Tiếng gọi của rừng thẳm: Tôi đi làm báo – kỳ 3

by Tim Bui

HÀ GIANG

Tự kiểm duyệt là nỗi khổ của người làm báo, nhưng khi nghĩ đến những người thuộc giới chức nhà nước nhất mực khước từ trả lời phỏng vấn báo nước ngoài tôi có lúc cảm thấy thông cảm cho hoàn cảnh của họ.

Thông cảm vì tôi nghĩ đã là người thì ai chẳng có nhận xét và phản ứng trước những gì đang xảy ra chung quanh. Và không được nói ra điều mình nghĩ, chắc hẳn phải khổ tâm lắm, vì còn gì khổ hơn cảnh có miệng cũng như câm?

Cuộc chiến không cân xứng

Và cứ thế, với nguồn tin giới hạn, không được sự hợp tác của giới chức trong việc phỏng vấn, chương trình phát thanh của RFA luôn luôn bị phá sóng, lại thêm trang mạng của RFA bị chặn, trong nước không xem được trừ khi người đọc biết cách vượt tường lửa, chúng tôi, những người làm việc cho đài RFA nói riêng, và những cơ quan truyền thông tiếng Việt của người Việt tỵ nạn nói chung, miệt mài “chiến đấu” trong một cuộc chiến rất cam go và không cân xứng.

Theo https://ictvietnam.vn/ (Cơ quan Ngôn luận của Bộ Thông tin và Truyền thông VN), thì tính đến tháng 5/2023, Việt Nam có 808 cơ quan truyền thông toàn quốc, gồm 138 báo và 670 tạp chí, trong đó có một số truyền thông đa phương tiện như truyền hình v.v… Ngoài ra còn có hơn 9.812 đài truyền thanh cấp xã v.v…, với tổng cộng nhân sự khoảng 42.000 người. Con số khổng lồ này so với vài đài như RFA, VOA, BBC, báo Người Việt, với tổng số nhân sự ước lượng chưa được 100 người thì cân xứng làm sao được?

Sự không cân xứng được tính theo nhiều cách.

Trước hết, hàng chục ngàn cơ quan truyền thông này chịu sự điều khiển của một tổng biên tập duy nhất: Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Thứ hai, chương trình phát thanh của RFA (và cả BBC – hồi BBC còn chương trình phát thanh) luôn luôn bị Việt Nam phá sóng, thính giả ở nhiều vùng không nghe được.

Thứ ba, trang mạng của RFA (và cả BBC, Người Việt online, VOA…) bị chặn, độc giả ở nhiều nơi không thể vào xem, trừ khi biết tìm cách vượt tường lửa. Bạn đọc không tin cứ vào xem những trang hướng dẫn cách vượt tường lửa trên RFA, BBC và VOA, hay hướng dẫn làm sao để nghe khi đài bị phá sóng thì sẽ thấy.

Thứ tư, không cấp Passport mới cho một số ký giả của BBC từ Việt Nam qua Thái Lan làm việc. Và kết quả là họ phải nghỉ việc, vì không có passport mới, thì Thái Lan không gia hạn Visa để người ngoại quốc có thể tiếp tục làm việc. (Tôi sẽ viết rõ hơn về việc lên tòa đại sứ Việt Nam ở Bangkok để hỏi về tình trạng một nhân viên của mình bị từ chối gia hạn Passport trong một bài sau).

Biện pháp cuối cùng của nhà nước Việt Nam là tấn công thẳng vào ký giả nào họ cho là gây nhiều tổn hại nhất cho đảng và nhà nước.

Họ tấn công bằng nhiều cách. Thứ nhất là cho những ký giả này vào sổ đen (blacklisted), có nghĩa là những người này không được cấp Visa vào Việt Nam. Điều này trước khi làm việc với RFA tôi đã tiên liệu là có thể xảy ra, và đã chấp nhận cái giá phải trả đó.

Điều tôi không tiên liệu được là bài viết của mình bị nhân viên bộ ngoại giao Việt Nam viết thư khiếu nại là viết không trung thực, thiên vị v.v… Dĩ nhiên vì sứ mệnh truyền thông điền thế là chủ trương của đài, tôi chưa bị RFA xét lại bài viết, dù được tin là một số bài của mình có bị phàn nàn. Nhưng khi làm việc ở BBC thì đã từng bị. Hãy tưởng tượng áp lực của những khiếu nại này lên người cầm bút. Kết quả là, dù ít hay nhiều,  người phóng viên bị liên tục khiếu nại thể nào cũng rơi vào tình trạng tự kiểm duyệt, dù chỉ trong vô thức. Đây là điều đáng buồn nhất cho một nhà báo hết lòng muốn nói lên sự thật.

Buồn hơn, là áp lực này có khi đến từ ngay cộng đồng mà mình đang sống, tình trạng mà nhà báo Việt ngữ chúng tôi bảo nhau là bị ở “giữa hai lằn đạn.” Tôi sẽ trở lại với đề tài này trong một kỳ khác.  

Không phải ai cũng là kẻ thù

Chắc chắn làm việc trong môi trường như vậy, thỉnh thoảng tôi cũng nản lòng.

Tôi nhớ có lần tâm sự với người bạn cao niên lúc đầu đã ngăn cản tôi gia nhập làng báo Việt ngữ, thì ngạc nhiên và cảm động khi người bạn đáng quý, thay vì nói “anh đã bảo mà” đã an ủi, bảo hiểu ý nghĩa việc tôi làm, khuyên tôi hãy mạnh dạn theo đuổi đường mình đã chọn, và còn nói “anh rất hãnh diện vì em” nữa mới chết chứ!

Sự khuyến khích của anh làm tôi thấy được an ủi và bớt cô đơn. Nhưng an ủi lớn hơn là sự tiếp tay của một số người trong nước.

Với bổn phận bảo vệ nguồn tin, tôi không thể tiết lộ rõ cách làm sao có được nhiều tin trong khi mình làm việc ở mãi tận Mỹ.

Nhưng thành thật mà nói nhiều đầu tin tôi có được là từ những người trong nước mách cho. Đa số họ là nạn nhân của sự bất công hay thuộc giới bất đồng chính kiến muốn tìm cách lên tiếng; số khác thuộc thành phần trí thức thực lòng muốn đất nước tốt lên; nhưng cũng có một số ít người thuộc giới chức nhà nước.

Những người can đảm này không được phép trả lời báo chí, nhưng thỉnh thoảng có người vẫn chia sẻ điều họ nghĩ, nhưng bắt tôi cam kết là tuyệt đối không bao giờ được mang họ lên báo. Người khác không thổ lộ tâm tư, nhưng kín đáo giúp tôi kiểm chứng một số dữ kiện hay giúp tìm tài liệu. Họ làm thế để làm gì? Vì lương tâm, và vì muốn giúp tôi hiểu rõ vấn đề để viết bài cho thấu đáo. Họ nói thế, và sau khi kiểm chứng những gì họ nói (lại kiểm chứng), tôi tin họ.

Đọc đến đây chắc độc giả sẽ nghĩ người làm báo chắc hẳn phải là những người có tính đa nghi? Cũng không hẳn vậy. Họ chỉ là người có trái tim nóng (sôi sục nhiệt huyết muốn phục vụ cho một mục đích gì đó) được huấn luyện phải có cái đầu lạnh (để tỉnh táo phân tích trước khi hành động).

Một lần nữa, với giới làm báo, chỉ có hai loại tin, tin chưa kiểm chứng, và tin đã được kiểm chứng.

Điều tôi học được trong thời gian làm việc với RFA là một ký giả không có sự trầm tĩnh, sẽ dễ bị vấp ngã vì nhiều lý do, như bị hớ khi hấp tấp muốn mình là người đưa “breaking news” mà không kiên nhẫn để kiểm chứng cho đúng nguồn hay đủ nguồn. Hay vội vàng đưa bình luận của chỉ một phía, hoặc không có những câu hỏi follow-up nếu người được phỏng vấn trả lời qua loa, không hợp lý hoặc tự mâu thuẫn với chính mình.

Thương người đồng nghiệp

Hậu quả của tình trạng hàng ngàn cơ quan truyền thông (tính cả báo chí, truyền hình lẫn truyền thanh) trong nước chỉ có một tổng biên tập, là rất nhiều sự kiện không được loan tin. Điển hình là những cuộc biểu tình chống Trung Quốc của học sinh, sinh viên, những cuộc đình công bãi thị của công nhân để đòi quyền lợi, hay những vụ kéo nhau từ thành lên tỉnh của dân oan để đòi nhà nước cứu xét đơn kiện của họ. Khi báo chí không đưa tin, thì đối với người dân trong nước những sự kiện này không bao giờ xảy ra.

Lúc mới vào nghề nhìn thấy tình cảnh này tôi rất bực bội, và dù biết là báo chí trong nước bị kiểm soát gắt gao, vẫn cảm thấy bất bình trước sự im lặng mà tôi cho là “vô cảm” của đồng nghiệp ở Việt Nam. Tại sao làm báo mà có thể lờ hẳn một loại tin đi như vậy, và không hề xúc động trước những cảnh bất công?

Cho đến khi tôi chợt khám phá ra một vài số báo có những ký giả Lục Vân Tiên “giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha” đã kín đáo đưa tin về những cuộc biểu tình hay đình cộng với tựa đề đại khái như “kẹt xe, lại kẹt xe”. Còn nhớ tôi đã ngồi thừ xót xa thương thân phận ký giả trong nước khi đọc thấy dòng chữ đại loại nói là Sài Gòn lúc này xe kẹt quá, đi đến đây thấy xe dồn lại một cục, đi đến kia cũng thấy xe kẹt đường phải đóng. Nhìn kỹ thì mới thấy những địa điểm kẹt xe mà bài báo này viết chính là những địa điểm hôm ấy có biểu tình.

Cảm động hơn nữa, có khi đầu tin của tôi còn đến từ một vài ký giả trong nước, tìm cách nhắn và viết: “Tin này chị đưa thì được, nhưng tụi này thì không…”

Thương biết bao người đồng nghiệp trong nước đã kín đáo cùng tôi đi chung một quãng đường…

(Còn tiếp)

Xem thêm: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/tieng-goi-cua-rung-tham-toi-di-lam-bao-ky-2/

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights