Du lịch Măng Đen Kon Tum và Đức Mẹ bị lãng quên

by Tim Bui
Du lịch Măng Đen Kon Tum và Đức Mẹ bị lãng quên

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Sau chuyến đi tặng sách cho các em học sinh tiểu học ở các vùng sâu, vùng xa ở tỉnh lỵ Kon Tum, chúng tôi có cơ hội đi tham quan Măng Đen, một khu du lịch mới nổi lên gần đây mà giới du lịch đặt cho nó cái tên mỹ miều là “Đà Lạt thứ hai”.
Tên gọi Măng Đen xuất phát từ tên T’măng Deeng của người Mơ Nâm, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn.

Nằm trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Măng Đen được biết đến như một cao nguyên nằm trong dãy Trường Sơn với độ cao trên 1200m so với mực nước biển, thuộc phía Bắc Tây Nguyên và cách thành phố Kon Tum khoảng 50km. Chính nhờ độ cao này mà Măng Đen có hệ thực vật nguyên sinh đa dạng bao quanh, kết hợp cùng khí hậu trong lành, mát mẻ tạo nên điểm đến lý tưởng cho du khách.

Với hệ thống rừng nguyên sinh và thực vật đa dạng, cùng với nhiều sông, hồ, suối và đặc điểm khí hậu mát mẻ tương tự như “thành phố ngàn hoa Đà Lạt”,  Măng Đen  được ví như “Đà Lạt” giữa lòng Kon Tum hiện nay.

Măng Đen được sự chú ý của giới đầu tư du lịch từ những năm đầu của thập niên 2000. Chính quyền Kon Tum đã có chương trình khẩn hoang lập ấp, phân lô bán đất với giá tương đối rẻ cho những nhà đầu tư. Nhiều người đã đến mua đất xây nhà ở đây. Tuy nhiên trong khoảng 10 năm đầu của chương trình, với tình trạng du lịch còn non yếu, dự án du lịch Măng Đen đã chết từ trong trứng nước. Nhà cửa được cất nửa chừng thì bị bỏ dở dọc theo những cung đường tuyệt đẹp của khu du lịch này.

Trong những năm gần đây, với phong trào du lịch sinh thái nở rộ khắp nơi, Măng Đen lại được trở mình nhờ những đặc điểm sinh thái đặc thù và quyến rũ. Nhiều khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, homestay, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê mọc nên như nấm để đáp ứng nhu cầu cho người du lịch đến đây từ khắp nơi trên toàn quốc.

Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ một số dữ kiện để bạn độc cùng tham khảo.

Nên tham quan Măng Đen vào thời điểm nào?

Nhờ độ cao hơn 1200m Măng Đen có khí hậu khá giống Đà Lạt, tạo nên thời tiết quanh năm mát mẻ và dễ chịu. Nhiệt độ trung bình khoảng 26°C và thấp nhất vào mùa Đông khoảng 5°C. Với đặc điểm khí hậu như vậy, bạn có thể tham quan Măng Đen vào bất kỳ tháng nào trong năm. Đặc biệt là:

Tháng 12 – tháng 1: bạn sẽ có cơ hội ngắm hoa đào nở rộ tại Măng Đen đầy thơ mộng, hữu tình mà tưởng chừng như chỉ có thể thấy được khi đến Nhật Bản. Tuy nhiên cần lưu ý vào khoảng thời gian này thời tiết vào Đông khá lạnh, dễ có mưa phùn nhẹ.
Tháng 2: bạn sẽ thấy hoa mimosa và hoa ban nở thu hút cả cánh rừng.
Tháng 3 – tháng 6: hoa sim tím sẽ nở rộ khắp mọi con đường tại đây.
Tháng 6 – tháng 7: là lúc đồng lúa chín vàng trĩu hạt, bạn có thể tận hưởng mùi thơm từ lúa.
Tháng 8: là mùa hoa mâm xôi, phúc bồn tử cũng không kém phần đặc sắc.
Cuối cùng từ tháng 11 – tháng 12: bạn sẽ được tận hưởng bầu không khí se lạnh của mùa Đông miền Bắc và ngắm hoa dã quỳ nở cuối năm.

Ở đâu khi đến thăm Măng Đen?

Với tiềm năng thiên nhiên và đặc điểm khí hậu quanh vùng, Măng Đen hiện nay đã có khá nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn đầy đủ tiện nghi giúp du khách có được những giây phút thư giãn hiệu quả hơn xưa. Du khách có thể chọn ra địa chỉ dừng chân phù hợp cho túi tiền và nhu cầu của mình. Hiện nay có nhiều ứng dụng trong điện thoại di động có thể giúp bạn đặt phòng rất dễ dàng hoặc nếu gặp khó khăn, bạn có thể tham khảo với các công ty du lịch.

Những điểm hấp dẫn tại Măng Đen

Hồ Đăk Ke
Hồ Đăk Ke còn có tên gọi gốc là hồ Toong Hơ Poong, có diện tích 3 ha và là một trong những hồ nằm trong truyền thuyết 7 hồ 3 thác tại Măng Đen. Du khách khi đến đây có thể ngắm nhìn và đắm mình trong sự tĩnh lặng của mặt hồ, cảm nhận thời tiết mát mẻ cũng như thưởng thức các dịch vụ phù hợp với mình.

Thác Pa Sỹ
Với độ cao chót vót 1500m so với mực nước biển, nguồn nước của Thác Pa Sỹ được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất ở Măng Đen. Dù vậy, thác vẫn mang vẻ đẹp của sự nhẹ nhàng, điềm tĩnh chứ không hề ồn ào, vội vã như nhiều dòng thác lớn khác tại Tây Nguyên.

Kon Bring
Đây là một ngôi làng văn hóa du lịch thuộc huyện Kon Plông nổi tiếng, với vẻ đẹp khác biệt mang đậm bản sắc dân tộc, với lối kiến trúc và cảnh vật rộng lớn và ngoạn mục thu hút nhiều du khách ghé thăm.

Đặc sản ở Măng Đen

Gà nướng Măng Đen
Thịt Gà nướng Măng Đen được tẩm ướp gia vị từ một số loại rễ, lá, mật ong và cây rừng chỉ có tại Măng Đen. Bên trong con gà còn được ướp thêm một nắm lá tiêu rừng, nên gà nướng mang hương vị đặc biệt từ trong ra ngoài. Gà được nướng trên bếp than hồng xoay tròn chầm chậm cho đến khi chín vàng. Khi thưởng thức món Gà nướng này, bạn nên chấm thêm muối tiêu hoặc muối hột lớn với ớt cay cay hay lá bét (một loại lá rừng ngọt với vị béo ngậy). 

Cơm lam
Cơm lam là món ăn khá phổ biến của hầu hết đồng bào dân tộc Tây Nguyên nhưng mỗi địa phương đều mang một sắc thái, hương vị khác nhau. Cơm Lam Măng Đen được làm từ gạo nếp rẫy ngâm lẫn với lá dứa, qua một đêm cho gạo vào ống nứa non, khi gạo đã đầy hai phần ba ống, người nấu khéo léo đổ nước suối mát lạnh đựng trong những cái bầu khô vào từng ống một, tước những thẻ lá chuối rừng già hườm hườm vàng đã được hơ nóng lửa và thắt nút cho từng ống nứa, rồi vùi vào bếp tro hồng. Cơm Lam Măng Đen chắc mà dẻo, bùi mà không cứng, ăn không biết ngán. Nhiều khi không có thức ăn kèm, người sành ăn có thể cảm thấy rất rõ cái vị đậm đà của gạo và mùi thơm của ống nứa non.

Heo quay
Món ăn đặc sản này được làm từ giống heo Măng Đen của dân tộc bản địa (heo rẫy) là loại heo đồng bào nuôi kiểu chăn thả tự nhiên. Heo rẫy da mỏng nhưng rất ít mỡ, thịt thơm ngọt, săn chắc và rất bổ. Con to nhất lúc đã trưởng thành cũng chưa đầy 20kg. Heo được làm sạch lông, sau đó tẩm ướp gia vị là các loại nguyên liệu từ núi rừng, ủ nén, ngò gai, gốc mùi, xả, ớt từ núi rừng Măng Đen. Heo quay nguyên con bằng lửa than cho đến khi căng da vàng giòn ruộm, tỏa mùi thơm phưng phức.

Cá tầm 
Tại vùng cao nguyên Măng Đen là nơi tập trung nhiều hồ trong lành với khí hậu mát lạnh quanh năm. Vì vậy những hồ nước ở Măng Đen là môi trường rất thích hợp cho cá hồi và cá tầm. Đến Măng Đen, bạn tha hồ thưởng thức món cá tầm độc đáo với toàn bộ xương đều là sụn, phần thịt cá trắng muốt, dai dai và beo béo. Bạn có thể tự bắt cá tầm Măng Đen và nhờ đầu bếp của những nhà hàng quanh đây chế biến với nhiều món ngon từ chiên, hấp, um, nướng… Thưởng thức cá tầm – một loại đặc sản Măng Đen hảo hạng chính là trải nghiệm ẩm thực không thể bỏ qua khi đến với Măng đen.

Gỏi lá 
Gỏi lá được xem là món đặc sản Măng Đen mà bất cứ ai đến đây đều muốn một lần cho biết. Món gỏi này đặc biệt bởi nó lấy nguyên liệu từ hơn 50 loại lá, rau khác nhau từ quen đến lạ và rất lạ. Những thứ rau này gồm cải cay, dấp cá, húng quế, quế, mã đề, lá lốt, sung, đinh lăng, ổi, mơ, sâm đất, tram, chó đẻ răng cưa, vừng, hồng ngọc… Phần lớn có thể dọn món khi chỉ đủ 40 loại lá đổ lại nhưng nhất thiết không thể thiếu lá sung, đinh lăng và lá mơ lông. Đây là các loại lá được dùng để cuốn thành phễu đựng các món khác để làm thành một phần ăn.
Để thưởng thức Gói lá Măng Đen thì các món khác ăn kèm không thể thiếu gồm: da heo thái mỏng trộn thính, tôm sông rang, thịt ba chỉ thái chỉ và nước chấm bỗng rượu vốn đã được khử mùi qua một chút dầu nóng và trộn đều với trứng vịt làm thành một hỗn hợp có độ sền sệt và màu đỏ rất bắt mắt. Ngoài ra, món ăn này có cần thêm ớt xanh, tiêu rừng rang nguyên hạt, muối hạt và hành.

Rượu vang sim Măng Đen
Rượu vang sim Măng Đen là một loại rượu đặc sản Măng Đen của vùng núi rừng núi Kon Tum. Rượu được làm từ những quả sim chín mọng tươi mát với hương vị ngọt ngào không chỉ làm biết bao người say mê mà còn có rất nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe. Địa lý của vùng miền núi Kon Tum và khí hậu luôn ở nhiệt độ 10 đến 15 độ C mỗi ngày đã cho ra những quả sim luôn tươi mát. Nguồn nguyên liệu dùng để sản xuất rượu vang sim đặc sản Măng Đen là sim hoang dã, mọc tự nhiên ở các vùng cao của thôn Măng Đen thuộc tỉnh Kon Tum.

Bún đỏ cao nguyên
Nhiều du khách đến với Măng Đen khó có thể bỏ qua món bún đỏ cao nguyên. Món ăn này đơn giản từ cách chế biến đến cách thưởng thức nhưng ai ăn qua một lần cũng sẽ nhớ mãi. Sợi bún đỏ dai dai cộng với nước dùng ngọt đậm đà, thêm vị béo, thơm của chả viên và trứng cút luộc quyện vào nhau vô cùng hấp dẫn. Khác với bún thường, sợi bún đỏ rất to, cỡ bằng đầu đũa, vị giòn dai. Để có được màu đỏ bún trắng được nấu trong nồi nước dùng thấm đẫm các gia vị, hạt điều, gạch cua và chuyển thành màu đỏ rất đẹp, ăn thơm ngon, lạ miệng. Có lẽ đây chính là sự khéo léo đến tinh tế của người sáng tạo ra món ăn này. Bát bún hấp dẫn từ màu đỏ của cà chua với màu xanh tươi non của rau xà lách hay màu nâu của chả cá, của riêu cua, màu trắng của trứng cút luộc.

Đức Mẹ Măng Đen – Đức Mẹ bị lãng quên

Trong thời gian ở đây, chúng tôi có dịp đi thăm tượng Đức Mẹ Fatima tại Măng Đen. Khi xe đến khu vực trưng bày tượng Đức Mẹ, chúng tôi thấy có một nhóm khoảng 100 người đang đọc kinh… Tò mò vì sao lại có nhiều tín hữu công giáo đến tận xứ “khỉ ho cò gáy” này đọc kinh như ở đang hành lễ ở một nhà thờ công giáo, chúng tôi hỏi người tài xế địa phương thì được biết một câu chuyện khá ly kỳ như sau. Xin chia sẻ với bạn đọc.

Đức Mẹ Măng Đen
Tượng Đức Mẹ Fatima tại Măng Đen (còn được là Tượng Đức Mẹ Măng Đen hay Đức Mẹ cụt tay) là một di tích cũng như điểm hành hương Công giáo của Giáo phận Kon Tum, tọa lạc tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông tỉnh KonTum, cạnh Quốc lộ 24, cách thành phố Kon Tum 53 km về phía Đông Bắc.

Lịch sử
Theo tài liệu của Tòa Giám mục Kon Tum, và tường trình của linh mục Giuse Nguyễn Minh Kông thì đây là bức tượng được tạc theo tượng Đức Mẹ Fatima do linh mục Tôma Lê Thành Ánh tặng. Bức tượng này được linh mục Kông mang lên tiền đồn Măng Đen bằng trực thăng (ngày nay vẫn còn dấu tích một sân bay dã chiến rất rõ, cách vị trí tượng khoảng 2 km). Tượng được dựng trên một trụ đài đơn sơ như hiện nay vào giữa năm 1971. Năm 1974, do chiến tranh, tiền đồn Măng Đen bị triệt bỏ, bức tượng cũng bị hư hỏng ít nhiều và bị bỏ phế sâu trong rừng rậm. 

Đức Mẹ bị lãng quên
Sau chiến tranh, bức tượng bị bỏ phế trong một thời gian dài vì không có tuyến giao thông và không có cư dân sinh sống gần đó. Đầu thập niên 1980, do ảnh hưởng từ chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới của chính phủ Việt Nam, một số người dân sinh sống tại lâm trường Măng Cành đã phát hiện ra bức tượng này, nhưng không có sự quan tâm đặc biệt nào.
Theo ghi nhận của linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, ghi chép cuộc trao đổi với bà Đào Thị Hương, người được cho là đã có công bảo tồn bức tượng, thì cho đến đầu năm 1987, tượng vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, đến cuối năm 1987 thì không hiểu sao tượng bị mất đầu, mất tay, mà không ai rõ nguyên nhân. Vào lúc đó thì bức tượng không hoàn chỉnh của mẹ Fatima vẫn được đặt trên một phiến đá lớn.

Năm 2002, huyện Kon Plông mới được hình thành từ việc chia tách huyện Kon Plông cũ thành huyện Kon Plông mới và huyện Kon Rẫy. Huyện lỵ Kon Plông mới được đặt tại Măng Đen. Tuyến Quốc lộ 24 cũng được dự định mở rộng kéo dài để dùng làm tuyến giao thông chính băng qua địa bàn huyện và nối đến tận huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. 

Năm 2004, khi bắt đầu thi công tuyến đường này, những người làm đường gặp phải sự kiện là khi họ tìm cách ủi đất xuyên qua khu vực bức tượng thì xe ủi hoặc bị chết máy hoặc có khi máy nổ mà xe thì không lăn bánh được. 

Sau nhiều lần cố gắng nhưng không có kết quả, nhóm thi công quyết định điều chỉnh tuyến đường để tránh xâm hại đến bức tượng. Trong số những người làm đường có một tín đồ Công giáo tên Hoàng đã bỏ công phục chế phần đầu và đôi tay. Phần đầu được phục chế với gương mặt không còn giống các phiên bản tượng Đức Mẹ Fatima thông thường nữa, nhưng mang dáng dấp phụ nữ Tây Nguyên Việt Nam. Tuy nhiên, không rõ vì sao đôi tay không thể phục chế được. Đôi tay sau khi phục chế đã bị rơi xuống dưới chân tượng. Vì vậy tượng vẫn mang hình dáng cụt tay cho đến ngày nay.

Theo linh mục Phi Khanh Vương Hoàng Khởi, dẫn tư liệu do Tòa Giám mục Kon Tum cung cấp, thì Linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn đã “tìm được một phần bàn tay và một phần đốt tay trỏ của tượng Mẹ” ngày 28/12/2006, hiện đang được cất giữ tại Tòa Giám mục Kon Tum. Có lẽ đây chính là phần còn lại của đôi tay được phục chế.

Một nơi hành hương Công giáo
Mãi đến cuối tháng 8 năm 2006, một tín đồ Công giáo tên Lâm khi đi qua đây, vô tình được nghe kể lại giai thoại ly kỳ này, nên đã tìm đến xác nhận bức tượng và thông báo sự hiện hữu của bức tượng cho Tòa Giám mục Kon Tum. 

Ngày 28/12/2006, một phái đoàn tôn giáo do Giám mục Kon Tum Micae Hoàng Đức Oanh dẫn đầu đã lên viếng bức tượng. 
Một năm sau, ngày 9/12/2007, Giám mục Hoàng Đức Oanh cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 thường dân đã tổ chức dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây. 

Kể từ hôm đó, nơi đây trở thành một nơi hành hương của các giáo dân vùng Tây Nguyên và ngày 9/12 hàng năm trở thành ngày Ngày Hành hương Đức Mẹ Măng Đen của Giáo phận Kon Tum.
Rời Măng Đen, nhưng bên tai tôi còn văng vẳng mấy câu kinh:

Lạy Mẹ Sầu Bi Măng Đen,
Chúa đã liên kết các dân tộc tôn vinh Mẹ,
Không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hoặc tín ngưỡng,
Khi chỉ đường cho anh chị em lương Giáo chúng con
tìm thấy tượng Mẹ nơi đây.
Chúng con xin được cùng Mẹ tôn vinh Chúa.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights