Thầy Giáo Làng, kỳ 21

by Tim Bui

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Ngăn chặn

Tăng Thị Trang sinh ra ở Huế nhưng lớn lên ở Cửa Hàn, thành phố mà người Pháp gọi là Tourane, theo cách phát âm tên tiếng Việt. Cửa Hàn là một thành phố bên ven biển với một hải cảng thiên nhiên cách Huế khoảng 95 cây số về phía Nam.

Gia đình nàng làm ăn phát đạt ở đó nhờ buôn bán với tàu bè nước ngoài cập bến Cửa Hàn sau khi hải cảng cũ ở Hội An cách đó khoảng 40 cây số về phía Nam bị phù sa của sông Thu Bồn bồi lấp. 

Vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn, Vua Gia Long, để đền bù sự hỗ trợ trọng yếu mà người Pháp dành cho Ngài trong việc giành quyền cai trị đất nước, đã trao cho họ độc quyền thương mại qua hải cảng Cửa Hàn. Thực ra người Pháp đã sử dụng tất cả các hải cảng của Việt Nam từ Nam chí Bắc mà không gặp sự chống đối đáng kể của các chính quyền địa phương hay của bất cứ ai khác.

Năm 1835, Hoàng Đế Minh Mạng, người kế vị Vua Gia Long, quyết định hạn chế ảnh hưởng của Pháp bằng chỉ dụ ấn định hải cảng duy nhất được phép mở cửa cho tàu Pháp là Cửa Hàn. Với quy chế đặc biệt đó, Cửa Hàn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Công nghiệp đóng và sửa chữa tàu bè cạnh tranh với thương mại, thủ công và nghề chế biến nông sản để làm cho Tourane trở thành thành phố giàu có nhất miền Trung.

Cha của Trang từng đi thi Hương hai lần và trượt cả hai trước khi nhận ra bộ óc và trái tim của mình hướng về ngành kinh doanh. Ông dọn cả gia đình xuống Tourane, và tại đó mở một cửa hàng nhỏ mua bán các sản phẩm thủ công nghệ. Trong những năm sau đó, cửa hàng nhỏ này đã trở thành một nhà buôn lớn giao dịch với tàu bè của nhiều nước ngoài, nhập cảng mọi thứ từ tơ lụa đến súng ống, và xuất cảng hàng thủ công nghệ và nông sản Việt Nam sang các thị trường xa xôi như Nhật Bản và Âu Châu.

Từng bị các nhánh gia tộc khác khinh thường vì không theo truyền thống học giả, gia đình của Trang đã trở thành điểm dựa chính của cả gia tộc. Các cậu và dì của nàng ở lại Huế hầu như không thể kiếm đủ sống từ những chức vụ nhỏ mà họ nắm giữ trong hoàng triều. Chẳng bao giờ họ quên nhắc cha nàng rằng họ hơn ông ta về trí tuệ, nhưng họ cũng không bao giờ từ chối tiền và quà ông tặng mỗi lần ông về thăm nhà khi ông phải lên kinh đô vì công việc. Đương nhiên, những món quà đó cũng có mục đích bỏ dầu vào trong guồng máy hành chính để cho công việc kinh doanh của ông trôi chảy đều đặn.

Lớn lên trong môi trường đó, Trang dần dần đâm ra có ác cảm với giới học giả. Theo truyền thống, học giả được đặt ở vị trí cao nhất trong bậc thang xã hội, tiếp theo là nông dân, thợ thủ công, và thương nhân ở dưới cùng, theo đúng thứ tự sĩ, nông, công, thương. Tuy nhiên, đối với nàng, học giả là những con đỉa hút máu của ba giai cấp kia, trong khi luôn luôn rêu rao ưu thế về đạo đức và trí tuệ của họ. Họ cai trị không có mục đích nào khác ngoài việc đảm bảo rằng họ bao giờ cũng ở trên cả ba giới kia.

Ở Tourane, một thành phố có khá đông người theo đạo Thiên Chúa, gia đình Trang chuyển sang đạo Công Giáo, và Trang bắt đầu đi học ở trường do các linh mục người Pháp dạy. Ở đó, Trang học tiếng Pháp và thông thạo chữ viết mới mà các nhà truyền giáo dùng để viết bản dịch Kinh thánh và các văn bản tôn giáo khác sang tiếng Việt. Các tu sĩ Dòng Tên cũng dạy nàng một ít toán học và khoa học, cho nàng cái nhìn thoáng qua về sự tiến bộ và hùng mạnh của phương Tây. Nền giáo dục mà nàng nhận được chỉ làm cho nàng tin hơn nữa vào sự lạc hậu và vô vọng của các học giả Việt Nam đang còn bám vào những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc mà ngay cả Trung Quốc cũng đang loại bỏ.

Họ hàng của Trang coi thường cha nàng và những người trong gia đình ông, nhưng đồng thời họ mong được vĩnh viễn hưởng lợi từ sự hào phóng của ông. Bất cứ khi nào đến thăm họ, nàng đều nhìn thấy nụ cười kiêu căng và thái độ khinh bỉ của họ, nhưng nàng cũng để ý đến những chiếc áo và bộ trang phục được may cẩn thận với lụa mà cha nàng đã làm quà tặng cho họ.

Cha nàng còn cung cấp một số thức ăn cho họ, đặc biệt là những món ăn ngon đến từ những vùng đất xa lạ. Ông nói với nàng đừng bận tâm đến thái độ của những người trong họ hàng, vì công việc kinh doanh của gia đình đang được hưởng lợi từ tất cả các mối quan hệ và ảnh hưởng của những người đó, nhưng lời khuyên của ông không làm giảm bớt sự cay đắng của nàng.

Khi đến lúc phải lựa chọn giữa một sĩ quan hải quân trẻ người Pháp và một học giả đầy triển vọng, con trai của một ông quan địa phương, nàng đã chọn người trước, trái với ước mong của cha mẹ. Quyết định đó hóa ra vô cùng sáng suốt vì Bonneau đã mở ra nhiều cánh cửa mới cho công việc kinh doanh của gia đình nàng. Một khi Bonneau chứng tỏ được sự hữu ích to lớn đó, cha mẹ nàng phải thừa nhận rằng việc chọn chồng của nàng thực sự khôn ngoan và nhìn xa hiểu rộng.

Điều bất lợi duy nhất là hai vợ chồng phải dọn đi sống ở kinh đô khi Bonneau được bổ nhiệm làm Đặc Sứ cho Quốc Vương An Nam. Đó là một chức vụ rất xứng đáng dành cho viên sĩ quan Pháp, con người đã nhờ vào ý chí, khả năng học hỏi, và khả năng hấp thụ một nền văn hóa nước ngoài, đã thăng tiến dễ dàng qua các cấp bậc hải quân. Việc Bonneau thông thạo tiếng Việt và có một người vợ là người bản xứ chỉ nâng cao thêm uy tín của đương sự với nhà Vua trẻ tuổi cũng như với vị Khâm Sứ Pháp.

Trong giới thượng lưu ở Huế, nơi mà danh hiệu, đặc biệt là danh hiệu rất quan trọng của Bonneau, là một tài sản quý giá mà người ta phải kính nể và ghen tị, địa vị của bà Trang bỗng cất cánh. Họ hàng của bà vội chạy đến cửa nhà bà, vừa xin yết kiến ​​vừa chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của ngôi nhà thuộc địa với nhiều lính canh. Bỗng nhiên, cô con gái của một kẻ đã thi hỏng, một thương gia, đã trở thành người phụ nữ khôn ngoan nhất tại kinh đô.

Ngay cả người chú, Thượng Tọa trụ trì chùa Thiên Mụ, người đã làm lơ bà trước đây, cũng tìm thấy nghị lực cần có để bỏ qua việc theo đạo Công Giáo của bà. Thượng Tọa thường xuyên đến nhà bà, ở đó lâu hơn bất cứ nơi nào khác, và ban ra những lời khuyên nhủ cho hai đứa cháu gái về mọi đề tài. Hai đứa cháu gái đã bị bỏ bê trong quá khứ đột nhiên trở thành những người thân yêu nhất của Thượng Tọa.

Thượng Tọa lo lắng cho sức khỏe, giáo dục và hạnh phúc của hai đứa cháu gái. Ngài hoạch định tương lai của chúng, đặc biệt là sau khi hai đứa lớn lên và trở thành hai trong số những tiểu thư hấp dẫn nhất kinh đô. Không ai thấp kém hơn các cậu con trai nhà quan hoặc thương gia giàu có có thể xứng đáng với cháu gái của ngài. Chính vì vậy, ngài quá thất vọng khi được Giang giới thiệu anh chàng thầy giáo làng. Ngài không ưa anh ta, và sau đó cho ý kiến ​​​​và dự đoán của mình về chàng trai trẻ một cách thật trắng trợn với bà mẹ hai cô.

Quả thực bà Trang đã bị ám ảnh bởi lời tiên đoán đen tối của nhà sư trụ trì về mối tình của con gái bà với anh chàng thư sinh nghèo miền Bắc. Bà tin rằng nếu Giang cứ tiếp tục giao thiệp với thầy Tâm, nàng sẽ có một tương lai hỗn loạn và đầy bất hạnh như nàng Thuý Kiều xấu số trong kiệt tác “Đoạn Trường Tân Thanh” mà dân chúng gọi là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Trong sự yên tĩnh của phòng ngủ, bà Trang đợi cho đến khi Bonneau thoải mái ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cửa sổ. Ông thích ngồi đó và phì phèo ống điếu trước khi đi ngủ. Bình thường, bà cũng ngồi gần chồng, thưởng thức hương vị thuốc lào, mừng thầm vì chồng mình không hút thuốc phiện.

“Em đang định đi Tourane với Giang,” Bà đột ngột nói với chồng. “Hai cô đang làm ăn rất khá ở cửa hàng tơ lụa, và kết quả là chúng ta sẽ phải đi mua thêm hàng hóa để mang về bán.”
Bonneau chỉ hơi ngạc nhiên. Ông biết rằng hai cô con gái của mình thông minh và có khả năng điều hành công việc cửa hàng, mỗi người một cách, nhưng hỗ trợ cho nhau. Françoise là người quản lý cửa hàng phía sau, người có thể giữ sổ sách, sắp xếp và thúc đẩy mấy người giúp việc. Trong khi đó Francine ở phía trước lôi kéo khách hàng và làm cho họ mua hàng như sắp đến ngày tận thế.
“Em có cho con gái lớn của mình đi theo để dạy nghề kinh doanh cho nó không?”
“Có chứ, em đã làm chương trình rồi. Ở Tourane, em sẽ đưa Giang đi giới thiệu cho tất cả các nhà cung cấp và người quen của mình. Nó sẽ được thấy chuyện kinh doanh thực sự được xúc tiến như thế nào. Nó đã học được một số bí quyết rồi, nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh mà nó vẫn chưa biết. Đây sẽ là một chuyến đi có tính chất giáo dục cho cô nàng.”
“Khi nào em định đi?”
“Chuyện đó còn tùy. Anh có biết con tàu Pháp nào sắp đi Tourane không? Nếu không, em sẽ đi đường bộ qua đèo Hải Vân.”

Tuy nhiên, bà ta không muốn đi qua đèo Hải Vân với gió mùa sắp đến. Điểm cao nhất của đèo thường ở trong mây (Vân), trong khi điểm thấp nhất men theo biển (Hải). Bà đặc biệt không thích ở trên đèo đó khi thời tiết xấu.

Bonneau cũng không muốn vợ và con gái mình phải đi đường bộ.
“Anh nghĩ có một con tàu sẽ đi Tourane trong tuần này, nhưng để mai anh hỏi người ta và anh sẽ cho em biết ngày nào.”
Bà Trang cảm thấy nhẹ nhõm. “Em sẽ bảo Giang chuẩn bị để sẵn sàng đi bất cứ ngày nào.”
“Em đi bao lâu? Nếu anh biết, anh sẽ tìm ra con tàu nào em có thể dùng để quay trở lại đây.”
Bà mẹ muốn giữ con gái mình xa kinh đô càng lâu càng tốt.
“Có thể vài tuần, nhưng anh đừng lo. Em sẽ hỏi thăm xung quanh Tourane khi nào sẵn sàng quay lại. Em dự định mang về một lượng lớn lụa và các hàng hóa khác, và như vậy em sẽ cần có đủ thời giờ để mua và lo công việc vận chuyển.”
Chức vị thường có một số đặc quyền và bà ta biết các tàu Pháp không thể từ chối việc di chuyển bằng đường biển của vợ của Đặc Sứ Pháp, ngay cả khi bà ấy có rất nhiều hành lý.
Bonneau nhíu mày quan sát vợ qua làn khói thuốc lá. Linh tính mách bảo ông rằng chuyến đi của vợ mình có mục đích sâu xa hơn là dạy kinh doanh cho Giang. Dân thủ đô thường nói rằng bề trong mọi sự không bao giờ giống như bề ngoài. Ông đã ở Việt Nam hơn một phần tư thế kỷ, và đã kết hôn với người phụ nữ ngồi đối diện ông cũng gần ngần ấy năm. Ông biết rõ bà vợ mình.
“Em có lý do nào khác phải đi Tourane không?”
Bà vợ nhìn chồng với một sự ngạc nhiên không thành thật.
“Không, anh nói về chuyện gì vậy?”
“Có phải em vẫn còn gây chiến với anh thầy giáo làng đó, người mà Giang vẫn nghĩ đến bất chấp lệnh cấm của em?”

Mặc dù gia đình vẫn giữ im lặng về việc này, thư ký Kham đã nói với Bonneau về một biến cố trong đó anh thầy giáo làng đã phải đấu tranh để ngăn chặn một số con nhà quan quấy rối con gái mình. Ông cũng biết rõ Giang đã lấy đồ y tế và băng từ tủ thuốc của mình để chữa trị vết thương cho Tâm trong trận chiến. Ông đã kín đáo để thêm đồ vào tủ thuốc và hy vọng rằng nàng có đủ những thứ nàng cần đến. Lâu nay, ông đã bắt đầu nghi ngờ sự khôn ngoan của vợ mình trong việc bắt Giang tránh xa anh chàng học giả khác thường từ miền Bắc, nhưng ông chưa muốn công khai chất vấn bà ta.
Bà vợ thử dùng lời khen để tránh trả lời câu hỏi của chồng.
“Anh là một người rất thông minh. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ngài Khâm Sứ đã chọn anh làm đặc sứ cho Vua An Nam. Anh có thể nhìn xuyên qua tất cả những người bản xứ, kể cả em.”
“Đặc biệt là em, vì anh biết em lâu nhất,” Bonneau cười. “Dù sao đi nữa, anh hy vọng em biết em đang làm gì với con gái mình. Em đừng để cho trái tim nó bị tan nát. Em hãy nhớ rằng ban đầu cha mẹ của em hoàn toàn phản đối anh.”
“Điều đó đúng, nhưng em không phải là Giang,” Bà Trang cãi.  “Anh chưa bao giờ lợi dụng em, và nếu có em đã không để cho anh làm như vậy. Nhưng con gái của chúng ta vẫn còn trẻ và non nớt quá. Giang phải được ngăn chặn trước khi bị anh thầy giáo làng đó hoàn toàn chinh phục.”
Bà ta đứng lên để nhấn mạnh câu cuối cùng của mình.
“Và em sẽ không bao giờ để cho chuyện đó xảy ra!”

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment