Thầy giáo làng – Kỳ 1

by TYTNT

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

LTS: Qua lời giới thiệu đầy ưu ái của nhà văn, nhà báo Trùng Dương, Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi hân hạnh được tác giả Nguyễn Trọng Hiền cho đăng lại từng kỳ, cuốn The Village Teacher, vừa được dịch ra tiếng Việt (xem thêm bài giới thiệu). Mời độc giả theo dõi.

Lời Nói Đầu

Sau đây là bản dịch sang tiếng Việt của tiểu thuyết The Village Teacher mà tôi viết và tự xuất bản năm 2012 qua chương trình Kindle Direct Publishing của Amazon.

Đây là một tiểu thuyết dựa trên một số dữ kiện lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên các nhân vật trong chuyện đều không có thật. Chủ đích của sách là trình bày hệ thống thi cử và sự thay thế chữ Nho và chữ Nôm bằng chữ Quốc Ngữ vào cuối thế kỷ 19 tại nước ta.

Để mô tả chế độ thi cử trong những năm cuối của triều đại nhà Nguyễn tôi đã dựa vào những tài liệu sau đây:  

Khoa cử Việt-Nam, Tập Thượng của Nguyễn Thị Chân Quỳnh, An Tiêm, Paris, 2002

Khoa cử Việt-Nam, Tập Hạ của Nguyễn Thị Chân Quỳnh, An Tiêm, Paris, 2007

Lều Chõng của Ngô Tất Tố, xuất bản tại Hà Nội năm 1952, in lại tại nhà in Khai Trí, Sài Gòn, 1968

Vietnam and the Chinese Model của Alexander Barton Woodside, Harvard University Press, Cambridge (Massachussets), USA 1988

Chiến tranh chống Pháp từ 1945 cho đến 1954 đã làm cho những cuộc nổi dậy chống Pháp vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 bị lu mờ đi nhiều. Trong chương tựa đề Kháng Chiến tôi đã dựa vào tài liệu sau đây:

Những Trận Ðánh Pháp của Lãng Nhân, Zieleks tái xuất bản, Houston, TX, 1987

Mặc dù đã lấy cảm hứng từ các tài liệu được trích dẫn, tất cả mọi sai lầm về thực tế hoặc cách diễn giải trong những trang sau đây hoàn toàn là của tác giả tiểu thuyết này.    

Nguyễn Trọng Hiền
Princeton, NJ – Tháng 3, 2023

Chương 1: Sĩ Tử

Tâm là người đầu tiên ra khỏi điện Cần Chánh, công trình kiên cố trong Tử Cấm Thành và là nơi tổ chức các kỳ thi Đình. Ngày ấy là ngày cuối cùng của kỳ thi cao cấp nhất tại kinh đô Huế.

Chàng đã viết xong bài văn với đề mục nhà Vua ấn định: “Cần phải có những cải cách nào trong hệ thống giáo dục để đưa nước nhà đến thời hiện đại?” Vì đa số sĩ tử cũng là thầy giáo như chàng, Tâm tưởng tất cả phải dễ dàng giải đáp câu hỏi đó, nhưng khi chàng nộp bài, tất cả các sĩ tử khác vẫn còn bận suy nghĩ hoặc đang mải miết hành văn.

Sau khi cất bút lông và đá mực vào trong một túi vải nhỏ mà chàng mang theo hàng ngày đến trường thi, chàng mở cửa căn phòng rộng khoảng một cái tủ, nơi mà chàng đã trải qua hơn gần nửa ngày rồi. Chàng bước qua các phòng khác, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng thở dài, tiếng ho, hoặc tiếng rên khe khẽ của các sĩ tử đang vật lộn với từng chữ và từng câu văn trong khi cố gắng ổn định những tư tưởng đang quay quẩn trong đầu mình.

Chàng trình nạp quyển viết của mình cho quan Chủ Khảo ngồi tại một bàn giấy và đang quan sát chàng với một bộ mặt nhăn nheo và vàng vọt.

Đội mũ cánh chuồn và mặc một bộ lễ phục khá sang trọng, quan Chủ Khảo tỏ vẻ ngạc nhiên, không tin rằng có ai lại có thể sắp rời trường thi sớm như vậy. Ngài dở từng trang quyển viết để xác nhận rằng có đủ mọi con dấu qui định. Sau đó, tay ngài run rẩy đóng một dấu niêm thật lớn lên trang cuối. Làm xong việc, ngài lại kiểm soát quyển viết từ đầu đến cuối. Rồi sau khi lục lọi và lẩm nhẩm với chính mình, ngài gật đầu để cho Tâm biết mọi sự đều ổn thỏa và ngài chỉ ngón tay về phía cửa đi ra. Tâm lễ phép cúi chào trước khi cất bước đi về hướng ấy.

Như thường lệ, chẳng thấy nhà Vua đâu cả. Điện Cần Chánh là nơi vua thiết triều, nhưng kể từ khi mở kỳ thi, Ngài đã không xuất hiện và sẽ không làm việc đó cho tới khi nào kết quả được công bố. Lúc đó những sĩ tử trúng cử sẽ được mời dự lễ tiệc dưới sự chủ tọa của Ngài.

Vua thời đó rất trẻ tuổi và được bao quanh bởi nhiều quan cao niên. Những vị này cố vấn và theo dõi cặn kỹ mọi hành động và mọi sự tương tác của Ngài với dân và với các quan chức của chính quyền thuộc địa Pháp. Những người chung quanh nhà Vua cạnh tranh với bọn thực dân Pháp để cho những quan điểm và đòi hỏi của mỗi bè phái được người thanh niên đang trị vì hấp thụ và chấp nhận. Mỗi bên đều tự cho bên mình quang minh chính đại và là con đường nhà Vua phải theo. Tâm không ham đòi vị thế của nhà Vua, và chàng thấy mình thật là hạnh phúc trong địa vị của một thầy giáo làng.

Sau khi kỳ thi đã chấm dứt, chàng cảm thấy nhẹ nhõm, trong lòng mong muốn về nhà trọ tập thể dục để làm tiêu tan những chỗ đau mỏi sau quá nhiều ngày giờ ngồi trong căn phòng thi chật hẹp. Nhà trọ khiêm tốn của chàng nằm gần một khu chợ và một cây cầu bắc ngang qua sông Hương. Nhiều sĩ tử không thuộc thành phần dân bản xứ cũng đang ở những nhà trọ tương tự hoặc tốt hơn tại những khu khá giả, tùy theo khả năng tài chính của mỗi người. Nhà trọ của chàng chắc xa nhất hoàng thành Huế, nhưng chàng thích sự kiện ấy, và thường ngày chàng mong đợi được đi tản bộ xa xôi như vậy. 

Chỉ có một cái bất tiện là chàng phải đi như thế trong bộ quần áo và đội cái mũ mà nhà Vua đã ban cho mọi sĩ tử. Ở nhiệt điểm cao nhất của mùa khô, bộ đồng phục đó thật là quá ngột ngạt và khó chịu. Mỗi khi về đến nhà trọ là chàng phải cởi bỏ nó ra ngay lập tức.

Vào thời kỳ đó, các kỳ thi Hội, thi Đình chỉ được tổ chức vài năm một lần, nhưng các chủ quán trọ luôn luôn sẵn sàng để tiếp đón các sĩ tử từ khắp mọi nơi trong nước. Biết rằng một số người trong đám sĩ tử thể nào cũng sẽ đoạt được các chức tước quan trọng tại kinh đô hoặc tại các nơi quê quán của họ, các chủ quán bao giờ cũng tiếp đón thật niềm nở khách hàng đi dự thi. Đối với sĩ tử giàu có, họ luôn luôn săn đón những quý khách như vậy với mọi sự ân cần hậu đãi. Ngay cả những sĩ tử ít tiền ít bạc hơn, chủ quán cũng dành cho họ những biệt đãi mà khách thường lệ ít khi được hưởng.

Đối với Tâm, một thầy giáo từ một làng nhỏ ở miền Bắc, chủ quán trọ dường như ái ngại khi trông thấy một thanh niên ăn mặc giản dị, không có ai tháp tùng, và chỉ đem theo một cái túi đựng sách và quần áo. Chủ quán cho Tâm ở một căn buồng nhỏ ở cuối một hành lang, với một rèm hạt tre thay cho cửa buồng. Căn ấy có thể là một phòng cho người giúp việc, nhưng Tâm không than phiền. Buồng bao giờ cũng có một luồng gió nhẹ liên tục thổi qua làm cho không khí trong đó mát mẻ và dễ chịu mà không cần đến quạt giấy.

Tuy nhiên, với thời gian chủ quán dần dần thay đổi thái độ. Chẳng bao lâu, bộ máy đồn đại của kinh đô cho mọi người trong dân gian biết rằng Thầy Tâm là một học giả lỗi lạc.

Chàng đã trúng cử Thi Hương vào năm 17 tuổi, không những vượt qua cả bốn kỳ để được gọi là Cử Nhân mà còn đứng đầu các sĩ tử thi đậu cùng năm.

Sau đó chàng đã thay cha trông nom trường làng, và đã dạy học bẩy năm liền trong khi tiếp tục học thêm để chuẩn bị dự những cấp thi đại khoa cao hơn. Thời bấy giờ, vì chiến tranh chiếm thuộc địa của người Pháp và những cuộc khủng hoảng chính trị tại triều đình, các kỳ thi đã hoãn lại nhiều lần và không ai có thể đi thi mặc dầu hội đủ điều kiện. Sau nhiều năm, các kỳ Thi Hội, Thi Đình lại được tổ chức ở Huế. Tâm cùng với mấy trăm sĩ tử từ khắp nơi trong nước đổ dồn về kinh đô.

Từ khi đến Huế, chàng đã dự Thi Hội, vượt qua cả bốn bực để trở thành Hội Nguyên, và đã đứng đầu số sĩ tử trúng cử để đi Thi Đình. Sau thành tích vẻ vang này, cách đối xử với chàng tại quán trọ đã trở nên dễ chịu hẳn lên.

Ngay cuối tuần đầu tiên, ông chủ quán đã biết tất cả những điều cần biết về sĩ tử trẻ tuổi từ miền Bắc, và rất khâm phục cả thái độ lẫn cử chỉ của người khách quý mà mình mới khám phá ra. Không đợi ai hỏi, ông ta đã mời Tâm dọn sang một căn phòng rộng hơn và khá hơn mà không gia tăng tiền thuê. Ông ta ra chỉ thị cho mọi nhân viên trong quán trọ phải đặc biệt lưu tâm đến người khách quý, một học giả mà định mệnh sẽ đưa đến những địa vị cao quý nhất trong quan trường. Mỗi buổi sáng, món ăn điểm tâm được đem đến tận phòng trọ. Mỗi buổi chiều, sau khi Tâm rời điện Cần Chánh và trở về quán trọ, nước tắm đã được chuẩn bị sẵn cho chàng.

Tâm quả quyết rằng phòng trọ đầu tiên đầy đủ tiện nghi, nhưng chủ quán nhất định không nghe. Chủ quán muốn ưu đãi Thầy Tâm tối đa để làm cho thời gian trọ quán hoàn toàn thoải mái.

Khi chàng thi đỗ Hội Nguyên, chủ quán cho làm thịt một con lợn và tổ chức một bữa tiệc linh đình cho chàng Hội Nguyên cùng với sự tham dự của các khách trọ khác và nhân viên nhà trọ. Sự kính trọng đối với Tâm lại lên cao thêm một bực nữa, và chàng cảm thấy sự đối xử của quán trọ đối với mình cũng gần ngang với lòng quý mến của các học trò và bậc phụ huynh ở nơi trường làng.

***

Tâm rời Đại Nội qua cửa Đông và bắt đầu đi dạo trên các đường phố chật hẹp của thành phố Huế để tiến dần về phía quán trọ. Phố xá vẫn còn một vài vết tích những sự hư hại do pháo binh Pháp gây ra khi họ chĩa súng bắn vào kinh đô để bắt triều đình mở cửa cho họ xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Đa số những cảnh đổ vỡ đã được xây dựng hoặc sửa chữa lại. Tâm đoán nghĩ những nhà cửa trông còn tan nát có lẽ thuộc sở hữu của các quần thần đã theo vua Hàm Nghi di tản lên miền thượng du để khởi đầu phong trào Cần Vương. Ít lâu sau nhà Vua trẻ tuổi đã bị bắt và đầy đi Algérie. Phong trào Cần Vương sau đó vẫn tiếp diễn, yếu kém hơn nhưng chưa hoàn toàn bị dập tắt.

Vì chẳng có gì để làm ngoài sự chờ đợi kết quả kỳ thi, chàng đi một cách chậm rãi trên con đường về nhà trọ. Chỉ có rất ít người đi bộ trên các đường phố, chắc tại vì cái nóng ngột ngạt của buổi trưa. Dựa vào bộ y phục và cách ứng xử của chàng, nhiều người đi đường nhận ra chàng là một trong những sĩ tử cứ đến kinh đô vài năm một lần để dự thi. Có người cúi chào hoặc mỉm cười, trong khi một vài người khác chỉ biết ngơ ngác ngắm nhìn chàng. Đa số dân chúng đều đi bộ như chàng. Ngựa xe thì hiếm có, và nếu có chắc thuộc quyền sở hữu của những quan văn võ của triều đình, hay của người Pháp.

Chàng thấy đằng trước mặt một người đàn bà ngồi trên lưng ngựa với một chị hầu đi bên cạnh. Nhìn đằng sau hai người ấy, chàng đoán họ là người Chàm vì đàn bà Chàm nổi tiếng cưỡi ngựa không thua gì đàn ông Chàm. Người ngồi trên lưng ngựa đầu trần, không có khăn choàng nào lên tóc, mà cũng chẳng đội nón tròn và rộng mà phụ nữ thường dùng để che nắng và bảo vệ da mặt.

Chưa bao giờ được tiếp xúc với dân tộc Chàm, Tâm tò mò muốn xem hai người đàn bà trông như thế nào. Kể từ cuối thế kỷ thứ mười, dân Chàm đã dần dần bị đẩy ra khỏi những tỉnh thuộc miền trung Việt, nhưng có một số vẫn còn sinh sống ở phía nam kinh thành. Ít ai thấy họ bên ngoài những địa phương đó vì người Chàm thường tránh gặp những kẻ đã chinh phục và tiêu diệt vương quốc Chàm. 

Muốn thỏa mãn lòng hiếu kỳ, chàng bước nhanh hơn để theo kịp hai người đàn bà đang đi cùng hướng với mình. Trước mặt chàng nhận thấy có hai người đàn ông cũng đang theo chân họ. Sau một quãng thời gian ngắn, người cưỡi ngựa cùng người giúp việc rẽ vào một con đường ngang, và hai người đàn ông kia bỗng chạy theo.

Hành động bất ngờ đó làm cho Tâm gia tăng tốc độ. Hai gã kia rẽ vào con đường ngang, và chàng không còn nhìn thấy họ nữa. Khi chàng đi đến góc đường, chàng nhận thấy họ đã đuổi kịp với hai ngưởi đàn bà. Một gã đẩy người hầu thật mạnh xuống mặt đường trong khi gã kia đang giằng co một đồ vật gì đó với người ngồi trên lưng ngựa. Người hầu kêu cứu trong khi người cưỡi ngựa đang kéo víu vào yên ngựa để khỏi ngã xuống đất.

Tâm chạy về nhóm người và đến bên cạnh gã đàn ông đang giằng co với người cưỡi ngựa. Dùng động lực của mình, chàng đưa vai phải húc vào lưng của người đàn ông làm cho hắn ngã lăn xuống đất. Gã thứ hai choáng váng bởi đòn tấn công bất ngờ của chàng. Hắn khựng lại trong giây lát rồi rút ra một con dao găm. Hắn đâm dao về phía Tâm. Chàng quay người một phần tư vòng, tóm lấy cổ tay hắn, tay kia nắm lấy khuỷu tay. Dùng đà của đối thủ, chàng tiếp tục quay người và kéo địch thủ ra xa hai người đàn bà. Sau cùng chàng đẩy mạnh khuỷu tay của địch trong khi vừa vặn vừa kéo cổ tay, và dùng chân gạt hai bàn chân của hắn. Địch thủ ngã rập bụng xuống đất, dao găm rơi khỏi tay. Tâm đá vũ khí đó ra thật xa.

Chị người hầu đứng dậy trong khi hai gã còn nằm trên mặt đất. Chàng đứng giữa hai người đàn bà và hai kẻ cướp, sẵn sàng để đối phó với hai tên ấy. 

Tên trước đó cầm dao lom khom đứng dậy, mũi chảy máu, mặt lấm bụi và đang bắt đầu sưng lên. Gã kia cũng gượng gạo đứng lên, hai tay ôm ngực, mặt mày nhăn nhó. Hai gã nhìn chàng một cách nể sợ, không ngờ người măc bộ y phục lạ lùng kia đã cho cả hai gã nếm mùi đất trong vài giây phút ngắn ngủi.

“Tẩu!” gã mặt mũi đầy máu ra lệnh. Lập tức hắn chạy ngay trở ra đường phố chính, và gã kia nhanh chân chạy theo.

Tâm quay lại nhìn hai người đàn bà. Người giúp việc đứng ôm cô chủ đã xuống ngựa, và họ đang nhìn chàng với vẻ mặt sợ hãi. Cả hai mặc quần áo mà các phụ nữ thường mặc khi ra khỏi nhà, tuy quần áo cô chủ có vẻ tươi trẻ hơn và hàng vải tốt hơn. Cô chủ nom cỡ tuổi của những học trò lớn nhất của chàng tại trường làng.

“Họ chạy đi rồi, vậy không có gì để lo nữa. Hai người có ai bị tổn thương gì không?” 

“Cám ơn Thầy, chúng tôi không sao,” cô chủ trả lời.

***

Tóc nàng đen mượt nhưng ngổn ngang, không có mũ nón nào che giữ như nhiều phụ nữ thường có. Mặt nàng trái xoan, hai bên má hơi ửng hồng, và đôi mắt thật là phi thường. Dưới hàng lông mi cong, đôi mắt của nàng xanh, cùng màu với một loài hoa súng quý hiếm mọc ở một trong những ao nước rải rác ở quê chàng. Tâm cảm thấy với đôi mắt đó, nàng đang nhìn thẳng vào tâm trí của mình. Chàng phải cố tránh nhìn nàng quá lâu. 

Trong khi đó, sau khi biết rằng mình đã thoát nạn và cơn khủng hoảng và sự khiếp đảm đã qua rồi, nàng bắt đầu mỉm cười môt cách dè dặt. Nàng nhìn Tâm, với một sự ngạc nhiên mới lạ.

“Hai người có biết tại sao họ tấn công không?” chàng vừa hỏi vừa kéo quần áo và sửa mũ lại cho ngay thẳng.

“Họ định ăn cướp cô nương,” người giúp việc thốt lên trong khi còn đang phủi bụi bậm dính vào quần áo mình.

“Cô nương có thể lên ngựa trở về nhà được không?” chàng hỏi. “Tôi sẽ đi theo đưa về đến nhà bình an vô sự.”

“Chúng tôi không ở quá xa chỗ này,” thiếu nữ trả lời trong khi vẫn chăm chú nhìn người đàn ông mặc trang phục của một sĩ tử. Chỉ trong trong giây lát người ấy đã đuổi được hai tên cướp. Nàng định nói thêm gì đó nữa nhưng sau lại thôi. Nàng leo trở lên lưng ngựa một cách uyển chuyển và lanh lẹ, liếc nhìn chàng một lần nữa trước khi thúc ngựa đi về phía trước.

Người hầu theo sát cô chủ trong khi chàng bước ở phía sau một khoảng cách. Chàng thấy phấn khởi vì cuộc đụng độ với hai kẻ cướp đã không đưa đến cảnh đổ máu quá tệ. Cho tới hôm đó, chàng chưa bao giờ phải dùng võ học để tự phòng vệ hoặc cứu giải người nào. Như vậy bao nhiêu năm luyện võ ở quê nhà với chú của chàng đã đưa đến kết quả tốt đẹp, một sự kiện mà trước đó chàng không bao giờ nghĩ có thể xảy ra trong đời mình.

Thiên hạ thường nói rằng nạn trộm cướp và tội ác ở Huế, măc dầu có sự hiện diện của nhà Vua và triều đình trong Thành Nội, cũng không kém gì những thành phố lớn khác. Vụ cướp giựt vừa xảy ra cho thấy những lời đồn đại đó không phải là vô căn cứ. Có thể những biến động và thay đổi chính trị trong nhiều năm qua đã đưa đến tình trạng phạm pháp trầm trọng vì các viên chức trong chính quyền quá bận tranh giành với nhau hoặc với người Pháp.

Dù sao chăng nữa, chàng đã được nhìn rõ hai người đàn bà. Họ là người Việt chứ không phải người Chàm như chàng đã đoán nhầm.

Còn tiếp)


You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights