêu chuẩn sinh hoạt, và chỉ số phát triển con người đạt vào loại rất cao. Những đặc điểm nổi bật khác bao gồm người Nhật Bản có tuổi thọ bình quân cao nhất và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp nhất thế giới, vinh dự có số lượng người đoạt giải Nobel nhiều nhất châu Á, và là một quốc gia ở Á châu có trình độ bóng đá tốt theo tiêu chuẩn giải bóng đá thế giới.

Đại đa số người dân Nhật Bản thực hành tín ngưỡng Thần đạo theo truyền thống bản địa, kết hợp với Phật giáo vốn được du nhập từ bên ngoài.

Nhật Bản, xứ sở hoa anh đào, vẫn luôn là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch trên thế giới. Đến Nhật Bản, bạn có thể ghé thăm những thành phố hiện đại, sầm uất như Tokyo, Yokohama hay tham quan những vùng đất đậm nét truyền thống, cổ kính như
Kyoto, Nagoya; hoặc đắm mình giữa cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp của núi Phú Sĩ và các suối nước nóng ở Noboribetsu… Bên cạnh đó, bạn còn được thưởng thức những món ăn ngon, độc đáo của đất nước này và tham gia các lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nơi đây.

NGƯỜI VIẾT SỬ

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights