Hồi ký của “Vua vọng cổ” Viễn Châu – kỳ 4

by Tim Bui
Hồi ký của “Vua vọng cổ” Viễn Châu - kỳ 4

THANH HIỆP

Trao gởi yêu thương

Tôi thường nói với các tác giả trẻ nhân duyên khiến tôi say mê viết vọng cổ không phải là vì tôi thích người ta gọi mình là “vua vọng cổ” hoặc vinh danh tài nghệ, mà bởi tôi nặng nợ với ca bài vọng cổ. Tôi coi nó như máu thịt của mình, như việc hít thở không khí trong lành để bồi bổ cơ thể.

Sở dĩ tôi thích viết vọng cổ cũng bởi vì tôi muốn gửi gắm vào đó những tâm tình, nhân nghĩa ở đời. Những sự việc tôi chiêm nghiệm bằng đôi mắt nghệ sĩ, những ẩn khuất của người đời không thể diễn giải bằng lời thì mượn vọng cổ để nói lên suy nghĩ của mình. Mỗi khi có bạn trẻ tìm tôi để hỏi về cách viết bài vọng cổ sao cho hay, cho êm tai, thì tôi rất khoái.

May mắn là trên bước đường phiêu lãng tôi đã gặp nhiều tâm hồn trẻ muốn khám phá cái hay, cái đẹp của bài vọng cổ. Tôi dành thì giờ nói nhiều với các bạn trẻ cách cấu trúc 6 câu vọng cổ hoặc viết lời ca cho một bài vọng cổ thế nào là chuẩn xác. Trên thực tế, 6 câu vọng cổ ngày nay gần như chỉ còn trong các tuồng cải lương, mà cải lương có cái gốc là Đờn ca tài tử miền Nam.

Sáu câu vọng cổ đứng riêng một mình hay trở thành bài ca trong các tuồng cải lương đều phải tuân thủ niêm luật nhất định. Theo dòng thời gian, qua trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có anh Trần Văn Khê, tôi hiểu rõ ngọn ngành Đờn ca Tài Tử ở miền Nam có từ đầu thế kỷ 20. Bộ môn này được thành hình nhờ các nhạc sĩ và quan lại từ Huế vào sinh sống trong miền Nam. Bộ môn này chịu nhiều ảnh hưởng âm điệu của các xứ ngũ Quảng. Theo nghiên cứu của anh Khê, tuy chịu ảnh hưởng nhưng âm điệu cùng giọng hát của người Quảng di cư vô Nam đã thay đổi rất nhiều. Và dẫu xuất phát từ nhã nhạc cung đình Huế nhưng nhạc Tài Tử Nam Bộ là một nền âm nhạc dồi dào, mang tính bác học, có lý thuyết hẳn hòi, có con đường phát triển riêng chứ không bê nguyên xi từ Huế vào Nam.

Các âm điệu, nghệ thuật ứng tác, ứng tấu trong điệu đờn, bản đờn được tô vẽ thêm “hoa lá cành” để đẹp hơn, xinh xắn hơn. Song, theo nhận định của anh Chín Trích, một danh cầm đờn cò, thì  các tay đờn theo dòng âm nhạc này đều không theo nghiệp cầm ca cho nên loại nhạc này được gọi là Đờn ca Tài Tử. Còn theo anh Khê thì danh từ tài tử có nghĩa người tài ba nhưng cũng còn có nghĩa là không chuyên nghiệp. Và dù không chuyên nghiệp nhưng các thầy đờn danh tiếng đều được coi như những bậc thầy của các môn ca nhạc Tài Tử. Chúng tôi tự hào lắm khi được gọi là thầy đờn. Vì trong tất cả các nghề, việc làm thầy rất khó. Cốt cách, nhân dáng, tài nghệ và cả phẩm chất của ngón đờn phải được giới chuyên nghiệp đánh giá cao thì mới được công nhận là thầy.

Thầy đờn là tiếng gọi dành cho các nhạc sư, nhạc sĩ ngày xưa. Và không dễ gì người thường dù có lắm tiền, nhiều của vẫn không thể nghe được tiếng đờn của các danh cầm, cũng như khó mà được công nhận là thầy đờn nếu kém tài, kém đức. 
Thường thì các danh cầm chỉ tụ tập trình diễn cho nhau nghe, khi rảnh rỗi sau chuyện đồng áng, hoặc đi dạy học. Cách chơi nhạc này được truyền rộng rãi trong nhân gian, vì thế nó được giới bình dân ưa chuộng.

Trước khi cải lương ra đời, nhạc tài tử có nhiều bài bản thuộc về nhạc Cung Đình, Ca Huế, Hò, Lý. Mà theo tôi biết, sân khấu thời đó chỉ có Hát bội. Các bài ca cổ nhạc sử dụng các bài bản cũ, cách ca rất công phu vì phải theo đúng cung nhịp của nó. Cũng như khi ca tân nhạc vậy, phải am hiểu đồ rê mi fa sol nếu là người học nhạc, còn muốn học cách ca vọng cổ, ca bài bản đờn ca tài tử thì phải biết âm nhạc ngũ cung với hò, xự, xang, xê, cống.

Theo tôi, sự khác biệt giữa tân nhạc và cổ nhạc là cổ nhạc ít có sáng tác mới về bản nhạc. Mỗi bản nhạc được sử dụng rất nhiều lần để soạn giả viết lời ca mới vào đó. Nhưng công lao lớn nhất thuộc về những thầy đờn sáng chế ra nhiều bài bản, điệu lý, để từ đó làm nền tảng cho việc viết lời mới của soạn giả sau này. Bởi vì thế mới có từ “soạn giả”, chứ không phải “tác giả”. Nghĩa là tác giả là hoàn toàn phóng bút trước trách nhiệm bản thân về đứa con tinh thần của mình, còn soạn giả là mượn bài bản có sẵn để soạn lời, gom đủ hỉ, nộ, ái, ố cho đầy cung bậc cảm xúc mà nhào nặn thành tuồng.

Vì thế khi ca một bài cổ phải biết bài đó ca theo nhạc Tây Thi, Cổ Bản, Tứ Đại Oán, Trường Tương Tư, Cao Phi, Khổng Minh tọa lầu…. Lối ca này rất khắt khe vì người ca phải thuộc cả âm điệu của bản nhạc mà các bản nhạc cổ đều có âm điệu khó học thuộc lòng. 

Sân khấu cải lương thời sơ khai rất đơn giản, có khuynh hướng sử dụng kỹ thuật Tây phương. Tuồng tích tuy vậy đã bắt đầu hình thành lớp lang, các bài ca cũng phong phú hơn. Trước khi đó bài vọng cổ bắt đầu được điều chỉnh sao cho thịnh hành, nên người ta thường sử dụng bài Hành Vân và bài Tứ Đại Oán để diễn tả nỗi lòng trắc ẩn. 

Tiền thân của 6 câu vọng cổ là bài Dạ Cổ Hoài Lang. Lúc đầu bài hát này rất đơn giản nhưng dần già các nhạc sĩ thêm mỗi người một chút, làm thành 6 câu vọng cổ. Như vậy cha đẻ sáu câu vọng cổ là ông Cao Văn Lầu nhưng cha nuôi của nó, vỗ về thương yêu, đúc kết, giáo huấn nó khôn lớn chính là các nhạc sĩ dân gian, vô danh. 

Về sau bài Dạ Cổ Hoài Lang đổi tên thành Vọng Cổ Hoài Lang rồi Vọng Cổ. Bài hát này có tất cả 20 câu. Với dòng thời gian theo sự tiến hóa, các nhạc sĩ đã thêm nốt nhạc, lời ca, vào mỗi câu của bài Dạ Cổ Hoài Lang. Mỗi câu lúc ban đầu chỉ có 2 nhịp. Sau lên 4 nhịp rồi 8, 16, 32, 64 nhịp . Ngày nay thông dụng là câu vọng cổ 32 nhịp.

Theo tôi, vì mỗi câu vọng cổ bấy giờ có tới 32 nhịp, dài quá nên nghệ sĩ không hát nguyên bài 20 câu nữa mà chỉ hát tối đa 6 câu, nên gọi là “6 Câu Vọng Cổ”. Lúc đầu chỉ có các câu hát vọng cổ thuần túy nhưng sau khi anh Mười Út Trà Ôn ca bài Vọng Cổ nhịp 16 thì có thêm ngâm thơ Lục Vân Tiên. Thính giả nghe khoái quá, từ đó sáng tạo của anh là khuôn mẫu để các nghệ sĩ thế hệ sau tiếp tục cho ra đời nhiều cách ca, cách luyến láy và người viết vọng cổ cũng mạnh dạn đưa vào đó nhiều sáng tạo của mình.

Bài 6 câu vọng cổ 32 nhịp đầu tiên xuất hiện năm 1953. Đó là bài Đội Gạo Đường Xa kể chuyện thầy Tử Lộ do anh Hữu Phước (thân sinh của ca sĩ Hương Lan ca). Tác giả bài vọng cổ tên là Hà Huy Hà, tức thi sĩ Kiên Giang, tác giả bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím.

Về cấu trúc bài vọng cổ 6 câu, hiện tại có hai kiểu. Một là dùng để hoà nhạc và một nữa dùng để ca cải lương. Hai cách này thực ra không khác nhau bao nhiêu. Có khác chăng là trong một bài vọng cổ có phần chỉ có hát mà không có đàn, và ngược lại. 

Tôi muốn nhấn mạnh điều này để các bạn trẻ hiểu hơn về cách sáng tác bài ca cổ. Trước khi tìm hiểu phần cấu trúc của 6 câu vọng cổ, thì các cây bút trẻ yêu thích sáng tác bài vọng cổ cần hiểu một số điều căn bản:

“Nhịp” trong cổ nhạc là một trường canh (measure). Nhạc cổ chỉ có nhịp 2/4 hay 4/4. Bài vọng cổ 6 câu ngày nay theo nhịp 4/4. Vậy một nhịp có bốn phách . Một phách là một nốt đen. Trái lại với nhạc phương tây, phách mạnh (temps fort) trong cổ nhạc là phách chẵn.


Mỗi câu vọng cổ thường có 32 nhịp, trừ câu thứ nhất và có thể câu thứ tư. Câu thứ tư có thể có 16 hay 32 nhịp.

Về cách đờn thường thì đều phải đi theo lời ca hợp với làn hơi nghệ sĩ. Khi đờn phải theo bài bản hẳn hoi, không có sáng chế tại chỗ. Và bắt buộc nhạc sĩ đờn cho nghệ sĩ ca, nếu không thuộc bài bản, thì có thể đờn miễn sao cho hợp với giọng ca, nhưng nốt nhạc cuối cùng của mỗi câu vọng cổ phải theo quy luật cố định trong phần cấu trúc.

Điều đáng lưu tâm, về dây đờn, trừ những trường hợp đặc biệt, có hai loại dây cho nghệ sĩ ca là dây Đào (Hò Nhất) và đây Kép (Hò Ba). Đối với nữ nghệ sĩ, nốt Hò thường là nốt Sol và nốt Đô cho nam nghệ sĩ. Cũng có những trường hợp ngoại lệ người đàn phải theo giọng ca nghệ sĩ như giọng ca của nghệ sĩ Minh Cảnh, Mỹ Châu.

Trong đờn cải lương thường phải “Rao” để chỉ phần nhạc đệm theo cách đưa: ngâm thơ, hò, hát lý, ca tân nhạc vào câu vọng cổ. Những đoạn rao thường ở ngay đầu bài vọng cổ, trước câu 1 hay ở giữa trước câu 4. Đoạn ngâm thơ, đọc lời thoại theo kiểu hát tự do, chúng tôi gọi là phần “Nói Lối”.

“Nói Lối” là đoạn sau khi “Rao” và trước khi chính thức vào câu vọng cổ, lúc này đờn phải ngừng lại và nghệ sĩ vô một đoạn rất dài cho tới khi xuống nốt Hò. Thông thường người ta gọi là “vô vọng cổ”.

Như tôi đã nói ở trên, một bài vọng cổ có 6 câu nhưng ít khi có ai viết một bài với tất cả 6 câu. Thông thường những bài vọng cổ chỉ có khoảng 3 hay 4 câu, như tôi đã từng viết 4 câu, sau này Trọng Hữu yêu cầu viết 3 câu thôi để anh dễ chạy sô, tôi cực kỳ phản đối. Nhưng rồi vẫn phải chiều theo vì thời lượng các sô diễn trên sóng truyền hình không còn cho phép dài 4 câu, 6 câu nên phải chiều theo ảnh.
Theo tôi, câu 3 khó ca nên ít ai dùng. Câu 4 giống câu 1. Một bài vọng cổ thông thường sử dụng các câu 1, 2, 4 và 5. Cách xếp đặt số câu trong một bài vọng cổ tùy vào cảm hứng của tác giả.

Câu nói lối trung bình khoảng 2, 3, 4 câu văn hay câu thơ.  Hai chữ áp chót rất quan trọng vì lúc đó ca sĩ bắt đầu ngân nga lên xuống, các nghệ nhân trong dàn nhạc cổ thì chờ vô nốt Hò, khán giả đưa hai bàn tay lên cao chờ đợi, hồi hộp trước sự ứng tác rất tuyệt giữa người đờn, người ca khi xuống nốt nhạc cuối cùng, để họ vỗ tay tán thưởng. Tôi ví dụ như câu nói lối của bài ca cổ mà tôi viết “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” 

Nói Lối : Võ lang ơi đôi ngã sâm thương uyên ương rã
cánh, thiếp đành cam gãy gánh chung … tình
. (HÒ)
(khán giả vỗ tay)

Sau đó thì đến phần vọng cổ câu 1 gồm 16 nhịp, đếm bắt đầu từ nhịp 17.

Quy luật: Hò 16, Hò 20, Xê 24 (Song Lang), Xang 28, Cống 32. Quy luật này có nghĩa là: Nốt cuối cùng của nhịp 16, nói lối, phải là nốt Hò. Chữ này phải có dấu huyền. Trong thí dụ trên đây, nốt Hò 16 là nốt cho chữ “tình”. Cũng có người sử dụng hai chữ huyền như cách ca của Mỹ Châu. Khi đến nốt Hò 16 thì đàn vô nốt Hò rồi nghỉ hai phách (nhịp tây phương 2 nốt đen). Lúc này thì khán giả vỗ tay. Sau khi nghỉ hai phách thì đờn tiếp 2 phách còn lại của nhịp 17, nhịp 18, nhịp 19. Nghệ sĩ ca chung với đờn một câu ở nhịp 20. 

Nói tóm lại, muốn viết hay thì phải học, phải tham khảo và chịu khó chấp nhận sự thất bại thì mới có được thành công. Tôi đã đọc rất nhiều sách văn học, gửi hồn mình vào thơ ca, để nó ám ảnh mình. Và trên hết tôi tuy sanh trưởng nhà quê nhưng suy nghĩ rất cấp tiến, liên tục đặt mình vào trong nỗi đau của nhân thế, vì khi mình đau thì mới trăn trở và khi đã trăn trở thì viết mới hay được. Bài vọng cổ cũng thế, nếu giả bộ yêu nó, muốn chinh phục nó nhưng lại chẳng hiểu gì về nó, tức bản thân mình đang đặt phạm vi trái tim ngoài quỹ đạo “hiểu để yêu”, từ đó bài vọng cổ được viết nhưng không có linh hồn.

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights