Tại sao dân Argentina mê World Cup cuồng nhiệt đến vậy?

by TYTNT

Với giọng hát nhịp nhàng, điệu trống dồn dập và tiếng la ó ồn ào không dứt, Argentina được cho là có những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất World Cup.

Một lý do cho sự cuồng nhiệt này có thể là thành quả ít đối thủ nào sánh kịp của Argentina tại World Cup — vô địch năm 1978 và 1986, và ba lần về nhì — Mức độ cuồng nhiệt sẽ còn tăng lên nữa khi Lionel Messi dẫn đội Argentina đến đối mặt đương kim vô địch Pháp trong trận chung kết ngày mai tại Qatar.

World Cup được theo dõi ở hầu hết mọi nơi – từ Thái Lan đến Việt Nam, từ Mỹ đến Balan, từ Brazil đến Bỉ, từ Maroc đến Mexico và Ả Rập Saudi đến Tây Ban Nha. Nhưng ít người hâm mộ cuồng nhiệt như dân Argentina, hoặc kéo đến Qatar đông đảo như người Argentina.

Santiago Alles, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học San Andres ở Argentina, giải thích lý do: “Đây là một sở trường của Argentina và chúng tôi quan tâm về điều đó.”

Niềm tự hào quốc gia

Trước tình trạng lạm phát đang ở mức 100%, tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng kinh tế chậm và chính trị căng thẳng, Argentina có ít thứ để tự hào. Nhưng không ai quan tâm về những điều này tại World Cup. 

Ngay cả các đảng chính trị đối lập cũng ngầm rủ nhau đình chiến, hiểu rằng giờ đây chỉ có những bình luận lạc quan về bóng đá là quan trọng. Đối với một quốc gia ở Nam bán cầu, cơ hội đánh bại Bắc bán cầu không nhiều,” Alles nói. “World Cup cho  Argentina cơ hội đó. Niềm tự hào dân tộc là điều không ai có thể cướp đi.”

Alles vạch ra rằng phương tiện truyền thông xã hội ở Argentina cho thấy giới hâm mộ Nhật Bản ở Qatar bắt chước phong cách cổ vũ của Argentina, họ sao chép giai điệu, tiếng trống dồn dập và chuyển cả lời bài hát bài của Argentina qua tiếng Nhật. 

“Cách cổ vũ đội nhà của chúng tôi đang lan qua những nước khác – đến những nơi xa xôi với nền văn hóa hoàn toàn khác,” Alles nói. “Đây nhất định là một điểm đáng tự hào.” 

Alles thừa nhận không thể giải thích lý do tại sao bóng đá (soccer) lại “có sự hiện diện quá phổ biến trong đời sống người dân Argentina,” nhưng rõ ràng là soccer có mặt ở khắp mọi nơi. “Và đã như vậy trong ít nhất một thế kỷ,” ông nói thêm.

“Tôi từng chứng kiến cảnh một đám đông nín thở lắng nghe tường trình World Cup 1930 từ đài phát thanh.” trong trận chung kết World Cup đầu tiên, diễn ra tại Estadio Centenario ở Montevideo khi “nước láng giềng Uruguay đánh bại Argentina 4-2.”

Dân hâm mộ bóng đá Argentina reo hò khi kết thúc trận đấu của đội nhà với Mexico tại World Cup 2022 ở Qatar
(Hình: Gustavo Garello/AP)

Nằm trong huyết mạch

Từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn, trong cuộc nói chuyện ở văn phòng hay tán gẫu với bạn bè, chủ đề đầu tiên và cuối cùng ở Argentina thường là bóng đá.

Pablo Ava, giảng viên xã hội học tại Đại học Buenos Aires, nhận định: “Đây là nền văn hóa nơi mọi sinh hoạt trong cuộc sống hầu hết đều liên quan đến bóng đá.“

“Đó không chỉ là niềm đam mê, mà còn là bản sắc. Niềm đam mê mà bạn thấy ở Qatar phản ánh niềm đam mê ở các câu lạc bộ cấp địa phương.” Buenos Aires là quê hương của một trong những kỳ phùng địch thủ lớn nhất giữa các câu lạc bộ: Boca Juniors đấu với River Plate. Racing Club, một trong số những câu lạc bộ được gọi là “Big Five” ở Argentina, được cựu Tổng thống Juan Domingo Peron ủng hộ mạnh mẽ. Và sân vận động được đặt theo tên ông. 

“Bóng đá rất quan trọng,” Ava nói. “Nó là một phần trong câu chuyện hàng ngày của chúng tôi. Đó một phần cuộc sống của chúng tôi. Một phần của truyền thống gia đình chúng tôi. Một phần DNA của chúng tôi. Có sự gắn kết rất rõ ràng giữa bóng đá và cuộc sống cá nhân của dân Argentina.”

Khía cạnh chính trị

Mauricio Macri là chủ tịch của đội bóng Boca Juniors, đội đã giúp thúc đẩy ông đắc cử chức thị trưởng thủ đô Buenos Aires, và sau đó là chức tổng thống Argentina (2015-19).

Các chính trị gia khác cũng trực tiếp – hoặc gián tiếp – có mối giây liên lạc với nhiều câu lạc bộ.

Sergio Massa, bộ trưởng kinh tế của Argentina, từng là lãnh đạo của câu lạc bộ Tigre và được ghi nhận đã giúp đội bóng này thăng hạng lên giải nhất. 

“Marci xuất hiện trong lĩnh vực chính trị, không phải với tư cách là một doanh nhân, mà là với tư cách hủ tịch của Boca Juniors, đội đã giành được 17 chiếc cúp,” Ava nói. “Vì vậy, nhiều người bắt đầu xem các đội bóng đá như một đòn bẩy cho sự nghiệp chính trị.”

“Bóng đá và chính trị có cuộc hôn nhân bền chặt vì bóng đá khiến bạn được xuất hiện nhiều trên TV và nếu bạn thành công trong bóng đá, bạn có thể mang thành công đó đến với quần chúng,” Ava nói thêm. 

Khổ thay điều ngược lại cũng đúng!

Macri đã chứng kiến thất bại của Argentina trước Ả Rập Saudi vài tuần trước trong trận mở màn vòng bảng tại World Cup. Trong khi sự việc đang xảy ra tại Qatar, ở quê nhà Macri bị dân chúng cho là đã mang xui xẻo cho đội nhà. Do đó, đương kim Tổng thống Alberto Fernandez sau đó tuyên bố sẽ không đi xem trận chung kết.

“Macri sẽ không mạo hiểm với nhiệm kỳ tổng thống của mình để xuất hiện trong trận đấu cuối cùng ở Qatar,” Ava nói.

Yếu tố đoàn kết

Dân Argentina có thể bất đồng về mọi thứ, nhưng đội tuyển bóng đá quốc gia có sức mạnh đoàn kết họ hơn bất cứ điều gì khác. Mark Jones, người nghiên cứu chính trị Mỹ Latinh tại Đại học Rice ở Houston, nói với Associated Press: 

“Ở một đất nước có tính phân rẽ bè phái cao, bóng đá là yếu tố đoàn kết mọi người. Đội bóng quốc gia thường đạt nhiều thành quả, và ai cũng muốn gắn bó với đội nhà.” 

Ngoài bóng đá, chỉ một điều khác có sức mạnh thống nhất lòng dân như vậy: Tuyên bố chủ quyền của Argentina trên Quần đảo Falkland (tiếng Tây Ban Nha là Las Malvinas), nằm ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương của nước này nhưng thuộc sự kiểm soát của Anh. 

Argentina đã có một cuộc chiến ngắn trên quần đảo này vào năm 1982 và thua cuộc. 

Jones nói: “Người Argentina thấy đất nước xuống dốc trong 75 năm qua và mức sống của họ giảm xút đáng kể so với cách đây ba, bốn năm,” Jones giải thích, và họ “cần một điều lạc quan nào đó để bám vào, để mang cho họ chút niềm vui. Đội tuyển quốc gia và World Cup cho họ điều đó.” 

Ava, nhà xã hội học, thì nói dân Argentina hiện không “quan tâm đến những thảo luận về lạm phát, thất nghiệp, bởi vì chúng ta đang chứng kiến một điều gì đó có vẻ quan trọng hơn – ít nhất là trong vài ngày nữa. Chính trị phải lùi vào hậu trường một chút, để mọi người dồn hết chú tâm vào bóng đá.”

TYTNT
(Theo AP)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights