Tiếng gọi của rừng thẳm: Tôi đi làm báo – kỳ 4

by Tim Bui
Tiếng gọi của rừng thẳm: Tôi đi làm báo – kỳ 4

HÀ GIANG

Cứ thế, tôi vừa làm công việc toàn thời gian của mình, vừa làm thông tín viên cho RFA, phục vụ cho quyền được biết rõ thông tin của người dân trong nước, tiếp tục “đấu tranh” trong môi trường không cân xứng như đã trình bày ở trên, vừa bực, vừa… thương những đồng nghiệp trong nước.

Thỉnh thoảng lại nghe đâu đó là bài tường trình này hay phỏng vấn kia của tôi khiến bộ ngoại giao Việt Nam tại Washington DC không vui. Chẳng hạn như “Ở Việt Nam, không ai có quyền kiện Thủ Tướng!”, “Thảo luận về nhân quyền Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc”, “Tự do ngôn luận và việc kiểm soát blogs” v.v…

Hoặc nghe tin, từ trong nước, là “chị bị blacklisted rồi nhe…”

Bị blacklisted cũng chẳng sao. Cả hai song thân đã qua đời, nên tôi cũng không có nhu cầu phải về Việt Nam.

Giòng đời cứ vậy trôi. Cho đến một ngày, Mặc Lâm từ Washington DC bất chợt gọi về.

-Hà Giang ơi, em có bao giờ nghĩ đến việc làm báo toàn thời gian không?

-Không, à chưa. Tôi ú ớ, rồi hỏi tại sao.

-À, Thiện Giao thôi RFA về làm cho báo Người Việt rồi, chắc em cũng biết.

-Em cũng không theo dõi kỹ, dù có biết tên Thiện Giao của RFA.

-Giao nó về làm chủ bút cho Người Việt, và họ đang rất cần người. Giao nó để ý em, và nhờ anh hỏi xem ý em ra sao.

-Bắt buộc phải làm toàn thời gian hả anh?

-Chắc vậy. Giao nó đang cần build một team mới.

Làm báo thì thích thật, nhưng việc bỏ hẳn nghề của mình để đi làm báo toàn thời gian thì tôi hoàn toàn chưa nghĩ đến, dù thấy mình ngày càng tò mò với vai trò của báo chí trong một đất nước như nước Mỹ.

Có nhiều lý do khiến tôi tò mò.

Thứ nhất, vì làm việc với RFA, thính giả (và độc giả nữa, khi họ đọc bài trên website) chúng tôi nhắm vào hoàn toàn là người trong nước, những người thường xuyên phải đối diện với việc bị phá sóng khi đang nói chuyện phôn với cơ quan báo chí nước ngoài, khiến việc liên lạc với nguồn tin đôi khi rất khó. Thêm vào đó, hầu như chẳng bao giờ chúng tôi có thể tiếp xúc được với một viên chức nhà nước để phỏng vấn. Điều này khiến tôi thấy không gian hoạt động của mình hơi bị giới hạn, và đôi khi mơ ước một khung trời mới.

Thứ hai, đôi khi tôi cảm thấy mình bị thiệt thòi khi chỉ là một thông tín viên, không làm việc tại trụ sở của RFA, không được huấn luyện kỹ càng, chưa được biết không khí của một tòa soạn, hay phòng làm việc của một ban biên tập nó như thế nào, hay nhân viên được huấn luyện ra sao, nên rất muốn lọt vào một không gian như vậy cho biết.

Cái tò mò chết người

Dẫu sao, việc đi làm báo toàn thời gian, với tôi thuở ấy dường như là một bước quá dài, một phiêu lưu quá lớn…

Nhưng tôi cũng không cưỡng lại được sự tò mò của mình. Và chính sự tò mò chết người này đã đưa tôi vào ngã rẽ của định mệnh.

-Anh cứ nói Thiện Giao gọi phôn cho em để hai bên nói chuyện xem sao. Em cũng muốn hỏi Giao vài điều.

Phạm Phú Thiện Giao, chủ bút mới toanh của nhật báo Người Việt lúc đó, gọi tôi ngay ngày hôm sau.

Chúng tôi hẹn gặp nhau một buổi chiều cuối tuần cách đó vài ngày tại cà phê Starbucks ở góc Brookhurst và Edinger, ở thành phố Fountain Valley, gần Little Sài Gòn.

Thiện Giao, một người mà sau này tôi thấy là rất tinh quái và dí dỏm, lúc đó có thái độ thân thiện vừa phải, cho biết anh vừa rời RFA về nhật báo Người Việt để đảm nhận vai trò chủ bút, và đang thi hành sứ mệnh quan trọng đầu tiên của mình, đó là thành lập một đội ngũ phóng viên hoàn toàn mới.

Lúc đó là khoảng tháng 9 năm 2009. Sau này tôi mới biết nhật báo Người Việt khi ấy vừa trải qua một biến cố lớn. Sau một bất hòa nội bộ, gần như toàn bộ phóng viên và những cây viết khác của Người Việt trước đó khoảng một tháng đã bỏ đi để thành lập tờ Việt Herald, cạnh tranh với tờ Người Việt.

Thiện Giao cho biết khi còn ở RFA, anh có để ý những bài tôi gửi về, và biết tôi thường là người có breaking news. Anh nhấn mạnh đây là vị trí toàn thời gian, rằng anh gấp rút cần những “tay viết cứng” và “rành tiếng Anh” để làm phóng sự hay thực hiện những cuộc phỏng vấn, và nghĩ tôi là người thích hợp.

Những gì Thiện Giao tả nghe cũng hấp dẫn. Tôi bảo anh như thế. Thiện Giao nói vậy thì bước kế tiếp là mời chị vào tòa soạn để gặp sếp của anh là Luật sư Phan Huy Đạt, tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị thời đó.

Trong thời gian 3 ngày chờ gặp ông tổng giám đốc, tôi suy nghĩ rất nhiều.

Sứ mệnh “điền thế” của RFA thì tôi đã hiểu rõ. Thế còn sứ mệnh của một tờ báo địa phương ở nơi có tự do báo chí là gì? Tôi tự hỏi.

Như thường lệ, muốn biết cái gì thì tôi tìm sách đọc hay vào internet tìm trên Google. Tôi cần hiểu rõ thêm vai trò của báo chí để chuẩn bị thật kỹ cho cuộc phỏng vấn sắp tới, và biết mình nên quyết định như thế nào, nếu lỡ may, hay chẳng may, được nhật báo Người Việt đón nhận vào hàng ngũ của họ.

Những gì tôi đọc được về vai trò báo chí khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy mình như được truyền thêm biết bao cảm hứng.

Giờ mới hiểu vai trò của báo chí

Điều đầu tiên phải nói là mãi đến lúc đó tôi mới hiểu một cách thấm thía là tại sao Tu chính án thứ 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ lại bảo vệ quyền tự do báo chí (cùng một số quyền khác).

Phải có tự do báo chí thì báo giới mới mạnh dạn có những tường trình trung thực về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân, mới dám chất vấn những vị dân cử, hay phân tích, làm sáng tỏ những vấn đề gây tranh cãi mà không sợ bị chính quyền trù dập.

Điều làm tôi thích thú nhất là khi biết rằng, ở Mỹ, báo chí thường được mệnh danh là “quyền lực thứ Tư”, sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sở dĩ báo chí có “quyền lực” là vì tiếng nói của báo chí có thể tác động đến một số cơ quan, tường trình của báo giới có thể phanh phui bê bối của một số quan chức, những bài viết, phóng sự được phổ biến trên các phương tiện truyền thông có thể tạo ảnh hưởng đến các nhóm cộng đồng…

Úi chà. Báo chí có vai trò quan trọng thế cơ à? Ngay cả ở một đất nước có dân chủ như ở Mỹ chứ không chỉ ở những nơi có chế độ độc tài.

Dĩ nhiên, “quyền lực thứ Tư” của báo chí là thứ quyền lực không được ai bầu cho, nhưng quan điểm này phản ánh vai trò không chính thức mà được chấp nhận rộng rãi của các phương tiện truyền thông, trong việc cung cấp cho người dân thông tin mà họ có thể dùng để kiểm tra quyền lực của chính phủ.

Thông tin và kiến thức là một khí cụ mạnh mẽ. Và thông tin do báo chí cung cấp giúp người dân có quyết định sáng suốt về nhiều vấn đề, từ tài trợ cho trường học địa phương đến an toàn thực phẩm và dược phẩm, và tất nhiên, nên bầu cho ứng cử viên nào, tại sao.

Nhưng điều làm tôi hứng khởi nhất là câu: “Tự do báo chí là một quyền thiết yếu ở Hoa Kỳ và là nguyên tắc cốt lõi của nền dân chủ” thường được thấy đăng trên website của các tòa đại sứ Hoa Kỳ ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngày phỏng vấn với Luật sư Phan Huy Đạt, tôi thấy mình đã sẵn sàng cho mọi câu hỏi.

Cô này thành thật đấy

Đó là một buổi chiều ngày thứ Sáu. Tôi đến tòa soạn báo Người Việt đúng 3 giờ rưỡi, theo giờ hẹn.

Vừa bước vào quầy tiếp tân, tôi đã thấy tấm bảng lớn bằng đồng khắc những hàng chữ về Tu chính án thứ 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ. May quá, tôi đã đọc và thấu hiểu về lý do tại sao quyền tự do báo chí lại được đề cập đến trong tu chính án này.

Thiện Giao bước ra đưa tôi vào phòng ông tổng giám đốc, giới thiệu hai người. Lần này anh có vẻ hơi thân thiện hơn trước.

Phòng làm việc chứa đầy sách của Luật sư Phan Huy Đạt ở sâu tuốt bên trong tòa soạn. Ông nở nụ cười nhã nhặn, rồi mời tôi ngồi sau cái bắt tay.

Buổi phỏng vấn, đúng hơn là trò chuyện, không căng như tôi nghĩ.

Tôi được yêu cầu nói qua về thân thế, và nghề nghiệp của mình, những nghề không hề liên quan đến báo chí, được hỏi về kinh nghiệm và cảm nghĩ về thời gian làm việc với RFA.

Luật sư Phan Huy Đạt nói sơ về lịch sử của nhật báo Người Việt rồi hỏi tôi đã từng phỏng vấn những ai.

Tôi nói một loạt tên những nhà bất đồng chính kiến trong nước, LS Lê Trần Luật, LS Lê Quốc Quân, Tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ; Linh mục Nguyễn Văn Lý; các blogger như Mẹ Nấm, Điếu Cày, AnhBaSG; Trần Huỳnh Duy Thức… rồi thấy Luật sư Phan Huy Đạt kín đáo đưa mắt nhìn Thiện Giao, ánh nhìn như chứa câu hỏi.

Hình như mình chưa nói đến tên người ngoại quốc nào. Tôi chợt nhớ đến điều kiện phải “rành tiếng Anh” của Thiện Giao rồi nói thêm tên các cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, các chuyên gia phân tích chính trị như Giáo sư Carl Thayer, Giáo sư Jonathan London, nhà ngoại giao David Brown, Dân biểu Ed Royce, v.v…

Luật sư Phan Huy Đạt nở nụ cười:

-Hà Giang comfortable với tiếng Anh chứ nhỉ?

-Vâng, rất comfortable, nếu nói về viết thì có lẽ còn comfortable hơn tiếng Việt ạ. Tôi buột miệng.

-Chị này, em giới thiệu chị, đề cao chị với ông tổng giám đốc mà chị nói vậy. Thiện Giao cự nự.

-Thật đấy. Hà Giang luôn có mặc cảm là mình mới chỉ học xong trung học khi rời Việt Nam, nên trình độ tiếng Việt của mình chưa được hay ạ. Nhưng sẽ tiếp tục trau dồi…

-À, tốt. Cô này thành thật và khiêm nhượng đấy!

-Làm báo thì không phải là công việc làm cứ 8 tiếng một ngày, 5 giờ chiều là về, mà nhiều khi tình hình tin tức đòi hỏi phải ở lại trễ, Hà Giang thấy sao?

-Việc này thì không lo, Hà Giang từng làm việc cho những công ty startup dot.com, thành ra rất quen với việc đi sớm về khuya.

-Thế thì tốt lắm! Phan Huy Đạt gật đầu, nhìn Thiện Giao với nụ cười và ánh mắt hài lòng, rồi nói.

-Thôi 5 giờ chiều rồi, chúng ta mời Hà Giang đến phòng ăn đi.

Để đến phòng ăn ở ngay dưới bếp, chúng tôi phải bước qua phòng làm việc, khá lớn, của ban biên tập. Vừa đi Thiện Giao vừa giải thích:

-Ở đây vui lắm chị. Mỗi chiều thứ Sáu công ty có truyền thống đãi nhân viên ăn một món gì đó, vì thường thứ Sáu ban biên tập hay làm việc trễ.

Phòng ăn hôm ấy khá đông. Những chiếc ghế hai bên chiếc bàn dài gần kín người. Nhân viên, và khách chen vai thích cánh bên nhau. Mùi bún riêu thơm lừng trong căn phòng ấm. Tiếng bát đũa lanh canh.

Luật sư Phan Huy Đạt chào mọi người rồi giới thiệu tôi. Mặc cho tiếng nhường chỗ, mời ngồi, tôi cứ xớ rớ ở đầu bàn vì mải quan sát quang cảnh xung quanh. Tòa soạn hôm đó có vài người khách, hình như người vừa đến và ngồi bên phải là TS Nguyễn Đình Thắng, người tôi từng gặp trong những sinh hoạt cộng đồng.

Một người bưng tô bún riêu khói nghi ngút đến mời TS Thắng. Ông Đạt nhắc, à mang napkin cho anh Thắng nhé.

Thấy mọi người đảo mắt tìm. Tôi đưa tay chỉ vào chiếc kệ trong góc bếp. Napkin ở chỗ kia.

-Cô này tinh quá. Vừa vào bếp lần đầu đã thấy napkin ở đâu rồi. Đúng là mắt phóng viên. Luật sư Phan Huy Đạt nói.

Hôm ấy tôi được ăn một tô bún riêu thật ngon miệng. Không hiểu sao tôi nghĩ mình sẽ được offer job, dù sau cuộc phỏng vấn ông tổng giám đốc nói là họ “sẽ thảo luận” rồi cho tôi biết kết quả trong nay mai.

Vừa ăn tôi vừa lắng nghe mọi người nói chuyện, vừa nhìn quanh và vừa tự hỏi, mình có thể làm việc trong khung cảnh này không.

Tôi chưa bao giờ làm việc cho một công ty người Việt. Chẳng bao giờ ở sở làm mà nghe toàn tiếng Việt chung quanh thế này. Lại xúm xít nhau ăn bún, với mùi mắm tôm thoang thoảng nữa mới kinh chứ. Cảm giác thật lạ.

Nhưng tôi có linh cảm mình sẽ nhận việc, bắt đầu cuộc đời làm báo toàn thời gian, bước hẳn chân vào thế giới báo chí.

Một cuộc phiêu lưu lớn, cũng gần bằng ngày bỏ nước ra đi.

(Còn tiếp)

Xem thêm
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/tieng-goi-cua-rung-tham-toi-di-lam-bao-ky-3/

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights