DAVID LE
Tháng này, ngay tuần đầu tiên tình hình trong nước đã có nhiều sự kiện đáng chú ý.
Sự kiện hot nhất là việc nhà cầm quyền Việt Nam thông báo sư Minh Tuệ “tự nguyện dừng đi bộ.” Ai đã từng sống trong chế độ cộng sản thì biết sự “tự nguyện” này là sao rồi, khỏi nói nhiều.
Truyền thông trong nước thì đưa tin như vậy. Trong khi đó, một nhà sư tình nguyện đi theo sư Minh Tuệ lại kể chuyện rất khác với những gì truyền thông trong nước đưa ra.
Ông sư này kể: Giữa đêm 2/6 khi sư Minh Tuệ cùng 71 sư khác đang ngủ trong một lán trại thì có rất đông người ập vô lôi các sư lên xe! Riêng sư Minh Tuệ và một sư khác bị năm người đè xuống, sau đó dẫn ra xe. Sau đó, xe chạy hai hướng Bắc và Nam. Sau đó, người ta thấy hình ảnh sư Minh Tuệ “bị” làm căn cước công dân!
Nói một cách khác là nhà cầm quyền đã “giải tán” chuyện đi bộ của các sư vì có quá đông người đi theo, ủng hộ. Đối với nhà cầm quyền, chuyện gì mà “tụ tập” đông người là họ không yên lòng. Cho tới nay, dù rất cố gắng nhưng những người quan tâm đến sư Minh Tuệ đều không biết ông đang ở đâu!
Cuối tuần này, báo Nhân Dân, tiếng nói của Đảng, đã chụp cái mũ “phản động” quen thuộc của họ cho tất cả những ai lên tiếng bênh vực sư Minh Tuệ và khẳng định việc ông này “tự nguyện” không đi bộ nữa là đúng! Việt Nam mà, chuyện gì nhà cầm quyền nói là đúng, cấm sai!
Sự kiện thứ hai là “tin đồn” cựu nhà báo chuyên viết phản biện trên Facebook Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, nick là Oshin, tác giả cuốn Bên Thắng Cuộc, bị “mời đi uống trà” từ ngày 1/6. Facebook của ông đã đóng sau ngày đó và phone của ông không ai liên lạc được. Tin đồn này xuất phát từ một Facebooker thạo tin chính trị, chưa biết thiệt giả nhưng các đồng nghiệp của ông đã lên tiếng “ngợi ca” tay nghề của ông.
Ngày 7/6, truyền thông trong nước mới chính thức xác nhận ông đã bị bắt theo điều 331 của Luật hình sự. Lâu nay, người ta vẫn nghĩ Huy Đức được ai đó chống lưng và có thể, chính bản thân ông ta cũng nghĩ mình không thể bị bắt. Sau khi phát hành bộ Bên Thắng Cuộc, vạch trần một số mặt của chế độ cộng sản mà vẫn bình an không ai động tới có người cho rằng ông là “ăng ten” của chế độ. Nghĩa là người của chế độ nhưng giả vờ đứng ở phía đối lập nhằm để câu những người chống chế độ lộ mặt! Phải chăng Huy Đức là một người như thế? Và việc bắt bớ này cũng chỉ là một cách “giải nghi” để rồi…
Bị bắt một lượt với Huy Đức là luật sư Trần Đình Triển, một người cũng thường viết phản biện trên Facebook. Nên biết rằng, phản biện, đặc biệt là phản biện về chính sách, động chạm tới quyền lực của nhà cầm quyền là điều cấm kỵ, ngay cả nói bóng gió cũng không được! Và điều phải đến đã đến!
Tướng công an Nguyễn Duy Ngọc được điều về làm Chánh văn phòng trung ương Đảng. Nghe qua thì mừng cho ông này được lên chức nhưng thực tế thì ổng buồn như chấu cắn! Bởi tiếng là được lên chức song thực tế là cái ghế mơ ước của ổng đã vượt tầm tay. Sau khi ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước thì cái ghế Bộ trưởng công an đang rảnh và ông Ngọc là người sáng giá để ngồi lên ghế này.
Song trời bất dung gian…cái ghế đã lọt về mông người khác rồi! Làm Bộ trưởng thì còn mơ lọt vô những ghế cao hơn nữa chứ làm chánh văn phòng thì mơ chi? Bộ trưởng thì có quân tướng, súng ống, có thể xua quân rần rần rộ rộ đi bắt bớ, ăn bò dát vàng không ai dám có ý kiến còn làm văn phòng thì phải chờ xếp sai phái!
Sau khi ông Lâm rời ghế Bộ trưởng có hai tướng công an rời đi. Đó là ông Tô Ân Xô, đệ tử ruột của ông Lâm, về làm ở văn phòng chủ tịch nước và ông Ngọc. Và người vừa nhận quyết định ngồi lên ghế này vào ngày 6/6 là tướng Lương Tam Quang, đồng hương của ông Lâm. Cũng có lúc có tin rằng tướng Trần Quốc Tỏ, người được trao quyền “tạm” ngồi ghế khi ông Lâm rời chức. Người ta đồn rằng, nếu ông Tỏ lên chắc chắn sẽ có một trận huyết đấu trong nội bộ để trả thù cho cái chết của người anh là tướng Trần Đại Quang chết bất đắc kỳ tử! Song mọi sự lại khác đi rồi.Như vậy, những chiếc ghế được coi là “quan trọng” của nhà cầm quyền Việt Nam đều là người của quân đội và công an ngồi. Hai ghế thường trực ban bí thư và Trưởng ban tuyên giáo hiện do hai ông tướng quân đội ngồi. Dù muốn hay không người ta cũng phải thấy có cuộc “chiến đấu” ngầm cấp cao ở Việt Nam trong thời kỳ chuẩn bị đại hội sắp diễn ra vào cuối năm tới.
Và người quan tâm cũng nên hiểu là chính trường Việt Nam vẫn quyết tâm giữ “chế độ” bằng lực lượng trấn áp dù miệng luôn nói hòa bình, hòa giải!
Để ủng hộ thông điệp “tự nguyện” đang được lan truyền mạnh trong lúc này, tác giả xin tự nguyện thở dài…