Thấy gì qua “hiện tượng” du tăng Thích Minh Tuệ?

by Tim Bui
Thấy gì qua “hiện tượng” du tăng Thích Minh Tuệ?

NGÔ NGỌC LOAN

Hiện nay, chỉ cần gõ ba chữ “Thích Minh Tuệ” vào Google, lập tức chúng ta sẽ thấy khoảng 50 triệu kết quả tìm kiếm. Dày đặc nhất là từ mạng xã hội YouTube, TikTok, sau đó đến các cơ quan truyền thông báo chí. Mạng xã hội cập nhật mỗi ngày, thậm chí mỗi thời khắc sáng, trưa, chiều, tối về hoạt động của du tăng Thích Minh Tuệ. Hàng loạt kênh YouTube, TikTok, trang Facebook được tạo ra để chia sẻ thông tin về lộ trình khất thực từ Bắc vào Nam của vị sư này. Những đoạn video livestream có số lượng người xem không dưới trăm ngàn lượt.    

Thực tế này chứng minh rõ là trong những tuần qua tin tức về vị du tăng Thích Minh Tuệ, hay nói cách khác, cá nhân ông, đã trở thành một hiện tượng thu hút nhiều người. Sự thu hút này khiến vị sư này cũng trở thành tâm điểm của người yêu kẻ ghét, đúng với tính chất của “hiện tượng xã hội” thời 4.0.     

Mọi người vây quanh du tăng Thích Minh Tuệ

Chính từ những thước phim ghi hình “đời thực việc thực” đó, nền giáo dục của một xã hội, bản sắc văn hoá của một đất nước có ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Phật Giáo, đã chầm chậm hiện ra rõ như mặt trời sau mỗi bước chân trần của một vị tu sĩ đang tu theo pháp hạnh đầu đà.

Hiện tượng Thích Minh Tuệ cho chúng ta thấy được gì?

Pháp hạnh đầu đà

Đầu đà nghĩa là khổ hạnh. Người tu theo pháp hạnh đầu đà chấp nhận lối sống khổ hạnh trong việc ăn, mặc, ở với quan điểm là điều này giúp chúng ta tẩy rửa đi những phiền não, tôi luyện thân tâm.

Không phải ngẫu nhiên mà bốn chữ “pháp hạnh đầu đà” đã được phổ biến hơn sau sự “xuất hiện” của vị du tăng Thích Minh Tuệ. Trước đó, đại đa số chúng sanh chỉ được biết đến hình ảnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ ngôi vị thái tử, vợ đẹp con ngoan, lầu vàng gác tía, để đi tìm ý nghĩa thật sự của cuộc sống, và việc Tôn giả Ma Ha Ca Diếp (còn gọi là Ngài Đại Ca Diếp) là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài nổi tiếng với lối tu khổ hạnh và đã trở thành một vị tỳ kheo với phẩm hạnh đầu đà cao quý.

Đó là chuyện trong kinh Phật hơn hai ngàn năm trước lưu truyền lại. Gần hơn, là vua Trần Nhân Tông. Ông là vị vua nổi tiếng bởi sự uyên thâm văn hoá, quân sự. Ông cũng là một nhà thơ lớn của dân tộc. Đặc biệt, điều mà ít ai biết, vị minh quân này là một thiền sư đã liễu ngộ Phật pháp tu theo pháp hạnh đầu đà. Ngày ông nhường ngôi cho thái tử để xuất gia, ông lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau lại đổi thành Trúc Lâm đại sĩ, là vị tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo Việt Nam.
Trở lại với vị sư đầu đà Thích Minh Tuệ, thật ra, ông đã khởi đi những bước đầu tiên từ sáu năm trước. Ông lặng lẽ đi từ Bắc vào Nam và ngược lại. Đã có vài người hữu duyên gặp ông trên đường hành giả cách đây vài năm, chụp ảnh, phỏng vấn ông và đăng lên mạng xã hội. Vẫn là trang phục “Tam Y Nhất Bát,” vẫn là nhục thể gầy gò, vẫn là đôi chân trần, vẫn cách nói chuyện đơn giản, cởi mở với nụ cười trên gương mặt đen sạm, vẫn một ngày một bữa.

Chỉ một điều khác biệt lớn, là thời đó là ông được khất thực trên lộ trình thảnh thơi của riêng ông. Hình ảnh trong các video do những YouTubers ghi lại cho thấy, chỉ vài tháng trước thôi, gương mặt của ông chưa mệt mỏi như bây giờ, nụ cười của ông vẫn còn tỏa sáng dưới ánh nắng gay gắt của một miền Trung khô cằn. 

Còn giờ đây, đám đông vây bủa, theo dõi ông từng bước đi, quay video rồi phát tán những khúc phim ghi nhất cử nhất động của ông lên mạng, khiến ông tuyệt đối không còn được chút thảnh thơi ngày nào.
Sự khác biệt to lớn trong phản ứng của đám đông khiến ta không thể không hỏi chuyện gì đang xảy ra cho nền văn hóa, giáo dục, và nhất là nền Phật học rực rỡ của Việt Nam đã được lưu truyền từ bao thế kỷ trước?

Gia tài Phật giáo

Hình ảnh khất thực của sư Minh Tuệ hoàn toàn không phải là hình ảnh mới lạ đối với một xã hội có lịch sử Phật giáo từ khoảng thế kỷ thứ Ba đến thế kỷ thứ Hai Trước Công Nguyên (theo Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Giáo Sư Lê Mạnh Phát.) Những năm 80, Sài Gòn vẫn còn nhiều hình ảnh của các vị sư choàng áo cà sa vàng, tay ôm y bát, đi khất thực trong những con hẻm nhỏ hoặc ngoài con lộ lớn. Các sư đi chậm, thành hàng dọc, dừng lại từng nhà. Gia chủ nào hữu duyên, mang ra phần cơm chay, kính trọng đặt vào y bát. Tuyệt đối không quỳ lạy, đảnh lễ, quay hình, rải hoa hồng, chặn đường đi, hay chạy theo khóc sướt mướt… Tất cả diễn ra trong im lặng.

Sự im lặng của văn hóa kính trọng giữa người với người, giữa người với đạo là đặc tính của văn hóa Phật giáo và nền giáo dục vàng son của miền Nam một thời, điều mà  ngày nay chúng ta thấy chỉ còn vang lại chút dư âm.

Thật vậy, nói đến văn hóa Phật giáo, không thể không nhắc đến Viện Đại Học Vạn Hạnh. Sự ra đời của Viện Đại Học Vạn Hạnh, đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam trước năm 1975, được xem như nền tảng sắt thép của Văn học, Khoa học Ngôn ngữ, Giáo dục. Viện Viện Đại Học Vạn Hạnh mang tên của thiền sư Vạn Hạnh, vị danh tăng Việt Nam, là quốc sư đời vua Lý Công Uẩn. Viện Đại Học Vạn Hạnh lấy “Duy Tuệ Thị Nghiệp” làm nền tảng cho đạo và đời – phát triển trí tuệ làm căn nguyên của đời sống. Đây là nơi ra tạo ra những tinh hoa văn hoá trí tuệ uyên bác như Phạm Công Thiện, Thích Minh Châu. Từ đó, nền Phật học và văn hóa Phật giáo Việt Nam đã được minh định với những tên tuổi lớn đi vào lịch sử như Thích Minh Châu, Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát…

Thế nhưng sau nhiều biến đổi của xã hội, năm 2007, trong một bài giảng nói về “Định hướng tương lai với thể hệ tăng sĩ trẻ ngày nay,” cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ từng nói: “Về gia tài Phật giáo Việt Nam, tôi nói đó là một cơ đồ đã mục có thể sập. Nhưng vì, trong đó tôi là người đã góp công rất nhiều, nên dù biết nó có thể sập tôi cũng không đủ can đảm để phá đi. Nhưng thế hệ trẻ các anh có đủ can đảm để phá, vì các anh chưa đóng góp gì trong đó cả. Các anh có quyền phá sập đi để xây dựng lại cái mới.”

Có phải những gì hiện ra ra xung quanh sư Minh Tuệ đang cho thấy tình trạng “cơ đồ đã mục có thể sập” mà cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ từng nhắc đến?

Một xã hội ‘thiếu ánh nắng’

Qua những video lan truyền “như nấm mọc sau mưa” trên mạng xã hội, ai cũng thấy rõ sư Minh Tuệ luôn nhắc đi nhắc lại: “Con không phải thầy, không phải sư gì cả. Con chỉ là người đang học tu theo lời Phật dạy.” Hành trang của ông chỉ là Tam Y Nhất Bát, không kinh kệ, không truyền giáo, không thuyết giảng. Vì ông vẫn còn đang đi học. 

Sáu năm qua, sư Minh Tuệ độc hành pháp hạnh đầu đà, lần tìm học Phật pháp. Rất ít người để ý đến hay biết đến ông. Thậm chí có người gặp ông trên đường đã cho ông là một người điên, khiến ông bị đánh đập, xua đuổi. Nhưng, những ngày thảnh thơi đó của ông, kể cả những kiếp nạn đó, nay vĩnh viễn không còn.

Thay vào đó, là hàng trăm, hàng ngàn máy điện thoại chĩa thẳng vào ông không chút ngần ngại. Hàng trăm ngàn người xếp hàng vây kín mỗi nơi ông đi qua. Họ hiếu kỳ muốn biết ông ngủ thế nào? Ngồi ra sao? Thậm chí, trong một tấm ảnh lan truyền rất rộng trên mạng xã hội, thấy một nhóm người với điện thoại trên, vây kín bên ngoài… một khu vệ sinh để chờ ông đi ra.

Họ muốn chiêm bái một người bất ngờ hiện ra trong cuộc sống của họ và được họ tôn vinh như vị Phật sống. Họ cầu mong và tin rằng sẽ có được duyên phước lành nếu đặt vào y bát của ông thực phẩm, nước uống. Họ quét đường sạch sẽ để ông đi qua. Họ mang thực phẩm cúng dường cho ông lúc… ba, bốn giờ sáng vì muốn được ông nhận lấy.
Nhưng họ không hiểu rằng sáu năm qua ông không cần ai hộ pháp, dọn đường. Vị sư này đã băng rừng lội suối, ngủ trong nghĩa trang năm tháng dài ròng rã. Đạo hạnh của ông có lẽ vừa đủ để ông hiểu rõ tha nhân, buông bỏ sự săn đón như một thánh sống. Ông dõng dạc lên tiếng “chúng tôi không phải diễn viên điện ảnh Hollywood” nhưng cũng đầy bác ái để không thể cấm cản những người đang “mưu cầu cuộc sống” qua hình ảnh của ông.

Một người mang tặng du tăng Thích Minh Tuệ y bát bằng vàng do họ mua về từ Thái Lan

Họ nhất định không buông tha dù ông đã lên tiếng van nài “người tu cũng có việc của họ. Họ phải có thời gian ngồi thiền.” Đám đông vẫn “mổ xẻ” ông trong từng bước đi. Thậm chí, có người rẽ đám đông, mang tặng ông y bát bằng vàng do họ mua về từ Thái Lan.

Thật ra, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, những con người ấy không có “sự ác trong người.” Họ đáng thương hơn đáng trách. Như những bình luận trên mạng xã hội về hiện tượng “sùng bái” này thì đó là vì “người dân đang sống trong thời mạt pháp, thiếu thốn một niềm tin mãnh liệt vào đạo giới.”

Trong một xã hội mà con người mất niềm tin, và có quá nhiều người dân phải gào lên “Ai cho tao lương thiện?” thì có thể hiểu người dân trong xã hội ấy thèm hình ảnh những vị chân tu như những cái cây, ngọn cỏ đang thèm khát ánh nắng để được vươn thẳng sinh tồn. Họ vây quanh vị du tăng Minh Tuệ, đi theo ông vì họ là những cái cây đang cần ánh nắng, ánh nắng của hình ảnh một vị chân tu.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) đã phản ứng bằng cách ra một công văn nói rằng sư Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của giáo hội. Bất chấp điều này, cho đến nay, ít nhất 40 người đã gia nhập “đoàn tu” của sư Minh Tuệ. Qua mạng xã hội, họ cho biết họ đi theo ông vì ngưỡng mộ đạo hạnh của ông, dẫu sư ông cũng chỉ gọi họ là “huynh đệ” chứ không nhận họ là đệ tử của mình.

Ai đang phá nát một cơ đồ?

Người mang dâng tặng cho sư Minh Tuệ bát vàng kia làm thế vì được “giáo dục” trong xã hội mà giá trị của cuộc sống là ở cái bát vàng đó. Ông ta muốn dâng lên một người, trong mắt ông, xứng đáng với tài sản giá trị nhất của mình.
Chẳng phải ngôi Chùa Ba Vàng là một chứng minh rõ nhất về “thói quen cúng chùa” đó sao?

Chẳng phải những bài giảng, thuyết pháp của “giảng sư” Thích Chân Quang được lan truyền khắp “cõi ta bà” này đã chỉ ra cách cúng dường đó sao? Ông nói:

“Người có tâm đạo thì cúng luôn cả cái nhà mình cho chùa luôn, dọn đi chỗ khác ở. Cứ ở cái chòi nào đó, ở bình thường thôi. Cúng hết phần đất, rồi sau này sẽ coi con cháu mình nó giàu.”

Hoặc:

“Mọi người kết hợp du lịch với làm từ thiện, cúng dường, du lịch tâm linh giác ngộ, chứ đừng đi chơi, “đi ăn hải sản, đi hưởng thụ… là sẽ mất hết phước báu.”

Thích Chân Quang, Chùa Ba Vàng, chỉ là một phân tử nhỏ trong bầu khí quyển của GHPGVN tổ chức Phật giáo duy nhất được coi là đại diện hợp pháp cho Phật giáo tại Việt Nam. Rất nhiều sư của GHPGVN là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới bầu khí quyển này, những ngôi chùa lộng lẫy, đồ sộ cùng với các “sư” như Thích Trúc Thái Minh, Thích Chân Quang, cứ thế hiện ra ngày càng nhiều. Và niềm tin và nhận thức của chúng sanh vào Phật giáo cứ ngày càng bị uốn nắn theo “văn hoá cúng dường” của các chùa này. Sự thật là hàng trăm ngàn người dân, “đông như quân Nguyên” đã đến Chùa Ba Vàng, tay mang theo những lốc sữa, mì gói, trái cây…để “cúng dường cho tóc Phật.” Sự việc này sau đó bị cộng đồng mạng phơi bày là trò lường gạt. Nhưng Chùa Ba Vàng vẫn… vững như Chùa Ba Vàng.

Những người từng đến cúng dường, quỳ lạy “sợi tóc Phật” ấy liệu có ở trong đám đông chạy theo sư Thích Minh Tuệ hay không? Có thể! Họ đang sống trong một nền văn hoá Phật giáo giảng cho họ mọi cách để trở thành Phật tử bằng cách cúng dường thật nhiều, đi thật nhiều chùa.  

Vì thế, họ sùng bái ông mà hoàn toàn không thấu hiểu được con đường tu hành của vị du tăng Thích Minh Tuệ, đó là ông đang đi tu học và tìm ý nghĩa thật sự của cuộc sống, giải thoát cho mình khỏi mọi hệ luỵ trần tục. 

Thời trang Thích Minh Tuệ

Người quỳ lạy, người chờ đón, người hiếu kỳ, và cũng nhiều người tận dụng ông để làm thương mại. Thương hiệu áo thun mô phỏng màu sắc chắp vá trên y áo thầy Minh Tuệ lan truyền khắp cõi mạng những ngày qua, với thông điệp “Hành trình lan tỏa yêu thương.” Thậm chí, một nữ danh ca Việt kiều cũng theo “trend” này với lý do “được truyền cảm hứng và suy nghĩ nhiều về nhân sinh quan, cuộc đời, đặc biệt là y phục của ông.”

Trận cuồng phong thời trang này thật sự là một trận cuồng sát, đốt cháy tất cả những tinh hoa đẹp đẽ của một đạo hạnh được dựng nên từ ngàn đời kiếp trước. Nếu không muốn nói là thiêu huỷ linh hồn, nguyên lý sống của pháp phục Phật giáo. 

Không thể phủ nhận quyền tự do phục trang là một trong các quyền cơ bản, nhưng “chúng ta không thể trực tiếp cố gắng trở nên khác với bản chất của chúng ta.” Áp đặt căn nguyên, nguyên lý sống của một pháp phục vào trào lưu thời trang để mặc định đó là “mỹ học nhân sinh quan” thì nó chỉ thể hiện sự nông cạn, cả về tư duy lẫn cảm xúc.  

Những người đang rao bán áo thun Minh Tuệ kia có thật sự hiểu hết ý nghĩa của “Tam Y Nhất Bát” không? Chắc chắn là không. Vì nếu hiểu, họ không bao giờ làm thế. GHPGVN không dạy cho họ những kiến thức ấy. 

Cố Hòa Thượng Tuệ Sỹ từng nói: “Vạn Hạnh chỉ hoạt động trong 10 năm, nó đã chinh phục cả một thế hệ thanh niên trí thức.” Nhưng gần nửa thế kỷ sau, văn hoá Phật học vàng son một thuở đó và giáo dục của Việt Nam đang nằm ở đâu? 
Ai đang phá nát gia tài Phật giáo Việt Nam, “một cơ đồ đã mục” như cố Hòa Thượng Tuệ Sỹ đã nói?    

Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tòa soạn TYTNT

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights