Người Việt Daily News: từ ‘Chương trình Hè 1965’ đến tờ báo lớn nhất hải ngoại

by Tim Bui

HÀ GIANG

LGTVới điểm nhấn là khởi điểm của báo chí Việt Nam và báo chí hải ngoại, giai phẩm Xuân của TYTNT năm nay có bài “Chuyện tờ nhật báo đầu tiên ra đời 103 năm trước” của anh Trần Nhật Vy. Bài viết này tập trung vào nguồn gốc của nhật báo Người Việt, tờ báo tiếng Việt ‘lớn nhất’ và ‘lâu đời’ nhất của người Việt hải ngoại. 
Với số báo đầu tiên phát hành ngày 15/12/1978, nhật báo Người Việt, sau hơn 45 năm dài, vẫn đứng vững, và được nhiều người cho là niềm hãnh diện chung của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Gia nhập làng báo Việt năm 2007, tôi không biết nhiều về lịch sử của cơ quan truyền thông này, chỉ biết Nhật báo Người Việt xuất hiện khi California mới có khoảng hơn 30 ngàn người tị nạn Việt Nam chân ướt chân ráo đến đây, sống ở những tụ điểm như San Diego, Los Angeles, Santa Ana và một vài thành phố lân cận. 

Sự ra đời của báo Người Việt là điều hiển nhiên trong khung cảnh truyền thông của một cộng đồng di dân đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người đùng một cái mất đi tất cả những gì quen thuộc: ngôn ngữ, khung cảnh xung quanh, thái độ, giá trị, lối sống, cấu trúc xã hội, cảm giác thuộc về, ý thức về bản thân cũng như bản sắc văn hóa…
Câu hỏi đặt ra là điều gì đã khiến báo Người Việt có được hành trình dài hơn 4 thập niên, và trước những khó khăn chung của báo in, đến giờ là tờ báo duy nhất vẫn còn phát hành hàng ngày, trong khi nhiều tờ báo ra đời trước đó đã đình bản, và những “nhật báo” bạn như Việt Báo, Viễn Đông, chỉ còn in một tuần dăm ba lần.
“Người Việt không phải là tờ báo đầu tiên của người Việt tị nạn, cũng không phải tờ báo hay nhất, hay lớn nhất lúc đó (đầu thập niên 80)!”.
Luật sư Phan Huy Đạt, Cựu Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của tờ Người Việt (2007-2016), và là một trong những sáng lập viên, khẳng định như vậy trong buổi chiều chúng tôi hẹn gặp tại Coffee Factory ở Westminster, chỉ để tôi có cơ hội tìm hiểu về giai đoạn khởi đầu của tờ báo mà cả hai đã có thời miệt mài phục vụ. 
Và theo góc nhìn của ông, hành trình của báo Người Việt khởi đi không phải phải từ năm 78. Nói cách khác, yếu tố giúp cơ quan này thành công là sợi dây và hoàn cảnh lịch sử đã gắn bó những sáng lập viên từ ‘Chương trình Hè năm 1965’ ở Việt Nam hay trước đó. Bài viết dưới đây tóm lược buổi nói chuyện đầy hoài niệm của tôi với Luật sư Phan Huy Đạt.

‘Nhóm anh em Người Việt’

Hà Giang: Hồi làm ở Người Việt Hà Giang hay nghe nói đến cụm từNhóm anh em Người Việt”. Nhóm này ở đâu ra và nó là như thế nào?
LS Phan Huy Đạt: 
Nguồn gốc của nó là từ Việt Nam tức là lâu lắm rồi. Năm 1965 là cột mốc căn bản. Năm đó có một chương trình sinh hoạt thanh niên rất lớn, được gọi là “Chương trình Hè 65”. Về bối cảnh lịch sử lúc đó thì năm 1963 là đảo chánh [ông Diệm]. Năm 1964 thì rất là lộn xộn, chiến tranh bắt đầu gia tăng. Trong năm 1965, sinh viên và thanh niên hoạt động chuyển tập trung vào việc làm công tác xã hội. Việc này có sự thúc đẩy của người Mỹ.  Người Mỹ lúc đó muốn thanh niên sinh viên chú tâm vào chuyện xã hội, nên họ tiếp xúc một số hội đoàn thanh niên, đề nghị là nên làm một chương trình mùa Hè, và họ có thể cung cấp cho mình phương tiện tài chánh để tổ chức những trại Hè cho thanh niên sinh viên khắp nơi làm công tác xã hội. 
Thành ra một lô anh em hoạt động thời đó từ nhiều hội đoàn lớn từ Hướng đạo, Gia đình Phật Tử, Sinh viên Công Giáo, Thanh Niên Thiện Chí, các ban đại diện sinh viên, các giáo chức trẻ, nhiều lắm, tụ tập nhau lại, người này kéo người kia, để mà tổ chức trại Hè công tác xã hội, khắp nơi, từ Bắc tới Nam. Một lô anh em tụ tập lại cử ra một ủy ban, lập ra “Chương Trình Hè 65”. Người được cử làm tổng thư ký, một thứ executive officer, là anh Đỗ Ngọc Yến. Một lô anh em trong Nhóm Người Việt sau này là những người hoạt động tích cực trong hoặc có liên hệ với Chương Trình Hè, như HàTường Cát, Lê Đình Điểu, Phạm Phú Minh, Trần Văn Ngô, Đỗ Quý Toàn, Hoàng Ngọc Tuệ, Phạm Quốc Bảo, Ngô Mạnh Thu, v.v. Ngoài ra, các bạn cũ khác từ Chương Trình Hè, như ông Đỗ AnhTài, đều trở thành những bạn thân của Người Việt, những người mà sau này Hà Giang cứ thấy đi lại với anh em ở tòa soạn Người Việt.

LS Phan Huy Đạt, tại một quán cà phê ở Sapporo, Nhật Bản, tháng 10/2023

Hà Giang: Thì ra là nhóm anh em Người Việt có một quá khứ gắn bó như vậy. Hồi đó anh đóng vai trò gì trong chương trình Hè này? 
LS Phan Huy Đạt: Lúc đó tôi mới chỉ là cậu hướng đạo mười bảy tuổi. Ông Yến ông ấy kéo tôi, cùng với ông Đỗ Tăng Bí, vào làm việc với ông ấy ở văn phòng trung ương. Vì ông Yến và cả ông Toàn là huynh trưởng hướng đạo của tôi. Làm việc ở trung ương tức là không phải là ở các địa phương lo tổ chức trại, mà để hỗ trợ mọi nhóm, làm việc này việc kia, đủ thứ chuyện. Chương trình này rất thành công. Sau năm 65 nó thành Chương trình của Bộ Giáo dục có tên Chương trình Phát triển Sinh hoạt học đường, gọi tắt là CPS. Cuối cùng là một lô anh em làm chương trình hè tụ về đó. Ngoài ra sau đó nó lại sinh ra một loạt các tổ chức, trong đó có Du ca với Nguyễn Đức Quang, cũng là dân hướng đạo. Lúc đó là năm 66, 67. Một trong những việc khác tụi tôi làm cũng phát xuất từ chương trình Hè rồi biến thành chương trình CPS là trong khuôn viên của trường Văn khoa cũ có một vài cái nhà tiền chế sau đó bỏ hoang chả biết dùng để làm gì, thì tụi tôi mới nghĩ ra là bây giờ mình có thể làm cái quán cà phê văn nghệ để có những sinh hoạt cho sinh viên buổi chiều buổi tối. Thành ra tụi tôi lập quán cà phê gọi là Quán Văn. 

Hà Giang: Lúc đó những sinh hoạt sinh viên thanh niên này vẫn được Mỹ tài trợ?
LS Phan Huy Đạt: Không. Mỹ chỉ tài trợ chương trình Hè 65, khi thành chương trình CPS thì chính phủ Việt Nam tài trợ. Du Ca, hoàn toàn tự túc. Quán Văn là do tiền các anh em tự túc, ngoài chuyện dùng cái nhà tiền chế và đất miễn phí. Quán Văn là nơi lăng xê ra Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Từ Công Phụng, rồi Lê Uyên Phương, tất cả đều trình diễn đầu tiên ở đó, rồi từ đó đi vào các khuôn viên đại học. Nhóm anh em đó phải nói là quy tụ gần như tất cả những thành phần hoạt động tích cực nhất của miền Nam Việt Nam. Nói cách khác, Chương trình Hè 65 quy tụ thành phần ưu tú của giới hoạt động thanh niên và sinh viên thời đó. Họ trước đó quen nhau hết, nhưng làm việc với nhau là qua giai đoạn đó. Sau biến cố Mậu Thân năm 68 thì mọi sinh hoạt bị khựng lại, khu Quán Văn bị lấy lại cho quân đội. Nhưng đến thập niên 70 thì phần lớn những anh em hoạt động được tuyển vào Bộ Dân vận và Chiêu hồi. Và một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển mộ đó là anh Lê Đình Điểu, cánh tay phải của ông Hoàng Đức Nhã, và anh Điểu kéo một lô những người như anh Hà Tường Cát, anh Phạm Phú Minh, anh Tống Hoằng, anh Bí về Bộ Dân vận hết. 
Ở đây tôi cũng mở ngoặc nói về vai trò của Hướng đạo trong xã hội Việt Nam thời đó. Một lô những nhân vật hoạt động ở hầu hết đoàn thể này đoàn thể kia hay là các tổ chức sinh viên thanh niên đều có máu hoạt động và xuất thân từ Hướng đạo. Hướng đạo tự nó có mục đích giáo dục thanh niên học sinh và đã đào tạo ra được những người rất là tháo vát, thích sinh hoạt, và có tinh thần phục vụ xã hội. Nói tóm lại, tất cả những người trong “nhóm anh em Người Việt” như anh Đỗ Ngọc Yến, anh Đỗ Quý Toàn, anh Trần Văn Ngô, anh Lê Đình Điểu, ông Tống Hoằng, tôi, đại khái tất cả đều phát xuất từ nơi đó ra. Background của nhật báo Người Việt nó là như vậy.

Ông Đỗ Ngọc Yên chụp hình bên cạnh số báo đầu tiên của nhật báo Người Việt

Nhiều người có kinh nghiệm làm báo
Hà Giang: Mọi người có ai có kinh nghiệm làm báo không? Rồi tại sao qua Mỹ mọi người lại rủ nhau đi làm báo?
LS Phan Huy Đạt: À, trong số những anh em sinh hoạt hồi đó, nhiều người dính dáng tới báo chí lắm, từ Việt Nam. Chẳng hạn như anh Điểu, có thời là giám đốc Việt Tấn Xã, anh Trần Văn Ngô có thời làm giám đốc Việt Tấn Xã. Anh Yến, sau biến cố Mậu Thân, năm 70 là anh ấy bắt đầu làm báo. Tôi làm báo từ năm 67, từ khi chưa tới 20 tuổi vì bố tôi là dân làm báo, cụ làm cho báo Thời Luận. Vì giỏi ngoại ngữ, công việc của tôi lúc đó là mỗi buổi sáng tới Việt Tấn Xã, lấy bản tin teletype của các hãng thông tấn về làm việc với tổng thư ký để chọn tin, và soạn tin, có khi phải trộn tin từ nhiều nguồn khác nhau. Sau này lên đại học rồi đi dạy học, tôi không làm báo nữa, nhưng vẫn viết bài background (tin viết sâu) khi được yêu cầu cho đến năm 1975, và vẫn giữ liên lạc với những người làm báo. Thành ra tôi làm báo từ thời rất trẻ.
Nói tóm lại là vào năm 75, thì nhiều người trong nhóm anh em đều có sẵn background làm báo. Anh Yến thì từ năm 70, anh ấy làm phóng viên rồi sau đó gần như là tổng thư ký cho tờ Đại Dân Tộc của ông Võ Long Triều. Anh Toàn từng làm việc với ông Chu Tử, tức là báo Sống. 

Hà Giang: Đến lúc nào thì mọi người mới tụ họp nhau để thành lập báo Người Việt?
LS Phan Huy Đạt: Từ năm 75 đến năm 78 có một số báo ra đời ở bên này, một trong những tờ báo đó là tờ Hồn Việt, lúc đầu là của Nguyễn Hoàng Đoan với Khánh Ly, rồi có tờ Trắng Đen của Việt Định Phương, đa số là tạp chí. Mấy năm đầu ông Yến có đi làm báo gì đâu, ông ấy làm social worker bên Texas. 
Tôi nhớ là lúc đó tôi được cái “may mắn” làm việc chân tay tức là làm plumbing. Lúc đầu được mướn để làm plumber assistant, phụ cho anh plumber cho cái trường đại học ở Thousand Oaks, rồi học được nghề plumbing làm việc tay chân thuần túy. Nhiều khi tôi nghĩ sao mình đi học đại học làm gì, cứ tiếp tục làm plumber có phải là có nhiều tiền không. Làm plumbing được ít lâu thì tôi xin được cái fellowship đi học bằng cao học, được lãnh một tháng 900 đô la chẳng phải làm gì cả. Năm 78 thì tôi học xong và bắt đầu cuộc đời đi dạy học. 

Mùa Hè năm 78 thì anh Nguyễn Khả Lộc gọi tôi, nói là anh Yến anh ấy sang đây muốn tụ tập anh em để làm báo. Thực sự ra anh Yến sang trước, gặp giới làm báo rồi được Nguyễn Hoàng Đoan mướn giúp làm tờ Hồn Việt. Nhưng anh Yến nghĩ là cộng đồng cần phải có một tờ nhật báo chứ không phải là một tạp chí. Cùng làm với Nguyễn Hoàng Đoan là anh Du Miên. Anh Yến rủ anh Du Miên là mình phải ra tờ nhật báo. Du Miên thì là dân làm báo từ Việt Nam. Anh Yến là anh  ấy liều mạng lắm, vẫn còn máu hoạt động thanh niên, khi tính làm báo là muốn tụ một nhóm anh em lại để mà làm. 

Khuynh hướng của anh ấy nó thế. Muốn làm gì là phải có anh em cùng làm. Thế là anh Du Miên mang một cái maquette báo Người Việt Cali đến gặp một đống anh em ngày xưa quen biết, để dụ mọi người vào làm. Thế này này, mình phải làm tờ báo như thế này này. Tờ báo mẫu, và kể cả cái logo của Người Việt bây giờ vẫn còn dùng chính là do Du Miên làm. Nếu mọi người nói chuyện với Nguyễn Hoàng Đoan sau này thì anh ấy sẽ nói Người Việt Cali do “Moi” lập ra. Anh Yến hồi đó mới Texas qua có biết gì đâu, phải nhờ Nguyễn Hoàng Đoan hết, cả business licence cũng nhờ Nguyễn Hoàng Đoan làm, ngay tờ báo đầu tiên là cũng nhờ máy của tờ Hồn Việt để làm. Đối với Nguyễn Hoàng Đoan thì anh ấy khai sinh ra tờ Người Việt. Mà Du Miên cũng có thể nói như vậy. Nguyễn Tú A thì kiếm nhà ở đường Euclid để anh Yến có chỗ làm báo, thành ra không phải một mình anh Yến mà là công sức của nhiều người, và vì tình nghĩa anh em ngày xưa nên mọi người cùng xúm lại giúp.

Một số báo Việt ngữ tại Little Saigon vào thập niên 2010

Mỗi người một tay

Hà Giang: Vấn đề tài chánh của tờ báo trong thời gian đầu thì sao?
LS Phan Huy Đạt: Anh Yến bỏ tiền ra in số báo đầu tiên, để cái ngày là 15/12/1978 thực sự báo đó in ra và phát hành trước đó 2 tuần, gửi đi khắp nơi. Anh Yến là người phóng lao, và anh em chưa kịp theo là ông ấy làm cho nó thành ra fait accompli luôn. Rồi anh Yến rời Hồn Việt, gửi báo đi khắp nơi qua bưu điện. Tôi đến nhà anh ấy, ở đường Campus, San Diego, giúp dán tem gửi báo. Vợ con anh Yến cũng phải xúm lại giúp anh ấy. Số báo thứ hai mấy tuần sau mới có. Sau đó thì mọi người bàn nhau là phải dời lên Orange County mới có đủ các cơ sở thương mại và người tiêu thụ báo, và anh em đa số ai cũng ở Quận Cam. Hồi đó báo phát hành ở chỗ anh chị Yến tạm trú trên đường Harbor, tức là nơi ở của các anh em du ca, đàn em anh NguyễnThiện Cơ. Làm báo lúc đó phải dấu diếm chủ nhà, hoàn cảnh chật vật lắm. Anh em ai giúp được gì thì giúp, tinh thần của tờ báo lúc đó nó giống như một cái trại của hướng đạo.
Ra được hai số báo thì anh Yến nói hết sạch tiền rồi. Hồi đó có quảng cáo gì đâu, anh ấy quen ai thì in đại cái quảng cáo vào thôi, nhìn vào thì thấy là báo có quảng cáo, nhưng không có tiền. Để mà có tiền in anh em người nhiều người ít phải đóng góp vào, kể cả đám du ca. Lúc đó 78, 79 ai cũng còn nghèo. Hai người lương khá giả nhất là tôi đi dạy học, và vợ chồng Tống Hoằng. Ông Tống Hoằng làm cho sở lọc nước Long Beach, bà Nhuận đang là resident (bác sĩ huấn luyện nội trú) ở UCI. Ông Nguyễn Khả Lộc làm technician, ông Cơ làm drafting.
Cách đây ít lâu tôi gặp một anh em du ca ngồi nhắc chuyện báo Người Việt, họ kể chuyện nghe buồn cười quá. Họ kể bọn em đi khắp nơi giao báo cho các chợ, tuần này giao, tuần sau trở lại thu tiền. Nhiều khi đi thu tiền chẳng thu được đồng nào nhưng mà bây giờ sợ nói với mọi người, nhất là nói với chị Loan [vợ anh Yến] là không được đồng nào, đành rủ nhau bỏ tiền túi ra góp vào để nói hôm nay thu được từng này tiền. Cái mà anh em lúc đó lo nhất là không được xúm xít với nhau làm báo nữa, và cái sợ nhất là chị Loan không cho anh Yến làm báo nữa. 
Đó là những ngày đầu tiên. Ở nhờ đường Harbor được hai tháng gì đó thì anh Nguyễn Tú A tìm cho được cái nhà ở đường Euclid thành ra tòa soạn báo lại dọn đi. Mở ngoặc là anh Yến hồi đó làm gì có credit, thành ra cái người cung cấp credit là tôi. Du Miên cũng dọn về đó ở, rất chật chội vất vả, nhưng tinh thần nó rất là anh em, rất là vui. Về tài chánh thì anh em cứ phải lén lút đóng góp tiền để trả lương cho anh Yến để chị Loan thấy là báo này “makes sense”, vì lúc đầu có thu được tiền quảng cáo đâu. 

Hà Giang: Tình trạng như vậy kéo dài bao lâu?
LS Phan Huy Đạt: Tôi nhớ chắc chỉ hơn một năm là nhiều. Nhưng từ hồi Du Miên có vợ, thì bà ấy hăng hái chạy đi lấy quảng cáo và bắt đầu đỡ. Nhưng đến lúc đó thì họ bắt đầu thấy là cái legal entity (pháp nhân) của tờ báo nó mơ hồ quá. Ai cũng xúm vào làm, nhưng tờ báo không biết là của anh Yến hay là của ai. Dĩ nhiên anh Yến đứng tên thì tờ báo là của anh ấy, nhưng nếu không có mấy người kia góp sức góp tiền thì chị Yến đâu có cho anh ấy làm, tại vì hết tiền rồi.
Đến lúc bắt đầu có income thì mấy người có máu business như Du Miên và Tống Hoằng thúc đẩy tờ báo dọn tòa soạn ra chỗ khác gần tiệm sách Tú Quỳnh. Du Miên với Tống Hoằng mở một nhà in, và Người Việt chia cái văn phòng đó. Income bắt đầu đều đều thì mọi người thấy là cần phải chấn chỉnh tổ chức, phân công cho nó đều đặn một chút. Thế là phân công. Tôi nhớ mang máng ông Cơ là quản lý, ông Yến là chủ nhiệm, thiếu người chủ bút thì họ để tên tôi làm chủ bút, tổng thư ký là Du Miên, quảng cáo là vợ Du Miên. Tống Hoằng làm tổng thư ký hay gì đó. Nhưng chỉ được có một hai tháng thôi, thì một hôm anh Yến đùng đùng chạy ra nói là thôi bây giờ tôi rút về nhà. Về sau mới hiểu ra là chị Loan chị ấy đặt câu hỏi về vấn đề sổ sách, tại vì không thấy tiền nong gì cả, và không hiểu một cơ sở như vậy thì ai cai quản vấn đề tiền nong, tại vì người thu tiền và kiếm tiền là vợ Du Miên, người giữ tiền là Tống Hoằng. Cuối năm 79 thì những doanh nghiệp ở đây bắt đầu mạnh lên, có nhiều tiềm năng và có một số báo khác ra cạnh tranh nữa. Thế là anh Yến kéo về đường Euclid. Cũng vào thời điểm đó thì anh Nguyễn Đức Quang sang, và được mời vào Người Việt ngay tức khắc. Nguyễn Đức Quang trở thành cánh tay phải của ông Yến, làm hết mọi chuyện. Du Miên với Tống Hoằng ra một tờ báo khác tên là Sài Gòn Mới hay là gì đó tôi quên rồi. Du Miên với Tống Hoằng ra thì ra thôi, các anh em khác vẫn giúp anh Yến. Nhưng giúp thì là giúp thôi, cụ thể là bây giờ là báo của gia đình anh Yến, thì mình giúp vậy thôi chứ bây giờ không phải là báo của chung nữa. Đầu năm 79 thì tờ báo có vẻ như là của chung, dù nó có vẻ lộn xộn. Bây giờ thì Nguyễn Đức Quang lo tất cả mọi chuyện ở tòa soạn. Anh Yến thì phải xoay đi lấy quảng cáo rồi phải rủ thêm ông Duy Sinh. Anh Yến là chủ nhiệm, Duy Sinh là chủ bút và anh Quang không có danh chức gì hết nhưng làm hết tất cả mọi chuyện lo cho tờ báo. Anh Yến và ông Duy Sinh đi lấy quảng cáo, nhưng anh Yến lấy được ít còn ông Duy Sinh lấy được rất nhiều. Anh em thì ai giúp được chừng nào hay chừng nấy. Tờ Sài Gòn Mới của Du Miên và Tống Hoằng trở thành tờ báo cạnh tranh với Người Việt, và họ làm hay hơn nhiều, vì Du Miên có nghề, ông ấy biết layout, còn Nguyễn Đức Quang làm sao mà layout được? 

Nhưng lại một cái nhưng. Du Miên với Tống Hoằng làm sao mà làm với nhau lâu được? Sau đó thì Tống Hoằng rút lui, Du Miên làm một mình, xìu xìu ển ển nhưng vẫn tiếp tục. Phải nhớ là trong thời gian đó là rất nhiều người ra báo, và so với những tờ khác thì báo Người Việt không phải là khá nhất.

Trụ sở đương thời của nhật báo Người Việt

Tinh thần phục vụ


Hà Giang: Vậy thì nhờ đâu báo Người Việt lại trở thành tờ báo lâu đời và lớn nhất hải ngoại như vậy?
LS Phan Huy Đạt:  Vào khoảng cuối năm 81, anh Nguyễn Đức Quang, có thể nói trong đó có sự thúc đẩy của anh Lý Văn Chương trong nhóm du ca nữa, mới nói là nhóm anh em quen nhau từ trước phải ngồi xuống tính xem là anh em mình giờ làm cái gì như là một nhóm anh em. Thanksgiving năm 81 hay 82, tôi không nhớ nữa, chúng tôi họp nhau ở nhà Cơ với tôi thuê ở Costa Mesa, có anh Yến, anh Quang, anh Cơ, Tống Hoằng, Nguyễn Phước Quan, Lý Văn Chương, Nguyễn Khả Lộc và tôi, tất cả 8 người họp tĩnh tâm. Tất cả 8 anh em đó quen nhau từ hồi sinh hoạt hướng đạo, sinh viên thanh niên, từ thời chương trình Hè 65 đó. Qua buổi tĩnh tâm 4 ngày 4 đêm liên tiếp, Thanksgiving mà, các anh em phân công, rồi bàn về vai trò của báo Người Việt. Mọi người kết luận là tờ báo phải làm sao để giữ được tinh thần phục vụ. Tôi nhớ là anh Nguyễn Đức Quang nói là mình phải phát động lại phong trào du ca. Thì đương nhiên rồi, ông Quang là vua du ca, ông Yến là chủ tịch phong trào du ca, ông Cơ, ông Chương là dân du ca và các anh em du ca cũng đã giúp tờ báo từ đầu. Lúc đó tôi đang dạy học tại OCC, tôi đã thúc đẩy những sinh hoạt sinh viên, thúc đẩy rất nhiều việc tổ chức tổng hội sinh viên. Dĩ nhiên là không phải mình làm, nhưng mình hướng các em đến đó, trong vai trò là cố vấn sinh viên ở trường. Mọi người thảo luận đủ cách để phát triển tờ Người Việt như là một hoạt động để phục vụ xã hội chung của anh em. Mọi người cũng bàn là có thể giữ nguyên chủ quyền của tờ báo là của anh Yến như vậy, hoặc biến nó thành một non-profit organization, hoặc là lập ra thành một công ty. Sau một hồi thảo luận thì tôi không nhớ là việc chọn công thức công ty là ai đưa ra, có thể là anh Yến vì anh ấy nghĩ rằng nếu cứ để của riêng anh ấy, ai giúp được cái gì thì giúp thì nó sẽ không thọ hoặc không thể phát triển được. Thế là mọi người vote đồng ý, và hành trình dài của nhóm anh em người Việt bắt đầu, dù cả năm sau công ty mới được thành lập.

Hà Giang: Theo anh thì yếu tố chính khiến báo Người Việt trở nên lớn mạnh là vì sự gắn bó của những người thành lập ban đầu, cũng như là mục đích phục vụ xã hội của mọi người lúc đó?
LS Phan Huy Đạt: Vâng. Đó chính là lý do tại sao tôi cho rằng hành trình của báo Người Việt khởi đi từ chương trình Hè 1965 từ Việt Nam.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights