Chuyện buồn trong âm nhạc

by Tim Bui
Chuyện buồn trong âm nhạc

TRẦN HỮU NGƯ

Chuyện buồn trong âm nhạc, đó là những chuyện xảy ra đã lâu, được ít người biết, cũng có những chuyện “nghe nói”, “Thông-tấn-vỉa-hè”, và tôi cũng đã nói rải rác trong những bài viết của mình.

Nhưng nay, sau cái chết của nhạc sĩ Y Vũ, người ta khơi lại chuyện cũ: Bài hát “Tôi đưa em sang sông” là của ai?

Tôi đã đọc bài trên mạng, hỏi một vài người bạn “am hiểu về âm nhạc”… có người nói rằng nhạc phẩm “Tôi đưa em sang sông” là của Y Vũ, lại có người khẳng định rằng đó là của Nhật Ngân. Hai bên (những người ngoại cuộc, hai bên nói, nghe đều có lý), còn hai tác giả Nhật Ngân, Y Vũ cũng trưng ra bằng chứng trước dư luận, và hai chàng nhạc sĩ này, kẻ Trung người Nam đã chứng minh rằng “Tôi đưa em sang sông” là của mình!

Chuyện tranh chấp bản quyền hiếm có trước 75, nhưng sau 75 hơi bị… nhiều, nhất là những nhạc sĩ mới nổi sau 1975.
Nhưng cần lưu ý một điều, mà điều này, làm cho chúng phải suy nghĩ:

-Tất cả những thông tin trên mạng (tôi nhấn mạnh) trước và sau khi nhạc sĩ Y Vũ qua đời, đều nói rằng:  Nhạc phẩm “Tôi đưa em sang sông” là của Nhật Ngân? (Những bài viết của những người đã có tiếng, thường ở hải ngoại, có thể tin được)

-Chỉ có tin đồn kiểu “nghe người này nói, người khác nói” thì cho rằng “Tôi đưa em sang sông” là của Y Vũ? Có băng dĩa cũ ghi một chương trình 16 Tình khúc của Y Vân và Y Vũ, bài thứ nhất “Tôi đưa em sang sông” do Khánh Ly ca (trước 1975).
Biết tin ai bây giờ?

Tiếc rằng người có thẩm quyền để nói ra thật chuyện này là nhạc sĩ Y Vân, nhưng anh đã mất. 

Tôi phân vân, áy náy, khi viết lại chuyện này, vì nhạc sĩ Y Vũ “mồ chưa xanh cỏ”, tôi xin linh hồn anh hãy thứ cho tôi và bài viết ngắn này không chỉ có riêng anh mà còn có một vài người khác đã làm nên chuyện buồn trong âm nhạc.

Điều mà bấy lâu nay người ta hay tin vào “Tôi nghe nói”, và nếu tin vào “Tôi nghe nói” rất là nguy hiểm, vì trong tất cả mọi lãnh vực thường thì “trọng chứng hơn trọng cung”.

Khi nghe tin nhạc sĩ Y Vũ qua đời, tôi đã viết một bài thương tiếc anh về hai nhạc phẩm “Tôi đưa em sang sông” và “Ngày cưới em”, dù không phải tôi không nghe chuyện lùm xùm tác quyền “Tôi đưa em sang sông” giữa Nhật Ngân và Y Vũ đã “nghe nói” từ lâu.

Và sau khi suy nghĩ, tôi đưa ra những vấn đề sau:

-Tại sao từ miền Trung, nhạc sĩ Nhật Ngân lại nói với Saigon rằng “Tôi đưa em sang sông” là của mình?

-Chắc phải có lý do nào nào đó, chớ không phải bỗng dưng “muốn nói là nói” vì tất cả những người nhạc sĩ trước 75 ở miền Nam đều là những người tự trọng, biết người biết ta, thương nhau và nhường nhịn nhau, họ viết bài cũng không vì “miếng ăn”, lại không vì háo danh, mà cũng chẳng cần nổi tiếng, bằng chứng rằng có không ít nhạc sĩ lấy nhiều bút hiệu.

-Tôi tiếc rằng, tại sao lúc còn sống, nhạc sĩ Y Vân không nói rõ chuyện này mà để nó kéo dài… (chuyện xảy ra trước 1975). Và tôi cũng xin lỗi nhạc sĩ Y Vân, nếu nói thật ra, thì anh còn nghĩ đến đứa em ruột của mình là Y Vũ nữa chứ? (Mọi câu chuyện hình như bắt nguồn từ Y Vân?).

-Cũng có trường hợp “cá biệt” nhạc sĩ đàn em nhờ đàn anh coi lại bài hát mà đàn em vừa sáng tác, đàn anh sửa một vài từ, vài nốt, rồi để tên mình “cùng tác giả” vào bản nhạc!

Trở lại “Tôi đưa em sang sông”.

Vậy “ông nói qua, bà nói lại” thì cuối cùng “Tôi đưa em sang sông” là của ai?

Thà rằng một nghi án TTKH, còn hơn! 

Tôi xin thành thật mà nói rằng, (theo cảm nghĩ của mình) bài hát “Tôi đưa em sang sông” là một bài hát chỉ “hay vừa”, không phải “hay cao”, “hay thấp” và nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác rất nhiều ca khúc nổi tiếng, anh được người nghe biết tên nhiều hơn nhạc sĩ Y Vũ?

Có người đề nghị là lấy tên “đồng tác giả”, nhưng riêng tôi, tôi phản đối vì “kẻ Trung người Nam” nên phải là của một người chớ không thể nào là đồng tác giả được, nhất là tình hình liên lạc thời ấy rất khó khăn chớ không phải thuận tiện như bây giờ?

Và xét rằng nhạc và lời của Nhật Ngân khác xa lời và nhạc của Y Vũ. Vì vậy hai anh không thể nào sáng tác chung được!

Nhân chứng, vật chứng không còn. Tôi định sẽ có ngày tôi về quê đi tìm người “cầu cơ” như có người “cầu cơ” bài thơ Tiêu sầu của Hàn Mặc Tử. 

Không có lửa làm sao có khói? Vậy ai đốt lửa? Nhật Ngân hay Y Vũ? 

Đó chỉ là một chuyện buồn trong âm nhạc. Còn một vài chuyện buồn nữa như sau:

-Lấy bài thơ của người ta rồi phổ nhạc làm của riêng mình. Chuyện thật 100%, ai cũng biết “chỉ có một người làm bộ không biết” vậy mà người nhạc sĩ ấy tỉnh bơ như ngỗng ỉa!

-Lấy thơ phổ nhạc, rồi quên đề tên tác giả bài thơ (Quên thôi, chớ không phải cố ý chiếm đoạt, đó là nợ khó đòi).

-Có một nhạc sĩ người Phan Thiết viết một bài Boléro khá hay, nhưng vì túng tiền nên bán bài hát ấy cho một nhạc sĩ đã có tiếng. Người nhạc sĩ này, sau khi mua bài hát đã xóa tên tác giả, để tên mình?

-Sau 1975, có nhạc sĩ sửa lời bài hát của mình (bài nhạc này có một thời nổi như cồn) để được hát dưới chế độ mới, đã làm mất mặt KBC.

-Có một nhạc sĩ chuyên Slow ở miền Bắc đã từ chối đứa con của mình được sinh ra ở Đống Năm, ông viết bài nhạc này để kỷ niệm ngày ông Khuốc vào mùa Thu năm 1947: Ca khúc “Ánh trăng mùa Thu”

-Có một nhà xuất bản in ca khúc “Hận Ô giang” đề tên là Văn Cao, nhưng nhạc phẩm này là của Nguyễn Qúy Đôn (ông là một ca sĩ thời tiền chiến, ông phóng tác theo bài thơ “anh hùng ca” của Phạm Huy Thông viết tại Hà Nội năm 1940 có tên là Tiếng địch sông Ô). (*)

-Nhiều ca sĩ hát sai lời nhạc cũ nhiều quá, bài nào cũng có. Đã để lại nỗi buồn cho người nghe và nhạc sĩ tác giả.

-Có rất nhiều bài hát hay, lại có văn hóa nữa, của nhạc sĩ miền Nam (phần đông đã qua đời) những bài này không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới, vậy mà không được hát lại?

-Không ít nhạc sĩ trẻ ngày nay đã “cầm nhầm” ca khúc của người khác (thường là nhạc ngoại, vì họ cứ tưởng nhạc ngoại ít ai biết).


-Và sau cùng, một chuyện xảy ra đã lâu, khi có người bỗng dưng “thấy tưng tưng trong người” bèn la làng: Ca khúc “Nỗi lòng người đi” không phải của Anh Bằng mà là của tui!”. (Chắc ông này cũng một thời vượt biên bị bắt, nên nói đến nỗi lòng người đi vượt biên đây! Hi hi hi…)

Đó là những chuyện buồn trong âm nhạc, vẫn biết âm nhạc còn chuyện buồn khác chưa bị lộ!

Trước 75, tôi là người nhà quê, mỗi lần có dịp đi Saigon là như ngày nay đi Mỹ, nên tôi không được quen biết anh chị ca sĩ, nhạc sĩ mà tôi đã yêu mến. Tôi cũng là người dốt về âm nhạc, nhưng trót mê nó nên tôi cũng “từng bước… từng bước… thầm…” theo. Chỗ nào không biết thì hỏi “giáo sư, tiến sĩ” Google.

Bài viết này nếu có điều gì thiết sót, rất mong các nhạc sĩ còn sót lại của “Rừng khóc” ở hải ngoại lượng thứ. Và nhân đây cũng xin các anh chị ca sĩ, nhạc sĩ, MC phụ trách giới thiệu nhạc mới, ca sĩ mới trên TV của “Rừng cười” trong nước bỏ qua cho bài viết “không có cánh” và… khó đọc này.

Cũng rất hân hạnh, cũng rất mong được nghe những lời bình luận của các anh chị em khắp năm châu bốn biển, xa và gần, quen và chưa quen, biết và chưa biết.

Và theo bạn, hãy trả lời trong vòng một nốt nhạc, bài hát TÔI ĐƯA EM SANG SÔNG:

-A: Nhật Ngân
-B: Y Vũ
Thân ái, 
Trần Hữu Ngư(Giadinh, chiều cuối tuần 30.9.2023)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights