Sir Daniel Winn: Từ viện mồ côi thành nhà điêu khắc nổi danh thế giới

by TYTNT

HÀ GIANG

LTS: Sir Daniel Winn trông giống một người ngoại quốc, nói tiếng Anh bằng giọng chuẩn hơn cả một số người Mỹ. Nếu không nghe ông nói tiếng Việt thì không ai biết ông là người Việt Nam. Lại càng không biết là lúc 6, 7 tuổi ông đã từng phải ở trong viện mồ côi, sống lang thang trên đường phố Saigon, trước khi đoàn tụ với cha, cùng gia đình di tản qua Mỹ. Ông hiện là chủ hai phòng trưng bày nghệ thuật ở Beverly Hills, là một nghệ sĩ nổi tiếng về tranh, tác phẩm điêu khắc, và cả việc làm từ thiện. Tranh của ông được triển lãm khắp nơi, và được nhiều người xếp ngang tầm với tranh của Salvador Dalí. Tác phẩm điêu khắc đắt giá nhất của ông, có tên Celestial Sphere of Unity, được bán với giá 3.5 triệu Mỹ kim cách đây vài năm. Chuyện đứa bé từng sống trong viện mồ côi Việt Nam ngày xưa giờ đây sánh vai với những nghệ sĩ tài danh thế giới rồi được phong tước hiệp sĩ không mấy người trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt biết cho đến…Khi ông quyết định kể chuyện đời mình cho Giai phẩm Xuân của Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi, cũng là lần “đầu tiên tâm sự với một cơ quan truyền thông tiếng Việt hải ngoại”. Xin giới thiệu với độc giả cuộc đời đầy đắng cay và ngọt bùi như một câu chuyện cổ tích có hậu của Sir Daniel Winn.

TYTNT: Tên Việt Nam của ông là gì? Cái tên Daniel Winn, và nhất là tước phong ‘Sir’ từ đâu mà có?

 Sir Daniel Winn: Tên Việt Nam của tôi là Nguyễn Kim Danh. Khi tôi trở thành công dân Mỹ, cha tôi, Giáo sư Nguyễn Kim Long đổi chữ Danh thành Daniel cho dễ đọc, và đổi họ thành Winn (nghe cùng âm với Nguyễn), vì ông nghĩ như vậy dễ cho tôi hòa nhập với dòng chính hơn. Lúc ấy tôi còn nhỏ, chỉ biết một ngày nào đó cha bảo tên con giờ là Daniel Winn. Daniel Winn nghe thì khó hình dung ra đó là Nguyễn Kim Danh, nhưng chắc chắn là dễ cho mọi người [ngoại quốc] phát âm. Việc được phong tước là điều tôi không bao giờ tới. Chuyện dài, ông nghĩ như vậy dễ cho tôi hòa nhập với dòng chính hơn. Lúc ấy tôi còn nhỏ, chỉ biết một ngày nào đó cha bảo tên con giờ là Daniel Winn. Daniel Winn nghe thì khó hình dung ra đó là Nguyễn Kim Danh, nhưng chắc chắn là dễ cho mọi người [ngoại quốc] phát âm. Việc được phong tước là điều tôi không bao giờ ngờ tới. Chuyện dài, nhưng vắn tắt là trong những chuyến đi làm từ thiện tôi thỉnh thoảng gặp hoàng tư Mario-Max Schaumburg-Lippe. Sau một thời gian lặng lẽ quan sát tôi, vị hoàng tử này đến làm quen, hỏi rất nhiều về thân thế, sự nghiệp và việc làm từ thiện của tôi rồi sau đó bảo là sẽ đề nghị với cha mình là hoàng tử nước Đan Mạch Waldemar Stephen SchaumburgLippe phong tôi làm hiệp sĩ. Những gì còn lại xảy ra như một giấc mơ. Sau một tiến trình “sát hạch” tôi được phong tước vào cuối năm 2018. Tôi là người thứ năm được vị hoàng tử này phong tước.

TYTNT: Ông đến Mỹ lúc bao nhiêu tuổi? Và còn nhớ gì về những ngày đầu tiên bỡ ngỡ đến đây?

Sir Daniel Winn: Tôi đến Mỹ năm 1975, lúc mới chín tuổi. Trước đó, tôi là một đứa bé bị chấn thương tâm lý khá trầm trọng. Cha tôi bị mất tích mấy năm khi ở trong quân đội VNCH, và mọi người nghĩ ông đã chết. Mẹ tôi bước thêm bước nữa, người cha dượng không thích tôi và mẹ tôi bỏ rơi tôi, khiến tôi sống lang thang một mình ngoài đường. Bà nội tôi thương muốn chăm sóc cháu, nhưng bà lại rất nghèo không mang tôi về nuôi được, thế là tôi bị đưa vào cô nhi viện. Sống ở cô nhi viện hơn một năm tôi bị đuổi ra vì quá ngỗ nghịch. Tôi sống lê la trên đường phố khoảng một năm thì cha tôi, hóa ra còn sống, trở về. Sau đó, ông kết hôn, tôi về sống với cha và được người mẹ kế chăm sóc. Cha tôi làm thông dịch cho quân đội Hoa Kỳ, nên được đưa gia đình qua Mỹ. Thế là trong ngày cuối cùng của cuộc chiến kết thúc năm 1975, cha tôi đưa mọi người đến Tòa Đại Sứ Mỹ, và chúng tôi là những người cuối cùng lên trực thăng để đi Biên Hòa, rồi từ đó lên một máy bay chở hàng để được đi qua Mỹ. Lúc đó tôi rất bối rối, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi nhớ đường phố những ngày cuối trông thật hoảng loạn, nhiều tiếng súng nổ, tiếng người la hét, nhiều người hốt hoảng chạy sầm sập qua đường phố hỗn loạn. Tôi nhớ nhất là những tiếng la hét, và cho đến giờ thỉnh thoảng tôi vẫn có ác mộng về những cảnh kinh hoàng đó.

Sir Daniel Winn lúc còn nhỏ

TYTNT: Thời gian đầu sống ở Mỹ của ông và gia đình lúc đó như thế nào?

Sir Daniel Winn: Chúng tôi đến đảo Guam, ở đó vài tháng, rồi đến trại tị nạn Pendleton gần San Diego, cũng ở đó vài tháng cho đến khi có người bảo trợ. Đời sống lúc đó thật khó khăn, chật vật, đùng một cái phải ra khỏi Việt Nam đến một đất nước xa lạ, cả thức ăn cũng rất lạ. Tôi không ăn được gì trong nhiều tuần. Họ đưa cho tôi hot dogs, thạch, hamburgers, những thứ không hiểu sao lúc đó tôi không ăn được. Cuối cùng gia đình tôi được một gia đình ở Oxnard bảo trợ. Chúng tôi sống với họ khoảng sáu tháng. Thời gian đó cũng khổ vì cả nhà ba người, cha mẹ và tôi cùng ở chung một căn phòng nhỏ. Gia đình bảo trợ chúng tôi không phải là người xấu, nhưng tôi tin họ chỉ nhận bảo trợ vì được tiền của chính phủ. Cha mẹ tôi đi làm ngay. Mẹ tôi làm ở một nhà máy sản xuất nấm, còn cha đi hái dâu. Họ làm việc với mức lương tối thiểu nhưng cố gắng dành dụm và chúng tôi dọn ra ở riêng rồi mấy năm sau họ đi học lại. Cha tôi lấy bằng luật sư, còn mẹ kế tôi lấy bằng kiến trúc sư. Lúc nhỏ, vì cha mẹ quá bận rộn tôi hay bị bỏ ở nhà một mình với đứa em trai và cảm thấy mình có bổn phận phải săn sóc em để cha mẹ có thì giờ đi làm và đi học. Sau gia đình tôi chuyển đến Orange County, thời gian đi học rất khó cho tôi hòa nhập, vì ở đó, ngoài tôi hình như chỉ có một cô bé học sinh người Việt nữa. Ngôn ngữ, may thay với tôi, lại rất dễ dàng. Tôi học tiếng Anh được ngay. Từ lớp ba hay lớp bốn tôi đã giành được giải National Spelling Bee mặc dù trước đó không biết một chữ tiếng Anh nào.

TYTNT: Ông có hay về Việt Nam không?

Sir Daniel Winn: Vâng, tôi hay về Việt Nam làm việc từ thiện. Vì chính mình là một đứa trẻ mồ côi khi còn nhỏ, tôi muốn giúp trẻ em vô gia cư hay bị bỏ rơi tại các ngôi chùa. Tôi quyên tiền, mang thực phẩm, thiết bị y tế về Việt Nam, và làm bất cứ điều gì để có thể giúp các em. Tôi cũng giúp các viện dưỡng lão. Tôi muốn những cụ già được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất có thể vì hay nghĩ đến cảnh bà nội lúc xưa thương cháu mà vì nghèo không mang được cháu về nuôi. Trước COVID, tôi về Việt Nam mỗi năm khoảng ba, bốn lần. Năm nay là lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam khoảng vài tháng trước, cũng để giúp trẻ em và người già.

Sir Daniel Winn và gia đình

TYTNT: Là một người Việt tị nạn lớn lên ngay trong Little Saigon, ông có sinh hoạt với cộng đồng không, hay thường chỉ làm việc và giao tiếp trong dòng chính?

Sir Daniel Winn: Khi cha mẹ tôi còn sống, họ có một văn phòng dịch vụ di trú ở Westminster. Văn phòng có tên là “Trung tâm Dịch vụ Bolsa” và hoạt động được khoảng 40 năm. Họ đã giúp được hàng ngàn người Việt Nam vào Mỹ qua diện bảo lãnh hoặc di dân. Thời gian đó tôi có phụ giúp cha mẹ, nhưng chỉ luôn ở phía sau và khi nào có thể, vì lúc đó còn phải tập trung đi học. Cha tôi có nhiều kỳ vọng ở tôi, ông muốn tôi phải trở thành một bác sĩ, phải thành công. Tôi ước mình đã tham gia nhiều hơn vào sinh hoạt cộng đồng người Việt, nhưng con đường tôi đi đã không đưa tôi qua đó, phần lớn vì hai phòng triển lãm của tôi đều ở Beverly Hills và nhiều nhà sưu tập tác phẩm của tôi trên thế giới toàn người ngoại quốc. Nhưng hiện giờ nhiều người Mỹ gốc Việt hơn đang bắt đầu biết về tôi, nhờ những giải thưởng và việc tôi được Hoàng tử người Đức phong tước. Hollywood cũng đang làm một cuốn phim về cuộc đời tôi, và giới nghệ sĩ rất tự hào khi có một họa sĩ, nhà điêu khắc người Mỹ gốc Việt thành công, rất ít nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt có phòng tranh ở Beverly Hills ngay trên đường Rodeo Drive, và may mắn thành công như vậy. Gần đây tôi nghĩ nhiều đến cộng đồng và bắt đầu nghĩ đến việc trả lời phỏng vấn với truyền thông Việt ngữ, để người Việt chúng ta có thể biết và hãnh diện về sự đóng góp của người Việt mình cho nước Mỹ.

TYTNT: Điều gì giúp một đứa bé tị nạn khi đến đây mới 11 tuổi trở thành một họa sĩ kiêm điêu khắc gia đạt được mức thành công hiếm có như vậy?

Sir Daniel Winn: Tôi tin rằng không có con đường nào dễ dàng đưa đến thành công. Không có gì là dễ cả. Bạn sẽ phải phấn đấu vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Trong bất cứ lãnh vực nào bạn chọn, sẽ luôn có định kiến, luôn có sự phân biệt chủng tộc, luôn có sự ghen tị. Quan điểm của tôi là chỉ tập trung vào những gì mình cảm nhận, những gì tôi nghĩ mình cần làm, và không để ý lắm đến những gì mọi người nghĩ. Tôi không tìm cách làm hài lòng người khác, bởi vì bạn không bao giờ có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Tôi chỉ tập trung vào việc làm những gì tôi cảm thấy đúng và những điều tôi tin vào bằng cả trái tim. Đừng để bận lòng vì lời chỉ trích không xây dựng, nhưng nếu bị phê bình đúng, thì hãy bình tâm mà sửa đổi. Vì vậy, bí quyết thành công với tôi, là thành thật với chính mình. Cứ làm những gì luôn nung nấu trong trái tim và tâm hồn bạn, miễn là điều đó không hại ai mà còn giúp được người khác, từ đó, thành công sẽ đến. Về mặt thành công trong lĩnh vực sáng tạo, thì cần tin vào điều bạn muốn làm, niềm tin mãnh liệt rằng tác phẩm bạn tạo ra từ niềm say mê bằng tất cả trái tim sẽ được mọi người đón nhận.

TYTNT: Có tác phẩm nghệ thuật nào của ông phản ảnh cuộc đời của một người Việt đến Mỹ tị nạn từ tấm bé không?

Sir Daniel Winn: Mọi bức tranh và tác phẩm điêu khắc của tôi đều phản ảnh đời tôi. Và đời tôi là đời một người Mỹ gốc Việt, một người Việt tị nạn. Những tác phẩm của tôi là lời tuyên bố về sự phấn đấu của tất cả chúng ta. Tác phẩm điêu khắc của tôi đại diện cho sự hỗn loạn. Nhưng không có sự hỗn loạn thì không có vẻ đẹp, không có trật tự. Và đời tôi, giống như phần lớn lịch sử cuộc chiến Việt Nam, sự trốn chạy và cuộc sống tị nạn, là sự hỗn loạn. Cuộc sống của tôi có nhiều đau thương, trong đó có cả cái chết bi thảm của cha tôi, nhiều phấn đấu, đau đớn, phiền muộn, buồn bã, giận dữ, thất vọng, chán nản và tiếp tục phấn đấu. Nhưng điều tôi cố gắng làm là tìm cách gói ghém và bày tỏ tất cả những kinh nghiệm đó trong tác phẩm, và thật ra một nghệ sĩ cần những thăng trầm đó. Tác phẩm của tôi là biểu hiện triết lý sống của mình. Không có ánh sáng nào mà không có bóng tối, không có vẻ đẹp nào mà không có sự xấu xí. Không có vị ngọt nào mà không có vị chua. Và không có niềm vui nào mà không có nỗi đau. Vì vậy, theo tôi, một nghệ sĩ phải nắm lấy những gì cuộc đời trao cho mình. Sinh là đau. Tử là đau. Nhưng không có cái chết, cuộc sống sẽ không có giá trị gì. Vì vậy, tôi cố gắng kết cấu, đưa tất cả mọi kinh nghiệm sống vào trong tác phẩm của mình, vì tôi đã trải qua cả những cơn bỉ cực đến phút thới lai. Tôi đã trải qua cái nghèo khổ ở Việt Nam, thoát khỏi chiến tranh xâu xé ở Việt Nam, sống lê la trên đường phố, vất vả đủ đường, và bây giờ thì có du thuyền riêng, phi cơ riêng, biệt thự giá trị hàng tỷ. Tôi đã sống cả hai mặt cực đoan của cuộc đời và muốn chia sẻ những kinh nghiệm đó. Bởi vì tất cả chúng ta trong cuộc đời đều trải qua cả hai thái cực, có thể không cùng mức độ. Mục tiêu của tôi là chữa lành vết thương cho mọi người, bằng cách nói qua tác phẩm của mình rằng hãy đón nhận bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống của bạn. Bởi vì khi bạn đón nhận bất cứ điều gì đời sống trao cho, bạn sẽ sống hết mình, và từ đó có thể trân quý cuộc đời hơn, và giúp người khác đạt được điều tương tự.

TYTNT: Ông có thời gian học y khoa theo nguyện vọng của cha mẹ, nhưng cuối cùng đã quyết định theo đuổi sự nghiệp sáng tạo. Kinh nghiệm đó như thế nào? Ông có lời khuyên gì cho những người trẻ gốc Việt trong hoàn cảnh tương tự?

Sir Daniel Winn: Tôi sẽ nói với các em là hãy nghĩ rất kỹ và rất lâu về việc mình muốn theo đuổi, vì quyết định của tôi không dễ dàng chút nào. Và khi đã quyết định thì mình phải chấp nhận kết quả, không hối tiếc. Việc đi ngược lại ước vọng của cha mẹ, nhất là cha mẹ người Việt Nam, luôn muốn chúng ta là bác sĩ, kỹ sư, mà mình chọn con đường ngược lại, làm một nghệ sĩ sáng tác, với đời sống bấp bênh, là điều rất khó làm, vì chúng ta không muốn làm cha mẹ thất vọng, nhưng cùng một lúc vẫn phải nghe theo trái tim của mình. Tôi ủng hộ bất cứ con đường nào các em chọn, nhưng cũng nên nói chuyện với gia đình, tâm sự với họ, giải thích cho họ, để hy vọng gia đình sẽ hiểu ý nguyện của mình. Dĩ nhiên nếu cha mẹ không đồng ý, thì quyết định đó sẽ khó hơn, nhưng hãy chọn làm điều con tim mình thôi thúc muốn làm, và khi chọn rồi thì đừng bao giờ hối tiếc.

TYTNT: Khi đã chọn con đường khó khăn đó rồi thì trong những lúc tuyệt vọng nhất, điều gì đã giúp ông đứng vững trên con đường đã chọn?

Sir Daniel Winn: Điều khó nhất là phải phấn đấu với việc phải làm sao để cha mẹ tôi không lo lắng. Với tôi phải sống lang thang trên đường phố, ngủ trong xe, cơm bữa đói bữa no không sao hết, họ không biết điều đó, tôi không bao giờ kể ra những khó khăn của mình. Tôi không quan tâm khi phải sống nghèo khổ, nhưng khó khăn nhất là cảm giác để cho cha mẹ thất vọng về mình, đau buồn về mình. Nên khi gặp khó khăn nhất, tôi vẫn kiên trì được vì quyết tâm phải cố gắng hết sức, phải thành công để cha mẹ hãnh diện về mình. Cha mẹ tôi không biết gì về cuộc sống nghèo khổ của tôi trước khi thành công, không hiểu tôi đã phải làm bất cứ việc gì để sống, để có tiền mua cọ mua sơn mà vẽ, không biết tôi đã từng đói, từng co ro vì lạnh, và không biết những giọt nước mắt, những nỗi lo âu, buồn khổ của tôi, vì tôi không bao giờ kể, vì tôi không muốn họ buồn, hay tự trách mình. Nhưng tôi tin sau này họ biết, giai đoạn đó chỉ là một trong những điều mà chúng tôi không nhắc đến, nhưng tôi tin rằng vì là cha mẹ, có lẽ họ cũng đoán hiểu hết, nhưng không có lý do gì để chúng tôi mang những chuyện đó ra nữa. Cha mẹ chỉ biết tôi đã rất cố gắng để thành công, và rất tự hào khi thấy tôi thành công như vậy.

TYTNT: Khi nghĩ về mình, ý nghĩ đầu tiên đến với ông là gì? Tôi là một người Việt, tôi là một người Mỹ gốc Việt, hay tôi là một họa sĩ, một điêu khắc gia nổi tiếng?

Sir Daniel Winn: Tôi nghĩ về tôi, trước hết là một con người. Tôi nghĩ mình là một người được sinh ra trên đời để làm điều gì đó tích cực, để tạo ảnh hưởng tích cực cho những người xung quanh, và để lại điều gì đó đẹp cho đời sau khi tôi qua bên kia thế giới. Đã nói thế, nhưng tôi mang trong người dòng máu Việt Nam thuần túy, nên tôi luôn nghĩ mình là một người Việt. Tuy nhiên sau năm 1975, tôi thoát khỏi Việt Nam, có cơ hội được đến đây và trở thành một người thành công ở Mỹ, cho nên tôi cũng là một người Mỹ. Như vậy, nếu phải chọn một danh tính, tôi sẽ nói mình là một người Mỹ gốc Việt, vì tôi đã sống ở cả hai nơi. Nhưng trong trái tim và tâm trí tôi, tôi sẽ luôn luôn là một người Việt, vì cha tôi là người Việt, mẹ tôi là người Việt, tôi thấm nhuần di sản Việt, văn hóa Việt, tôi được cha mẹ nuôi dạy trong một gia đình Việt, với nhân sinh quan của người Việt, cách cư xử của người Việt. Trong tận cùng của trái tim, tôi là một người Việt.

TYTNT: Ông muốn mọi người, nhất là từ cộng đồng người Việt nghĩ ở Mỹ, hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nghĩ về mình như thế nào?

Sir Daniel Winn: Tôi muốn mọi người nghĩ về tôi như một người đã sống ở cả hai thế giới, cả phương Đông lẫn phương Tây, cái xấu và cái đẹp, hạnh phúc và đau khổ. Tôi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, và tôi muốn mọi người nhìn tôi như một người đã sống với cả hai mặt của cuộc đời, một người muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình, muốn đóng góp gì đó cho đời. TYTNT: Ông còn có điều gì khác muốn chia sẻ không? Sir Daniel Winn: Tôi chỉ muốn nói rằng suốt đời mình, tôi luôn muốn để lại cho đời những điều hữu ích, mong có thể tạo được một ảnh hưởng tích cực khi còn có mặt trên cõi đời này. Tôi nghĩ mình sẽ là người cuối trong giòng dõi của mình. Tôi không có con trai, không có người nối dõi. Tôi nghĩ sau khi tôi chết đi những gì mình để lại cho đời sẽ chỉ là những tác phẩm. Mong tác phẩm của tôi sẽ góp phần tạo cảm hứng cho người ở những thế hệ sau.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights