Giới thiệu ‘Thầy Giáo Làng’ của Nguyễn Trọng Hiền

by TYTNT

TRÙNG DƯƠNG

Tôi gặp anh Nguyễn Trọng Hiền vào một dịp đi thăm một trại trồng cranberry ở New Jersey để xem người ta gặt cranberry ra sao. Chuyến đi, do một người bạn tổ chức vào một cuối tuần đầu tháng 10 nhân dịp tôi đi thăm Miền Đông cách nay tám năm. 

Chuyến đi thăm trại dâu vừa để xem gặt dâu vừa để chụp hình. Trời hôm ấy mưa, trại dâu lại không để bảng hướng dẫn ngoài đường, thành ra chỉ có vợ chồng người bạn và tôi tới được địa điểm đúng giờ sau khi chạy lòng vòng một lúc. Một người bạn khác bỏ cuộc sau khi kiếm không ra trại. 

Riêng Anh Hiền tới trễ cả tiếng cũng vì tìm đường tới trại, người của trại phải lấy xe chở anh ra tận ngoài ruộng nơi xe buýt của chúng tôi đang đậu, nơi mọi người bị buộc phải ở trong xe nhìn ra chứ không được xuống khỏi xe, vì “sợ làm ‘ô nhiễm’ ruộng dâu”. Thành ra chả ai chụp được hình muốn chụp. 

Anh Hiền không chịu thua, ngày hôm sau trở lại khu trồng dâu của một trại khác, tự túc, thay vì mua vé tour như hôm trước, và mày mò chụp được một số hình gặt cranberry khá đặc biệt. Anh gửi cho chúng tôi cái link hình ngay buổi tối hôm đó. Tôi đã cảm phục anh ở sự kiên trì, không muốn để một cuối tuần (anh Hiền lúc ấy còn đang đi làm toàn thời, trong ngành điện toán thông tin) qua đi mà không đạt được điều mình muốn làm. Là một nhiếp ảnh gia tài tử, không sinh sống bằng nghề chụp hình, anh Hiền dùng những dịp cuối tuần đi săn hình, rồi chăm chỉ post lên cái Web blog của anh ở http://neihtn.wordpress.com/. Neihtn — tên anh viết ngược lại — là ảnh hiệu và cả bút hiệu của anh. 

Anh Hiền không chỉ có sở thích chụp hình nghệ thuật. Anh còn viết truyện nữa, bằng tiếng Anh, và đã tự xuất bản lấy cuốn đầu tay, “Village Teacher”, vào năm 2012, hiện có bán trên Amazon, cả dưới hình thức sách giấy lẫn e-book. Anh nói sẽ gửi tặng tôi một cuốn đọc chơi và cho ý kiến. 

Tôi cũng chỉ định “đọc chơi”, nghĩ bụng nếu không hay thì cũng cho ý kiến một cách phất phơ cho phải đạo. Chẳng dè vào khoảng một phần tư hay năm cuốn sách, tôi bị cuốn vào câu chuyện, thấy phải đọc cho hết để xem cho biết kết cục câu chuyện tình của thầy giáo làng Tâm và cô con gái lai Pháp Việt trong bối cảnh xứ Huế sau một kỳ thi Đình, khoảng cuối thế kỷ 19 đầu 20 vào thời buổi giao thời khi bắt đầu giai đoạn “cái học nhà Nho đã hỏng rồi” (Thơ Trần Tế Xương, 1870-1907), lúc thầy giáo Tâm đang chờ kết quả kỳ thi; và “bão tố” của đời thầy giáo làng cũng bắt đầu nổi lên từ đấy. 

“Thầy Giáo Làng” thu hút tôi vì câu chuyện và các tình tiết một phần, nhưng phần lớn là vì cách xây dựng nhân vật khá linh động và cách tác giả đan bện các tình tiết vào nhau một cách tế nhị và tài tình. Ngoài ra, vì có nhiều truyền thống tập tục Việt thời ấy cần được giải thích để độc giả không có kiến thức về chúng có thể hiểu mà tiếp tục theo giõi câu chuyện thay vì bị lọt ra ngoài rồi bỏ ngang không đọc nữa, cũng được tác giả giải thích tóm tắt một cách sáng sủa, gọn gàng mà mạch chuyện không vì thế bị loãng. 

Trong bối cảnh một Việt Nam vừa mất chủ quyền vào tay người Pháp với những nề nếp truyền thống đang dần bị đào thải, thầy giáo Tâm từ một làng ở ngoài Bắc vào kinh đô Huế để dự cuộc thi mà sự đỗ đạt sẽ đưa thầy vào đường quan hoạn cho một thứ triều đình đã và đang trên đường bị lịch sử phế thải. Tác giả đã dùng cuộc thi cử này để giới thiệu tới người đọc không khí và hệ thống thi cử xưa của Việt Nam, những luật lệ khe khắt mà thí sinh phải thuộc nằm lòng, nhất là tên của vua cũng như các nhân vật hoàng gia, để không phạm húy mà bị tội. Những chi tiết này cho thấy một công trình sưu tầm và nghiên cứu công phu về hệ thống học hành thi cử xưa. 

Trong thời gian chờ đợi kết quả, Tâm nhân cơ hội đi thăm thú kinh đô cùng những thắng cảnh của nơi này. Tác giả cũng đã nhân đó giới thiệu tới độc giả những kiến trúc đền đài, chùa chiền và lăng tẩm của Huế (tự dưng tôi nghĩ đây có thể là những cảnh thú vị để dựng thành bối cảnh cho một cuốn phim dựa vào câu chuyện về mối tình không thiếu lâm ly bi hùng của cuốn tiểu thuyết). 

Cũng trong thời gian chờ kết quả kỳ thi và thăm thú kinh đô, Tâm có dịp cứu Giang, cô gái lai Pháp và là trưởng nữ của vị đặc sứ người Pháp gốc Hải quân nhưng ở Việt Nam lâu năm và thông thạo tiếng Việt, khỏi tay hai tên cướp vặt bằng tài võ thuật của mình. Nhờ đó Tâm có dịp quen biết với gia đình Giang, môt cô gái lai nhưng thông thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Không những thế, Giang còn biết đọc và viết cả chữ Quốc ngữ mà hồi đó rất ít người biết. Thấy chữ Quốc ngữ đơn giản và dễ hiểu, không như chữ Hán và Nôm rắc rối khó nhớ và do đấy không phổ thông, Tâm đã nhờ Giang dậy cho chữ Quốc ngữ. Rồi lại thấy chữ Pháp cũng hay hay, hứa hẹn mở ra những chân trời tri thức mới, Tâm xin Giang dậy mình học luôn. Qua những tiếp xúc này, cái nhìn của Tâm đối với hệ thống thi cử “lều chõng” cũng dần thay đổi, đồng thời một mối tình trong trắng hồn nhiên nẩy nở giữa hai người. Cái khéo của tác giả là suốt nhiều chương sách anh không hề nhắc tới hai chữ tình yêu, nhưng người đọc có thể cảm thấy bàng bạc mối cảm tình sâu đậm hai người có về nhau. 

Cũng từ đó là những bất hạnh đã liên tiếp xẩy ra cho Tâm vì mưu mô nham hiểm và quỷ quyệt của viên Thượng thư Bộ Lễ của triều đình, khiến Tâm phải thình lình bỏ kinh đô về lại quê nhà ở ngoài Bắc. Chưa hết, tại đây, Tâm cũng gặp nhiều biến cố khiến đời sống của chàng bị đảo lộn, đe dọa. Song nhờ tình yêu bền bỉ nhưng chưa hề thổ lộ của Giang đối với chàng, và ngược lại, mà cuối cùng họ vượt qua đuợc những nghịch cảnh để cùng xum họp và bắt tay vào việc đem chữ Quốc ngữ tới quần chúng để giúp mở mang kiến thức, thay vì nền giáo dục cổ xưa dựa vào chữ Hán và Nôm, chỉ để dành cho một thiểu số may mắn có đặc quyền hoặc cơ hội. 

Tác giả dùng loại kể chuyện từ nhãn quan và cả cảm nghĩ của nhiều nhân vật (third person omniscient), chính cũng như phụ, nhưng nhờ câu chuyện tự nó có sức lôi cuốn vì những biến cố dồn dập, nên người đọc ít để ý mà tự buông thả một cách vô thức vào dòng chuyện. Có lẽ nhờ đó mà người đọc có lúc thấy mình đứng về phía người Pháp, như viên đặc sứ thân sinh của Giang, một điều tôi nghĩ là ít khi nào, hay chưa bao giờ, tôi cảm thấy như vậy khi đọc về lịch sử Pháp thuộc; hoặc, và đã hẳn, là về phía Tâm và Giang, là hai nhân vật chính. Và có khi còn thực sự thấy bất bình, cả ghê sợ, trước những mưu tính nham hiểm, xảo quyệt của viên Thượng thư Bộ Lễ nhằm mưu hại Tâm; hoặc của viên lý trưởng gian ác tại làng Tâm ở nhằm triệt hạ Tâm bằng cách gán cho Tâm ngả theo Pháp đem loại chữ mà họ không hiểu và chỉ những nhà truyền giáo và những người theo “tà giáo”, tức đạo Thiên Chúa, mới xử dụng. 

Nhìn chung đây là một cuốn tiểu thuyết lôi cuốn, chưa kể người đọc có dịp hiểu biết thêm về một nền giáo dục từ chương, hệ thống thi cử và phương cách triều đình Việt Nam tuyển chọn những người làm việc nước thời xưa, nhất nhất dập khuôn Trung Quốc như từ muôn đời, bất chấp những đổi thay của thế giới bên ngoài, đặc biệt Tây phương, của cuối thế kỷ 19, một thế kỷ điển hình với cuộc cách mạng kỹ nghệ khoa học. Bối cảnh ấy, với một triều đình còn cố bám víu vào những khuôn thước mẫu mực ảnh hưởng bởi Trung Quốc mặc dù chính Trung Quốc cũng đang phải đương đầu với những áp lực cả trong lẫn ngoài, gợi nhớ tới chế độ và đảng cộng sản Việt Nam hiện nay cũng đang trải qua một kinh nghiệm tương tự, giữa thời đại Internet mà sự thay đổi còn vũ bão hơn nhiều lần, đã và đang đảo lộn mọi đời sống cá nhân, xã hội và cả thế giới. 

“Thầy Giáo Làng”, với đề tài hầu như đã lâu chẳng ai trong số những người cầm bút Việt bận tâm khai thác, lại là cuốn truyện đầu tay và viết bằng Anh ngữ, do tác giả tự xuất bản, và đã được một số độc giả Anh ngữ cho biết đã đọc một cách say sưa (như những nhận xét trên Amazon), tất nhiên là khiến tôi rất tò mò. Chưa kể, những người cầm bút ở tuổi tôi (trên dưới 70), và cả nhiều người trong giới trẻ thuộc thế hệ 1.5 ở hải ngoại, hầu như không mấy ai viết tiểu thuyết (tức fiction) nữa. Phần lớn các sách xuất bản từ mấy thập niên trở lại đây là hồi ký, tường thuật hay biên khảo, thay vì là tiểu thuyết. Có lẽ từ sau 1975 nhiều chuyện ngoài sức tưởng tượng đã xẩy ra cho người Việt tị nạn, nên những người cầm bút, từ trước 1975 cũng như sau đó, không thấy, và có lẽ cả không thể, tưởng tượng hơn thực tế nữa, chăng? Do đấy, sự hiện hữu của “Thầy Giáo Làng” phải kể là hãn hữu vậy.

Tôi có phỏng vấn tác giả Nguyễn Trọng Hiền để tìm hiểu thêm động lực và hành trình thực hiện “Thầy Giáo Làng”, hiện đăng tại đây (https://damau.org/35316/chuyen-tro-voi-tac-gia-thay-giao-lang-nguyen-trong-hien). Một độc giả, ký tên là Hai Trầu, viết đoạn phản hồi sau:

#1 Comment By hai trầu On 23/01/2015 @ 8:17 am – Đọc bài giới thiệu này, tui nhớ hồi năm 1971,nhà xuất bản Hồn Quê (Sài Gòn) có xuất bản cuốn sách dịch “Thầy Giáo Làng” (nguyên tác bằng tiếng Anh “The thread that runs so true” của Jesse Stuart, và được Claude Levy dịch ra Pháp văn: “Les cahiers d’un maitre d’école”), do thi sĩ Bàng Bá Lân dịch, rất hay. Tôi nghĩ phải chi tác giả viết bằng tiếng Việt thì tác phẩm của ông sẽ hấp dẫn hơn nhiều vì dù sao tiếng mẹ đẻ vẫn ấm áp hơn tiếng ngoại quốc. HT

Gần đây, sau nhiều năm không liên lạc, anh Hiền gửi điện thư cho tôi, thông báo tin bất ngờ và thật vui, là anh vừa hoàn tất bản dịch Việt ngữ cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Vừa lúc tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nuớc Tôi ra đời, mà một trong những mục đích là nhằm vun bồi thăng hoa tiếng Việt. Và anh Hiền đã đồng ý để TYTNT giới thiệu thành nhiều kỳ bản Việt ngữ của “Thầy Giáo Làng” kể lại thuở đầu đời của chữ Quốc ngữ mà chúng ta hiện biết và dùng mỗi ngày–một sinh ngữ đang trải qua nhiều biến đổi, trong nước cũng như tại các cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới từ sau biến cố 30 tháng 4, 1975. 

Trùng Duơng
Mùa Xuân 2023 

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights