Di tích kiến trúc của người Da Đỏ trong hệ thống công viên quốc gia 

by Tim Bui
Di tích kiến trúc của người Da Đỏ trong hệ thống công viên quốc gia

TRÙNG DƯƠNG

“[Công viên quốc gia] là đất nước của các bạn. Hãy nâng niu bảo tồn những kỳ đài thiên nhiên, tài nguyên thiên nhiên này như những di sản quý báu, cho con cái và cháu chắt mình. Chớ để những kẻ ích kỷ lóc da, sẻ thịt và lấy đi chất lãng mạn của chúng.
–Tổng thống Theodore Roosevelt,
1901 to 1909 

Từ giữa thế kỷ 19 trên đất Mỹ đã có những nơi phong cảnh thiên nhiên hùng vỹ được chỉ định là công viên hay kỳ đài (monument) quốc gia, do chính phủ bảo tồn để mọi thế hệ cùng có dịp thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên hoang dã, và tránh bị khai thác cho các mục tiêu thương mại.

Hai công viên đầu tiên là Yosemite được Tổng thống Abraham Lincoln đặt dưới sự bảo vệ của California trong thời kỳ Nội Chiến, mãi tới năm 1890 Yosemite mới được Quốc Hội chỉ định là công viên quốc gia. Công viên Yellowstone được Tổng thống Ulysses S. Grant công nhận là công viên quốc gia đầu tiên vào năm 1872.

Hệ thống công viên quốc gia tại Mỹ

Vào đầu thế kỷ 20, hai nhân vật có công khởi động phong trào thành lập công viên quốc gia là nhà thiên nhiên học John Muir và Tổng thống Theodore Roosevelt. Ông Muir là người đã giúp gây ý thức về những kỳ quan thiên nhiên trong Yosemite và những thắng cảnh khác của vùng núi Sierra. John Muir đã tháp tùng Tổng thống Roosevelt đi cắm trại giữa cảnh núi rừng hùng vỹ. Buổi cắm trại này đã gây ấn tượng mạnh nơi vị tổng thống năng động này. 

Thường được mệnh danh là “vị tổng thống bảo toàn/conservation president,” Tổng thống Roosevelt đã, trong nhiệm kỳ đầu từ 1901 đến 1905, chỉ định tổng cộng năm công viên quốc gia. Sau đó, vào giữa năm 1906, chính ông thông qua Luật Bảo tồn Cổ vật (Antiquities Act), cho tổng thống quyền hành rộng hơn trong việc tuyển xưng, mà không phải qua Quốc Hội, các di tích lịch sử cũng như những kiến trúc tiền sử vào danh sách di sản quốc gia.

Một trong những câu nói nổi tiếng của Tổng thống Roosevelt là: “Đây là đất nước của các bạn. Hãy nâng niu bảo tồn những kỳ đài thiên nhiên, tài nguyên thiên nhiên này như những di sản quý báu, cho con cái và cháu chắt mình. Chớ để những kẻ ích kỷ lóc da, sẻ thịt và lấy đi tính lãng mạn của chúng.” 

Các vị tổng thống kế cũng nhân danh Luật Bảo tồn Cổ vật này để chỉ định nhiều vùng thành kỳ đài quốc gia, trong số đó một số sau đó được nâng lên hàng công viên quốc gia. Điều này dẫn đến nhu cầu cần có một cơ quan trung ương như National Park Service (NPS) để việc bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa của quốc gia được thống nhất, hữu hiệu và liên tục.

Được thành lập vào năm 1916, cơ quan NPS nằm trong khuôn khổ Bộ Nội vụ (Department of Interior), hiện có 20,000 nhân viên làm việc tại 428 cơ sở, trong đó có 63 công viên quốc gia, bao trùm 85 triệu acres (343,982 km2) trong toàn 50 tiểu bang, vùng District of Columbia (tức thủ đô Mỹ quốc) và các vùng lãnh thổ Hoa Kỳ (U.S. territories), bên cạnh một dàn tình nguyện viên hàng trăm ngàn người.

Tiểu bang có nhiều công viên quốc gia nhất: dẫn đầu với chín công viên là California, kế đó là Alaska với tám công viên, Utah với năm, và Colorado với bốn.

Số công viên quốc gia mà tôi đã có dịp đặt chân tới đếm có lẽ chỉ được trên dưới 10 đầu ngón tay, có nghĩa là không nhiều. Nhưng có thể nói là chuyến đi nào cũng để lại trong tôi một niềm hãnh diện, đó là cảm giác mình cũng là một trong những người làm chủ những kỳ quan thiên nhiên này. Với tôi, một trong những cao điểm của nền dân chủ Mỹ phản ảnh qua hệ thống công viên quốc gia: Mọi người đều là chủ những kỳ quan này và có bổn phận bảo tồn chúng. Đấy cũng là một trong những nơi đã khiến tôi cảm thấy tiền đóng thuế của mình đã được xử dụng hữu Iý hơn cả.

Tất nhiên trong một bài báo không thể kể hết về các công viên tôi đã có dịp thăm. Nhưng tôi có thể chia sẻ với độc giả một trong những công viên quốc gia mà tôi yêu thích nhất, đã nghiên cứu về nó nhiều hơn cả, sau khi về hưu đã từng xin làm tình nguyện viên nhưng có lẽ vì không ở cùng vùng nên không được hồi âm, và vẫn mong có dịp trở lại mặc dù đã tới thăm mấy lần: Đó là Mesa Verde National Park. 

Công viên này nằm ở góc Tây Nam của Tiểu bang Colorado, trong vùng gọi là Bốn Góc (Four Corners Area), nơi duy nhất trên đất Mỹ bốn tiểu bang—Colorado, Utah, Arizona và New Mexico—gặp nhau ở cùng một điểm. Mesa Verde có nghĩa là cái bàn xanh lá cây, là vùng có những ngọn núi trên chóp là mặt bằng, xưa là nơi tổ tiên người gia đỏ sinh sống khi biết trồng trọt thêm hoa màu để ăn. Đây cũng là công viên quốc gia văn hoá duy nhất (được bảo tồn như một di sản văn hóa, không chỉ là thiên nhiên), nơi tập trung nhiều di sản kiến trúc của sắc dân Da Đỏ cổ sơ, dân bộ lạc gọi là gọi là Anasazi, có nghĩa là The Old Ones.

Nhân dịp nghỉ lễ, và để tạm quên đi những bất ổn về khí hậu do nhiệt họa toàn cầu trong cuộc sống vốn nhiều bấp bênh đang bủa vây quanh ta, mời bạn bước vào công viên lịch sử này, thưởng ngoạn những gì thiên nhiên còn cho phép ta thưởng thức.

Mesa Verde National Park

Vào một ngày mùa Đông năm 1888 tuyết rơi tầm tã, hai anh em cao bồi nhà Wetherill đi kiếm mấy con bò đi lạc trong vùng đồi núi thuộc Tây Nam tiểu bang Colorado. Tình cờ họ bắt gặp trong hốc núi bên kia thung lũng qua màn tuyết rơi một kiến trúc đổ nát song đồ sộ, có vẻ là một ngôi làng của một bộ lạc Da Đỏ, đẹp và huyền bí như trong một giấc mơ. Hai anh em rủ nhau tìm đường lần qua đó khám phá.

Cliff Palace: Tòa lâu đài trong hốc núi

Việc khám phá ra ngôi làng hoang phế đã nhiều thế kỷ chưa một ai bén mảng tới, song hầu như còn nguyên vẹn nhờ nép trong hốc núi, mà anh em nhà Wetherill đặt tên là Cliff Palace (Lâu đài trong hốc núi), và nhiều di tích kiến trúc cổ tương tự, song nhỏ hơn trong vùng, nay là Mesa Verde National Park đã mở đầu cho một thời kỳ thi đua sưu đào cổ vật, kể cả những di cốt của người Da Đỏ được chôn cất đã nhiều thế kỷ. 

Anh em nhà Wetherill cũng xoay ra nghề đào cổ vật, và trang trại của gia đình họ trở thành nơi du khách tới để được hướng dẫn đi xem các di tích cổ trong Mesa Verde. Người ta đào cổ vật đem bán cho các viện bảo tàng hoặc giữ làm sưu tập riêng, một việc làm hoàn toàn hợp pháp hồi ấy.

Nhà thám hiểm Nordenskiold và Mesa Verde

năm 1891 một thanh niên Thụy Điển, con một nam tước, tên là Gustaf Nordenskiold, có kiến thức về khoa khảo cổ và đã từng tham gia những cuộc thám hiểm ở Bắc Âu, đang nghỉ dưỡng bệnh lao ở vùng sa mạc Tây Nam. Nghe đồn đại về Cliff Palace và những kiến trúc gọi là cliff dwellings (nhà ở vách núi) này trong Mesa Verde, Nodenskiolf đã tìm tới gia đình Wetherill để nhờ hướng dẫn đi xem. Ông dự tính ở lại Mesa Verde một hai tuần, rồi đi thăm thú các nơi khác ở phía Tây Nam, trong đó có Grand Canyon.

Hai tuần dự tính ấy trở thành bốn tháng miệt mài giữa những di tích của tổ tiên người Da Đỏ (tiếng thổ dân gọi là Anasazi, có nghĩa là “The Old Ones”). Chính Nordenskiold đã dạy cho anh em Wetherill cách khai quật sao cho không bị hư hại và ghi chú từng di tích và cổ vật. Và quan trọng hơn cả, ông đã chụp hình một số di tích này trước mỗi khi bắt đầu khai quật. Sau này khi về lại Thụy Điển, ông đã gom những ghi chú lại và in thành cuốn “Cliff Dwelling of the Mesa Verde” cùng với hơn 110 tấm hình trắng đen. Cuốn sách trở thành một cẩm nang của những người nghiên cứu và trùng tu Mesa Verde sau này.

Khi Nordenskiold thu vén những cổ vật lấy từ Mesa Verde và đóng thùng để chuyển về nước, dân địa phương biết được đã phản đối. Chính quyền liên bang tại địa phương bắt giữ ông và đưa ra tòa xử, nhưng vì không có luật để buộc tội ông, nên đành để ông ta tự do chở những thùng cổ vật về Thụy Điển. 

Luật Bảo vệ Cổ vật ra đời; Mesa Verde trở thành công viên quốc gia

Cũng từ đấy một tổ chức tại địa phương, gồm phần đông là phụ nữ, phối hợp với một số nhân vật quan tâm tại Washington, D.C., đã vận động với Quốc Hội liên bang. Cuộc vận động kéo dài 15 năm. Kết quả là luật Bảo vệ Cổ vật (Antiquities Act of 1906) được Quốc hội thông qua và ra đời vào ngày 8/6/1906. Ba tuần sau đó, Tổng thống Theodore Roosevelt ký sắc luật và Quốc Hội chấp thuận việc thiết lập Mesa Verde National Park, công viên đầu tiên được thành lập để bảo tồn các di tích khảo cổ, ước tính vào khoảng 4,000 đơn vị, trong đó có khoảng 600 kiến trúc lớn nhỏ.

Mesa Verde, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là cái bàn xanh lá cây, trên đó tổ tiên người Da Đỏ trồng trọt mưu sinh cho tới thế kỷ 13, thực ra không phải là địa danh duy nhất trong vùng đã được bảo vệ, mà còn nhiều di tích cổ khác nữa. Nhưng Mesa Verde nổi tiếng nhất vì là địa điểm tập trung nhiều nhất các di tích kiến trúc đặc thù (Pueblo architecture) của tổ tiên người Da Đỏ, cũng còn gọi là Ancient Pueblo Peoples, mà lớn nhất là Cliff Palace, với 150 phòng và 23 kivas (phòng hình tròn xây thụt xuống lòng đá dùng làm nơi tụ họp, cúng tế). 

Theo các nhà khảo cổ thì sau khi sinh sống trên các mặt bằng trong các ngôi nhà xây thụt trong đất, gọi là “pit house”, trên các mesa trong khoảng 600 năm, tổ tiên của người Da Đỏ bắt đầu xây nhà cửa và sống thành cộng đồng làng mạc trong hốc núi vào khoảng cuối thập niên 1190, lên xuống bằng những bậc khoét vào thành núi loại đá cát (sandstone) chỉ vừa đặt bàn chân. Không ai rõ vì lý do gì họ làm như vậy, có giả thuyết cho là vì nhu cầu an ninh.

Khoảng cuối thập niên 1270, họ bắt đầu di cư xuống phía Nam nay là New Mexico và Arizona. Đến năm 1300 thì mọi sinh hoạt tại Mesa Verde ngưng hẳn, căn cứ vào phương pháp đo vòng trong lòng cây (tree-ring dating). Nhiều nhà khảo cổ và nhân chủng học suy đoán là có lẽ các trận hạn hán liên tiếp đã ảnh hưởng tới việc trồng trọt trên mesa nên dân làng đã phải bỏ đi tìm đất sống ở phía Nam, vì tại nơi đây người ta tìm được những cổ vật mang những đặc tính tương tự với những cổ vật tìm thấy ở Mesa Verde. 

Tuy nhiên, việc tại sao bỗng dưng người Anasazi biến mất khỏi Mesa Verde vẫn còn là một đề tài đang còn được tranh biện, và đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, trong đó có nữ văn sĩ nổi tiếng của Mỹ là Willa Cather (1873-1947). Một trong những truyện bà viết có liên quan trực tiếp tới Mesa Verde là “Blue Mesa.” Ngoài ra, trước khi có dịp thăm viếng nơi này lần đầu vào năm 2008, tôi cũng đã có dịp đọc cuốn tiểu thuyết “Mesa Verde” của Gary McCarthy dựng lại cả một nền văn minh của người Anasazi trên Mesa Verde.

Mesa Verde National Park và New Deal

Việc trùng tu và bảo trì xúc tiến rất chậm, phần lớn vì thiếu ngân quỹ. Cho tới thời New Deal do Tổng thống Franklin Delano Roosevelt phát động vào năm 1933 để cứu vãn nền kinh tế đang bị đại khủng hoảng. Một trong những chương trình của New Deal là việc thiết lập Đạo quân Dân sự Bảo trì, tiếng Anh là Civilian Conservation Corps, để tạo cơ hội cho giới thanh niên có việc làm. Một trong những cơ hội đó là đi bảo trì các công viên quốc gia. Công viên Mesa Verde nhờ vậy có ngân sách và nhân lực để trùng tu lại các di tích kiến trúc cổ và xây dựng hạ tầng cơ sở, như đường xá và những kiến trúc hỗ trợ khác trong công viên.

Trong số khoảng 600 di tích tìm thấy trong Mesa Verde, 90 phần trăm có 10 phòng hay ít hơn. Một phần ba chỉ có một hay hai phòng. Những di tích nổi tiếng nhất gồm Cliff Palace (150 phòng), Long House (150 phòng), Spruce Tree House (130 phòng), và Balcony House (40 phòng). Đây cũng là bốn nơi du khách có thể tới thăm.

Mesa Verde National Park, nằm ở cao độ trên 7.000 feet, chính thức mở cửa cho du khách vào xem vào năm 1972. Hàng năm có khoảng nửa triệu khách viếng nơi này. Du khách có thể thăm viếng một số di tích đã được trùng tu, như Cliff Palace, Balcony House, Spruce Tree House và Square Tower House trên Chapin Mesa; và Long House và Step House trên Wetherill Mesa nằm ở góc tây nam công viên, hai nơi này chỉ mở từ Memorial Day vào tháng 5 cho đến ngày Labor Day vào đầu tháng 9. Có vài di tích cần mua vé và có nhân viên của công viên hướng dẫn, và đòi hỏi người viếng phải có thể đi bộ, trèo cao được với đôi chỗ hầm thấp nhưng ngắn phải khom người hay bò qua.

Những chuyến viếng thăm Công viên Mesa Verde

Nghiên cứu về Mesa Verde cả năm, vào đầu tháng 5, 2008, tôi rủ được vài người bạn cùng đi thăm công viên này trong vùng Four Corners. Đây là nơi duy nhất trên đất Mỹ bốn tiểu bang Arizona, Utah, Colorado và New Mexico gặp nhau, và là nơi tập trung, như đã nói ở trên, nhiều công viên quốc gia tương đối ở gần nhau, dễ dàng cho việc đi thăm, nên chúng tôi quyết định dành thời giờ đi thăm các công viên khác luôn thể. Chúng tôi trải qua ba ngày trong Mesa Verde, trước khi đi thăm các công viên khác trong vùng. 

Tháng 8 năm 2014, tôi lại có dịp trở lại Mesa Verde một lần nữa với ba chị bạn. Ngoài việc thăm lại những di tích kiến trúc cổ trên, chúng tôi cũng đã viếng hai di tích bên Wetherill Mesa chỉ mở cửa vào mùa Hè, đó là Long House và Step House, mà lần đi trước bị hụt vì đi vào đầu tháng 5 nên di tích này, vì ở trên cao khoảng 8,000 feet vẫn còn tuyết phủ, nên còn đóng. 

Thế rồi vào cuối Hè 2019, tôi lại trở lại thăm nơi này với ba chị bạn, tất cả đã ngoài 70, nhưng không ai ngại leo trèo lên xuống đi thăm các di tích có hướng dẫn trong công viên. Chúng tôi đặt tên chuyến đi là “để đời” vì không biết có còn lần tới. Soạn bài này, với tôi, kể như là chuyến đi thứ tư, dù là qua hình ảnh và hoài niệm. 

Như hai lần trước, chúng tôi đi thăm các công viên trong vùng Bốn Góc, gồm có công viên tiểu bang Valley of Fire ở Nevada; các công viên quốc gia nằm trong tiểu bang Utah là Zion; Bryce Canyon; Capitol Reef (nhưng không quên lấy đường 12 nối hai công viên Bryce Canyon và Capitol Reef) có những núi đá sandstone nhiều hình dạng và màu sắc dọc hai bên đường tuyệt đẹp); Arches; và Canyonlands; và cuối cùng là công viên quốc gia Mesa Verde (xem bản đồ trên về vị trí của các công viên trong vùng Bốn Góc). Chuyến đi dài chín ngày, với hai ngày cuối cùng trong Mesa Verde.

Nếu bạn tính đi thăm Mesa Verde, nên bỏ ra khoảng một tuần hay hơn để đồng thời đi thăm thêm các công viên rất đáng thăm khác quanh vùng, để có dịp thưởng ngoạn những công trình tuyệt vời của thiên nhiên và con người.
Sau đây là một số hình ảnh chọn lọc về mấy chuyến đi thăm Công viên Mesa Verde. 

Đường lên Balcony House trắc trở hơn so với Cliff House vì muốn đến đó phải leo lên một cái thang cao 34 feet kê chênh vênh bên miệng một cái vực, như trong băng hình ở hàng trên: Từ trái, một nhóm khách đang leo lên; giữa, từ trên chụp xuống du khách đang leo và một nhóm khác đang đứng chờ tới phiên mình; phải, vài người vừa leo lên tới nơi. Băng hình dưới, từ trái, các bạn của tôi sau khi lên tới Balcony House; giữa, phía sau chỗ tôi đứng là di tích của một cái kiva, nguyên thủy có mái che, bên trong có lò sưởi, là nơi tụ tập của cư dân, đặc biệt vào mùa Đông; phải, một du khách đang điều chỉnh máy ảnh để chụp một cảnh từ Balcony House ngó ra thung lũng bên trái của hình, phía tiền cảnh là một phần của một kiva. (Hình: TD, 5/2008)

[TD2023-12]

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights