Chữ quốc ngữ – Bài 2: Chữ Việt thưở ban đầu

by Vy Trần

Chữ Việt của chúng ta thuở mới ra đời như thế nào? Đó là câu hỏi mà không ít người Việt muốn biết. Nhiều người cho rằng “Cứ đọc tự điển Việt Bồ La của Alexand de Rhode thì biết”. Thế nhưng…

Hiện nay, những văn bản có chữ quốc ngữ thuở ban đầu còn lại không nhiều lắm và đều nằm tại các kho lưu trữ ở Bồ Đào Nha và Roma (Ý).

Tiếng Việt thưở ban đầu

Theo nghiên cứu của linh mục Đỗ Quang Chính, những chữ Việt đầu tiên nằm trong các báo cáo của các giáo sĩ. Trong báo cáo cho bề trên về hoạt động của các tu sĩ Dòng Tên tại Hội An và Nước Mặn, dài 30 trang bằng tiếng Bồ Đào Nha của giáo sĩ João Roiz vào ngày 20-11-1621, đã có các chữ quốc ngữ như Annam (An Nam), Sinoa (Thuận Hóa), Unsai (ông sãi), Cacham (Kẻ Chàm tức Thanh Chiêm ngày nay), ungue (ông nghè hoặc ông trùm xứ đạo). Cùng năm nầy, ngày 22-12-1621 giáo sĩ Gaspar Luis trong một báo cáo cho bề trên cũng có vài chữ Việt như ungué (ông nghè), bancô (bàn cổ).

Còn Cristoforo Borri, người đã viết cuốn sách về xứ Đàng Trong xuất bản vào năm 1631, cuốn sách đầu tiên viết về Việt Nam. Cristoforo Borri (1583-1632) sinh tại Milan, gia nhập dòng Tên ngày 16-9-1601. Năm 1615 ông đi Đông Á và đến Đàng Trong vào năm 1618 rồi rời đi vĩnh viễn năm 1621. Ông cùng với hai giáo sĩ Buzomi và Pina thành lập cơ sở truyền giáo ở Nước Mặn (Bình Định). Trong sách của ông nguyên bản bằng tiếng Ý có các chữ Việt: Annam (An Nam), Tunchim (Đông Kinh tức miền Bắc), Lai (Lào), ainam (Hải Nam), kemoi (Kẻ Mọi, xứ Mọi ở Tây Nguyên), Cacciam (ca chàm, kẻ chàm tức Thanh Chiêm ngày nay), Quannuya (Quảng Nghĩa), Quignin (Qui Nhơn), Renran (Đà Rằng), dàdèn lùt (đã đến lúc), scin mocaij (xin một cái), chià (trà), sayc kim (sách kinh)…Còn câu “con gnoo muon bai tlom laom Hoalaom chiam” (con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?). Còn Buzomi thì có những chư onsaij (ông sãi), nuoecman (Nước Mặn), “muon bau dau christiam chiam (Muốn vào đạo Christiang chăng?), onsaij di lay (ông sãi đi lại), maa (ma), maqui (ma quỉ), bũa (vua)…Do Borri rời Đàng Trong từ năm 1621 nên những chữ Việt trong sách của ông tuy xuất bản vào năm 1631 nhưng phải có từ trước năm 1621.

Với những chữ viết còn đơn sơ nầy, các nhà nghiên cứu phỏng đoán chữ quốc ngữ ghi bằng mẫu tự Latinh “ra đời” vào năm 1620!

Giáo sĩ Đắc Lộ đến Thanh Chiêm (tức Kẻ Chàm) năm 1624 và học tiếng Việt với Pina. Ngày 16-6-1625, ông viết một bức thơ bằng chữ Bồ Đào Nha gởi cho bề trên dài hai trang chỉ có các chữ Việt: Ainão (Hải Nam) và tunquim, tunquin (Đông Kinh). Còn giáo sĩ Gaspar Luis đi cùng chuyến đến Đàng Trong với Đắc Lộ tháng 2-1624, ngày 1-1-1626 tại Nước Mặn trong một báo cáo ông viết những chữ quốc ngữ như sau. Dinh Cham, Cacham (dinh chàm, Kẻ Chàm), nuocman (Nước Mặn), quanghia (Quảng Nghĩa), quinhin (Qui Nhơn), Ranran (Đà Nẵng), bendâ (Bến Đá), bôdê (Bồ Đề, tên một làng ở phía Nam Bến Đá, một xứ đạo mới).

Chữ quốc ngữ: Những người có công đầu

Một giáo sĩ khác, giáo sĩ Antonio de Fontes, người Bồ Đào Nha cùng Đắc Lộ đến Thanh Chiêm và cùng học tiếng Việt với thầy Pina. Trong một tài liệu đề ngày 1-1-1626, ông đã có những chữ Việt “có dấu” như dĩghcam (dinh Chàm), núocmam (Nước Mặn), Bến Đá, bude (bồ đề), ondedóc (ông đề đốc), nhít la khấu, khấu la nhít (nhứt là không, không là nhứt), sinoá (xứ Hóa). Còn trong năm 1626, giáo sĩ Francesco Buzomi, chữ viết cũng rời ra không dính nhau nữa như Xán tí (thượng đế), thien chu (thiên chủ, thiên chúa), ngoc huan (ngọc hoàng).

Trong di cảo “được cho” là của Pina, vì không có chữ ký, vừa được công bố vào đầu tháng 7-2018 thì đã gần với tiếng Việt ngày nay. Francisco de Pina đến Hội An năm 1617. Năm 1618 ông đến Nước Mặn. Năm 1619 ông trở về Hội An rồi sang Thanh Chiêm mua nhà làm nhà thờ và ông cư ngụ ở đây cho đến khi bị tai nạn chết đuối trên biển vào ngày 16-12-1625. Trong thư viết dở gởi cho bề trên là giáo sĩ Jéromeno đề cập đến việc nghiên cứu chữ quốc ngữ, ông viết “Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả và các thanh điệu của ngôn ngữ nầy. Tuy nhiên dù con đã tập họp các truyện thuộc nhiều loại khác nhau để cung cấp các trích dẫn của các tác giả nhằm củng cố ngữ nghĩa của các từ và các quy tắc của ngữ pháp, cho đến bây giờ con phải nhờ ai đó đọc các từ đó cho con. Con phiêm âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người của chúng ta có thể đọc và học các từ đó…”. (Đinh Trọng Tuyên-Đinh Bá Truyền, Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, tác giả tự xuất bản 2010, trang 57). Trong di cảo của Pina có cuốn Nhập môn tiếng Đàng Ngoài bằng cả hai thứ tiếng Việt và Bồ dài 22 trang chép tay, chữ quốc ngữ đã rất gần với chữ viết ngày nay.

Bán bao nheo= bán bao nhiêu

Bao cao

Bao mlớn = bao lớn

Bao sâu

Bao dài

Bao giờ

Cho tôi bao nheo gạo, thì tôi blả bấy nheo bạc=cho tôi bao nhiêu gạo, thì tôi trả bấy nhiêu bạc

Đi đàng kia làm chi

Í ấy làm sao

Muấn đi gì=muốn đi gì

Tôi mác việc bay giờ=tôi mắc việc bây giờ

Điều đáng tiếc lớn là những gì mà Pina viết, ghi nhận chưa hoàn tất, chưa xuất bản thì ông đột ngột qua đời.

Người thừa hưởng những thành quả của thầy là giáo sĩ Đắc Lộ. Sau khi Pina mất, Đắc Lộ đã mang các di cảo dở dang của Pina ra Đàng Ngoài và sau đó trao lại cho Gaspar de Amaral và Antonio de Barbosa để cùng nghiên cứu chữ quốc ngữ. Hai giáo sĩ Gaspar và Barbosa đã soạn xong hai cuốn tự điển Việt Bồ và Bồ Việt vào khoảng năm 1635-1640. Hai cuốn sách nầy chưa kịp in thì cả hai ông đều lần lượt qua đời vào năm 1645 (Gaspar chết vì tàu chìm gần đảo Hải Nam) và 1646 (Barbosa mất vì bịnh trên đường từ Macau đi Goa). Những công trình của hai giáo sĩ nầy cũng lọt vào tay Đắc Lộ, để đến năm 1651, cuốn tự điển Việt Bồ La ra đời ở Roma với tên tác giả là Đắc Lộ. Trong lời nói đầu cuốn tự điển Việt Bồ La, Đắc Lộ cũng nói rõ “trong công việc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần hai mươi năm, thời gian tôi lưu lại xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì ngay từ đầu, tôi đã học với cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn…” Tôi lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc dòng Tên, nhất là Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa. Cả hai ông này đều làm mỗi người một cuốn từ điển. Ông Gaspar de Amaral làm cuốn Annamiticum – Lusitanum (Việt-Bồ), ông Antonio Barbosa làm cuốn Lusitanum – Annamiticum (Bồ-Việt).

Từ cuốn tự điển nầy, 400 năm qua Đắc Lộ đã được vinh danh là người đầu tiên “sáng tạo” ra chữ quốc ngữ và rất ít người biết tới tên tuổi của Francisco de Pina, Gaspar và Barbosa. Một phần do các tài liệu để lại của các ông đã thất lạc, một phần các nhà nghiên cứu người Pháp cũng muốn “vinh danh” phe ta nên làm cho sự thật đi xa hơn.

Với nhiều nghiên cứu trong vài thập niên gần đây, nhứt là việc tìm thấy tài liệu được coi là “di cảo của Pina” vào đầu tháng 7-2018, việc xác lập người sáng tạo ra chữ Việt càng chính xác hơn. Tài liệu vừa tìm thấy do không có tên người viết và được chép lại cách đây hơn 100 năm vì quá cũ và sợ hư mục. Người chép lại dựa vào những chữ quốc ngữ trong văn bản và vào các bức thư của các giáo sĩ khác nhận xét về Pina để đưa ra nhận định rằng, đây là di cảo của Pina. Đây là nhận định không xa sự thật. Bởi trong thế kỷ 17, các giáo sĩ giỏi chữ quốc ngữ đều là học trò của Pina và những giáo sĩ từng biết Pina đều thừa nhận rằng “Ông là người giỏi tiếng Việt nhất. Có thể nói, và giảng đạo bằng tiếng Việt”.

TRẦN NHẬT VY

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights