Phú Nhuận thời thơ ấu của tôi, kỳ 5

by Tim Bui
Phú Nhuận thời thơ ấu của tôi, kỳ 5

LÊ NGUYỄN

Những năm sau 1955, nhiều gia đình về sống ở một khu vực ngay phía sau trường Chu Mạnh Trinh, nơi mà người viết tạm gọi là “sân banh tự phát”. Bỗng nhiên nơi đây trở nên sầm uất, được đặt tên là “khu cư xá Chu Mạnh Trinh”, mặc dù trường Chu Mạnh Trinh chẳng dính dáng gì đến chủ nhân của những ngôi nhà này. Khu cư xá này được biết đến nhiều do có sự hiện diện của nhiều người nổi tiếng, trong đó không thể không kể đến nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Tuấn Khanh (tác giả bài Quán Nửa Khuya), vốn là anh chú bác ruột một người bạn học cùng trường Chu Mạnh Trinh với tôi; bà Tùng Long…

Gia đình nhạc sĩ Phạm Duy trong thời gian sống ở cư xá Chu Mạnh Trinh – (Nguồn: thanhthuy.me)

Cũng từ đó, con đường rộng nằm trên đường Chi Lăng, chỉ cách ngã tư Phú Nhuận hơn 100 mét, cũng được cư dân tại đấy gọi là “hẻm Chu Mạnh Trinh”. Đầu hẻm này, vào thập niên 1950-1960 là một “khu ẩm thực” thú vị, với chỉ vài xe bò viên và sâm bổ lượng, song cái ngon của chúng ám ảnh thực khách có khi đến cả nửa thế kỷ sau.

Không lâu sau khi trường Chu Mạnh Trinh xuất hiện gần Ngã tư Phú Nhuận (1/7/1955), mặt tiền quay ra đường Võ Di Nguy, thì người ta thấy mọc lên trường bán công Hoài An, chỉ nằm cách trường Chu Mạnh Trinh mấy căn nhà, song mặt tiền hướng ra đường Chi Lăng. Trường này chỉ là một căn phố, không lâu sau, đã được di chuyển sang bên kia Ngã tư Phú Nhuận, nằm bên trái đường Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ), cạnh một cây xăng, trên một khoảng đất rộng rãi, xứng đáng với một trường trung học hơn.

Vào nửa sau thập niên 1950, đối diện với hẻm Chu Mạnh Trinh, nằm bên trái đường Chi Lăng là một nhà bảo sanh có tên Sương Mai, nơi cho ra đời nhiều cư dân Phú Nhuận nay đã thuộc về lớp tuổi U70. Một thiếu niên có dáng vẻ Ấn Độ hay lai Ấn Độ tên Kamal là con hay cháu người chủ nhà bảo sanh Sương Mai, có một khoảng thời gian ngắn là bạn học cùng lớp với tôi tại trường Chu Mạnh Trinh. Sau Kamal đi học nơi khác, còn người chủ nhà bảo sanh thì người đương thời gọi là “cô Tư Chà”, như vậy, bà đúng là một phụ nữ Ấn Độ hay lai Ấn. 

Từ hẻm Chu Mạnh Trinh tiếp tục đi theo đường Chi Lăng, hướng về chợ Bà Chiểu, khi chưa đến giao lộ Thái Lập Thành – Chi Lăng (nay là ngã tư Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long), phải kể đến hai kiến trúc mà hình ảnh còn hằn sâu trong ký ức của tôi. Một là tòa nhà rộng lớn nằm bên phải đường, được sử dụng làm trụ sở chính của tổ chức “Dân vệ đoàn” ngay vào những năm đầu của nền Đệ nhất Cộng hòa miền Nam. 

Một bài trên tờ tạp chí ảnh Thế Giới Tự Do viết về tổ chức Dân vệ đoàn thời Đệ nhất Công hòa (1954-1963) (nguồn Thuy Le Hoa Hoang Thi Ngoc Tram)

Những năm 1955-1956 ấy, cậu học trò Đệ thất, Đệ lục của trường tư thục Chu Mạnh Trinh ngày ngày đi học ngang trụ sở Dân Vệ đoàn, không có tường rào, chỉ được bao quanh bằng những tấm tole dựng đứng, trên kẻ dòng chữ cao gần bằng đầu người, với nội dung chào mừng đệ Nhất (hoặc đệ Nhị) chu niên nền Cộng hòa. Sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa miền Nam cáo chung, chính quyền kế tiếp đổi tên Dân Vệ đoàn là Nghĩa quân, cũng như đổi tên lực lượng Bảo An là Địa phương quân. Lúc đó, trụ sở này trở thành Cục Mãi dịch của quân đội.

Kiến trúc thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là một ngôi nhà nhỏ nằm trên một khoảnh đất khá rộng ở bên trái đường Chi Lăng, hơi xéo với trụ sở Dân Vệ đoàn. Đó là trường Tiểu học Tư thục Chấn Hưng, hiệu trưởng là thầy Nguyễn Văn Vàng. Vào năm 1950, thầy Vàng cũng còn trẻ, có lẽ chưa đến 40 tuổi. Mình vào học trường này năm 1951, khi mới học lớp tư. Thời đó, chuyện học trò ăn đòn roi của thầy cô thường như cơm bữa. Trong 4 năm ở trường Chấn Hưng, cái đầu của mình lãnh khá nhiều thước kẻ của thầy Vàng, có lẽ nhờ vậy mà trí nhớ của mình đến nay vẫn còn minh mẫn!

Trong số người học chung lớp với tôi lúc bấy giờ, có 3 bạn là con và cháu thầy: chị Nguyễn Thị Mai là con gái thầy, bạn Nguyễn Hữu Hoàng Châu là cháu gọi thầy bằng bác, và Bình, con một người em họ thầy, 

Vào học trường Chấn Hưng khi mới vừa 7-8 tuổi, có biết gì về chính chị, chính em, song lòng cũng khá băn khoăn khi đám học trò trường khác mỗi khi gặp chúng tôi lại hét to lên rằng thì là “thầy Chấn Hưng bị trấn nước”. Mãi đến khi trưởng thành, nhớ lại chuyện cũ, mới biết là thầy bị trấn nước (khi điều tra) vì dính vào “quốc sự”, thầy hoạt động cho Việt Minh. 

Chuyện này rõ hơn một chút vào năm 1954. Chiều hôm đó, chúng tôi đang ngồi học thì người em trai của thầy (cha của Nguyễn Hữu Hoàng Châu) xuất hiện như một làn gió, ông đến gần thầy, nói nhỏ câu gì đó, gương mặt thầy rạng rỡ lên thấy rõ. Sau đó, thầy công bố liền với tụi học trò thò lò mũi xanh chúng tôi là Tây đã đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Thầy vui quá, không ai tâm sự, lòng không kìm chế nổi nên mới thốt lên những lời đó với lũ chúng tôi, đầu óc chưa biết gì về những chuyện đại sự như thế.

Từ năm 1955, tôi rời trường Chấn Hưng, vào học trường trung học tư thục Chu Mạnh Trinh, như đã viết ở trên, thì không lâu sau, đọc báo, thấy chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giữ “một ổ Cộng sản” mười mấy người, trong đó có nhà văn Tô Nguyệt Đình, tên thật Nguyễn Bảo Hóa, tác giả tập “Bộ áo cà sa nhuộm máu”, và … thầy tôi, ông Nguyễn Văn Vàng.

Về “vụ án Cộng sản” sớm sủa này, có nhiều “dị bản”, nhiều thêu dệt sau năm 1975. Ngay lúc đó, báo chí có đăng tải chuyện ông Đốc phủ sứ Nguyễn Trân, Tỉnh trưởng Định Tường, thách thức nhóm cán bộ Cộng sản tranh luận với ông, nếu ông thắng, họ bị bỏ tù, nếu họ thắng, ông thả hết. Hình như chuyện tranh luận này không từng xảy ra, nhưng chuyện mười mấy cán bộ Cộng sản được trả tự do là điều có thật. Tôi vẫn còn nhớ rõ, bài báo tôi đọc về chuyện này ghi tên thầy tôi là Nguyễn Văn Vòng, thay vì Vàng. 

Bạn nào có đọc tư liệu về vụ án này, xin bổ sung tên một vài nhân vật cộm cán trong số 14-15 bị cáo tại phiên tòa.

Con đường Chi Lăng từ Ngã tư Phú Nhuận đi qua trường Chấn Hưng độ 50 mét mới gặp giao lộ đầu tiên là ngã ba Thái Lập Thành – Chi Lăng, nay là ngã tư Phan Xích Long – Phan Đăng Lưu.

Sở dĩ gọi đây là ngã ba mà không là ngã tư, vì vào thập niên 1950-1960, con đường Thái Lập Thành chỉ nằm phía trái của đường Chi Lăng. Phía bên phải đường Chi Lăng không phải là một tên đường mà là một khu cư xá, với tấm bảng cao hàng chục mét, vắt ngang cổng vào, mang dòng chữ kẻ sơn “cư xá Thủ hiến Thái Lập Thành”. Ở phía này, con đường chạy qua cư xá chỉ dài vài trăm mét, kết thúc ở một ngôi chùa, và sau ngôi chùa là những cánh đồng bất tận trồng sen, trồng súng, trải dài đến khu đường Trần Quang Khải, Tân Định ngày nay. Bên hông ngôi chùa có một con đường mòn lớn chạy quanh co trong khu xóm, dẫn tới khu cư xá Chu Mạnh Trinh gần đại lộ Võ Di Nguy.

Cái ngã ba Thái Lập Thành-Chi Lăng này từ thập niên 1950 trở về trước có tên phổ biến là “chùa Bà Đầm”, mặc dù ngôi chùa nằm sâu mấy trăm mét trong khu cư xá Thủ hiến Thái Lập Thành và chưa thấy có một giải thích nào rõ ràng về cái tên “bà đầm” này cả.

Năm 1957, gia đình tôi đang cư trú trên đường Nguyễn Huệ (nay là Thích Quảng Đức), dọn về làng Bà Điểm, quận Hóc Môn, bản thân tôi ôm quần áo, sách vở lên ở nhà các bà cô trên đường Thái Lập Thành để tiếp tục việc học ở trường Chu Mạnh Trinh. Trong gần 10 năm trời, con đường Thái Lập Thành gắn chặt với nhiều kỷ niệm của một chàng trai mới lớn.

Năm 1959, sau khi lấy được mảnh bằng Trung học Đệ nhất cấp ở trường tư thục Chu Mạnh Trinh (tỉ lệ thi đậu là 7/27 thí sinh), tôi may mắn thi đậu vào lớp Đệ Tam C trường công lập Hồ Ngọc Cẩn mới được Bộ Quốc gia Giáo dục cho phép mở thêm. Trong khoảng 100 thí sinh của lần thi đó, trường chọn 45 người đậu hàng đầu, tôi đậu hạng 23. Thời đó, mỗi tỉnh thường chỉ có một trường trung học công lập đến đệ nhị cấp; Gia Định có Hồ Ngọc Cẩn, Biên Hòa có Ngô Quyền, Định Tường (Mỹ Tho) có Nguyễn Đình Chiểu, Phong Dinh (Cần Thơ) có Phan Thanh Giản… Thế là cậu học trò nghèo đỡ bớt nỗi ám ảnh về chuyện học phí.

25.2.2024

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights